Góp ý xây dựng Tăng Ni: Có nên đưa lên mạng xã hội?

Mong Giáo hội đừng để mọi góp ý của Phật tử rơi vào im lặng
Mong Giáo hội đừng để mọi góp ý của Phật tử rơi vào im lặng
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Hiện tôi và một vài huynh đệ có ý kiến trái chiều về việc góp ý xây dựng cho Tăng Ni và Phật tử. Tôi cho rằng, khi muốn góp ý điều gì với ai (xuất gia hay tại gia), trước cần tìm hiểu kỹ rồi gặp riêng hoặc gửi thư riêng cho người ấy, chứ không nên đưa lên báo hay mạng xã hội để phê bình, chỉ trích, gây ra nhiều hệ lụy. Bởi không ít thông tin được truyền đi thiếu chính xác, không trung thực; người tiếp nhận thông tin thiếu sự tìm hiểu và thường có phản ứng cảm tính, cực đoan. Thế nên khi góp ý dù đúng cũng cần góp ý riêng. Tôi nghĩ đó là cách tôn trọng lẫn nhau và tránh phát sinh những chuyện không hay từ dư luận, đồng thời người góp ý cũng ngăn ngừa được tâm kiêu mạn. Tuy nhiên một số bạn đồng tu thì cho rằng làm như thế sẽ không có hiệu quả. Xin hỏi quý Báo là chúng tôi phải làm thế nào mới đúng? Khi góp ý cho cá nhân thì nên gặp trực tiếp hay gửi thư gián tiếp. Còn góp ý cho Giáo hội Phật giáo thì gửi thư góp ý đó về địa chỉ nào, cơ quan nào? Có nên đưa vụ việc lên mạng xã hội?

(HẠNH QUYÊN, hanhquyen206...@gmail.com)

Bạn Hạnh Quyên thân mến!

Xây dựng Tăng-già (Tăng Ni, rộng ra là bốn chúng) thanh tịnh, hòa hợp, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của Giáo hội đồng thời là trách nhiệm của tự thân mỗi người con Phật. Đa phần Tăng Ni và hầu hết nam nữ Phật tử chúng ta đều là người phàm, phước đức trí tuệ thì cạn mỏng mà nghiệp chướng lại sâu dày nên thi thoảng có người phạm phải lỗi lầm là điều dễ hiểu. Khi đã có sai phạm thì cần được nghiêm túc góp ý xây dựng để sửa chữa, phục thiện. Thậm chí sau nhiều lần góp ý mà không chuyển hóa, tiếp tục sai phạm thì Giáo hội cần kiên quyết xử lý theo Pháp và Luật mà Phật đã chế định để trong sạch Giáo đoàn.

Người đệ tử Phật kính tin Tam bảo, nhất định phải tìm mọi cách để bảo vệ đạo pháp. Góp ý xây dựng cho bốn chúng để kiện toàn là một trong nhiều cách bảo vệ đạo pháp cần được phát huy. Người Phật tử chân chính không mặc kệ, bàng quan kiểu “mũ ni che tai” mà luôn thao thức với việc xây dựng bốn chúng trong sạch, thánh thiện. Vấn đề là góp ý cho Tăng Ni và nam nữ Phật tử thế nào mới đúng pháp và hiệu quả nhất?

Trước hết, chúng tôi tán đồng quan điểm của bạn, muốn góp ý cho Tăng Ni, hàng Phật tử có thể trực tiếp gặp riêng hay gián tiếp gửi thư riêng đến vị Tăng Ni ấy. Tuy nhiên sau vài lần nỗ lực, nếu không ghi nhận được những phản hồi tích cực, chúng ta có thể thông báo sẽ tường trình sự việc lên các cấp Giáo hội nhờ góp ý, can thiệp.

Hiện Giáo hội đang đã hoàn thiện bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương. Chỉ cần tìm kiếm trên Google, chúng ta có thể tìm ra hầu hết các địa chỉ văn phòng, địa chỉ email của các ban ngành viện Giáo hội Trung ương, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành, quận huyện. Thư góp ý của chúng ta dễ dàng gửi đến Giáo hội theo các địa chỉ này. Đặc biệt, Giáo hội hiện có hai ban chuyên trách là Tăng sự và Pháp chế có trách nhiệm quản lý cũng như xử lý các việc liên quan đến Tăng Ni. Việc của Tăng Ni, theo luật Phật chế nên để cho Tăng-già xử lý. Hàng Phật tử có trách nhiệm phản ánh đúng đắn, trung thực nội dung vụ việc để các cấp Giáo hội có cơ sở xác minh và giải quyết kịp thời.

Kế đến là vấn đề góp ý cho Tăng Ni và Phật tử bằng cách đưa nội dung vụ việc liên quan lên các mạng xã hội. Như đã nói, sau khi đã góp ý trực tiếp, gián tiếp, nhờ Giáo hội can thiệp, xử lý mà không có bất cứ biến chuyển nào thì việc đưa lên mạng xã hội là điều có thể nghĩ đến. Hiện nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, một số phòng ban của Giáo hội nhận được đơn thư phản ánh, góp ý nhưng rồi im lặng, người gửi đơn thư không nhận được phản hồi hay bất cứ tương tác nào. Việc này khiến cho họ rất bức xúc và càng quyết tâm hơn trong vấn đề đưa vụ việc lên mạng xã hội.

Ai cũng biết, mạng xã hội có vai trò tương tác và chức năng thông tin đặc thù, không gì có thể che giấu và không ai có thể xem thường mạng xã hội. Thực tiễn ghi nhận khá nhiều vụ việc bắt đầu từ phản ánh của mạng xã hội, giúp các cơ quan hữu quan can thiệp kịp thời, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan. Vấn đề là lúc nào thì chúng ta có thể đưa một vụ việc liên quan đến Tăng Ni hay Phật tử nói chung, nhất là những chuyện không vui, lên mạng xã hội.

Mỗi người con Phật chúng ta tự biết rằng, không phải cái gì đưa lên mạng xã hội cũng tốt, nhất là đối với những chuyện tế nhị phải càng thận trọng hơn. Trong tinh thần “ẩn ác dương thiện”, nếu được các cấp Giáo hội quan tâm nhanh chóng xử lý đúng người đúng việc, ở đâu vào đấy, thì sẽ tốt hơn. Tuy vậy, khi mọi góp ý của chúng ta đều rơi vào im lặng thì phải làm sao? Dĩ nhiên Phật tử chúng ta phải kham nhẫn, nuôi dưỡng tâm từ trước mọi việc. Sau cùng, khi kiên nhẫn đã đạt ngưỡng thì có thể chọn giải pháp đưa lên mạng xã hội.

Thể hiện thông tin trên mạng xã hội là quyền tự do của mỗi người. Hãy vận dụng từ tâm, hãy vì ngôi nhà chung Phật giáo, hoàn toàn vì đạo mà không vì mình, tôn trọng sự thật, không đăng những gì mình chưa biết rõ, chịu trách nhiệm về việc mình làm… là những điều quan yếu khi quyết đưa vụ việc liên quan đến Tăng Ni mà không mấy vui lên mạng xã hội.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày