Di dời tượng đài Quách Thị Trang về lại địa điểm lịch sử

Tượng Quách Thị Trang
Tượng Quách Thị Trang
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khoảng 10 năm trở lại đây, trên phương diện quy hoạch và kiến trúc, TP.HCM có khá nhiều thay đổi, đặc biệt là ở khu vực trung tâm chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa - lịch sử, gắn liền với tiến trình phát triển của đô thị Sài Gòn - TP.HCM.

Điều này xuất phát từ việc triển khai nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, có vai trò quan trọng trong việc định hình diện mạo của một thành phố giữ vị thế trung tâm kinh tế của cả nước, theo hướng hiện đại, tiện ích. Trong số đó, đặc biệt phải kể đến tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, với tổng chiều dài 19,7km được khởi công vào năm 2008; riêng đoạn metro ngầm đi xuyên qua lõi trung tâm thành phố dài 2,6km được khởi công vào tháng 5-2017.

Để lấy mặt bằng phục vụ thi công đoạn ngầm tuyến metro số 1, giữa năm 2014, nhiều công trình mang tính biểu tượng, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân thành phố đã được tháo dỡ, di dời như công trường Lam Sơn, bùng binh Cây Liễu, cụm tượng đài Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang tọa lạc trước chợ Bến Thành. Bên cạnh đó, toàn bộ tuyến đường Lê Lợi và khu vực công trường Quách Thị Trang được rào chắn phục vụ thi công.

Cuộc dịch chuyển đặc biệt

Riêng với công trình tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang - vị Thánh tử đạo đã xả thân trong Pháp nạn 1963, ngay sau khi có thông tin di dời vào năm 2014, không ít Tăng Ni, Phật tử đã bày tỏ sự lo lắng về tình trạng của một công trình ghi dấu ấn trong tâm thức nhiều thế hệ, biểu tượng cho cuộc tranh đấu Phật giáo trước chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Chính quyền thành phố cũng đã thảo luận, trao đổi cùng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM lúc bấy giờ nhằm lựa chọn địa điểm khả thi để tôn trí tạm thời tượng đài Quách Thị Trang.

Năm 2014, khi công trình thi công tuyến metro số 1 bắt đầu được triển khai, nhiều ý kiến từ phía Tăng Ni, Phật tử thành phố đã thể hiện sự lo lắng trước việc di dường tượng đài Quách Thị Trang khỏi địa điểm lịch sử

Năm 2014, khi công trình thi công tuyến metro số 1 bắt đầu được triển khai, nhiều ý kiến từ phía Tăng Ni, Phật tử thành phố đã thể hiện sự lo lắng trước việc di dường tượng đài Quách Thị Trang khỏi địa điểm lịch sử

Ngày 19-8-2014, tại cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận chủ trì, phương án tạm di dời tượng đài Quách Thị Trang về Công viên Bách Tùng Diệp đã được thống nhất, thay cho 2 địa điểm được đề xuất trước đó là Bảo tàng TP.HCM và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (các địa điểm cùng thuộc địa bàn quận 1).

Nội dung cuộc họp cũng nêu rõ rằng khi hoàn thành việc xây dựng tuyến metro và quy hoạch chi tiết khu vực vòng xoay Quách Thị Trang, tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang sẽ được đặt lại về vị trí cũ. Toàn bộ những nội dung nêu trên được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Sau nhiều cuộc họp, đối thoại giữa chính quyền và Giáo hội thành phố để đi đến thống nhất phương án, ngày 17-12-2014, lễ cầu nguyện di dời tượng đài Quách Thị Trang cầu nguyện về an vị tạm thời tại công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) đã được thực hiện

Sau nhiều cuộc họp, đối thoại giữa chính quyền và Giáo hội thành phố để đi đến thống nhất phương án, ngày 17-12-2014, lễ cầu nguyện di dời tượng đài Quách Thị Trang cầu nguyện về an vị tạm thời tại công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) đã được thực hiện

Sau nhiều năm thi công, tháng 4-2020, khu vực công viên Lam Sơn đã được tái lập, chỉnh trang hài hòa, tạo ấn tượng tốt trong lòng người dân thành phố. Đến tháng 4-2022, sau gần 8 năm, đường Lê Lợi bắt đầu được đơn vị thi công tháo dỡ rào chắn, hoàn trả mặt bằng và theo kế hoạch dự kiến, mặt bằng trước chợ Bến Thành cũng sẽ được trả lại toàn bộ vào tháng 9-2022.

Trước thực tế đó, cuối tháng 5-2022, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập tổ công tác nghiên cứu phương án thiết kế đô thị tổng thể khu vực đường Lê Lợi, Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, công viên 23-9, nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành.

Khung cảnh về đêm nhộn nhịp tại khu vực bùng binh Quách Thị Trang với các tượng đài lịch sử trước khi được di dời để thực hiện thi công ga ngầm metro

Khung cảnh về đêm nhộn nhịp tại khu vực bùng binh Quách Thị Trang với các tượng đài lịch sử trước khi được di dời để thực hiện thi công ga ngầm metro

Trong đó, đáng chú ý là việc nghiên cứu di dời tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng đài Quách Thị Trang về lại vị trí cũ, đề xuất thêm phương án làm mới tượng Trần Nguyên Hãn bằng chất liệu bền vững hơn, nghiên cứu tỷ lệ kích thước bệ tượng và tượng cho phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành.

Với vai trò Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận 1, nơi có vị trí tọa lạc tượng đài Quách Thị Trang, Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM đã từng có lần nêu ý kiến việc nghiên cứu di dời tượng đài Quách Thị Trang từ Công viên Bách Tùng Diệp về lại vị trí cũ sau khi mặt bằng chợ Bến Thành được đơn vị thi công tuyến metro số 1 hoàn trả.

Trước kết luận được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra, Thượng tọa bày tỏ sự nhất trí và hoan nghênh đề xuất của chính quyền thành phố về việc tái lập không gian công trường Quách Thị Trang cùng cụm tượng đài lịch sử nêu trên.

“Tượng đài Quách Thị Trang là một di tích đặc biệt của Phật giáo thành phố nói riêng và lịch sử Phật giáo nói chung. Đây là công trình mang tính biểu tượng gắn liền với phong trào tranh đấu của Phật giáo năm 1963, hòa trong dòng chảy của lịch sử nước nhà. Việc tái lập lại không gian công trường Quách Thị Trang, di dời các tượng đài Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang về vị trí cũ có ý nghĩa rất lớn trong việc gìn giữ những giá trị của quá khứ để trao truyền cho các thế hệ mai sau”, Thượng tọa Thích Minh Quang nói.

Tượng Quách Thị Trang an vị tạm tại công viên Bách Tùng Diệp - Ảnh: Quảng Đạo

Tượng Quách Thị Trang an vị tạm tại công viên Bách Tùng Diệp - Ảnh: Quảng Đạo

Trả tượng đài về lại địa điểm lịch sử

Việc lên kế hoạch khôi phục các công trình mang ý nghĩa văn hóa - lịch sử đặc biệt tại khu vực trung tâm quận 1, sau khi được UBND TP.HCM công bố rộng rãi trên báo đài, đã lập tức nhận được phản hồi tích cực từ phía cộng đồng, đặc biệt là trong đại bộ phận cư dân thành phố.

Nhiều công trình, địa điểm tại trung tâm quận 1, dù chỉ mới được tạo lập, xây dựng vỏn vẹn trong khoảng thập niên 50 - 60 của thế kỷ trước, nhưng lại mang ý nghĩa riêng biệt, gắn liền với những biến cố lịch sử diễn ra tại đô thị miền Nam đương thời. Trong số đó, tượng bán thân Quách Thị Trang được xây dựng năm 1964, trước cả thời điểm tượng đài Trần Nguyên Hãn xuất hiện, trong hoàn cảnh, diễn tiến hết sức đặc biệt.

Tượng đài Quách Thị Trang và tượng Trần Nguyên Hãn đã trở thành biểu tượng đặc biệt trong lòng người dân thành phố
Tượng đài Quách Thị Trang và tượng Trần Nguyên Hãn đã trở thành biểu tượng đặc biệt trong lòng người dân thành phố

Quách Thị Trang sinh năm 1948, pháp danh Diệu Nghiêm, nữ sinh của Trường tư thục Trường Sơn, đoàn sinh Gia đình Phật tử Minh Tâm. Năm 1963, khi Pháp nạn xảy ra, Quách Thị Trang là một trong những gương mặt tham gia tích cực vào các phong trào tranh đấu của Phật giáo chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 25-8-1963, trong cuộc biểu tình của hơn 5.000 sinh viên, học sinh Sài Gòn tại khu vực công trường Diên Hồng trước chợ Bến Thành, Quách Thị Trang đã hy sinh khi lực lượng cảnh sát dã chiến tiến hành đàn áp.

Thi hài Quách Thị Trang sau đó đã bị cảnh sát chính quyền Sài Gòn bí mật đem về chôn tại nghĩa trang Tổng Tham mưu nhằm che giấu cái chết của chị. Tuy nhiên, sau đó, sự việc vỡ lở, học sinh sinh viên Sài Gòn đã tổ chức đám tang Quách Thị Trang một cách trọng thể nhằm phản đối hành động vô nhân đạo của chính quyền Sài Gòn. Khu vực công trường Diên Hồng sau đó cũng được người dân Sài Gòn gọi thành bùng binh Quách Thị Trang, hoặc công trường Quách Thị Trang, nhằm tưởng nhớ và tôn vinh chị.

Tháng 8-1964, Ban kiến tạo đài kỷ niệm Quách Thị Trang được thành lập do sinh viên Vũ Quang Hùng làm Trưởng ban, tiến hành quyên góp kinh phí xây dựng tượng đài. Trong vòng 1 tháng, việc tạo tượng bán thân Quách Thị Trang được họa sĩ Mai Lân hoàn tất. Tháng 9-1964, nhân việc sinh viên học sinh Sài Gòn tổ chức cuộc biểu tình chống “Hiến chương Vũng Tàu” của tướng Nguyễn Khánh, bức tượng bán thân Quách Thị Trang đã được bí mật di chuyển theo dòng người biểu tình đến vị trí mà chị đã hy sinh và xây dựng một cách nhanh chóng.

Mẫu biên nhận đóng góp xây dựng của Ban kiến tạo đài kỷ niệm Quách Thị Trang

Mẫu biên nhận đóng góp xây dựng của Ban kiến tạo đài kỷ niệm Quách Thị Trang

Đặc biệt, theo hồi ức của Vũ Quang Hùng: “Mọi việc diễn ra chớp nhoáng đến nỗi có người chưa kịp hiểu đoàn biểu tình dừng lại để làm gì thì tượng đã đặt xong!

Tượng dựng xong, có một số người quá khích muốn đập phá nhưng thật bất ngờ, anh em giang hồ chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối khi đó mang dao, gậy tới bảo vệ pho tượng suốt ngày đêm nên rốt cuộc tượng vẫn còn đó” 1.

Năm 1965, được sự chấp thuận từ phía chính quyền Sài Gòn, Hòa thượng Thích Mãn Giác (bấy giờ là giáo phẩm Thượng tọa) đã cho gắn tấm biển đồng “Liệt nữ Quách Thị Trang” trên bệ tượng. Kể từ đó cho đến nay, cái tên công trường Quách Thị Trang đã trở nên quen thuộc, in sâu trong ký ức của nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử và người dân thành phố.

Ảnh chụp tượng đài Quách Thị Trang vào năm 1965. Thời điểm này tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn chưa được xây dựng

Ảnh chụp tượng đài Quách Thị Trang vào năm 1965. Thời điểm này tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn chưa được xây dựng

Sau năm 1975, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã truy tặng liệt sĩ đối với nữ sinh Quách Thị Trang và chính thức lấy tên chị đặt cho khu vực công trường nơi chị đã hy sinh. Năm 1982, GHPGVN TP.HCM được thành lập. Từ đó, hàng năm, vào dịp lễ Phật đản, hoạt động dâng hương tưởng niệm các vị Thánh tử đạo luôn được tổ chức, duy trì tại các địa điểm lịch sử, trong có tượng đài Quách Thị Trang.

Việc di dời tượng đài Quách Thị Trang nói riêng và cụm tượng đài Trần Nguyên Hãn nói chung về lại vị trí cũ là một việc làm đáng hoan nghênh. Bên cạnh đó, thiết nghĩ, đây là thời điểm thích hợp để GHPGVN TP.HCM phối hợp cùng các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện công việc từng được một số vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo thành phố nêu lên trước đây, đó là nghiên cứu, thực hiện phương án thay chất liệu mới mang tính bền vững hơn cho tượng đài Quách Thị Trang.

Việc thay thế chất liệu bền vững hơn cho tượng đài Quách Thị Trang, cùng với công trình Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức được xây dựng vào năm 2007, sẽ góp phần vào việc khẳng định những dấu ấn quan trọng của Phật giáo trong chiều hướng bảo tồn, phát huy những giá trị đặc biệt gắn liền với sự vận động của lịch sử, tiến trình phát triển của thành phố.

-----------------------------------------

1 Vũ Quang Hùng, “Dựng tượng Quách Thị Trang trước mũi súng cảnh sát”, báo Pháp luật TP.HCM, tháng 4-2010.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày