GN - Sumi Loundon Kim (Kim) là tác giả cuốn Sitting Together (Nxb Wisdom Publications, 2017), một trong những quyển sách chia sẻ về những bài học thực tế và các cách thực hành thiết thực, dựa trên giáo lý nhà Phật, dành cho các gia đình.
“Gia đình là Tăng thân đầu tiên. Đó là một cộng đồng Tăng thân nhỏ”, Kim quan niệm. Ở một góc độ, ý nghĩ này có sự tương đồng với triết lý dân gian Việt Nam: “Thứ nhất là tu tại gia…”.
Chính xác hơn, có thể gọi đây là một “bộ sách”, vì trong Sitting Together được chia thành ba tập, cùng với một bản hướng dẫn trực tuyến, mà ở đó mỗi gia đình có thể tải xuống nhiều bài hát và các mẩu chuyện thú vị một cách dễ dàng. Với những bài học dành cho phụ huynh, những hoạt động hữu ích cho trẻ, lồng ghép vào đó các khái niệm về thiền, lòng từ bi và giáo lý Phật giáo, những thứ có thể ứng dụng trong cuộc sống gia đình một cách thực tế, Sitting Together thật sự được xem như một chương trình giảng dạy phong phú và đầy sáng tạo, cho các gia đình Phật tử.
Với tư cách là một giáo sư chuyên giảng dạy về lĩnh vực Phật giáo tại Đại học Yale, cô Kim nhận định, các bậc phụ huynh hiện nay thường không có thời gian để thiền định, nhưng họ, với nhiều căng thẳng và lo toan cho cuộc sống, mới chính là những đối tượng cần thiền định hơn bao giờ hết.
Cô Kim chỉ rõ: “Đối với các bậc phụ huynh, để thực sự trở thành những người cha mẹ tốt hơn, tuyệt vời hơn, có Chánh pháp và nền tảng tinh thần vững chắc, trước hết, họ cần phải được xoa dịu bằng sự thấu hiểu, chỉ dẫn để biết nuôi dạy con cái một cách tâm lý hơn, sâu sắc hơn”.
Kim lý giải: “Những gì chúng tôi bày tỏ ngay đây chỉ là hoa đã kết, chúng ta cần tự mình đi sâu vào tận gốc rễ, để thực sự thay đổi cách chúng ta làm cha mẹ”.
Thông qua cuốn Sitting Together, Kim chuyển tải phương cách thiết thực nhất cho cha mẹ tiếp cận được con cái. Có thể thấy, việc nuôi dạy trẻ mất rất nhiều tâm sức và đôi khi khiến cha mẹ rơi vào hỗn loạn. Bởi vậy, Kim không kêu gọi mọi người quy định giờ giấc để ngồi lại cùng nhau mỗi ngày, thay vào đó, cô tìm cho mỗi thành viên của từng gia đình, nơi phù hợp dành cho chính họ. Theo đó, cô khuyến khích cha mẹ thành lập những nhóm, mà ở đó, các thành viên có cùng hoàn cảnh với nhau, gặp nhau mỗi tuần một lần, rồi cùng nhau trò chuyện về các chủ đề như: bực tức ra sao và kiên nhẫn thế nào, hay tập thiền cùng nhau, làm những bài tập ngắn đã được phân công về nhà, lập danh sách mua sắm chẳng hạn.
Còn đối với trẻ em, hàng tuần sẽ có chương trình hướng dẫn tương tự như ở các lớp học mầm non. Ở đó, các em sẽ được học về hội họa, ca hát, trò chơi, hay đọc sách… xoay quanh chủ đề về Phật giáo.
Khóa học theo hình thức này của cô Kim ngày càng được mở rộng, kể từ khi cô thành lập Cộng đồng gia đình Phật tử Durham (nay là Cộng đồng gia đình chánh niệm Durham), nơi quy tụ những gia đình ở phía Bắc Carolina (Hoa Kỳ), cùng nhau thực tập Phật giáo. Được biết, vào thời điểm 2010, có khoảng 20 gia đình với cùng sở thích thực hành thiền định tại gia, đã tìm đến với nhau, tạo thành một nhóm, và Kim, lúc bấy giờ là người thuyết giảng về Phật giáo tại Đại học Duke, đã kết nối họ với nhau, dần tạo nên thêm các buổi học hàng tuần dành cho người lớn và trẻ em.
Cô tìm thấy một số ý tưởng cụ thể về dòng truyền thừa, kèm theo đó là một vài chương trình chánh niệm kéo dài hơn tám tuần, nhưng với cô, chừng đó thời gian là chưa đủ. Cô mong muốn một điều gì đó cụ thể và thực tế hơn, dễ tiếp cận hơn, cho người mới bắt đầu. Lấy cảm hứng từ cuốn Planting Seeds, một cuốn sách chú trọng đến trẻ em, từ dòng Thiền của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cô bắt đầu viết và dạy những bài học của riêng mình dành cho trẻ. “Đó là một sự kỳ công” cô nói, và những bài học cuối cùng được đúc kết qua Sitting Together.
Mặc dù, dòng thiền này đã được nhiều cộng đồng Phật giáo ứng dụng, song, chương trình học của cô Kim vẫn tạo cảm giác mới mẻ. “Đó là một nguồn động lực cho các nhóm nhỏ địa phương. Trên lý thuyết, nó có vẻ như được thực hiện bởi từng gia đình đơn lẻ, nhưng khi đưa vào các nhóm nhỏ hoặc lớn hơn, các bài học vẫn được ứng dụng rất tốt, nhất là đối với các bậc phụ huynh đơn thân”, Kim nói.
Vấn đề trọng tâm của cuốn Sitting Together là các mối quan hệ. Những bài học của Kim bắt đầu bằng việc ngồi thiền và hít thở, nhưng khi đi sâu hơn, chúng vượt ra khỏi thể xác, đi vào tư tưởng của cộng đồng, về sự phụ thuộc lẫn nhau và sự tôn trọng môi trường.
“Tôi thực sự muốn thay đổi cách chúng ta nghĩ về pháp, rằng pháp Phật có mối liên hệ ngay trong đời sống của chúng ta. Giáo pháp được hiển bày trong các mối quan hệ của chúng ta, như cách một bánh xe cao su chạm vào mặt đường. Chúng ta có thể trở nên vô cùng tốt bụng khi ở bên cạnh một chú mèo, nhưng bạn biết đấy, nơi mà chúng ta thực sự tìm thấy lòng từ bi, sự tốt đẹp, hay độ lượng, là ở trong các mối quan hệ”, Kim nói. Khi gia đình là đơn vị hình thành các mối quan hệ đầu tiên của một cộng đồng, thì đó cũng chính là nơi để bắt đầu dạy cho trẻ những bài học Phật pháp.
Vậy, làm thế nào để bạn dạy trẻ em về tình thương chân thật? Làm thế nào để khiến những con quái vật tan chảy bằng những hạt sương của lòng từ? Kim đã hướng dẫn bọn trẻ vẽ những con quái vật theo cảm xúc của chúng, sau đó, dùng bình xịt nước, xịt vào những bức tranh ấy cho màu của những con quái vậy chảy xuống, vừa xịt vừa niệm thần chú: “mong cho bạn được hạnh phúc”.
Khi mực chảy xuống, những đứa trẻ cảm thấy vui vẻ và các khái niệm về tình thương chân thật thấm vào từng hành động ấy. Đó là một trong nhiều phương pháp sáng tạo, giới thiệu những ý tưởng Phật giáo bằng những cách vui nhộn khiến bọn trẻ thích thú.
Được biết, cô Kim lớn lên trong một cộng đồng Thiền ở Hoa Kỳ và cô vẫn nhớ những thứ thuộc về Phật giáo như một bản năng, khi cô còn là một đứa trẻ: từ mùi của hương trầm, cho đến hành động cúi đầu lạy. “Đối với trẻ con, những gì thuộc về tâm linh, đều trở thành bản năng trong chúng”, cô nói. “Mùi hương và chuông” rất quan trọng. Nếu bạn nhận diện được chúng từ nhỏ, nó sẽ trở thành những kinh nghiệm, giống như một hệ thống được sắp đặt sẵn trong bạn, một cách sâu sắc. Khi trưởng thành, nếu cảm giác đó được khơi gợi lại, nó sẽ kết nối bạn với Phật giáo một cách rất tự nhiên.
Các cháu nhỏ tham gia một lớp học của Sumi Loundon Kim
Các hoạt động của trẻ trong Sitting Together thường dựa trên cảm xúc và đòi hỏi vận động thường xuyên. Như làm hình mandala bằng rau xanh, có những thẻ trò chơi khuyến khích nhận thức về cơ thể và cả những chú gấu Teddy Bear đáng yêu đang ngồi thiền qua hơi thở nữa. Hay, một quyển vở bài tập với đầy hoa sen và những tờ Ngũ giới được in thành nhiều màu sắc đi kèm với chương trình giảng dạy. Sở dĩ phải có những thứ này là bởi trẻ con rất năng động, chúng thích màu sắc và chẳng bao giờ chịu ngồi yên trên đệm cả, nhưng như vậy không có nghĩa là chúng không thể tương tác được với những ý tưởng Phật giáo.
Đối với bậc phụ huynh, các hoạt động mang tính truyền thống hơn, như thảo luận và thiền định về pháp. Hai chương trình giảng dạy này được thiết kế để chạy song song với nhau, chỉ khác nhau ở cách thực hành. Từ đó, mỗi gia đình trở thành nơi thực hành mới. Như Kim nhấn mạnh, gia đình Tăng thân bao gồm các hoạt động cá nhân, sau đó ứng dụng vào các mối quan hệ, giúp mọi người nhận diện được yêu thương.
Những người có con và là trụ cột trong gia đình, thường nghĩ rằng họ không có thời gian để thực hành thiền định. Nhưng trên thực tế, kể cả khi bạn đang tắm, vẫn có thể dễ dàng thực hiện. Bởi, ngay bản chất của cuộc sống gia đình, đã cung cấp một sự giới thiệu tự nhiên cho nhiều khái niệm Phật giáo. Kim nói: “Với con cái của chúng ta, có một thế giới tuyệt vời về sự kết nối và liên kết với nhau. Tôi nghĩ cha mẹ có cơ hội để cảm nhận điều này và trải nghiệm điều này. Chúng ta có một mảnh đất màu mỡ để thực hành cơ mà. Đó là gia đình chúng ta”.
Giao Hảo
(theo Buddhistdoor)