Gặp tác giả bức ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu

GNO - Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thông, người Việt duy nhất cho tới nay ghi được khoảnh khắc đã đi vào thiên thu lúc Bồ-tát Thích Quảng Đức điềm nhiên an tọa trong biển lửa, vừa qua đời vào lúc 19g ngày 7-9-2019 tại TP.HCM.

Tưởng nhớ về ông, Giác Ngộ online xin giới thiệu lại bài viết của 2 phóng viên Báo Giác Ngộ đã thực hiện cách đây 23 năm về trước, đăng trên tuần báo Giác Ngộ, xin chia sẻ cùng bạn đọc.

1 nhan chung 3.jpg


Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thông trong một tọa đàm tại chùa Xá Lợi - Ảnh: Như Danh

33 năm trước, ngày 11-6-1963, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu, phản đối sự kỳ thị và đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Hình ảnh sáng ngời bất khuất đó đã được kịp ghi lại qua ống kính của một nhà nhiếp ảnh Việt Nam nổi tiếng, nhắc nhở một thời kỳ lịch sử của phong trào Tăng Ni Phật tử đấu tranh chống lại chế độ này. Trong một chiều tháng 5, chúng tôi đã đến thăm tác giả của bức ảnh - thầy Nguyễn Văn Thông, nghệ sĩ nhiếp ảnh, giảng viên Hội Nhiếp ảnh TP.HCM...

Đã quá tuổi "thất thập cổ lai hy", mái tóc đã bạc nhưng trông thầy Nguyễn Văn Thông vẫn còn khỏe mạnh, hồng hào. Nhiều thế hệ học trò đã đến rồi đi và hiện nay, thầy vẫn còn thường lên lớp, truyền cái đẹp của nghệ thuật nhiếp ảnh đến mọi người. Nhà của thầy nằm trong một con hẻm trên đường Cư xá Đô Thành. Tại phòng khách, mặc dù không hiểu biết gì nhiều, nhưng chúng tôi thực sự thích thú với các tác phẩm ảnh nghệ thuật được treo trên tường. Nắng đã tắt. Trong căn phòng ấm cúng ấy, thầy như nhớ lại những gì đã chứng kiến, nhớ về bức ảnh đã thực hiện...

Năm 1963, phong trào đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam chống chính sách phân biệt đối xử tôn giáo hầu như đã lên đến cao trào. Vào mùa Phật đản năm ấy, ông Diệm lại có chỉ thị cấm treo cờ Phật giáo. Sự đàn áp và bắt bớ Tăng Ni, Phật tử diễn ra liên tục từ Huế vào đến Sài Gòn càng làm cho làn sóng biểu tình phản đối dấy lên mạnh mẽ hơn bao giờ.

"Lúc đó, tôi là nhà nhiếp ảnh nhưng cũng là một phóng viên tự do hay gởi ảnh thời sự cho Ảnh xã (một cơ quan nghề nghiệp lúc bấy giờ, chuyên cung cấp ảnh cho báo chí). "Do một vài nguồn tin, tôi được biết sẽ có một cuộc biểu tình lớn của Tăng Ni, Phật tử sắp tới. Và,... ngày 11-6 ấy đã đến. Từ tổ đình Phật Bửu Tự (đường Cao Thắng - Sài Gòn), hơn 300 Tăng Ni Phật tử đã biểu tình đi dài đến ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8). Tại đây, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu. Sau khi làm lễ 4 hướng Đông Tây Nam Bắc, ngài ngồi kiết già, tay bắt ấn cam lồ, quay mặt về hướng Tây. Ngài tự đổ xăng lên khắp người và mồi lửa được bật lên... Các Tăng Ni phong tỏa các ngả đường, cả xe cứu hỏa cũng không vào được. Ngọn lửa cứ bốc cao dần... Chen chân trong các vòng rào Tăng Ni, tôi cùng một vài người, trong đó có cả phóng viên nước ngoài, đã thực hiện bức ảnh...", thầy Nguyễn Văn Thông kể.

Dừng lại giây lâu, thầy bồi hồi nói tiếp: "Lúc đó tay bấm máy nhưng trong lòng tôi có một sự xúc động. Tôi thực sự thấy kính phục. Đó là hành động của một chiến sĩ - một "chiến sĩ" Phật giáo vô úy đấu tranh vì sự hòa bình cho nhân loại".

698625623965887110431544237214515743162368n-1567997648260391820588.jpg

Khoảnh khắc đã trở thành thiên thu tuyệt tác được nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thông ghi lại

Lục trong các tập album ảnh, thầy tặng anh em phóng viên báo Giác Ngộ chúng tôi bức ảnh Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu. Không phải con mắt nhà nghề, nhưng chúng tôi cảm nhận bức ảnh thật "sống", như đã được thổi cái hồn vào đó. Mặc dù vậy, thời gian đó, ảnh không được đưa ra để tránh sự khó dễ của chính quyền.

Năm 1964, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tổ chức một cuộc triển lãm ảnh về phong trào đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử năm xưa. Thầy đã tặng bức ảnh này và đó là lần đầu tiên nó được phổ biến rộng rãi.

Đối với thế giới, cũng bức ảnh Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu, chụp từ góc độ khác, đã được Malcolm W. Browne - người Mỹ - phóng viên hãng thông tấn UPI đưa ra ngay trong năm 1963 và đã đoạt giải nhất ảnh báo chí thế giới. Riêng tại Việt Nam, bức ảnh được biết đến với tác giả Nguyễn Văn Thông. Lịch sử đi qua nhưng còn đọng lại nỗi ray rứt âm i, gây xúc động và quan tâm của hầu hết mọi người đến dự cuộc triển lãm năm đó.

72 tuổi và có hơn 40 năm cầm máy, năm 1951 thầy là một trong những người thành lập Hội Nhiếp ảnh Việt Nam. Ngoài những ảnh thời sự báo chí, thầy có khá nhiều những tác phẩm ảnh nghệ thuật đã đoạt các giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có hai tác phẩm thầy đặc biệt yêu thích nhất. Đó là tác phẩm "Ra khơi" diễn tả một con thuyền chòng chành trong sóng dữ, bầu trời mây vần vũ, và những ngư dân đang chống chỏi điều khiển con thuyền. Tác phẩm đã đoạt giải danh dự trong nước năm 1958 và nhiều giải tiếp theo tại một số nước trên thế giới.

Bức ảnh thứ hai mà thầy thích chính là ảnh Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu. Bức ảnh này đã được các giải thưởng cao tại Phần Lan và New Zealand năm 1966-1967. Năm 1988, trong cuộc thi ảnh "Chân dung thời đại" tại TP.HCM, Ban Tổ chức đã đề nghị đưa bức ảnh này ra trưng bày. Năm 1995, một phóng viên nước ngoài đến Việt Nam cũng quan tâm đến bức ảnh, đã gặp gỡ tác giả để được hiểu rõ thêm...

Có thể nói, không chỉ là những giá trị về mặt nghệ thuật, mà hơn thế, bức ảnh đã mang lại một ý nghĩa nhất định về một giai đoạn không thể quên được trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Hơn 30 năm rồi, vẫn như chợt hiện về một nhà sư trong lửa đỏ, ngồi kiết già, trầm mặc với lời đại nguyện: "Phật giáo Việt Nam được trường tồn, đất nước được thanh bình và chúng sanh an lạc"...

Uy Linh - Uyên Viễn (Bài đã đăng trên tuần báo Giác Ngộ, tháng 5-1996)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày