“Di chứng” của bạo lực

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong buổi chia sẻ trước lớp, một cậu học sinh lớp 7 trường làng đã nhiều lần nghẹn ngào, rơi nước mắt khi nhắc về những lần bị ba đánh. “Ba mình mỗi lần nổi nóng đều đánh tụi mình. Mỗi lần ông say rượu, tụi mình cũng thường bị đánh”, cậu kể.

Bị ba đánh nhiều lần, từ có cớ đến vô cớ, đến mức cậu nghĩ rằng “mình không phải là con đẻ của ba hay sao đó”. Từ nhỏ, đòn roi là thứ cậu học sinh đó phải chịu thường xuyên. Câu chuyện của cậu khiến tôi suy nghĩ hoài - lẽ nào một người ba lại không thể thương được con mình - cho đến khi có dịp lắng nghe chia sẻ của nhiều bạn trẻ trong thời gian làm tư vấn cho một tờ tập san văn chương học trò. Té ra, hiện tượng tương tự bạn mình vẫn tồn tại ở nhiều nơi, theo thời gian. Không phải bố mẹ nào cũng thương con đúng cách, có trách nhiệm đầy đủ với con. Đó là một sự thật. Và đó không chỉ riêng với trường hợp của cậu học sinh lớp 7 trường làng, thời tôi đi học.

Nhiều nghiên cứu cũng như các số liệu cho thấy việc trẻ bị bạo hành trong gia đình, từ thể xác đến tinh thần vẫn diễn ra ở nhiều mức độ. Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ước tính trung bình mỗi năm, cả nước có từ 3.000 đến 4.000 vụ bạo lực với trẻ em được các ngành chức năng phát hiện và xử lý. Trong khi đó, thông qua số điện thoại đường dây nóng 111 - là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê cho thấy: Trung bình mỗi tháng, các chuyên gia tư vấn của tổng đài đã tham gia tư vấn, can thiệp khoảng 200 - 300 cuộc gọi liên quan đến vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em. Số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.

Có một điều đáng chú ý, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, việc hạn chế di chuyển và các biện pháp cách ly khác kèm theo áp lực về xã hội, kinh tế hiện hữu... đã làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình, nhất là ở trẻ em và phụ nữ. Theo đó, chỉ tính riêng trong thời điểm tháng 4-2020 (khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội), Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp; trong đó, hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý.

Không chỉ có bạo hành gia đình, trong trường học, ngoài xã hội cũng có những vụ việc nổi cộm, thành hiện tượng cần lên tiếng. Chẳng hạn, cuối tháng 3, đầu tháng 4-2021, hai vụ việc đánh người đã xảy ra ở TP.HCM. Vụ thứ nhất là clip quay cảnh một người mặc sắc phục cảnh sát giao thông đánh người ở Bình Chánh do đối tượng thường tổ chức tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng. Vụ thứ hai là bảo vệ dân phố đánh 2 thiếu niên tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố (phường 14, quận 10, TP.HCM) vì bị bắt quả tang một vụ trộm.

Dư luận cảm thấy bất bình, tất nhiên không phải nhằm bảo vệ cho hành vi không đúng của người vi phạm mà để chống lại bạo lực từ phía người được giao nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên. Có thể thấy, bạo lực thường xảy ra giữa người có quyền và người yếu thế. Trong quan hệ người lớn người nhỏ trong nhà, đôi khi những vai vế lớn hơn tự cho mình quyền “hành hạ” người nhỏ.

Trẻ tuy nhỏ nhưng không phải không biết gì. Những ức chế và hình ảnh bị bạo hành đó sẽ được “lưu” lại, khiến trẻ sợ hãi, nhút nhát hoặc cũng hành xử bạo lực sau này. Trở lại với người bạn thời thơ ấu của mình, tôi thấy được hướng biến đổi theo cách thứ hai của bạn. Những nạn nhân của bạo hành sẽ hành xử bạo lực với người khác, trong đó có con cái mình.

*

Dù trong mối quan hệ nào thì việc hành xử đúng mực, bất bạo động cũng đưa tới những kết quả tích cực. Con cái (dù chưa ngoan), học trò (chưa giỏi), công dân (có những vi phạm pháp luật)… đều cần những áp chế về mặt luật pháp, nội quy, răn đe nhất định. Nhưng phía sau đó, rộng lớn hơn, lâu dài hơn phải là sự gia công bằng tình thương, uốn nắn, chuyển hóa bằng lòng từ bi, sự bao dung.

Ở nhiều nước, cảnh sát và người cai tù đã được hướng dẫn thực hành thiền định để giảm bớt áp lực, chuyển hóa những nội kết (nếu có) trong quá trình thực thi công vụ do tiếp xúc với quá nhiều đối tượng có năng lượng tiêu cực. Thực ra, khi có tập thiền, có định tĩnh thì kết quả trước tiên cho chính hành giả sự tươi mát bên trong. Năng lượng đó được nuôi dưỡng, lâu dần sẽ khiến người lớn, người nắm quyền lực có khả năng cảm hóa cao hơn.

Ai cũng hiểu, bạo lực để lại những hệ lụy không chỉ về mặt tinh thần, nhân cách với người bị mà còn cả với người trực tiếp sử dụng bạo lực.

Ở hai vụ nói trên, sáng sớm 2-4, Chủ tịch UBND quận 10 đã yêu cầu Chủ tịch UBND phường 14 tiến hành đình chỉ công tác với bảo vệ dân phố có hành vi bạo lực với 2 thiếu niên ở Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố. Trong khi đó, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, khẳng định các hành động bạo lực đối với trẻ em là vi phạm pháp luật. Cục đã đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp công an xác minh, truy cứu trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan.

Còn tại Bình Chánh, sau khi xác nhận 2 cảnh sát giao thông xuất hiện trong clip thuộc Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự, lãnh đạo công an huyện này khẳng định với báo chí: “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại, sai đến đâu, xử lý đến đó... Chúng tôi sẽ xử lý cương quyết chứ không bao che”.

Thực ra, trong ứng xử hàng ngày, có vô số cách để đưa đến đổ vỡ, gây tạo nỗi đau, mất mát cho mình, cho người. Tuy nhiên, người có quán chiếu nhân-duyên, hiểu rõ nhân-quả, thực hành phương pháp định tâm hàng ngày thì từ gia đình đến ngoài xã hội, sẽ bảo đảm tránh được tối đa những bạo lực. Từ đó kiến tạo bình an cho tự thân, gia đình, xã hội, góp phần xây dựng đất nước an hòa.

Ảnh tác giả

Trẻ cần được an toàn

Trẻ em cần được sống trong cảm giác an toàn ngay tại gia đình, nhà trường và xã hội. Điều 6 của Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có bỏ rơi, chiếm đoạt, bạo lực và lạm dụng trẻ em.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại các hình thức bạo lực do người lớn tin đây là quyền của họ và tin nó có tác dụng giúp con trẻ tiến bộ. Từ đó, trẻ em trở thành nạn nhân bạo lực bởi chính người được trao quyền bảo vệ, chăm sóc và nuôi dạy. Các em có thể là nạn nhân trực tiếp từ những hành vi bạo lực thể chất và lời nói hoặc là nạn nhân gián tiếp khi phải chứng kiến hành vi bạo lực của người khác. Dù hình thức nào thì trẻ em vẫn là người chịu tổn thương nhiều nhất. Các em sẽ bị ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể và tinh thần. Thậm chí nếu hậu quả nghiêm trọng, trẻ sẽ bị đe dọa đến tính mạng hoặc bị sang chấn dẫn đến những vết thương tâm lý không thể chữa lành. Nguy hiểm hơn, khi một đứa trẻ sống trong bạo lực thì lớn lên sẽ có thể trở thành người gây nên hành vi bạo lực. Vòng tròn ấy vẫn tiếp diễn nếu chúng ta không chấm dứt ngay từ khi nó bắt đầu.

Chỉ có người lớn với ý thức đủ đầy mới có thể thấu hiểu: tình yêu thương, sự tôn trọng và lòng tha thứ sẽ giúp cho trẻ em thực sự thay đổi và tiến bộ hơn mỗi ngày.

Thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi - Giám đốc Trung tâm Phát triển giá trị sống, giảng viên thỉnh giảng Học viện Cán bộ TP.HCM.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày