Gia đình Phật tử giúp tôi nên người

Anh Nguyễn Công Thành vui cùng các đoàn sinh Gia đình Phật tử ở chùa Xá Lợi
Anh Nguyễn Công Thành vui cùng các đoàn sinh Gia đình Phật tử ở chùa Xá Lợi
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chiều Chủ nhật, lúc chạy xe ngang qua chùa Xá Lợi trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP.HCM, tôi thấy các bạn đoàn sinh Gia đình Phật tử đang sinh hoạt nhộn nhịp nên ghé vào xin chụp vài kiểu ảnh.

Anh Nguyễn Hữu Việt, 70 tuổi, tóc bạc trắng - Gia trưởng Gia đình Phật tử Xá Lợi tiếp tôi, nói Gia đình Phật tử Xá Lợi có 100 đoàn sinh sinh hoạt vào mỗi buổi chiều Chủ nhật tại chùa Xá Lợi và hôm nay các bạn đang thi vượt bậc thường niên năm 2022.

Tôi nói tôi sinh hoạt Gia đình Phật tử Chánh Quang ở chùa Thiện Đức tự, tỉnh Bình Dương năm 1962 hồi sáu mươi năm trước, anh Việt và các Huynh trưởng đều chắp tay trước ngực, chào Mô Phật và tôi đã có một buổi chiều “sống lại” với bao kỷ niệm một thời tham gia Gia đình Phật tử. Anh Việt lấy trong ngăn kéo cuốn “Nghi thức tụng niệm của Gia đình Phật tử” tặng tôi khi tôi nói tôi tiếc cuốn kinh nhật tụng quay ronéo bỏ túi của Gia đình Phật tử Chánh Quang bị mất lâu rồi.

Ký ức Gia đình Phật tử

Cuối năm lớp đệ thất, bây giờ là lớp 6, năm 1962 tôi xuống chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) ở nhờ nhà dì Ba, rồi nhà cậu Mười để vừa đi học vừa tìm việc làm. May mắn tôi được một bạn học cùng lớp thưa với cha mẹ là chủ cây xăng ở ngã sáu Phú Cường (cây xăng này bây giờ đã giải tỏa), cho tôi phụ việc và ăn ở với người làm ở cây xăng. Công việc của tôi là sau 10 giờ đêm cây xăng nghỉ bán tôi quét dọn, bơm nước rửa sân, lau chùi các trụ bơm xăng rồi 5 giờ sáng thức dậy, bật đèn, quét sân sạch sẽ để các anh chị bắt đầu bán xăng.

Mỗi buổi sáng Chủ nhật tôi mê mệt hình ảnh anh Quờn và chị em Bình Việt, Hồng Việt ở ngã tư Piscine mặc đồ Gia đình Phật tử đi bộ ngang qua cây xăng ngã sáu xuống chùa Cô Hồn sinh hoạt Gia đình Phật tử.

Một hôm tôi mạnh dạn qua nhà anh Quờn ở gần nhà dì Ba tôi trên đường Ngô Quyền, tôi bày tỏ ý muốn được đi Gia đình Phật tử. Anh Quờn là Huynh trưởng biết tôi là cháu của dì Ba là gia đình danh giá ở Thủ Dầu Một nên anh đồng ý giới thiệu, và rồi tôi được trở thành đoàn sinh của Gia đình Phật tử Chánh Quang.

Tôi vô cùng sung sướng khi nhận được bộ quần áo, nón đồng phục Gia đình Phật tử, giày vải và ba-lô nhà binh của anh Nhàn - Gia trưởng và các anh chị Huynh trưởng tặng lại cho tôi, tất cả là những vật kỷ niệm tôi giữ mãi cho tới sau này.

Gia đình Phật tử Chánh Quang sinh hoạt ở chùa Cô Hồn, chùa Cô Hồn còn có tên là Thiện Đức tự hay còn gọi là chùa Bồ Đề vì có cây bồ-đề cổ thụ ngay trước sân chùa. Tôi bắt đầu sinh hoạt và học hỏi được nhiều điều hay, lành mạnh, hữu ích, đặc biệt là tôi được học nhiều kỹ năng sống như sơ cấp cứu, cứu thương, thoát hiểm, học về truyền tin như morse, semaphone bằng còi và bằng cờ, học mật thư, dấu đi đường, học thắt nút dây, dựng lều trại v.v…

Những kỹ năng này giúp tôi vượt qua trở trại khi tham gia các trò chơi lớn trong những lần đi cắm trại ở chùa Tây Tạng và chùa Hội Khánh ở Bình Dương, hai ngôi chùa cổ kính này hồi đó nằm trên đồi dốc, bên dưới là hầm hố giữa khu rừng rậm, trong đó ấn tượng nhất là khi đi tìm mật thư có đoạn phải vượt qua vực sâu bằng dây tử thần vô cùng mạo hiểm.

Tham gia cắm trại ở hai chùa Hội Khánh và Tây Tạng tôi cũng có mấy lần phải “quỳ nhang”, có khi quỳ 1/3, một nửa cây nhang và cũng có khi cả cây nhang vì phạm quy, những lần quỳ nhang này giúp tôi vừa sửa chữa lỗi lầm vừa tập được tính kiên trì nhẫn nại. Những kỹ năng sống này còn giúp tôi dễ dàng vượt qua các bài học thoát hiểm ở hai quân trường Quang Trung và Đồng Đế khi tôi nhập ngũ.

Sinh hoạt của Gia đình Phật tử luôn là hình ảnh đẹp trong lòng tác giả

Sinh hoạt của Gia đình Phật tử luôn là hình ảnh đẹp trong lòng tác giả

Gia đình Phật tử “nuôi” tôi nên người

Năm 1963, sau sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn ngày 11-6-1963, Gia đình Phật tử Chánh Quang cử 5 đoàn sinh, trong đó có tôi tình nguyện vì trúng kỳ nghỉ hè, đạp xe đạp từ Bình Dương xuống Sài Gòn làm công việc bảo vệ Việt Nam Quốc Tự. Việt Nam Quốc Tự lúc đó đang xây dựng dở dang giữa đầm lầy trên đường Trần Quốc Toản, gần chợ cá Trần Quốc Toản ở quận 10, nay là đường 3/2.

Rồi tiếp theo là nhóm chúng tôi được cử ra Vũng Tàu gần cả tháng ăn ở chùa Linh Sơn cổ tự trên đường ra Bãi Sau làm công tác xã hội ngày ngày đi cứu trợ, phụ dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa giúp bà con ngư dân ở khu Bàu Sen bị bão tàn phá. Sau hai chuyến công tác xã hội này tôi “trưởng thành” mặc dù năm đó tôi mới 13-14 tuổi, học trò lớp đệ lục lên lớp đệ ngũ, tức lớp 7 lớp 8 bây giờ.

Rồi nhóm 5 đoàn sinh chúng tôi được Gia đình Phật tử Chánh Quang giao ở lại bảo vệ chăm sóc chùa Cô Hồn do hồi đó chùa Cô Hồn không có thầy trụ trì. Lúc chúng tôi ở đây thì có người ở Sài Gòn lên lo việc xây dựng Trường Bồ Đề trong khuôn viên chùa Cô Hồn, nhóm chúng tôi được giao thêm công việc bảo vệ công trình xây dựng trường và được trả thù lao nên tôi có thêm tiền ăn học và may được một bộ đồng phục Gia đình Phật tử đúng với số đo của tôi. Rồi con đường đá đỏ chạy quanh theo chùa Cô Hồn được đặt tên đường Thích Quảng Đức cho đến ngày hôm nay.

Trân quý những duyên thiện lành

Tiếp theo là “duyên số” đến với tôi khi một sáng Chủ nhật Gia đình Phật tử Chánh Quang lên chùa Hội Phật Học Bình Dương sinh hoạt. Chùa Hội Phật Học ở đối diện với chợ Cây Dừa, gần mấy trại cưa và lò than Chánh Thành, chợ Cây Dừa bây giờ vẫn còn ở phường Hiệp Thành. Trụ trì chùa Hội Phật Học là hai Sư cô Huệ Minh và Diệu An, hai Sư cô biết tôi ở chùa Cô Hồn đi học nên nói với anh Nhàn - Gia trưởng cho tôi lên ở chùa của cô để phụ giúp công việc nhà chùa.

Đó là năm 1965, năm tôi học lớp đệ tứ, lớp 9 bây giờ, tôi mang ba-lô đạp xe đạp lên chùa Hội Phật Học ăn ở đi học. Sư cô Huệ Minh xếp cho tôi ở phòng bên phải chánh điện có đủ giường, bàn, tủ, ghế, tiện nghi hơn ở dưới chùa Cô Hồn nhiều. Cô giao việc cho tôi là mỗi tuần đẩy xe qua mấy trại cưa xin gỗ thừa và qua lò than Chánh Thành xin than sống dạt ra đem về làm củi và 4 giờ sáng thức dậy, rửa mặt sạch sẽ, mặc áo dài lam lên chánh điện thay nước, nhang đèn, rồi dộng đại hồng chung để Sư cô lên công phu buổi sáng.

Qua lò than Chánh Thành xin than riết rồi tôi quen được bà xã tôi bây giờ, hồi đó là con gái của chủ lò than, học lớp đệ tứ Trường Nữ Trịnh Hoài Đức, một trong hai trường trung học công lập danh giá ở Bình Dương hồi đó.

Hôm vợ chồng tôi về thăm quê nhà, chùa Cô Hồn và Trường Bồ Đề không còn nữa, mặt bằng đó hiện là Trường Phổ thông cơ sở Phú Cường. Nhưng điều học được từ Gia đình Phật tử luôn là hành trang cho tôi, những ký ức về đoàn sinh Gia đình Phật tử luôn sống mãi trong tôi, đó là điều tôi tự hào: mình từng là đoàn sinh Gia đình Phật tử.

Nguyễn Công Thành

Nguyên Trưởng phòng ảnh Báo Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày