Yogadarshana của Patanjali 1 xem bất bạo động là một trong năm phẩm hạnh (yama) quan yếu, cùng với lẽ phải (satya), không trộm cắp (asteya), thanh sạch (brahmacharya) và không sở hữu (aparigraha), tất cả cần thiết cho việc đào luyện tâm linh. Cũng cho thấy rằng khái niệm năm phẩm hạnh này có mặt trước các kinh Yoga của Patanjali. Và chính Đức Phật và Mahavira đã nhấn mạnh uy lực tối cao của bất bạo động bằng việc tuyên thuyết rằng bất bạo động là pháp cao tột (ahimsa pramo dharma).
Theo các kinh Yoga của Patanjali, người ta có thể đạt được phép mầu bằng bất bạo động. Tất cả mọi hận thù sẽ chấm dứt tồn tại xung quanh một người mà bất bạo động được thiết lập một cách vững chắc nơi đời sống của người ấy. Chúng ta tìm thấy khái niệm không hận thù (nirvaira) được nhấn mạnh lặp đi lặp lại trong những giáo thuyết của Đức Phật và Mahavira. Lòng từ (maitri), ở khía cạnh tích cực của nó, được đặt ra như một mục đích cao thượng. Trong khi triết học của Mahavira nói đến lòng từ với tất cả mọi loài sống và không thù hận với bất cứ một ai, Đức Phật mong đời sống các sứ giả của Ngài, các Tăng Ni, là một cuộc hành trình của lòng từ (maitavihar). Không bạo lực, được đưa vào trong hành động, có nghĩa là từ bi với tất cả và không hận thù một ai.
Triết học của Kỳ-na giáo như được Mahavira và 20 vị tiên tri (tirthankara) trước ngài thuyết giảng có một quan niệm chung về anekant, mà nó cho rằng có một phần chân lý ở trong mọi hệ tư tưởng và không ai có quyền tuyên bố mình là kẻ duy nhất nắm giữ chân lý. Điều này có thể giúp hình thành nên cơ sở cho một tiến trình hòa giải các xung đột về ý thức hệ, những thể cách sống và văn hóa v.v... Không có một phương pháp hòa giải, việc chấm dứt xung đột và chiến tranh là không thể. Có một câu nói thú vị ở trong kinh Vệ-đà về chiến tranh: Mam satyam yuddham - khi mọi người bắt đầu tuyên bố rằng chỉ riêng mình có chân lý, chiến tranh xảy ra.
Từ bi (karuna) và Trung đạo là điều cốt tủy của giáo lý Đức Phật. Không có từ bi thì không thể có công bằng xã hội. Lòng từ bi là phẩm tính của trái tim và năng lực chính yếu của công bằng và hành động đúng đắn mà nó mang đến sự chuyển đổi xã hội, hòa hợp và an bình. Tránh hai cực đoan và đi theo con đường trung đạo giúp cá nhân và xã hội thiết lập hòa bình cho bản thân và cho cuộc đời.
Bất bạo động, một phần cốt tủy trong đời sống của những người kiếm tìm tâm linh, những thánh nhân và những nhà tiên tri, được Thánh Gandhi mang từ những hang động Tuyết Sơn về và áp dụng vào trong cuộc đời. Nó trở thành một thứ vũ khí hùng mạnh chiến đấu cho sự tự do của Ấn Độ, chống lại đế quốc Anh. Nó cũng trở thành một phương tiện mạnh mẽ mang lại sự thay đổi xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một khái niệm tâm linh như bất bạo động được áp dụng để giải quyết những vấn đề khác nhau của con người trần thế. Đây là một đóng góp phi thường của Gandhi cho cuộc đời, bằng việc đưa ra những tư tưởng mới để phát triển một loại chính trị bất bạo động, kinh tế bất bạo động và một trật tự xã hội bất bạo động. Chọn lấy khái niệm Daridranarayana do Swami Vivekananda đưa ra,2 Gandhi đã truyền nguồn cảm hứng để hàng ngàn người dấn thân giúp đỡ những người khốn khó, những người bị chà đạp và những người bị truất quyền bằng một tinh thần tôn kính. Ông cũng bổ sung thêm một chiều hướng mới đối với khái niệm đó bằng việc biến nó trở thành một phương tiện để chiến đấu chống lại bất công và mang đến một sự thay đổi tiến bộ ở trong xã hội. Ông cũng nỗ lực truy tìm nguyên nhân của bạo lực và cố gắng loại trừ nó, để thiết lập hòa bình thực sự.
Đối với ông, kính trọng bình đẳng đối với tất cả mọi tôn giáo là một vấn đề của đức tin và cũng là một cách thiết lập hòa hợp trong xã hội. Vào lúc cuối đời, ông nói rằng "Chân lý là Thượng đế", điều được xây dựng trên một kinh nghiệm tâm linh sâu sắc, mà nó ở trên tất cả mọi tôn giáo và có thể có ý nghĩa muôn đời. Chúng ta được gợi nhắc đến triết học tánh Không của Phật giáo, khi chúng ta tìm thấy chữ Không (Sunya) ở nơi một lời cầu nguyện do Gandhi cảm tác. Ông viết: "Hãy để đời tôi trở thành con số không." Lịch sử đã chứng kiến sự thành công đáng ngạc nhiên của triết học tính Không (shunyata) ở nơi sự bùng nổ của sáng tạo, ở nơi những hang động ở Ajanta, ở nơi những hang động ở sa mạc Gobi và ở nơi vô số những bức tượng Phật.
Khái niệm không sở hữu (aparigraha) của Mahavira là một biểu tượng sống, đã trở nên tinh xảo hơn trong đôi tay của Gandhi. Đối với ông, sở hữu quá mức cũng là bạo lực, và do đó ông tin vào việc giảm thiểu những ham muốn bằng sự tự nguyện, điều phù hợp với vấn đề môi sinh hiện đại. Gandhi từng nói: "Mẹ Trái đất có đủ nhu cầu cho tất cả nhưng không đủ cho lòng tham". Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tạo nên việc khai thác quá mức những nguồn thiên nhiên và tạo nên những khủng hoảng môi sinh. Do đó lời khuyên của Gandhi về việc tự nguyện giảm bớt tham muốn trở nên thích đáng đối với ngày hôm nay. Thông điệp của người có trí là: "Nói vâng với người thiếu thốn, nói không với người tham lam".
Gandhi cũng xây dựng nên khái niệm Sarvodaya (tốt với tất cả). Về sau cho thấy rằng khái niệm này được tìm thấy trong các bản kinh cổ của Kỳ-na giáo. Tốt với tất cả, không chỉ đối với con người, mà cũng đối với mọi loài sống khác. Đối với Phật giáo, tốt với tất cả là mục đích, và bất bạo động là phương cách sống và con đường từ bi. Và kinh Vệ đà nói: "Hãy để toàn thế giới nhìn tôi với những đôi mắt thân thiện, khi tôi nhìn toàn thể thế giới với đôi mắt của một người bạn".