Dừng lại để thở, để cười

Thay Thích Pháp Khâm
Thay Thích Pháp Khâm
"Chúng tôi sẽ có mặt với các bạn trẻ trong từng sinh hoạt, sẽ thở, sẽ cười, sẽ dừng lại cùng với các bạn trẻ. Các bạn trẻ sẽ tiếp xúc được với năng lượng bình an đó thông qua sự thực tập chánh niệm của mình”. Thầy Chân Pháp Khâm - giáo thọ Tăng thân Làng Mai (ảnh) đã khẳng định như thế khi trao đổi với Giác Ngộ về sự có mặt cũng như sự hướng dẫn của Tăng thân Làng Mai dành cho các bạn trẻ nhân Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo lần III – 2008.

- Việc Ban Tổ chức Hội trại đưa nội dung thiền hành, thiền tọa vào trong Hội trại như chương trình đề ra có quá ngắn so với các khóa tu dài ngày dành cho người trẻ mà Làng Mai thường tổ chức không thưa thầy?
Làng Mai tổ chức các khóa tu 1 ngày, 5 ngày, 1 tuần, hay 21 ngày, tùy theo đối tượng và thời gian họ có. Cơ hội dừng lại để thở, để cười, để ngắm hoa, để xem mặt trời lên, để xem xét lại các nhu cầu thật sự của mình là điều may mắn, dù chỉ là 5, 10 phút hay 1 giờ.  Dừng lại được 1 ngày thì mới dừng lại được 5 ngày, 1 tuần  hay 21 ngày. Yếu tố thời gian quan trọng, nhưng yếu tố phẩm chất cũng quan trọng không kém. Trở về với hơi thở chánh niệm và tiếp xúc vơi giây phút hiện tại là được chúng tôi áp dụng trong các sinh hoạt hàng ngày như: Đi thiền, ngồi thiền, làm việc, ăn cơm, trò chuyện, chơi thể thao v.v… Cho nên lúc nào, ở đâu, làm gì cũng tu được hết. Trong thời gian chính thưc dành cho thiền hành, thiền tọa, thiền buông thư chỉ cần các trại sinh nắm vững được phương pháp thực tập, thì họ có thể áp dụng cho các sinh hoạt khác.

- Với thời gian ngắn như thế, thầy sẽ thực hiện ra sao để giúp các bạn trẻ đạt kết quả tốt nhất?
Sự có mặt thật sự với các bạn trẻ là điều mà Tăng thân Làng Mai có thể cống hiến cho Hội trại. Chúng tôi nhấn mạnh vào thân giáo. Muốn cho các bạn trẻ dừng lại, tập sống thảnh thơi thì mình cũng phải có khả năng dừng lại và sống thảnh thơi. Tại Đại lễ Phật đản LHQ 2008 vừa qua tại Hà Nội, trong bầu không khí tưng bừng và nhộn nhịp của lễ hội, hơn 500 tu sĩ và cư sĩ Tăng thân Làng Mai đến từ 41 quốc gia, đã im lặng và thảnh thơi bước vào Trung tâm Hội nghị và lên sân khấu, không một lời trao đổi. Sự tĩnh lặng này đã tạo ra một năng lượng bình an. Mấy ngàn người tham dự Đại lễ, khi tiếp xúc với năng lượng đó, cũng cảm thấy an lac. Về mặt kỹ thuật, hướng dẫn thở hơi thở chánh niệm, ngồi thiền và đi thiền chỉ cần khoảng 30 phút. Quan trọng là thực tập. Đang bận rộn mà được nghỉ ngơi giống như khi trời nóng mà được tắm trong dòng suối mát, ta cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản. Trở về với hơi thở chánh niệm, đem tâm về với thân để dừng lại mọi sự suy nghĩ, để tâm khỏi bận rộn không khó và không mất nhiều thời gian. Chỉ cần 1 phút là ta có thể thở được 10 hơi thở nhe và sâu, đem lại sự thoải mái cho thân tâm rồi. Ta cần có sự tĩnh lặng để có thể thấy được nguồn gốc của các khó khăn, phiền muộn trong cuộc sống rồi mới chuyển hóa chúng được. Hơi thở chánh niệm có khả năng đem lại sư yên tĩnh cho thân tâm.

- Thầy nghĩ gì về các hoạt động của Phật giáo dành cho người trẻ gần đây và có điều gì cần gởi đến trại sinh trước khi Hội trại diễn ra không?
Chúng tôi thấy càng ngày càng có nhiều trại hè và khóa tu cho người trẻ được tổ chức. Thật đáng mừng, hè năm nay, lần thứ IV chùa Hoằng Pháp (TP.HCM) tổ chức khóa tu có hơn 3.000 người tham dự; trại hè tại chùa Nam Thiên (Daklak) quy tụ 300 bạn trẻ; trại hè “Tuổi trẻ và cuộc sông” tại chùa Quảng Chánh (Bình Thuận) với hơn 500 bạn trẻ;  riêng Hội trại “Tuổi trẻ - Phật giáo” của Báo Giác Ngộ đã trở thành truyền thống, năm nay sẽ có 1.000 bạn trẻ tham dự.  Cách tổ chức và phương pháp tu học trong các trại hè và khóa tu có thể khác nhau, nhưng tôi nghĩ các bạn trẻ tham dự đều cảm nhận được tấm lòng chung là tình thương của chư tôn đức và quý thầy, quý sư cô trong việc chăm sóc đời sống tinh thần cho họ. Sự có mặt cua các Tăng Ni trẻ trong Ban Tổ chức và trong các sinh hoạt của trại hè và khóa tu là một điều hay và cần được tiếp tục.

Nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người trẻ rất lớn và là một nhu cầu có thật. Hy vọng là sau các khóa tu và trại hè, người trẻ tiếp tục đến các tu viện và các chùa để nuôi dưỡng sự thực tập. Bao nhiêu người trẻ đến chùa sinh hoạt là bấy nhiêu người có cơ hội không bị vướng mắc vào các tệ nạn xã hội. Xã hội sẽ đươc an lạc hơn. Hiện tại Việt Nam có khoảng 35 triệu người dưới 34 tuổi. Chăm sóc đời sống tinh thần cho 35 triệu người trẻ là một thách thức lớn. Mở rộng sinh hoạt tu học cho người trẻ tại các chùa và tu viện là một điều cần thiết.
Các bạn trẻ chỉ cần thở và cười thật tươi khi đến tham dự Hội trại. Tình bạn bè, sự chăm sóc và chia sẻ, tình thương yêu đang chờ đợi các bạn.
- Xin cám ơn thầy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Tâm Thành hỗ trợ 11.000 bình nước tinh khiết đến vùng hạn mặn tại Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau

Chùa Tâm Thành hỗ trợ 11.000 bình nước tinh khiết đến vùng hạn mặn tại Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau

GNO - Từ 16-4 đến 2-5, Thượng tọa Thích Thiện Quý, trụ trì chùa Tâm Thành (H.Tam Nông, Đồng Tháp) cùng các Phật tử, mạnh thường quân đã tổ chức nhiều chuyến xe tải, sà lan vận chuyển nước ngọt đến vùng bị hạn mặn tại 3 tỉnh Tiền Giang, Cà Mau và Bến Tre để hỗ trợ bà con sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống…

Thông tin hàng ngày