Ý kiến bạn đọc: Những bất cập trong bài “Phận những nô lệ tình dục trên chùa Ấn Độ”

Giác Ngộ - Trong thời gian qua, tòa soạn vẫn nhận được nhiều ý kiến bạn đọc gửi về, tỏ thái độ trước các nội dung xúc phạm đức tin tôn giáo, những bài dịch đăng tải cố tình gây hiểu lầm về Phật giáo. Cũng có bạn đọc đã đi tìm nguồn của các thông tin này và đã cho biết sự không đáng tin cậy bởi thông tin vô căn cứ, đó là chưa nói mục tiêu nhằm hạ thấp uy tín của các tôn giáo khác. Do vậy, trước nhiệt tâm và yêu cầu của bạn đọc, GNO đăng bài viết sau đây, chỉ ở khía cạnh so sánh đối chiếu về văn bản nguồn (Hoa ngữ) và bài dịch tiếng Việt.

Vừa qua, trên trang báo điện tử Vietnamnet có đăng bài viết của tác giả Sầm Hoa với tựa đề “Phận những nô lệ tình dục trên chùa Ấn Độ” đã gây xôn xao dư luận trong cộng đồng Phật giáo và tổn hại đến hình ảnh, uy tín của Phật giáo. Nguồn gốc bài lược dịch này lấy từ đâu? Tính xác thực của nó như thế nào? 

1115hinh.jpg

Hình ảnh những "Thánh nữ" được đăng trên bài dịch của VietnamNet 

Và những chủ ý nhào nặn ngôn ngữ cũng như sự yếu kém của tác giả Sầm Hoa thể hiện ở đâu mà gây ra bất bình như thế? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày những vấn đề đó để mọi người cùng nhìn nhận. 

Trước hết là vấn đề nguồn tài liệu mà tác giả Sầm Hoa đã sử dụng để viết bài. Thực ra một bài lược dịch có nguồn gốc từ một bài viết bằng tiếng Hoa. Như tác giả ghi chú là “Theo Huanqiu”. Huanqiu là trang web Hoàn Cầu, có tên miền là www.huanqiu.com. 

Dựa vào nguồn tác giả Sầm Hoa đã đưa ra và dựa vào bài viết, chúng tôi thử dùng từ khóa “印度聖女的性奴” (Ấn Độ Thánh nữ đích tính nô - tạm hiểu: Thánh nữ làm nô lệ tình dục ở Ấn Độ) để tìm kiếm trên chính trang web Hoàn Cầu thì thấy có bài viết với tiêu đề là “印高僧享用的性奴圣女” (Ấn cao tăng hưởng dụng đích tính nô thánh nữ - đây là đường dẫn của nó: http://society.huanqiu.com/gallery/2011-08/1922956.html), bài này được đăng vào ngày 18-8-2011. 

So sánh nội dung bài viết này với nội dung bài lược dịch của Sầm Hoa thì thấy có sự giống nhau. Ngay những hình ảnh dùng để minh họa cho bài viết của Sầm Hoa ở trên Vietnamnet cũng giống với những hình ảnh đã được dùng để mình họa cho bài viết “Ấn cao tăng hưởng dụng đích tính nô thánh nữ” ở trên Hoàn Cầu. Cho nên chúng tôi khẳng định là Sầm Hoa đã lược dịch từ bài “Ấn cao tăng hưởng dụng đích tính nô thánh nữ”. 

Chúng tôi xin bàn về nội dung mà tác giả Sầm Hoa đã lược dịch. Ngay ở tiêu đề, tác giả Sầm Hoa tự đặt lại một tiêu đề mới chứ không phải dịch từ tiêu đề của bài viết bằng tiếng Hoa. 

Đúng là ở trong tiêu đề bài viết gốc có dùng chữ 高僧 (cao tăng), nhưng nếu đọc vào nội dung của bài viết, ngày ở đoạn đầu tiên, chúng ta thấy người ta viết rất rõ ràng rằng: “印度有一種與其歷史一樣古老的傳統――來自賤民家庭的女孩子年紀輕輕便開始為寺院服務,成為印度教高級僧侶和婆羅門長老的性奴隸. 她們被稱為聖女” (Âm Hán Việt: Ấn Độ hữu nhất chủng dữ kỳ lịch sử nhất dạng cổ lão đích truyền thống nhất nhất lai tự tiện dân gia đình đích nữ hài tử niên kỷ khinh khinh tiện khai thủy vị tự viện phục vụ, thành vị Ấn Độ giáo cao cấp tăng lữ hòa Bà la môn trưởng lão đích tính nô lệ. Tha môn bị xưng vi thánh nữ.

Tạm dịch: Ở Ấn Độ có một truyền thống từ xa xưa, gắn liền với lịch sử rằng, con gái của các gia đình tiện dân phải phục vụ cho các đền thờ ngay từ khi còn nhỏ, và trở thành những nô lệ tình dục cho các vị tu sĩ cao cấp của Ấn Độ giáo và các vị trưởng lão Bà la môn. Những người nữ ấy được gọi là thánh nữ).

1wUntitled-1.JPG

Bài đăng trên VietnamNet 

Như vậy, việc các thánh nữ phục vụ cho các ngôi đền là một truyền thống, một hủ tục của Ấn Độ, và nó liên quan đến Ấn Độ giáo. Các “thánh nữ” ấy trở thành những nô lệ tình dục cho các tu sĩ của Ấn Độ giáo và các vị trưởng lão Bà la môn trong xã hội Ấn Độ chứ không hề dính dáng gì đến Phật giáo, không hề làm nô lệ tình dục cho các vị tu sĩ của Phật giáo. Còn chữ “cao tăng” ở tiêu đề của bài viết tiếng Hoa và ở phần dưới của nội dung hay là chữ “tăng lữ” ở trong bài viết là do người ta đã lược giản từ chữ “cao cấp tăng lữ” mà ra. 

Việc đặt tiêu đề như ở trong bản gốc tiếng Hoa là một cách để thu hút người đọc, tạo tính tò mò. Làm như thế đã là khó chấp nhận. Nhưng ngay từ đoạn đầu của bài viết, người ta đã ghi rất rõ là “Ấn Độ giáo cao cấp tăng lữ”, nên người ta có tỉnh lược thành “cao tăng” hay “tăng lữ” ở phần sau vẫn tạm chấp nhận được, vì không gây hiểu nhầm. Thế nhưng khi chuyển dịch cụm từ “Ấn Độ giáo cao cấp tăng lữ hòa Bà la môn trưởng lão”, tác giả Sầm Hoa lại dịch là “cao tăng và các trưởng lão Bà la môn”. 

Tác giả đã lược bỏ một ý hết sức quan trọng của cụm từ đó. Chính điều này và từ “chùa” mà Sầm Hoa đã dịch từ hai chữ “tự viện” ở phần trước đó đã gây hiểu nhầm cho người đọc, khiến người ta hiểu đấy là các vị cao tăng của Phật giáo. Đây là sự lược bỏ có chủ ý, là một sai lầm nghiêm trọng của Sầm Hoa. Còn về từ “tự viện” có các nghĩa là: chùa, đền, hay tu viện của các tôn giáo. Khi dùng chữ “chùa” có nghĩa là đang nói đến chùa Phật giáo, là nơi thờ Phật và tu tập của tín đồ Phật giáo. Theo trong mạch văn của bản gốc thì “tự viên” phải dịch là “đền” mới hợp, vì các vị tu sĩ cao cấp của Ấn Độ giáo không thể ở trong chùa.

Riêng về từ “Thánh nữ”, trong tiếng Hindi (ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ) gọi là “Devadasi”. Theo trong bài nghiên cứu “Devadasi system in Indian Temples” (Hệ thống thánh nữ trong các đền thờ ở Ấn Độ) của tiến sĩ Zoya Zaidi, người Ấn Độ, thì từ “Devadasi” có nghĩa đen là “God’s female servant” (tỳ nữ của Thần linh). Việc chọn ra những người con gái để làm “Devadasi” là một tập tục của Ấn Độ giáo. 

Trước tuổi dậy thì, một số người con gái (trinh nữ) thuộc giai cấp tiện dân ở trong xã hội sẽ được gia đình và cộng đồng chọn để làm phẩm vật hiến dâng cho Thần linh thờ tại ngôi đền ở địa phương. Những cô gái ấy không được phép lập gia đình, vì họ được xem như là đã dâng hiến đời mình cho vị thần ở trong đền rồi. 

Các cô gái ấy sẽ “phục vụ” cho các vị tu sĩ sống trong đền, và “phục vụ” cho cả những người có chức quyền ở trong làng, xã và cả những người địa chủ, họ phục vụ vì những người đàn ông ấy trả tiền hoặc là dùng quyền lực ép buộc. Việc các “thánh nữ” phải phục vụ, phải quan hệ tình dục với những người đàn ông ấy được xem như là như đang phục vụ cho thần linh. Các cô gái ấy phải phục vụ cho thần linh suốt đời, không được trốn thoát. Nếu như có cô nào trốn thoát thì cộng đồng xã hội sẽ tẩy chay họ. 

Đây là một hủ tục, cưỡng bức và hành hạ người phụ nữ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, cho nên vào năm 1934 nhà nước Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm hủ tục này. Rồi đến thập niên 1980, nhà chức trách lại tăng cường lệnh cấm, thế nhưng đến nay nhiều nơi vẫn vi phạm, hủ tục vẫn còn tái diễn.

Trở lại với bài viết của tác giả Sầm Hoa, cũng ở tiêu đề, tác giả viết là “Phận những nô lệ tình dục trên chùa Ấn Độ”, tiêu đề này đã bộc lộ rõ sự yếu kém về tiếng Việt của tác giả. Việc dịch từ “tự viện” thành “chùa”, và lược dịch “Ấn Độ giáo cao cấp tăng lữ” thành “cao tăng” tức là đã có chủ ý nhắm đến định kiến xấu về đạo Phật. Một dịch giả bình thường thì không thể nào lại lược dịch như thế được. 

Bởi vì, với những người có chút ít kiến thức về xã hội, về lịch sử thì sẽ dễ dàng nhập thấy sự sai lạc trong nội của bài viết. Tại vì, trong Phật giáo không hề có khái niệm thần linh, không bao giờ thờ cúng thần linh, càng không có tục chọn “thánh nữ” để dâng cúng cho thần linh. 

Hơn nữa, kể từ thế kỷ thứ 12, sau khi đất nước này bị Hồi giáo xâm lược, Phật giáo đã bị phá hoại đến suy tàn, suốt nhiều thế kỷ không hề có bóng dáng tu sĩ Phật giáo ở Ấn Độ, rất hiếm người Ấn Độ biết về Phật giáo. Mãi cho đến cuối thế kỷ 19, Phật giáo mới bắt đầu hồi sinh trở lại, nhưng rất chậm. 

Cho đến nay, theo thống kê xã hội học của Ấn Độ, tín đồ Phật giáo chỉ có 0,5% trong tổng số hơn 1 tỷ người dân Ấn Độ. Đấy là con số nói chung về tín đồ Phật giáo. Còn riêng số lượng chư Tăng người Ấn thì rất hiếm hoi. Họ chủ yếu sống tập trung tại các di tích, thánh tích của Phật giáo. 

Vậy thì lấy đâu ra nhiều chùa để cho các “thánh nữ” đến phục vụ, như tác giả viết: “... con gái của những gia đình địa vị thấp ở Ấn Độ đều phải lên chùa để làm Thánh nữ” và “Những bé gái xuất thân trong gia đình có địa vị thấp trong xã hội ở Ấn Độ đều không thể thoát khỏi... Khi trở thành thiếu nữ, họ sẽ chính thức làm lễ kết hôn trên chùa, sau đó sẽ phải trải qua đêm tân hôn với các cao tăng, trưởng lão tại đây”. 

Và đã không có nhiều chùa thì lấy đâu ra nhiều “cao tăng”, “trưởng lão” nhiều “thầy tu háo sắc” (chữ của Sầm Hoa) để cho các “thánh nữ” phục vụ? Bạn dịch như vậy không thấy quá sai lệch với lịch sử sao?

Nếu xét về lỗi dịch thuật, văn phong thì trong bài lược dịch của Sầm Hoa còn có nhiều điểm khác cần phải bàn. Nhưng chúng tôi không có chủ ý phân tích bài viết của Sầm Hoa, mà chỉ muốn trình bày những điểm chính mà Sầm Hoa đã dịch sai, đã nhào nặn ngôn ngữ, khiến cho bạn đọc hiểu sai bản chất của vấn đề, của một hủ tục trong truyền thống xã hội Ấn Độ, và gây tổn hại đến uy tín, thanh danh của Phật giáo, của chư Tăng mà thôi.

Mong là người đã dịch bài này rút kinh nghiệm và làm việc có lương tâm của một người cầm bút hơn. Và mong báo Vietnamnet cẩn trọng hơn khi biên tập và duyệt đăng bài vở, nhất là về nội dung liên quan đến các vấn đề thiêng liêng, văn hóa, tôn giáo; tránh gây những ngộ nhận và tổn thương đáng tiếc như vừa qua.

Minh Nguyên

----------

Tin, bài liên quan:

>> Môi trường thông tin bị "ô nhiễm" 

>> Vụ thông tin VietnamNet đánh lận ngôn ngữ dưới góc nhìn của Luật Báo chí

>> Bạn đọc yêu cầu VietnamNet đính chính, xin lỗi công khai!

>> VietnamNet đánh lận ngôn ngữ tôn giáo, gây hiểu lầm ác ý với Phật giáo

>> Tin Tức Online xúc phạm đức tin tôn giáo

>> Trang 24h cũng có loạt truyện cười xúc phạm đức tin tôn giáo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày