Trưởng lão Ni Sanghamitta là ai?

Trưởng lão Ni Sanghamittà và thứ phi Anula - Tranh của Mala Wijekoon
Trưởng lão Ni Sanghamittà và thứ phi Anula - Tranh của Mala Wijekoon
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Xin cho biết khái lược về Trưởng lão ni Sanghamitta, vị Ni đầu tiên hoằng pháp tại xứ đảo Tích Lan (Sri Lanka). Có phải cây bồ-đề linh thiêng hiện còn ở Sri Lanka chính là cây bồ đề do Trưởng lão ni Sanghamitta mang từ Ấn Độ sang trong chuyến hoằng pháp đầu tiên này?

(DIỆU THÀNH, Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu; LÊ THỊ PHƯỚC, Đà Lạt, Lâm Đồng)

Bạn Diệu Thành và Lê Thị Phước thân mến!

Trưởng lão Ni Sanghamitta nguyên là công chúa con gái của Đại đế Asoka, vị đại vương xứ Maurya (Ấn Độ), là em của Trưởng lão Mahinda. Hơn 2.300 năm trước, trong triều đại vua Devànampiya Tissa, phái đoàn truyền giáo Trưởng lão Mahinda đã đến Sri Lanka hoằng pháp tại kinh đô Anuradhapura.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi phái đoàn truyền giáo do Trưởng lão Mahinda lãnh đạo đến Sri Lanka, cả triều đình và dân chúng rất phấn khởi rủ nhau đến nghe thuyết pháp và xin quy y Tam bảo. Có không ít những nam cư sĩ sau khi quy y Tam bảo đã phát tâm xuất gia và được Trưởng lão Mahinda thu nhận vào Tăng đoàn.

Có một sự kiện đặc biệt là thứ phi Anulà (có nơi ghi hoàng hậu Anuladevi), vợ của phó vương Mahànàga, cùng một số đông phi tần và thị nữ đến nghe pháp, đã phát tâm xin Trưởng lão Mahinda cho xuất gia. Nhưng theo giới luật, một Tỳ-kheo không có quyền chủ trì lễ xuất gia cho người nữ, ngoại trừ Đức Phật hay một Tỳ-kheo-ni. Do đó, Trưởng lão Mahinda trình với vua Devànampiya Tissa cho mời em gái của ngài là Tỳ-kheo-ni Sanghamitta đến Sri Lanka để làm lễ xuất gia cho hàng nữ cư sĩ và thanh lập Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, đồng thời đem theo một chồi của cây bồ-đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo về trồng tại đây.

Bấy giờ, bang giao giữa hai triều đình rất tốt đẹp, nên vua Devànampiya Tissa đã gửi một phái đoàn đứng đầu là đại thần Arittha đến thành phố Pataliputra (bây giờ là Patna) của xứ Ấn Độ để gặp vua Asoka, chuyển đạt lời thỉnh cầu ấy.

Trưởng lão Ni Sanghamittà, người mang nhánh cây bồ-đề từ Ấn Độ sang Sri Lanka

Trưởng lão Ni Sanghamittà, người mang nhánh cây bồ-đề từ Ấn Độ sang Sri Lanka

Lúc đầu, Đại đế Asoka ngần ngại, không muốn gửi con gái mình ra đi truyền giáo ở nước ngoài, nhưng vì Tỳ-kheo-ni Sanghamitta cương quyết xin vua cha cho phép được xuất dương hoằng pháp, nên sau cùng, vua Asoka đã đồng ý. Một phái đoàn mười một vị Tỳ-kheo-ni A-la-hán cùng lên thuyền dưới sự lãnh đạo Tỳ-kheo-ni Sanghamitta, mang theo cây bồ đề con, vượt biển sang Sri Lanka cùng với đại thần Arittha.

Xuất phát từ hải cảng Tàmralipti (Tamluk), Ấn Độ, sau bảy ngày lênh đênh trên biển, phái đoàn Trưởng lão Ni Sanghamitta đến hải cảng Jambukola, miền Bắc xứ Sri Lanka. Vua Devànampiya Tissa đã tổ chức lễ đón tiếp phái đoàn Trưởng lão ni Sanghamitta vô cùng trọng thể và đặt cây linh thọ bồ đề trong một căn lều dựng sẵn trên bãi biển cho mọi người chiêm bái. Mười ngày sau, cây bồ đề được đưa lên xe và cung nghinh về thủ đô Anuradhapura.

Tại khu vườn Megha Garden, cây bồ-đề được hạ thổ trong một buổi lễ vô cùng long trọng. Cây bồ đề con được chiết từ đại thọ bồ đề ở Bồ Đề Đạo Trang này đến nay vẫn còn xum xuê tươi tốt, được hàng triệu khách hành hương nhiệt thành chiêm bái. Linh thọ bồ đề do Trưởng lão ni Sanghamitta mang đến Sri Lanka hiện là cội cổ thụ được ghi nhận là lớn tuổi nhất trên thế giới.

Trưởng lão Ni Sanghamittà lưu ngụ tại Upasikà-Vihàra và thế phát xuất gia cho thứ phi Anulà cùng đoàn tùy tùng của bà. Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni xứ Sri Lanka được thành lập dưới sự hướng dẫn của Trưởng lão Ni Sanghamittà. Từ đó, Ni đoàn Sri Lanka tiếp tục phát triển và kéo dài khoảng 1.000 năm.

Theo các nguồn sử liệu Trung Quốc, vào năm 429 TL, Ni đoàn Sri Lanka đã gửi một phái đoàn truyền giáo gồm 9 vị Tỳ-kheo-ni do Ni sư Deva Sara lãnh đạo, vượt đại dương đến Trung Quốc để truyền giới cho 300 vị nữ tu tại Nam Kinh, thành lập Ni đoàn tại đây; và từ Trung Quốc, Ni giới đã phát triển đến các quốc gia khác trong vùng Đông Á cho đến ngày nay.

Trưởng lão Ni Sanghamittà viên tịch tại Ni viện Hatthàlhaka, hưởng thọ 79 tuổi (trước đó một năm, Trưởng lão Mahinda thọ 80 tuổi đã viên tịch).

Lễ hỏa táng Trưởng lão Ni Sanghamittà được vua Uttiya (kế vị vua Devànampiya Tissa) cử hành rất trọng thể, xây tháp tôn thờ ở gần cội bồ-đề.

Chúc các bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày