Di tích quốc gia “có nguy cơ sập bất cứ lúc nào”

GN - Là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia được công nhận năm 2000, hiện các hạng mục của chùa Sắc tứ Trường Thọ, từ chánh điện đến nhà tổ đều đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo quản các hiện vật quý được lưu giữ trong ngôi cổ tự này, cũng như sinh hoạt thiền môn của chư Tăng và tín ngưỡng của Phật tử, nhất là trong lúc mùa mưa đang đến ở TP.HCM.

Giá trị lịch sử - văn hóa Sắc tứ Trường Thọ

Chùa Trường Thọ là một ngôi cổ tự thuộc phái Lâm Tế, hiện tọa lạc ở số 53/524 đường Phan Văn Trị (đường cũ là Nguyễn Văn Nghi), P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Hiện chưa biết người lập và năm dựng chùa, chỉ phỏng đoán là dựng vào thế kỷ XVIII. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Chùa Pháp Vũ ở thôn Hòa Mỹ không biết thuở trước ai lập. Năm Gia Long thứ bảy (1809), Hòa thượng Nguyễn Công Thắng trùng tu. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) chùa được sắc tứ Pháp Vũ tự”.

6tt.jpg


Chùa Sắc tứ Trường Thọ tại đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp

Kể từ khi thành lập cho đến nay, chùa lần lượt có tên là Vĩnh Trường, Trường Thọ. Chùa đã được trùng tu nhiều lần, gần nhất là năm 1994-1995. Diện mạo hiện nay là do đợt trùng tu vào cuối thế kỷ XIX.

Trong chùa Trường Thọ còn giữ được nhiều di vật cổ có giá trị, như tấm biển Sắc tứ Pháp Vũ tự được ban dưới triều vua Gia Long và Sắc tứ Trường Thọ tự được ban dưới triều vua Tự Đức. Tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít (cao 1,8m, không có bệ). Bộ tượng Di Đà Tam Tôn bằng gỗ (cao 0,9m, ngang 0,5m). Bộ tượng Thập bát La-hán bằng đất nung phủ sơn (cao 0,57m, đế cao 0,15m, ngang 0,43m). Bộ tượng Thập điện Diêm Vương bằng gỗ mít (cao 0,67m, ngang 0,33m).

Ngoài ra, trong chùa còn đại hồng chung từ thời vua Gia Long (cao 1,10m, đường kính 0,62m) có khắc 2 hàng chữ Hán nổi 嘉定城新平府平洋縣平治總和美村永祥寺檇夆(Gia Định thành, Tân Bình phủ, Bình Dương huyện, Bình Trị tổng, Hòa Mỹ thôn, Vĩnh Tường tự Tuy phong), và: 戊辰年九月二十六日 (Mậu Thìn niên cửu nguyệt nhị thập lục nhật).

3tt.jpg


Biển Sắc tứ Trường Thọ tự được ban dưới triều vua Tự Đức

Như vậy, chùa Vĩnh Trường có gốc ở thôn Hòa Mỹ, tổng Bình Trị, nay thuộc khu vực Thị Nghè, sau bị hư hỏng vì chiến cuộc, phải dời về địa điểm hiện nay ở đường Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp.

Theo lời ĐĐ.Thích Huệ Quang, trụ trì chùa Trường Thọ hiện nay, thì khuôn viên chùa trước đây rất rộng, có hàng rào tre bao quanh. Khi làm đường cái (trước đây là đường Gia Long, nay đổi thành Nguyễn Văn Nghi), đất chùa bị cắt ngang ra thành hai khu vực và khuôn viên chùa càng ngày càng nhỏ dần vì có các hộ dân đến xây cất nhà, chiếm đất. Trong vườn chùa trước đây có hai ngôi bảo tháp, bên trái là tháp của Hòa thượng Ấn Tông (đời thứ 37 dòng Lâm Tế chánh tông) và bên phải là tháp của Hòa thượng Tâm Thông (đời thứ 38 dòng Lâm Tế chánh tông).

Chùa có cả Đông lang và Tây lang nhưng nay chỉ còn có một dãy nhà hai lớp làm theo lối cổ truyền với cột kèo đơn sơ. Mỗi lớp nhà gồm có ba gian hai chái với 16 cột lớn và 8 cột nhỏ, chân cột có kê đá xanh. Lớp nhà trước là chánh điện, lớp nhà sau là hậu tổ, bàn thờ được thiết trí đơn giản.

Các cột kèo bị mối mọt, tường bị bong tróc theo thời gian

Người viết đến chùa vào những ngày nắng tháng Ba, dưới cái nóng trên 35 độ, ở trong khu di tích rất nóng do mái lợp bằng tôn ẩm thấp. Còn vào những ngày đầu tháng Sáu quay lại chùa, dưới cơn mưa không lớn của Sài Gòn, nước dột từ chánh điện đến nhà tổ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt trong chùa và các hiện vật có niên đại xưa.

Đại đức trụ trì cho biết chùa thường xuyên phải đóng cửa kín, chỉ tối vào giờ tụng kinh và những ngày lễ lớn của Phật giáo thì mới mở cửa. “Vì di tích đã xuống cấp rất trầm trọng, mái tôn hiện tại nếu vào mùa nắng thì nóng như ‘xông hơi’, mùa mưa thì dột. Còn các cây cột, mái kèo bị mối mọt ăn từ bên trong hết rồi, tường thì bong tróc… có thể sập bất cứ lúc nào nên sinh hoạt trong chùa cũng rất khó khăn, mà chùa có nhiều chú tiểu nhỏ nên cũng rất lo về sự an toàn cho Tăng chúng nội tự”.

“Khu vực này cũng không được an ninh, nếu mở cửa thì dễ bị mất trộm, có nhiều pho tượng nhỏ trong chùa, và phương tiện sinh hoạt hàng ngày bị mất. Hơn nữa khu vực bảo vệ II của di tích cũng đang bị lấn chiếm”, ĐĐ.Thích Huệ Quang chia sẻ.

Được biết trước đây, khi cố HT.Thích Tâm Giác sinh tiền, ngài ở một mình, khi đó chùa xuống cấp rất nghiêm trọng, mái ngói mục rớt xuống. Thỉnh thoảng có Phật tử vào chùa lễ Phật, Hòa thượng sợ ngói rơi trúng đầu Phật tử nên đã vận động người thân trong gia đình lợp lại bằng mái tôn, sơn lại một số tượng, một số cột chính ở chánh điện cũng được bao lại bằng xi-măng và làm lại cột kê.

Tuy nhiên, do trải qua thời gian nên hiện tại các hạng mục dù có tu sửa chắp vá như vậy đều đã xuống cấp. Ý thức được những giá trị văn hóa của di tích, Đại đức trụ trì cũng đã tìm hiểu các thông tin và giới thiệu cho Phật tử biết về những giá trị của di tích này. Cuối năm 2012, thầy đã làm đơn xin tu bổ di tích từ nguồn kinh phí xã hội hóa và được các cấp chính quyền địa phương hướng dẫn hỗ trợ tận tình, nhưng đang phải chờ quyết định từ cơ quan quản lý cao nhất là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Để giải quyết tình trạng đất di tích bị lấn chiếm, năm 2013, chùa đã nhận được văn bản chỉ đạo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM thu hồi đất bảo vệ di tích bị lấn chiếm, và hiện đang đợi chính quyền thực hiện.

Ngoài ra, còn có Công văn thỏa thuận chủ trương lập hồ sơ tu bổ di tích chùa Sắc tứ Trường Thọ số 3467/BVHTTDL-DSVH, ban hành ngày 2-10-2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Ủy ban Nhân dân TP.HCM có ý kiến về chủ trương thống nhất với đề nghị của Ủy ban Nhân dân TP về việc lập hồ sơ tu bổ di tích chùa Sắc tứ Trường Thọ để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

2s.jpg


Hệ thống cột kèo bằng gỗ tại chánh điện đã bị mối mọt, hư hỏng trầm trọng

Mấy mùa mưa nắng đã qua, dù đã có chủ trương, ý kiến của chính quyền cấp quận và thành phố nhưng chùa vẫn phải chịu cảnh chống chọi tạm bợ, vẫn phải chờ trong tình trạng thấp thỏm không biết bị sập lúc nào.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó phòng Văn hóa-Thông tin Q.Gò Vấp cho biết: “Phòng Văn hóa thường xuyên xuống kiểm tra và biết được trình trạng di tích, đang xuống cấp. Các giấy tờ liên quan đến di tích, Phòng cũng hỗ trợ để chùa nhanh chóng được tu bổ. Nhưng là di tích cấp quốc gia nên phải đợi quyết định từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch”.

Về vấn đề người dân lấn chiếm di tích, “dự định cuối năm nay sẽ giải quyết xong”, ông Lê Anh Tuấn xác nhận.

Mong rằng các cấp thẩm quyển sớm có quyết định về việc bảo tồn di tích Sắc tứ Trường Thọ, tránh tình trạng như nhiều di tích hiện nay ở TP.HCM và trên cả nước, khi sắp trở thành “phế tích” rồi mới thực hiện các biện pháp bảo tồn, tu bổ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.

Thông tin hàng ngày