Đi về phía mùa Xuân

GN - Mùa đông mới đi qua quá nửa thôi, vậy mà hoa mai đã sớm nở rộ trên cành. Năm nay thời tiết mùa đông đến giờ này vẫn chưa có đợt nào rét đậm, đột nhiên có những ngày oi bức giống như ngày nắng hạ, người ta bảo thời tiết thay đổi một cách lạ thường, chưa mùa đông nào như mùa đông năm nay.

SONG DAO-LE DAN.jpg

 Dù cho thời tiết có đổi thay bất thường, chương trình hành hương của đạo tràng Ngôi nhà an lạc chúng tôi vẫn dõng mãnh tiến bước về phía trước, luôn tin tưởng vào đại ý chí của Đức Thế Tôn mà không chướng ngại gì có thể cản ngăn. Tôi là một khách mời thường xuyên của đạo tràng Ngôi nhà an lạc, được hân hạnh tháp tùng trong những chuyến làm từ thiện hay hành hương cuối năm viếng thăm những ngôi chùa vùng sâu vùng xa (thuộc tỉnh Quảng Trị).

Ngoài những việc tụng kinh, niệm Phật, kinh hành hoặc ngồi thiền tại “chùa nhà” của một nhóm bạn tu cùng hành nghề bán buôn chạy chợ, cùng ở trong xóm nhỏ gần gũi thân thiết bên nhau; đạo tràng này đã biết dành dụm tiết kiệm riêng một khoản tịnh tài bé nhỏ để cùng chung tay ấn tống kinh sách (pháp thí), mua lương thực thực phẩm, tịnh tài (tài thí) cúng dường cho các ngôi chùa khó khăn ở vùng sâu vùng xa, hoặc những chuyến đi giúp học sinh nghèo. Được đi những chuyến đi thú vị như thế này, tôi không thể không ghi chép đôi điều thấy biết về việc làm tuy không lớn lao nhưng rất nghĩa tình của những người con Phật, dù không giàu có gì nhưng hạnh Bố thí Ba-la-mật của họ đáng ghi nhận.

Phật tử trong đạo tràng thường nói với nhau:“Chắc tại chúng ta ngày xưa hay nghi ngờ Phật, thường bỏ về khi Phật nói kinh Pháp hoa; nay hối hận vì đã không theo Phật ngày trước, nên bây giờ phải tự học hỏi với nhau…”. Trong số đó chắc cũng có tôi cho nên mới lêu lỏng lang thang đến bây giờ, ngụp lặn giữa chốn ô trược Ta-bà đầy nghiệp chướng phiền não này. Trong kinh Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, chúng Tăng khó gặp, tín tâm khó sanh, sáu căn khó đủ, bạn tốt khó gặp”. Chúng tôi từ vô thỉ thường bị vô minh che tâm tánh, phiền não chướng ý thức, thấy hình tượng Phật không hết lòng cung kính, xao lãng kệ kinh, phung phí tuổi xuân theo những thói đời thường thất tình lục dục. Nếu không quay trở lại nghe Chánh pháp, không hết lòng tinh tấn tu hành, thì sau này sẽ bị trầm luân trong khổ đau phiền não, không biết ngày nào ra khỏi. Cho nên lòng tự nguyện với lòng chí thành xin sám hối, mau chóng tìm về tựa nương dưới chân Như Lai tu tập hành trì đạo mầu của Đức Từ Phụ và thực hiện chí nguyện bố thí cúng dường.

Chí nguyện ấy đã được đạo tràng cụ thể hóa bằng những chuyến hành hương đến chùa Diên Thọ, chùa Quang Viên, chùa Diên Bình, chùa Liên Hoa, chùa Diên An, tịnh xá Ngọc Hà, chùa Châu Quang, chùa Hà Lợi, chùa Cao Xá, chùa Tân Xuyên và ngôi chùa sau cùng đạo tràng chúng tôi hành hương đến là chùa Phường 4 nằm trên Quốc lộ 9. Chiếc xe chở gần 30 người trong đạo tràng, mang phẩm vật cúng dường gồm có gạo, dầu ăn, mì chay, xì dầu… cùng rất nhiều kinh sách ấn tống cho những ngôi chùa này. Điều đặc biệt nhất trong chuyến hành hương này là khi xe chúng tôi vào chùa Phường 4 trên Quốc lộ 9 thì thấy Sư cô Minh Huy đang cho gà ăn. Thật kỳ lạ! Chùa này có nuôi gà? Câu hỏi đặt ra trong đầu tôi. Khi ngồi hàn huyên tâm sự, sư cô đã đem chuyện con gà trống kể cho cả đạo tràng chúng tôi nghe về “Kiếp trước của con gà trống”.

Con gà trống này vốn là của một anh thanh niên nhà ở gần chùa. Cách đây gần một năm, anh ta đem con gà trống “kỳ lạ” của nhà mình đến nhờ sư cô nuôi dưỡng. Anh ta kể vào ngày giỗ bố, anh mua con gà trống này về nhốt lại định mai giết thịt làm cỗ cúng bố. Nhưng tối hôm đó anh mơ thấy bố anh về báo mộng: “Đừng giết ta! Ta là bố của con đây! Ta bị đầu thai làm kiếp gà, con hãy gửi ta vào chùa để ta được nghe tụng kinh niệm Phật, sớm được siêu thoát”. Anh choàng tỉnh và bàn với vợ đem chú gà trống lên chùa gửi sư cô thay anh chăm sóc dưỡng nuôi giúp như trong điềm báo mộng, và sư cô đã nhận lời.

Ngày ngày quý sư cô trong chùa thay nhau cho chú gà ăn và chăm sóc chú như con người. Chúng tôi tiến lại gần thì nó đứng yên, không tỏ ra sợ sệt. Chúng tôi nói bâng quơ vài câu hỏi chào với nó, chừng như nó hiểu được đôi chút nên gật gù nhìn chăm chú vào chúng tôi.

Sư cô cho biết, hàng ngày vào thời kinh công phu, cúng ngọ, cúng cháo, cúng quá đường; chú gà trống đều có mặt đứng lặng lẽ bên hiên chùa chăm chú nghe kinh như thể hiểu được điều kinh muốn nói. Có lẽ chú cũng rất muốn vãng sanh để chuyển nghiệp thoát khỏi kiếp gà.

Nói đến tiền kiếp hậu kiếp, tôi nhớ có một câu chuyện xưa kể rằng, vào triều đại nhà Lương ở Trung Hoa, có Thiền sư Chí Công là một bậc cao tăng. Sử sách không ghi chép lại song thân của thiền sư là ai, nhưng người ta thường hay truyền tụng với nhau rằng: Một hôm nọ, có người phụ nữ nghe tiếng khóc của một hài nhi trên cành cây cao. Cô ta trèo lên, thấy một hài nhi nằm trong tổ chim ưng, bèn đem hài nhi về nuôi. Tuy thân thể hài nhi này hoàn toàn giống như người nhưng những móng tay, móng chân giống như móng chim ưng. Không biết cha mẹ ngài là ai, chỉ biết ngài sinh ra trong tổ chim ưng nên mọi người đều phỏng đoán ngài được sinh ra từ trứng chim ưng. Khi trưởng thành xuất gia tu đạo, ngài chứng được ngũ nhãn lục thông.

Thời ấy vua Lương Vũ Đế cũng như mọi người đều rất kính trọng và tin phục các thiền sư, bất luận họ gặp những việc trong đời sống như cha mẹ qua đời, cưới hỏi, sinh con… họ đều cung thỉnh quý thiền sư đến để tụng kinh chú nguyện. Một hôm có một gia đình giàu có thỉnh Thiền sư Chí Công đến để tụng kinh chú nguyện nhân dịp đám cưới người con gái của họ, đồng thời thỉnh ngài ban vài lời chúc phúc để mong rằng trong tương lai, việc hôn nhân đều được tốt lành như ý. Thiền sư Chí Công đến nhà ấy, khi nhìn thấy cô dâu chú rể, ngài liền nói: “Thật cổ quái! Cháu mà cưới bà nội!”. Thật kỳ lạ khi nhìn một đứa cháu cưới bà nội mình làm vợ (tiền kiếp của người vợ này là bà nội của người cháu hiện tại). Nếu không thông đạt những nhân duyên trong thời quá khứ thì không thể nào lý giải được những mối quan hệ cha con, mẹ con, vợ chồng, anh em bạn bè của nhau, vì mọi người đều có thể là cha hoặc con của nhau trong đời trước, hoặc mẹ và con gái của nhau trong đời trước, hoặc ông nội hay ông ngoại trong đời trước kết hôn với cháu gái. Tất cả mọi việc đều có thể xảy ra và chịu sự biến hóa không ngừng. Thiền sư Chí Công đã lý giải khi bà nội mất, cầm tay đứa cháu nội nói: “Bà rất lo cho cháu, bà chết không nhắm mắt được!”. Nói xong bà ra đi, mắt vẫn mở. Thần thức của bà còn lo âu, khi đến gặp Diêm Vương, bà than khóc thưa rằng: “Tôi còn đứa cháu nội không ai chăm sóc”. Diêm Vương đáp: “Được rồi, bà hãy trở lại dương gian chăm sóc cho nó”. Tức khắc bà được đầu thai trở lại, khi đến tuổi thành hôn, bà đã lấy đứa cháu nội trước đây của bà ta. Chỉ vì một niệm luyến ái không buông xả được mà tạo nên biết bao duyên nghiệp buộc ràng về sau. Bà ta chỉ bận tâm vì đứa cháu mà về sau phải làm vợ nó, đây chẳng phải là chuyện kỳ lạ có thật sao?

Có thể hiểu được con người đều có sự quan hệ với nhau tương ứng với nhân đã tạo tác ra, nhưng để có được ngũ nhãn lục thông, thấy biết được như Thiền sư Chí Công thì rất khó, thế gian này đạt thành quả vị như ngài hỏi được mấy người? Nhưng chắc chắn một điều là cái nhân đã tạo ra ở đời trước sẽ tạo thành quả đời này và nhất định có liên quan đến bà con quyến thuộc của mình. Hiểu được như vậy thì hy vọng mọi người gắng sám hối tội lỗi từ vô thỉ, gắng tu tập hành trì để chuyển nghiệp tươi sáng hơn.

Mùa xuân gần kề với niềm tin sức sống mới. Hãy tu để chuyển nghiệp! Đức Phật đã dạy như vậy! Bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể tu được, phải tự mình tu thôi, ai tu nấy chứng, không thể tu thế được. Đạo tràng Ngôi nhà an lạc chúng tôi cố gắng hành trì tu tập tụng kinh niệm Phật; ngoài ra mọi người còn biết dành dụm chút tiền nhỏ bé để cúng dường, để làm từ thiện, để “bòn” chút phước đức quả ngọt đời sau…

Không ai bảo ai nhưng chúng tôi đều tự nghĩ rằng, chuyến xe hành hương của chúng tôi đang đi về phía mùa xuân.  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày