Điều mẹ cho con

Mẹ con - Ảnh minh họa
Mẹ con - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Nghe tin lốc nhà của tôi bị phong tỏa, sau rất nhiều lô khác, mẹ tôi sụt sùi: Rồi làm sao con? Thì làm như mẹ thôi! Mẹ cũng đang bị giăng dây mà, có phải mình con đâu? Mẹ con mình đâu thể làm gì cho nhau đoạn này ngoài việc “gìn vàng giữ ngọc”.

Quả thật, đang gần nhau mà bỗng chốc xa xôi mịt mù. Mà có biến động gì cho cam, trước ngày có quyết định phong tỏa, cả gia đình chúng tôi đều gần như ở yên trong nhà, thảng hoặc mới ra ngoài những khi cần thiết. Dẫu vậy, khi thực sự nhìn thấy những chiếc ghế đá chặn ngang lối ra vào hai đầu chung cư, cao hơn là một sợi dây giăng chiếu lệ, thang máy thì bị khóa tầng hầm, cảm giác thật kỳ quặc.

Gần như một cơn sốc nhẹ, một niềm tuyệt vọng ập tới. Chỉ là một hai sợi dây giăng trước cửa, sao có thể làm chúng ta suy sụp, thật kỳ lạ! Và rồi khi quay lưng đi lên lại nhà, tôi ngồi nghĩ: “thực ra thì có dây hay không dây thì cuộc sống của tôi đâu có khác gì, vậy tại sao tôi (chúng tôi) lại sa sút tinh thần đến vậy. Có phải mọi sự chỉ là cảm giác của mình không? Nếu không là cảm giác thì là gì? Nếu là cảm giác thì sao? Thì những sợi dây vẫn còn đó, nhưng cảm giác sợ hãi hay hoảng loạn sẽ thay đổi. Nhất là khi ta nhận ra được bản chất của vấn đề (nếu đó là vấn đề).

Lòng vòng nghĩ ngợi một hồi lại thấy những giọt nước mắt của má mình hẳn không phải là vô cớ. Theo đúng lịch thì giờ này tụi nhỏ đang nghỉ hè ở quê ngoại, nhưng chưa kịp tổng kết năm học thì tất cả đã rục rịch với những chuyển động của “cô vy”. Rồi một cuộc hội ý đã được đưa ra rằng nên về hay nên ở. Về thì mấy đứa nhỏ có thể sẽ an toàn hơn, nhưng rồi nếu lỡ có chuyện gì thì, không biết phải làm sao. Vì vậy cả nhà thống nhất quyết định ở lại cùng nhau.

Chẳng cần đi đâu xa, ngay mùa giãn cách này, ít nhất tôi cũng đã chứng kiến hai người bạn phải một mình vô khu cách ly để con nhỏ lại nhà. Nghĩ mà thương, thương cả con lẫn mẹ. Hồi chưa giãn cách toàn xã hội, thỉnh thoảng nghe má “méc: Thằng Tư con Út nó gọi về hăm má; dặn ba mẹ tuyệt đối ở nhà, hết sức giữ gìn sức khỏe vì ba mẹ mà có bề gì tụi con không có về được đâu. Có về được thì khi ra khỏi khu cách ly, cỏ cũng đã xanh rồi. Nghe hăm he lên giọng vậy thôi; má cười khành khạch, còn con thì lấy tay lén quệt nước mắt. Đầu điện thoại bên kia cười vậy thôi chớ thấy lật đật cúp máy là biết ngay cũng đang giấu nước mắt vào trong (mà không thành công). Má dù sao cũng chỉ lo một bề con.

Những người “một bổn hai ba quê” vừa là con vừa là mẹ, lòng hẳn đang bời bời như bão nổi. Vừa lo con nhỏ vừa lo mẹ già. Mà cách ly nối tiếp cách ly, giãn cách tiếp tục giãn cách, chưa hết hạn cách ly đã nghe có tiếp F0. Lo mãi, căng thẳng mãi cũng chán. Đúng là cảm xúc (không riêng gì cảm xúc), cái gì có sinh thì có diệt là thật. Hẳn “cô tên Vy” gì đó cũng thế. Không biết là mình tự AQ hay lại đang vướng vào toxic positivity (lạc quan độc hại), nhưng hẳn cô ấy cũng không thể thoát khỏi quy luật sinh diệt của vũ trụ.

Có điều chờ cô ấy mỏi mòn mà cô ấy cứ mãi nhởn nhơ, không có dấu hiệu thoái lui. Vấn đề chỉ còn là thời gian và độ “lì” hay chữ “nhẫn” của chúng ta. Hiếm khi nào ta có thời gian nhiều như đoạn này, nếu cô ấy muốn ta thực hành hạnh kham nhẫn thì ta sẽ thực hành. Mỗi ngày chúng tôi đều tìm cách đánh lừa bộ não. Thay vì phải ngậm bút chì trong miệng để làm như mình đang cười, tôi chọn cách tự trào hoặc bóp méo câu chuyện theo một cách hài hước nào đó để những tiếng cười có thể cất lên.

Những bữa ăn vội vàng mọi khi được khuyến khích thành “ăn chậm, nhai kỹ”. Cô Út người hay để những cái note đáng yêu khắp nhà được mọi người đặt hàng “những tranh cổ động” với những câu trích dẫn hay những thông điệp dễ thương để mọi người có thể khích lệ mình. Mỗi người sẽ được đặt hàng một bức. Anh con trai ưa vận động thì lên lịch và đưa bài tập cho cả nhà. Anh còn nghĩ ra cái trò chơi giấu đồ cho đỡ chán. Ví dụ ba ưa cầm điện thoại sẽ bị giấu điện thoại đâu đó trong nhà. Ảnh tình nguyện để mọi người giấu iPad, vật bất ly thân của mình. Chị Bột sẽ bị giấu sách vì chị ấy có thể sống thiếu điện thoại chớ không thể thiếu sách nên ít vận động kiểu gì chị ấy cũng phải đi tìm cuốn sách.

Mẹ, vốn là một kẻ ưa cà khịa bèn nhân trò chơi để ghẹo: Vậy thì các con giấu ba chỗ nào đi. Tìm ra hay không ra ba thì mẹ cũng lời! Trời, mẹ gian quá! Nhờ vậy, những tiếng cười lại có dịp cất lên. Và bà mẹ “cơ hội” bèn nhân lúc mọi người đều vui bèn nhờ vả: Hay mình dọn cái bàn này lên cho phòng khách rộng chút, chí ít thì cũng có chỗ để cùng xem tivi chung. Mọi người vui vẻ dọn cái bàn rồi đến cái ghế, rồi đến cái cây treo đồ…

Giờ thì phòng khách đã có chỗ để tụ tập, mọi người trong nhà không còn mỗi người “hùng cứ một phương cùng với sĩ “màn hình phẳng” của mình nữa, ít nhất là một vài ngày. Rồi ta sẽ lại bày keo khác để chơi. Trong đó có trò mở tủ lạnh tự chọn nguyên liệu và làm một món ăn bất kỳ, để phòng khi có chuyện gì con cũng học được cách nấu vetula (vét tủ lạnh). Ở tuổi các con mẹ chỉ hy vọng đến đó thôi. Mẹ không dám nghĩ thêm vì ai mà biết được ngày nào tủ lạnh sẽ trống không còn gì để vét, thậm chí tủ lạnh cũng không còn để mà trống. Hoặc có ngày không còn (người) để vét. Có thể lắm chứ, ai mà biết được điều gì. “Cô vy” không thể ra khỏi quy luật sinh diệt và cô “người” cũng thế!

Cô “người” may mắn hơn (nhờ những thuận duyên mà được làm người) nên may mắn biết đến Pháp, biết Phật, biết đến Tăng. “Cô vy” là một đại dịch, một nghịch duyên, là một nỗi hoảng loạn lớn lao nhưng ở khía cạnh nào đó “cô ấy” đã dạy cho chúng ta học cách quán chiếu cuộc sống, nhắc chúng ta về lẽ vô thường và thân người hiếm quý! Không phải vậy sao? Và đây chính là thời điểm vô cùng thích hợp để học cách quán chiếu cuộc sống, để suy gẫm và cả tìm phương thức nào đó để có thể làm một người gieo hạt. Tôi rất muốn thay bằng hình ảnh một shipper, giao món hàng này cho chính những đứa bé trong gia đình, nhưng tôi không chắc mình đã có hàng hay vẫn chỉ là một người đang kiếm tìm và xoay xở. Nhưng thôi, khi ta đã gieo một niệm thanh tịnh, chắc là một cây thanh tịnh nào đó sẽ mọc lên. Rồi bọn trẻ sẽ hiểu nỗ lực giao hàng của mẹ chúng trong cuộc tồn sinh này.

Như tôi đã hiểu tình thương và nỗ lực của mẹ tôi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày