Góc an nhiên: Áo hoa

0:00 / 0:00
0:00
GN - Tôi ghét phải nói đi nói lại một điều nhưng bắt đầu bài viết này, tôi chẳng tìm được cách mở đầu khác nên lại phải nói, hồi xưa nhà tôi nghèo lắm...
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Làm ruộng, con đông. Vì nghèo nên má có “tôn chỉ” mua (hoặc may) đồ rất khắt khe. Chỉ Tết mới có đồ mới. Mỗi đứa một bộ, đứa nào còn đi học thì quần xanh áo trắng. Vì tôn chỉ bất di bất dịch nên con gái rượu của má Tết nào cũng lúng túng trong bộ đồng phục rộng rinh (may trừ hao để sang năm mặc nữa).

Niềm vui áo mới đã không trọn vẹn. Tôi, con gái thích soi gương, thích mặc đồ đẹp tỏ ra rầu rĩ với bộ quần xanh áo trắng. Từ khi có niềm vui náo nức chờ Tết mặc đồ đẹp, tôi luôn ao ước có được một chiếc áo hoa. Thèm lắm. Hồi còn nhỏ xíu thì tin bộ đồng phục mới làm mình đẹp hơn nhưng sau này không tin nữa. Lớn rồi, lơ mơ biết sửa soạn, tôi nhìn người tủi mình. Tết cũng trông chờ thật nhưng niềm vui giờ đã thấp thoáng tủi hờn. Làm sao không rầu khi mấy bạn cùng trang lứa xênh xang váy xanh váy đỏ, nhiều đứa đâu thuộc diện dư ăn dư để cũng có chiếc áo hoa rực rỡ du xuân.

Kể chuyện này cũng có phần hổ thẹn. Nói thiệt, hồi đó tôi ganh tỵ đến đỏ mặt tía tai khi chưa tới Tết mà mấy đứa con gái trong xóm đem những chiếc áo hoa ra ướm, cùng nhau ngắm nghía, khen chê. Trời ơi, có chỗ nào xấu mà chê, với tôi, áo hoa thì chiếc nào cũng từ đẹp trở lên. Tôi hình dung nếu được mặc vào người chiếc áo hoa đó chắc tôi sẽ xinh lồng lộng như một nàng công chúa. Vậy là về nhà ỉ ôi, khỏi phải than thở cho mất công, má lúc nào cũng vững như thép, nài nỉ lần một má cười lắc đầu, lần thứ hai má nói: “Bông với hoa, đem bán má rồi lấy tiền mua áo…”. Và như thế nên tôi đã nghĩ chiếc áo hoa ngày Tết mình chỉ được mặc trong những giấc mơ.

Không phải lúc nào giấc mơ cũng không có thật, bằng chứng là cuối cùng, sau bao nhiêu lần nằm mơ, tôi cũng được cầm trên tay một chiếc áo hoa.

Năm đó, má bảo ở nhà, chuyên cần trông coi vườn cải, đừng để gà vào phá. Tháng Chạp phụ bán rau với má, sẽ có chiếc áo hoa. Nói vậy là có động lực liền. Bình thường ngả ngớn trốn việc đi chơi nhưng có phần thưởng là nhất tâm nhất ý công tác. Không những đuổi gà, tôi còn mẫn cán vun đất, nhổ cỏ, bắt sâu. Khách trong xóm tới mua, tôi còn biết cắt rau bán. Tới gần nửa tháng Chạp, má đem từ chợ về một chiếc áo hoa. Những chiếc hoa nhí màu trắng trên nền vải xanh đen. Chao ôi là đẹp! Tôi sướng rơn khi được cầm chiếc áo mềm mịn trên tay, cảm giác như được chạm vào ngàn cánh hoa của mùa xuân. Chưa cần mặc, mới được hít mùi vải mới tôi đã thấy mình… lớn thích (*).

Chiếc áo hoa cổ bèo, cột nơ, cực kỳ xinh xắn đó tự tay má may. Vâng, má tôi không phải thợ may nhưng bà “học lỏm” từ cô thợ may hàng xóm. Vì không chuyên nghiệp nên chiếc áo hoa má may mặc vào tức rực. Tà trước hơi bị hỏng, dễ bị ló chiếc bụng (hơi nóc) nên tôi ít nhiều phụng phịu. Nhưng chị Hai hét, nhà bốn chị em gái, mỗi mày Tết có áo hoa đấy. Câu hét có tính giác ngộ cao, tôi tỉnh trí liền. Có còn hơn không, nên dù không được như ý thì tôi vẫn phấn khởi tưng bừng mặc chiếc áo hoa ló rốn đi chơi Tết.

Bây giờ, mỗi khi xuân về, mỗi lúc thấy một đứa trẻ nào đó mừng rỡ vì được mặc đồ mới thì tôi lại cồn cào nhớ chiếc áo hoa tuổi thơ, muốn bỏ hết những cám dỗ mùa xuân để chạy về với mẹ.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

________

(*)Lớnthích: Phương ngữ Phú Yên, tương đương với lớn đụi, lớn phổng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày