Gặp những Tăng Ni, Phật tử phát tâm vào tuyến đầu chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
GN - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.HCM rất cần bổ sung và tăng cường về nguồn nhân lực y tế tại chỗ cho tuyến đầu chống dịch. Trong đợt đầu này, có gần 500 Tăng Ni, Phật tử đăng ký dấn thân vào nơi tuyến đầu (số liệu ngày 18-7).

Được sự chỉ đạo của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo TP đã có thông báo kêu gọi Tăng Ni, Phật tử có chuyên môn tình nguyện chung tay góp phần giảm áp lực lên đội ngũ y tế, đặc biệt ở các khu cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến vì số ca nhiễm liên tục tăng.

Một tu viện có 4 người đăng ký

Để đăng ký làm tình nguyện viên, Tăng Ni, Phật tử phải đáp ứng được các yêu cầu bắt buộc của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM là dưới 40 tuổi, đủ sức khỏe, không có bệnh nền (huyết áp, tiểu đường…), có am hiểu về y tế (hoặc không am hiểu về y tế), thời gian phục vụ tại các bệnh viện dã chiến là 2 tháng...

Có tên trong danh sách tình nguyện đăng ký đợt đầu tiên, Sư cô Thích nữ Tuệ Quán (thế danh Nguyễn Ngọc Thùy Dương, sinh năm 1999, ngụ 75A Sông Lu, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM, trú xứ tu viện Tâm Không), có nguyện vọng dấn thân chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Sư cô cũng là một trong những người khá trẻ đăng ký tình nguyện, hiện nay đang học năm 2 khóa V - Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương. Với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, nhiều năm trước Sư cô Tuệ Quán đã luôn nuôi tâm nguyện muốn phụng hiến, dấn thân để trở thành một tình nguyện viên, vừa được cống hiến sức trẻ và học hỏi thêm trong những môi trường mới.

Sư cô Thích nữ Tuệ Quán (SN 1999) đăng ký phát nguyện phục vụ vì lợi ích cho cộng đồng

Sư cô Thích nữ Tuệ Quán (SN 1999) đăng ký phát nguyện phục vụ vì lợi ích cho cộng đồng

Từ khi TP.HCM có những ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng phức tạp, mong muốn ấy càng mãnh liệt hơn. Đến khi thấy báo Giác Ngộ thông tin Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM kêu gọi Tăng Ni, Phật tử tham gia tình nguyện thì Sư cô đăng ký ngay. Trong chùa, cùng với Sư cô Tuệ Quán còn có Sư cô Thích nữ Nhuận Bình, Sư cô Thích nữ Nguyên Thành và Phật tử Tô Thị Diệu Phước - pháp danh Diệu Phước đăng ký.

Nói về nhân duyên này, Sư cô Tuệ Quán cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan rất nhanh, khi đã quyết tâm dấn thân vào nơi này là xác định đối diện với nhiều nguy hiểm có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, môi trường nhiều áp lực, căng thẳng thường trực… Nhưng Sư cô cho biết điều đó không thể lay chuyển được niềm mong ước được cống hiến, dấn thân cho cộng đồng. “Tôi mong muốn được tình nguyện đóng góp sức nhỏ của mình để chung tay giúp đỡ bệnh nhân, những người cần giúp đỡ nhất trong lúc này. Nếu tôi được chọn, cho dù được phân công làm công việc gì tôi cũng cố gắng làm tốt nhất”, Sư cô Thích nữ Tuệ Quán chia sẻ.

Sư cô cũng khẳng định: “Là một tu sĩ đã thấu hiểu nhân duyên và vô thường của Phật giáo nên tôi không có gì sợ hãi, không chần chừ. Trước khi đăng ký làm tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân Covid-19, tôi đã lường trước tất cả những khó khăn, nguy hiểm phía trước mình sẽ gặp. Nhưng, mình là con của Đức Phật nên không có gì đáng sợ nữa”. Điều Sư cô mong muốn hiện tại là được cống hiến một chút sức lực để góp phần giúp đỡ bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn. Sư cô gởi gắm niềm mong ước, cuộc sống của mọi người sớm được trở lại bình thường với sự năng động vốn có, như nguyện vọng của bao người, bao trái tim yêu thương gắn bó với thành phố hiện đang hằng mong…

“Nếu mình không đi thì thật áy náy trong tâm”

Cùng đăng ký trong lần này, Đại đức Thích Minh Tiến (thế danh Nguyễn Đăng Thục, sinh năm 1983), bác sĩ đa khoa, hiện đang tu tập tại chùa Bát Nhã, quận 3, TP.HCM. Thầy có thời gian khoảng 5 năm làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và đã nghỉ làm ở bệnh viện được 3 năm. Với Đại đức Minh Tiến, kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân rất có ích cho công việc làm tình nguyện sắp tới tại các bệnh viện dã chiến nên vị Tăng trẻ này đã không ngần ngại đăng ký.

Đại đức Thích Minh Tiến (SN 1983), bác sĩ đa khoa, có kinh nghiệm 5 năm làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng đăng ký phục vụ ở các bệnh viện dã chiến theo phân công

Đại đức Thích Minh Tiến (SN 1983), bác sĩ đa khoa, có kinh nghiệm 5 năm làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng đăng ký phục vụ ở các bệnh viện dã chiến theo phân công

“Tôi luôn lấy câu phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật” để làm động lực đăng ký tham gia tình nguyện ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Tôi không nghĩ gì nhiều, cũng không sợ khó, sợ khổ mà tự nhủ mình là người có chút chuyên môn hơn người khác nên cần phải tham gia tình nguyện”, Đại đức Thích Minh Tiến cho biết.

Không nói nhiều về mình nhưng Đại đức gởi gắm nhiều ưu tư giữa lúc dịch bệnh đang căng thẳng. TP.HCM phải tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, thời gian thực hiện phải kéo dài hơn, đời sống của hàng chục triệu người với khó khăn chồng chất, tâm lý nặng nề... Hàng ngàn bạn trẻ, y bác sĩ từ các tỉnh thành khác đã đến thành phố tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch, “mình có chuyên môn y tế mà không xung phong tình nguyện thì coi sao được”. Đại đức cũng cho biết sẽ tuân theo sự sắp xếp của Sở Y tế, phân công việc gì thì Đại đức cũng sẵn sàng, không nề hà.

“Tôi cho rằng cứ lăn xả, tuổi trẻ thì phải làm việc, làm gì giúp ích được cho mọi người thì cứ làm thôi. Hơn nữa, trong điều kiện tại các bệnh viện dã chiến điều trị F0 hiện nay đang quá tải. Hơn lúc nào hết, bệnh nhân rất cần được hỗ trợ, chăm sóc và y bác sĩ cần được giảm tải. Bởi vậy, tôi luôn nêu cao tinh thần dấn thân ở tuyến đầu, tâm lý không có gì nặng nề”, ĐĐ.Thích Minh Tiến cho biết.

Cũng như các tình nguyện viên khác, Đại đức Thích Minh Tiến chỉ mong đóng góp một chút sức mình để giúp cho bệnh nhân bớt những đau đớn, xoa dịu phần nào mất mát của những người nhiễm bệnh. “Tất cả chúng ta nếu cùng nhau quyết tâm chống dịch Covid-19, TP.HCM rồi sẽ trở lại nhịp sống bình thường. Thành phố đã nuôi nấng bao ước vọng của tuổi trẻ; thành phố của sự sáng tạo, văn minh, hiện đại và nghĩa tình. Lúc này, thành phố đang cần sự chia sẻ, động viên”, Thầy tin tưởng.

Với chị Lê Thị Trang - pháp danh Tịnh Nhã, sinh năm 1995, ngụ tại quận Tân Bình, tình nguyện viên là mơ ước từ rất lâu. Chị Tịnh Nhã đã tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng và đang làm việc cho một phòng khám tư. Hiện nay do dịch bệnh phức tạp, chị đang trong thời gian tạm nghỉ việc, “và, nhân duyên đến mình đăng ký thôi”. Hỏi chị có lo lắng gì không nếu được phân công vào chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, chị Tịnh Nhã nói: “Thật sự thì mình không có chút lo lắng, sợ hãi nào cả. Mình luôn ao ước được xung phong đến những nơi khó khăn để được rèn luyện, học hỏi thêm. Khi được biết Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM kêu gọi Tăng Ni, Phật tử đăng ký làm tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến là mình đăng ký tham gia liền. Đây là cơ hội để mình được phục vụ và học tập thêm”.

Không ngại khó, ngại khổ, chị Tịnh Nhã cũng lường trước được hết những khó khăn ở môi trường mới và xác định sẽ rất khốc liệt. Chị Tịnh Nhã cho biết, nếu được phân công chăm sóc bệnh nhân Covid-19 thì nơi đó chính là nơi khó khăn nhất, y bác sĩ tại đây bị áp lực rất lớn để giữ được sinh mạng người khác. Và, đó cũng là nơi nguy hiểm nhất, ai cũng có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. “Mình là một Phật tử nên mình hiểu được quy luật của sinh tử, nhân duyên trong đời sống. Hơn nữa, mình có sự điềm tĩnh để đối diện với thực tại và sự thật khốc liệt nhất. Nếu mình không làm được tức là do mình còn thiếu phước mà thôi”, chị Tịnh Nhã khẳng định. Chị Tịnh Nhã xem việc được chọn chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 là cơ hội để thử thách bản thân mình. “Thành phố mình rồi sẽ được khỏe thôi, Tịnh Nhã tin vào điều đó!”.

(Báo Giác Ngộ số 1111)

Sau 5 ngày phổ biến thông tin kêu gọi (từ ngày 14 – 18-7), từ hai nguồn là Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và chùa Giác Ngộ, quận 10, TP.HCM đã có gần 500 Tăng Ni, Phật tử phát tâm đăng ký tham gia. Người đăng ký vào lực lượng tình nguyện viên phục vụ tại 10 bệnh viện dã chiến và các bệnh viện điều trị Covid-19 thuộc TP.HCM yêu cầu độ tuổi từ 18-40 tuổi, có sức khỏe đảm bảo cho công việc. Sau khi được Sở Y tế TP.HCM tập huấn và kiểm tra kết quả, sẽ chính thức công bố danh sách tình nguyện viên được chọn.

Thông tin từ Ban Tổ chức, lễ ra quân vào sáng ngày 22-7 tại Trụ sở Ủy ban MTTQVN TP.HCM. Sở Y tế sẽ triển khai, bố trí công việc cụ thể cho từng tình nguyện viên ngay sau lễ ra quân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày