Đêm trăng thu

GNO - Chùa nghèo, mái lợp tôn, hệ thống tượng thờ cũng ít và khá đơn giản, nhưng vẫn mang lại một cảm giác ấm cúng khi ghé thăm. Tài sản lớn nhất của chùa có lẽ là cây bồ-đề cổ thụ, dễ chừng 5 - 6 người ôm không hết.

Nghe người xưa kể trước đây là khu đất cao nhất làng, chim chóc bay về khá nhiều. Chim ăn quả và để rơi hạt xuống bãi đất này. Cây đủ duyên lành và cứ thế ngậm nắng gió tự lớn lên, nên được người dân lập chùa thờ Phật.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1220 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1220 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Một ngày nọ, có vị sư già du ngoạn ngang qua, nhìn từ xa bắt gặp cây bồ-đề lớn vút cao, cành lá lao xao trong gió như vẫy gọi, thầy tìm đường vào thăm và vãn cảnh chùa. Thầy thương chùa nghèo, nhân dân cầu pháp nên xúc động ôm cây bồ-đề và khóc, và quyết định tạm dừng gót du tăng ở lại truyền pháp cho bà con.

Anh bạn tôi kể rằng mỗi buổi sáng, thầy thường rời chùa đi đâu đó không ai biết - và thầy trở về vào lúc cuối chiều với một bao tải đầy những cây dại trên lưng. Hỏi ra mới biết đó là cây thuốc. Thầy đi gom các loài thảo dược mọc hoang trong vùng lại, phơi khô, sao tẩm, làm thuốc chữa bệnh miễn phí cho dân.

Những ai đến xin chữa bệnh, sau một thời gian không chỉ thấy sức khỏe dần khá lên, mà tâm tính cũng ít nhiều thay đổi, thấy nhìn cuộc sống tích cực hơn, biết yêu thương gia đình và làng xóm hơn. “Hóa ra thầy không chỉ chữa thân bệnh, mà còn chữa cả tâm bệnh cho mọi người”. - Bạn tôi cười rạng rỡ.

Tôi đem theo những chi tiết thú vị từ câu chuyện kể của anh bạn, đạp xe tìm đến ngôi chùa xóm Thượng vào đúng ngày rằm Trung thu.

*

Khi tôi tìm được đến cổng chùa cũng là lúc trời vừa chạng vạng tối, bắt gặp hai chú tiểu đang lúi húi làm đèn ông sao - ngay dưới gốc bồ-đề cổ thụ. Tôi mang ít bánh nướng, bánh dẻo đã chuẩn bị sẵn vào lễ Phật, rồi quay ra cùng làm lồng đèn với hai chú.

Những chiếc đèn ông sao dần được hoàn thiện với những nan tre tự vót, năm cánh sao chắp nối từ giấy bóng xanh đỏ của giấy bọc oản, cùng một ít giấy bóng kính gói hoa, gói quà người ta bỏ đi, được chú tiểu Pháp Đăng lượm về.

Qua trò chuyện, tôi được biết chú Pháp Đăng 16 tuổi, quê mãi tận miền Tây. Vì gia đình quá nghèo, lại đông con, không muốn chứng kiến cảnh ba mẹ suốt ngày cãi vã vì mệt mỏi lo cơm áo cho cả 6 miệng ăn, nên chú bỏ nhà, lang bạt ra Hà Nội đánh giày kiếm sống, lấy gầm cầu vỉa hè, công viên làm nhà. Túc tắc với nghề, co kéo chú cũng đủ ăn. Nhưng một bữa tỉnh dậy, thấy toàn bộ đồ nghề và số tiền tích cóp bị kẻ gian trộm mất, chú không biết phải làm sao.

Có lẽ khi cái thiện trong mỗi con người bị tổn thương - nếu không đủ bản lĩnh làm chủ thì sẽ là cái cớ cho cái xấu ác trong lòng trỗi dậy. Chú Pháp Đăng cùng quẫn, tính chuyện lấy đồ của người khác để bù lại với số tiền mình đã bị lấy đi. Chú bị người ta bắt được, đánh cho gần chết. May lúc đó có vị sư già ngang qua, ào tới ôm lấy chú và xin người ta tha cho. Thầy dẫn chú về chùa, lấy lá thuốc đắp lên vết thương. Và chú ở lại luôn với thầy từ đó, đến nay đã gần 2 năm, phụ thầy chăm sóc chùa và làm thuốc cứu dân.

Chú tiểu còn lại tên là Pháp Như, 10 tuổi. Chú Pháp Như có cả bố và mẹ đều bị ung thư, chạy chữa bệnh viện đến kiệt quệ gia sản, bán cả đất cả nhà đi chẳng còn nơi ở. Trong lúc tuyệt vọng, nghe có người mách, mới bồng bế nhau từ Tây Nguyên ra đây xin thầy chữa bệnh.

Bệnh quá nặng, lại giai đoạn cuối, thầy cũng không làm gì được, chỉ kịp khai ngộ cho hai người đó sâu hơn về nhân quả, duyên nghiệp. Không biết họ giác ngộ được đến đâu, chỉ biết trong cùng tháng đó, cả hai vợ chồng lần lượt ra đi, nhưng thấy sự thanh thản hiện rõ trên gương mặt. Họ đều đón nhận sự ra đi của mình bằng một nụ cười, và xin gửi gắm con trai của mình cho Tam bảo.

Khi cuộc trò chuyện giữa tôi và chú tiểu Pháp Đăng vừa dứt thì vị sư già trở về cùng gần chục đứa trẻ khác. Từ dịp gặp chú Pháp Đăng gặp nạn giữa phố thì năm nào vị sư già cũng dành cả buổi chiều để đi gom các em nhỏ xa quê, không người thân, lang thang ngoài vỉa hè hoặc đi lượm ve chai, bán hàng rong, hoặc bán báo, đánh giày cùng về chùa để vui đón Trung thu.

*

Tôi với cuộn băng dính nằm chỏng chơ trên nền sân gạch và hào hứng dán mấy bức ảnh chú Cuội, chị Hằng, múa lân được in đen trắng trên khổ giấy A3 lên bức tường Tam bảo. Chợt nhìn qua khe gạch nhỏ vào phía bên trong, thấy vị sư già đang ngồi hì hụi dùng kéo cắt mấy vỏ lon nước ngọt thành từng sợi dọc dài, đặt trên nền gạch, dùng bàn tay ấn nhẹ xuống, thành hình lồng đèn. Khi đã cắt và tạo hình được gần chục chiếc, ông lấy dây buộc và treo từng cái vào những thanh tre, đặt vào bên trong những ngọn nến tròn hình khuy áo và châm lửa.

Một, hai, ba… Gần chục ngọn nến cứ dần được sáng lên, sáng bừng cả gương mặt vị sư già. Vẫn trong tư thế cúi xuống thắp nến, vị sư già cất tiếng: “Con dán tranh xong chưa, lại đây giúp thầy treo những lồng đèn này ra phía cửa Tam bảo với nhé!”.

Tôi giật mình khi biết thầy gọi tôi. Càng giật mình hơn khi thầy hỏi tiếp: “Vị Bồ-tát trẻ này, chú đến từ đâu?”.

“Dạ, bạch thầy! Con là Phật tử bình thường thôi ạ. Thầy gọi vậy con thấy xấu hổ lắm!”. - Tôi lúng túng.

“Ồ không, thầy không gọi sai đâu. Con đến đây với ý thiện lành, với trái tim muốn thắp lên điều gì đó ấm áp, yêu thương cho nơi này. Con người, thay vì nghĩ và làm những điều gây đau khổ cho người khác bằng những ý nghĩ, hành động mang thông điệp của tình yêu thương, muốn giúp đỡ người khác thì bất luận là ai, tuổi lớn hay nhỏ thì cũng đã là một vị Bồ-tát giữa đời thường rồi con”.

Tôi ngước nhìn thầy. Ánh trăng đêm rằm lọt qua vòm lá thưa, rọi xuống trên đỉnh đầu, trên đôi lông mày lốm đốm những sợi bạc của thầy và sáng lên.

Trong lúc tôi đang còn ngẩn ngơ tự vấn, thầy cười lớn: “Thôi nào con trai, trăng sắp lên cao tít rồi kìa. Con mang đèn lồng này ra cho các chú nhỏ rước trăng đi”.

Tôi mang đèn lồng ra sân trước cửa Tam bảo, thấy chú Pháp Đăng đang cho mấy em nhỏ xếp thành một vòng tròn. 3 em nhỏ nhất đứng đầu, cầm 3 chiếc đèn ông sao. Nhóm còn lại cầm đèn lồng từ vỏ lon. Chú Pháp Đăng thì cầm một cái vòng tròn xâu những vỏ nhôm từ các ngọn nến hình khuy áo đã cháy hết, và bắt đầu lắc qua lắc lại cho âm thanh lắc xắc kêu vang. Rồi chú cất lên một bài đồng dao qua chất giọng miền Tây, ngọt lịm: “Này ông trăng ơi. Xuống đây mà chơi. Có nồi cơm nếp. Có nệp bánh chưng. Có lưng hũ rượu. Thằng Khướu đánh đu. Thằng Cu gỡ chài. Cái Hai mang giỏ. Mẹ Đỏ bế em. Đi xem đánh cá. Cậu mợ ở nhà. Lấy lược chải đầu. Con trâu cày ruộng. Cái muống thả ao…”.

Hơn chục đứa trẻ đến từ những miền quê khác nhau, tối nay tụ hội dưới mái chùa nghèo, hào hứng rước đèn, múa ca. Chúng nắm tay nhau và mỉm cười như anh em trong một gia đình. Tôi chợt nhận ra ngôi chùa thực sự là một mái nhà bình yên, tưới tắm cho mỗi đứa trẻ tâm từ mang ánh sáng bậc Như Lai.

*

Khuya, tôi ngồi ngoài sân uống trà cùng sư thầy. Tôi thắc mắc với thầy rằng sao các ngôi chùa khác tôi đến, thấy bày rất nhiều tượng khác nhau trên cùng một ban (và thú thực tôi cũng không thể phân biệt được vị nào với vị nào trên một ban thờ Phật như thế, cùng với rất nhiều cành vàng cành bạc, điện đèn nhấp nháy), còn chùa này thầy chỉ để mỗi tượng Đức Phật bằng gỗ mít và 2 vị đệ tử của ngài ở hai bên. Tôi nhớ thầy chỉ nói ngắn gọn một câu rằng: “Đã là ban thờ Phật, thì cần biết lấy hoa điểm Phật, chứ không phải lấy Phật để điểm cho hoa”.

Và từ câu chuyện ấy, vị sư già chia sẻ cùng tôi nhiều điều hơn về Đức Phật. Tôi giật mình nhận ra hơn 20 năm qua, tôi đã tạc giữ trong lòng mình một vị Phật phù phép và không có thật. Tôi và bao thế hệ người Việt khác đến chùa là cầu xin đủ thứ, từ tiền tài, công danh, lợi lộc, thậm chí “xui” cả Phật và Bồ-tát trừng phạt người này người kia vì những oán thù cá nhân. Những vô minh cứ trượt dài như thế theo những gì phim Tàu dựng lên và các đài truyền hình tưới tẩm, để hôm nay nhận ra một điều thật giản đơn: Đức Phật là một con người biết sống vì số đông những con người.

Nếu nhìn lại cuộc đời tu hành của Đức Phật, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Ngài sinh ra ở dưới gốc cây, thành đạo và nhập diệt ở dưới gốc cây. Trong thời Đức Phật thì chưa có khái niệm chùa hay xây chùa. Có thể Ngài không muốn các đệ tử xây dựng chùa to chùa lớn để thờ ngài, vì với các bậc giác ngộ, đâu cũng là chùa, đâu cũng là tịnh xá. Sau này các chùa chiền, tự viện được xây lên nhằm hỗ trợ những người còn đang trên bước đường tu tập, giúp Phật tử có nơi quy hướng, kết nối, sinh hoạt, nhiếp tâm vào đó mà cầu nguyện, sám hối.

Vị sư già chia sẻ: “Đức Phật không có trong những tượng đồng, tượng gỗ chốn thiền môn nào đâu con, vì nếu chỉ ẩn nấp ở đó, chỉ ở trong chùa thì chẳng thể cứu độ được ai. Chỉ khi là một con người cụ thể, dấn thân vào cuộc sống, Ngài mới có thể gặp gỡ và hóa độ từng người. Thế nên, bất kỳ người nào ta và con gặp, trong trái tim của họ có thể phát khởi lòng từ bi, chuyển hóa được cái giận, cái ghét thành bao dung và yêu thương, không muốn làm khổ đau cho người thì cũng đều có thể là hóa thân của Đức Phật cả”.

*

Đó là những ký ức của tôi về mùa Trung thu của năm 2014 - khi còn là một cậu sinh viên trên giảng đường của Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội. Gần hai năm sau tôi biết tin toàn bộ khu đất ngoại thành heo hút ấy được giải tỏa để xây chung cư. Khi tôi quay lại thì ngôi chùa xóm Thượng không còn. Không ai biết vị sư già và hai đệ tử đi đâu.

Những mùa trăng sau đó, tôi vẫn giữ thói quen tìm đến, đón Tết Trung thu cùng các chú tiểu ở một số ngôi chùa, và tham gia các công tác hỗ trợ nhiều sự kiện ở các ngôi chùa khác nhau. Có những ngôi chùa nhỏ, lại cho tôi cảm giác bình yên, ấm áp như ngôi nhà lớn đầy ắp tình thương. Có những ngôi chùa lớn thật là lớn, có điều kiện xây dựng nguy nga, khách đến tham quan lễ lạy nườm nượp - nhưng hình như tôi không thấy Phật ở đó.

Đêm nay, tôi ngước nhìn trăng tròn trên đỉnh trời đêm. Ánh trăng lọt qua mấy vòm lá thưa, rơi xuống trên khuôn mặt. Nhớ lại lời chia sẻ năm xưa, rằng bất cứ người nào tôi gặp mà trong tim họ phát khởi lên tâm từ, muốn được giúp đỡ và mang lại những điều tốt đẹp cho người khác thì đều có thể là hóa thân của Đức Phật, tôi tự mỉm cười, thở ra một hơi thật dài và thấy lòng nhẹ tênh.

Phật trong ánh nhìn từ bi khởi niệm một tình yêu thương vô bờ bạn dành gửi tới những người xung quanh. Phật trong ý thức, trách nhiệm của mỗi người trên những tuyến đường khi tham gia giao thông, biết nâng niu sự sống hiện diện trong mình và không tạo tác cơ hội tước đoạt đi sự sống của bất kỳ một ai khác.

Phật trong mỗi chuyến xe bus - có bác tài lái xe điềm đạm, người soát vé luôn mỉm cười với ánh mắt từ hòa, và những người trẻ luôn chờ cơ hội để được nhường ghế ngồi cho một em bé dễ thương, một bà cụ hiền hậu, một người mẹ trẻ đang mang trong mình mầm sống bé xinh.

Phật trong một người bán hàng rong đẩy chiếc xe chở đầy hoa đi bên lề phải, thấy viên gạch đỏ nằm chắn ngang phía lòng đường, vội dựng xe lại, ươm ướm lúc làn xe thưa bớt vội nhặt bỏ lên gốc cây vỉa hè, giúp viên gạch nhỏ không phải là nguồn cơn gây nên những điều khủng khiếp vô tình đến với một ai đó.

Phật trong những giọt máu hồng của các bạn trẻ mỗi năm vẫn tự nguyện hiến tặng, trao đi để làm nên những mùa xuân ấm áp, hát bài ca tình người. Phật trong những chiến dịch tình nguyện thật tâm đến với người nghèo, người khuyết tật, không chỉ trao cho họ món quà về vật chất nhất thời rồi chụp ảnh đăng lên, mà thực tâm biết khơi gợi, tìm hiểu, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc họ đang đối diện mà từ đó khơi niềm tin, truyền cảm hứng sống tích cực để họ tự bước đi từ bóng tối đến gần hơn với ánh mặt trời.

Phật trong ý niệm về sự tri ân luôn thường trực về bất cứ điều gì ta đã - đang - và sẽ nhận được trên những lộ trình của cuộc đời: Từ những người sinh ra ta - cho ta cơ hội đến với cuộc sống này, những người thầy, người bạn đã đồng hành và vun đắp cho tâm hồn ta như trái chín ngọt thơm - đến một bác lao công, một người bảo vệ một nơi nào đó ta đến hay bắt gặp trên đường. Hai từ “cảm ơn” luôn cất cánh bay lên.

Phật trong những chuỗi ngày dẫu đầy giông gió của cuộc đời, ta chẳng than van oán hận điều gì, mà biết học cách ngồi xuống, tâm hồn lắng yên và nhìn thấy những hạt mầm của niềm tin đang khe khẽ cựa mình bật lên từ đá sỏi, trong căn phòng dẫu đầy bóng tối nhưng biết tự mình cầm khăn lau cho những bóng tối đó sáng dần lên. Lòng ta không là dao, cứa sâu thêm vào chính mình và những người có liên quan, chỉ khẽ khàng tự nhủ ta có thêm một cơ hội để hiểu người, hiểu đời và mình cũng không lặp lại những dấu chân gây đau khổ, muộn phiền cho người. Bởi tha thứ thì thư thái. Một lần từ bi với cuộc đời, là một lần chúng ta tự tạo cho mình một cơ hội để bình an.

Tôi không ôm giữ niềm nuối tiếc vì không còn được gặp lại vị sư già, cũng không còn tự vấn mình rằng chú tiểu Pháp Đăng giờ đang nơi đâu. Bởi tôi hiểu rằng: tôi đã gặp lại họ trong tất cả những chú tiểu, những vị sư có tình thương lớn như vị sư già năm xưa – những vị sư biết nói với mỗi chúng sinh rằng “Đức Phật là một con người biết sống vì số đông những con người”, biết đánh thức ngôi chùa lớn nhất là ngôi chùa trong chính mỗi chúng ta thức giấc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày