Đâu cần phải hy sinh...

Đâu cần phải hy sinh...
0:00 / 0:00
0:00
GN - Những ngày này, tôi thường nghĩ và nhớ về ngoại. Ngoại lấy chồng sớm, sinh ra mười mấy người con. Sau khi chồng qua đời ở tuổi ngoài 40, ngoại đã ở vậy nuôi con, sống một mình đến khi rời bỏ cõi tạm ở tuổi ngoài 80.

Ngoại có hai người con gái đi Sài Gòn sống và lập nghiệp từ trẻ. Một dì lầm lỡ, sinh ra đứa con trai rồi mang về để ngoại nuôi. Một dì vì mâu thuẫn tài sản với dì Hai nên không về, bỏ đi biền biệt đến hôm nay. Ngoại cũng có một đứa con trai, vượt biên sang Đức rồi biệt tích, mãi đến khi gần 50 quay về tìm ngoại để ngoại đưa đi hỏi vợ, cưới xong rồi đưa lại sang Đức; cậu từng có 2 người con trai nhưng tôi đến giờ cũng không biết mặt họ, và cũng không biết con của hai người dì Tư, Năm...

Rồi ngoại cũng có những đứa con trai luôn dòm ngó miếng đất vườn ngoại đang ở; họ liên tục gây xung đột vì chuyện ấy dù ngoại đã chia đất ở và 4 công đất ruộng cho mỗi con trai, 3 công đất cho mỗi người con gái.

Đến giờ, nửa đời người đi qua, tôi thấy thương hơn vì sự bất hạnh của ngoại, như người ta thường bảo là không có hào con - không có phước được sự hiếu thảo của con cái. Nhưng những khi ở bên ngoại, tôi chưa bao giờ nghe ngoại than vãn, hay nói đến hai chữ “hy sinh”.

Người cậu lớn nhất ở Sài Gòn được thừa kế toàn bộ mảnh vườn ngoại đang ở nhưng ông dành tiền của mình mua mảnh đất to ở Bình Phước, lên đó trồng cây vui thú điền viên vì... ngán cảnh sống Sài Gòn, con cái không thuận thảo; trong khi ngoại già yếu ở một mình đến khi ngoại qua đời, ông về tiếp nhận gia sản... Vài người con gây nợ, ngoại phải cắt đất bán đi cho con trả nợ.

Đến giờ, nửa đời người đi qua, tôi thấy thương hơn vì sự bất hạnh của ngoại, như người ta thường bảo là không có hào con - không có phước được sự hiếu thảo của con cái. Nhưng những khi ở bên ngoại, tôi chưa bao giờ nghe ngoại than vãn, hay nói đến hai chữ “hy sinh”. Ngoại chỉ thường khuyên tôi ráng học, có nghề nghiệp lương thiện để mưu sinh. Có lần tôi hỏi, sao ngoại không đi thêm bước nữa vì có rất nhiều người quý mến ngoại, theo lời kể của dì Hai - ngoại nói: Con đông, ngoại sợ người ta về không thương nổi con mình, con mình sẽ khổ! Tôi cũng không quên dòng chữ viết bằng phấn trắng trên cánh cửa cây trong phòng ngoại: Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão!

Ngoại là con một điền chủ, là một cô giáo, biết cả chữ Nôm.

Với gia cảnh của bản thân, tôi thấm thía tấm lòng và cuộc đời của ngoại. Có người muốn tháo chạy khỏi sự vất vả của đời sống hôn nhân, xem gia đình là gánh nặng làm cho đời mình bất hạnh... họ xem người trong nhà là sự trì níu, hủy hoại giấc mơ hạnh phúc và phong lưu của mình...

Ở đời này, dù trong giềng mối thiết thân, cũng đều là sự gặp gỡ lại nhau trong dòng nhân duyên quả, ân đền oán trả theo cõi thế. Thế nên, có nhiều oán trái, hiềm hận bên cạnh những thương yêu, đỡ nâng diễm phúc.

Mỗi người đều có những nhân duyên quả riêng của mình. Đôi khi, trong khi thực thi những “vai diễn đời của mình”, chúng ta vin vào hai chữ “hy sinh” để làm khổ đau thêm cho mình và cho người. Phật dạy, hãy vượt lên sự luyến ái - với những đòi hỏi qua lại vị kỷ, hãy xem người thiết thân với mình là một ruộng phước để gieo mầm thiện lên đó, nâng đỡ chúng sanh khác, và thực ra là để dưỡng nuôi cho hạt giống thiện của chính mình. Như vậy, người ta sẽ không thấy mình khổ đau, bất hạnh với tình thương từ ái - tình thương bình đẳng, không an cứ trên bất cứ lý lẽ nào.

Nguyện mong tất cả chúng ta, người nam hay người nữ đều hạnh phúc và bình an với vị thế và hoàn cảnh của chính mình, không thấy mình đang phải hy sinh, hay chí ít là thấy mình hạnh phúc với sự hy sinh của bản thân!

Huệ Trần/Báo Giác Ngộ

Có suy nghĩ về vấn đề này, quý bạn đọc có thể chia sẻ qua mục BÌNH LUẬN bên dưới, hoặc chuyển bài cộng tác về tòa soạn qua email onlinegiacngo@gmail.com. Xin chào đón những chia sẻ của quý bạn đọc để mỗi sớm mai nhiều người được đọc, ngẫm về những điều tốt lành trong cuộc sống này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày