GN - Đã 36 năm kể từ khi thành lập, qua nhiều chặng đường phát triển, GHPGVN hiện nay đã có hệ thống hành chánh phủ khắp 63/63 tỉnh, thành. Đại hội là thời điểm để nhìn lại, hoạch định chương trình cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Nhân sự kiện này, chư tôn đức giáo phẩm các tỉnh thành tiêu biểu, nhận định và kỳ vọng gì về tương lai của Giáo hội?
TT.Thích Quảng Truyền, UV HĐTS, Phó Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Lạng Sơn:
“Giáo hội nên có một cơ chế thực hiện việc quản lý và phát ngôn thông tin chính thống”
Đó là lời chia sẻ của TT.Thích Quảng Truyền khi chia sẻ với PV. Giác Ngộ về tình hình quản lý thông tin cũng như đại điện phát ngôn của Giáo hội các cấp. Các biện pháp xử lý khủng hoảng truyền thông đối với những thông tin gây ảnh hưởng đến uy tín Giáo hội nói riêng và Phật giáo nói chung.
"Là một người làm Phật sự tại vùng biên cương của Tổ quốc, chúng tôi nhận thấy hoạt động thông tin đại chúng đang được phát triển và có tác dụng lan tỏa lớn và tích cực. Hoạt động thông tin đại chúng dưới góc độ Phật giáo sẽ giúp cho công tác Phật sự được tốt hơn. Những ứng dụng về internet, điện thoại thông minh là một kênh hoằng pháp rất hữu hiệu. Chúng tôi nhận thấy dù ở biên cương nhưng nếu tận dụng tiện ích này thì sự hoằng pháp sẽ bớt khó khăn, cách trở cho những địa bàn vùng sâu vùng xa.
Ở Đại hội VIII này chúng tôi muốn chú ý đến công tác thông tin truyền thông của Giáo hội. Thông tin truyền thông có hai hướng tích cực và tiêu cực. Tích cực là thông tin, truyền tải đến Phật tử, nhân dân những công tác thuyết giảng, hoằng pháp; cũng như những hoạt động Phật sự tốt của Phật giáo. Trong bối cảnh thông tin đa phương tiện, đa chiều… thì các thông tin tiêu cực, trái chiều cũng rất nhiều, trong đó có Phật giáo chúng ta. Điều này chúng ta phải đặc biệt quan tâm.
Sự kiện "Sư thầy hát nhạc Bolero" gây khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo
nhưng không có một phát ngôn chính thức nào từ phía các cấp Giáo hội - Ảnh: Internet
Có rất nhiều lý do để có những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo nói chung và Giáo hội nói riêng. Họ có thể lợi dụng sự kiện nào đó, hình ảnh vị sư nào không chuẩn mực, hoặc giả thông tin, giả sư… để tạo nên những sự kiện gây hoang mang, ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo. Nếu chúng ta không có một sự quản lý và tiếng nói phát ngôn chính thống sẽ gây hình ảnh phản cảm. Đây là điều chúng tôi suy tư.
Thiết nghĩ sắp đến Giáo hội nên có một cơ chế làm việc này để quản lý và phát ngôn thông tin chính thống từ Giáo hội, đồng thời làm việc với những cơ quan thông tin truyền thông đưa các tin tức không đúng sự thật, hoặc chưa kiểm chứng về Phật giáo...".
P.Đăng ghi
Bài liên quan:
Giáo hội cần quan tâm đến những yêu cầu mới || Cần có chính sách nhân lực cho vùng đặc biệt ||