Hành trình tu tập lòng từ của người hạnh phúc nhất thế giới

Thầy Matthieu Ricard, một tu sĩ gốc Pháp, xuất gia theo truyền thống Phật giáo Kim cương thừa, là nhà khoa học, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất và là nhà hoạt động xã hội
Thầy Matthieu Ricard, một tu sĩ gốc Pháp, xuất gia theo truyền thống Phật giáo Kim cương thừa, là nhà khoa học, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất và là nhà hoạt động xã hội
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thầy Matthieu Ricard xuất gia theo truyền thống Phật giáo Kim cương thừa, là nhà khoa học, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất, nhà hoạt động xã hội. Thầy chia sẻ rằng lòng từ bi chính là câu trả lời cho mọi hành trình tu tập và hướng đến hạnh phúc tột bực trong cuộc đời.

Trong một căn lều được làm bằng lông yak dệt, một cô gái 13 tuổi đang khuấy pho-mát trong một cái vạc trên lò sưởi bằng đất sét. Cha cô đã mất cách đây khoảng một năm, còn mẹ cô thì mắc bệnh lao xương. Bà ốm yếu đến nỗi đôi mắt hốc hác quá khổ so với khuôn mặt, và ánh lên cái nhìn thất thần một cách kỳ lạ. Không đủ tiền để mua thuốc cho con, bà ngoại cô đang cầu nguyện trong một góc của ngôi nhà.

Thầy Matthieu Ricard, một tu sĩ gốc Pháp và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Karuna-Shechen, đã chứng kiến cảnh tượng đau lòng này khi ông đang đến thăm các cộng đồng du mục ở Đông Tây Tạng. Và may mắn thay, thầy và nhóm Karuna-Shechen đã có thể giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời cho hoàn cảnh ngặt nghèo này.

Họ cung cấp thuốc cho gia đình trong vòng một năm, và khi họ hướng dẫn sử dụng thuốc, cô gái trẻ đã chăm chú lắng nghe với cái nhìn vừa hoài nghi nhưng cũng mang chút hy vọng loé lên trong ánh mắt. Một năm sau, khi nhóm quay trở lại thì họ thấy cô gái đang nở nụ cười rạng rỡ, bởi mẹ cô đã đi lại được, tuy vẫn phải sử dụng nạng tạm thời nhưng bà đã bình phục và không còn phải nằm liệt giường nữa, hoàn toàn nhờ vào sự quan tâm của nhóm Karuna-Shechen.

Karuna-Shechen là tổ chức nhân đạo được thành lập vào năm 2000, hoạt động dựa trên tiền bản quyền sách của thầy Matthieu, cũng như bất kỳ khoản tiền nào mà thầy có được từ việc tổ chức hội nghị hoặc bán tranh ảnh mỹ thuật của mình. Bản thân thầy sống khắc khổ, thầy đã ngủ trong một chiếc túi ngủ duy nhất trong suốt 30 năm và trú trong một túp lều yên tĩnh ở Nepal mà không có hệ thống lò sưởi, thế nhưng người ta ước tính rằng thầy đã quyên góp cho Karuna-Shechen một triệu rưỡi đô-la.

Sau này, các nhà từ thiện khác cũng đã đóng góp gây quỹ cho tổ chức, và cho đến nay, họ đã khởi xướng và quản lý hơn 140 dự án nhân đạo ở Tây Tạng, Nepal và Ấn Độ, bao gồm các hoạt động như cứu trợ khẩn cấp cho các nạn nhân động đất gần đây ở Nepal, đào tạo cho phụ nữ mù chữ trong các bản làng về kỹ thuật năng lượng mặt trời, lắp đặt hệ thống phun nước cho những vùng thường bị hạn hán, thiết lập chương trình vườn bếp để chống nạn suy dinh dưỡng, xây dựng những cơ sở giáo dục mới và tu sửa các ngôi trường đã bị xuống cấp,…

Thầy Matthieu Ricard đã viết trong cuốn sách mới của mình có tựa đề Altruism: The Power of Compassion to Change Yourself and the World (tạm dịch: Lòng vị tha: Sức mạnh của lòng bi mẫn thay đổi bản thân và thế giới): “Trong thời hiện đại này, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Một trong những vấn đề chính bao gồm việc dung hòa các nhu cầu của nền kinh tế, tìm kiếm hạnh phúc và tôn trọng môi trường tự nhiên. Ba khía cạnh này tương ứng với ba thang thời gian-ngắn, trung và dài hạn - cùng với đó là ba loại lợi ích: lợi ích của bản thân chúng ta, của những người thân thiết và của tất cả chúng sinh”.

Thầy cho biết: “Quan tâm nhiều hơn đến người khác là cách thực tế nhất để đối phó với những thách thức trong thời đại của chúng ta. Quả thực, khi gặp gỡ các nhà kinh tế, môi trường, nhà tâm lý, nhân viên xã hội, hay các nhà lãnh đạo thì tôi nhận ra rằng đó là câu trả lời duy nhất”.

Từ Thomas Hobbs đến Ayn Rand, họ đều cho rằng bản chất con người là ích kỷ và thậm chí là tàn bạo. Tư tưởng này đã thống trị phương Tây trong vài nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, thầy Matthieu tin rằng con người vốn đã có sẵn lòng nhân ái, và chúng ta có thể khơi dậy phẩm chất này bằng quá trình rèn luyện và tu tập. Thầy cũng cho biết có nhiều phương pháp đã được chứng minh giúp phát triển lòng từ bi của bản thân và đối với xã hội một cách tuần tự, có hệ thống rõ ràng.

Thầy có thể hiểu được rằng những người khác có thể xem suy nghĩ này của thầy là quá lý tưởng, nhưng thầy một lần nữa đã khẳng định rằng thầy không chỉ là một tu sĩ Phật giáo có tu tập về lòng từ, mà hơn thế nữa, thầy có cả một hệ thống khoa học đứng về phía mình và ủng hộ những gì mà thầy đưa ra với 1.600 tài liệu nghiên cứu về lòng từ bi. Mọi người cũng quên mất một chi tiết rằng trước khi trở thành một tu sĩ Phật giáo, thầy Matthieu đã lấy bằng tiến sĩ về sinh học phân tử tại Viện Pasteur ở Paris, và vị giáo sư hướng dẫn chính của thầy là người đã đoạt giải Nobel.

Trong cuốn sách Happiness: A Guide to Developing Life’s Most Important Skill (tạm dịch: Hạnh phúc: Hướng dẫn phát triển kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống), thầy nhấn mạnh rằng Phật giáo không bao giờ chủ trương một niềm tin hay một loại tín ngưỡng mù quáng. “Mà Phật giáo là một ngành khoa học tâm trí, thiết thực, một nghệ thuật để sống đời từ ái, vị tha, một triết lý có ý nghĩa sâu sắc và là một phương pháp thực hành tâm linh dẫn đến sự chuyển hóa nội tâm thực sự.

Đã có khoảng thời gian trong 25 năm, thầy sống tách biệt với thế giới rộng lớn bên ngoài - không đài, không báo chí. Thầy đã tu tập chuyên cần với Kangyur Rinpoche cho đến khi ngài viên tịch, và thầy lại tiếp tục theo học với đạo sư Dzogchen Dilgo Khyentse Rinpoche, một trong những vị thầy Phật giáo Tây Tạng quan trọng nhất của thế kỷ XX.

Cuộc sống ẩn dật của thầy đã kết thúc vào năm 1997, khi một nhà xuất bản đề nghị mời thầy và cha của mình tham gia vào một cuộc trò chuyện để giải mã cuộc sống. Được xuất bản với tựa đề The Monk and the Philosopher (Thiền sư và triết gia), cuốn sách đã gặt hái được những thành công rực rỡ. Hơn 350.000 bản đã được in ở Pháp và được dịch sang 21 thứ tiếng. Thầy Ricard buộc phải đổi mới mối quan hệ của mình với thế giới khoa học.

Thầy đã có cuộc đối thoại với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, và sau đó, một cuốn sách với tiêu đề The Quantum and the Lotus: A Journey to the Frontiers Where Science and Buddhism Meet (tạm dịch: Lượng tử và Hoa sen: Hành trình đi đến giao lộ giữa Phật giáo và khoa học) đã được xuất bản. Thầy cũng đã tham gia vào các cuộc họp tại Viện Tâm thức và Đời sống, một tổ chức lấy cảm hứng từ Đức Dalai Lama và được thành lập để khuyến khích các cuộc đối thoại giữa các học giả Phật giáo và khoa học.

Quan trọng hơn nữa, vào năm 2000, sự quan tâm của thầy về mối liên hệ giữa lòng từ bi và khoa học lại một lần nữa được kiểm nghiệm. Thầy đã hợp tác với nhà thần kinh học Richard Davidson của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Tâm trí ở Madison, Wisconsin. Thầy nói rằng thầy là “chuột thí nghiệm” cho các dự án nghiên cứu tiên tiến, phân tích các tác động ngắn hạn và dài hạn của việc rèn luyện tâm trí thông qua thiền định.

Thầy Matthieu Ricard đưa tiễn thân phụ - nhà triết học J.François Revel

Thầy Matthieu Ricard đưa tiễn thân phụ - nhà triết học J.François Revel

Trong những thử nghiệm đầu tiên, thầy bị “giam” trong vòng ồn ào, ngột ngạt của máy fMRI trong hơn ba giờ đồng hồ trong khi thầy thực hành một số loại thiền: thiền chỉ, thiền quán và thiền từ bi. Đối với nhiều người, dành quá nhiều thời gian trong một chiếc máy kiểu này sẽ là một thử thách dễ dẫn đến hoảng loạn, nhưng đến cuối cuộc thí nghiệm mệt mỏi của Ricard, thầy đã mỉm cười. “Đó giống như một kỳ nghỉ ngắn hạn!”, thầy cho biết.

Kết quả quét fMRI cho thấy thầy và các hành giả khác, những người đã thực hành thiền định ít nhất 10.000 giờ, sở hữu mức độ hoạt động phi thường ở vỏ não trước trán bên trái, phần này vốn có liên quan đến những cảm xúc tích cực. Hoạt động ở phía bên phải, nơi xử lý những suy nghĩ tiêu cực, đã bị ngăn chặn và hạn chế. Khi kết quả thí nghiệm của Madison được công bố ra công chúng, giới truyền thông đã đặt cho Ricard một biệt danh đáng nhớ. Thầy được họ mệnh danh là “người hạnh phúc nhất thế giới”.

Thầy cho biết: “Mọi người thường nhầm lẫn giữa hạnh phúc và sự vui vẻ. Tuy nhiên, hạnh phúc không phải là ăn kem. Mà thực sự, đó là tập hợp những phẩm chất cơ bản của con người, trong đó sự tự do của tâm thức đóng vai trò trung tâm. Nếu bạn hạnh phúc, bạn không còn là nô lệ cho các vọng tưởng của mình. Bạn thoát khỏi sự kiềm kẹp mọi kẻ thù độc hại như hận thù, tham ái, ghen tỵ, ngạo mạn, v.v...

Trạng thái tự do đó mang lại cho bạn sự bình yên nội tâm và, sự tự tin của bạn lúc này sẽ rất khác với lòng tự ái. Bởi vì bạn có nội lực để đối phó với những thăng trầm của cuộc sống nên bạn ít bận tâm đến bản thân hơn. Bạn biết rằng dù có bất cứ điều gì xảy ra thì bạn sẽ ổn thôi. Vì cảm thấy sự an toàn với chính bản thân mình như vậy nên bạn sẽ không cố gắng bảo vệ bản thân quá mức và cởi mở một cách tự nhiên đối với những người khác.

Hạnh phúc của sự ích kỷ không tồn tại. Khi bạn hoàn toàn cho mình là trung tâm - tôi, tôi, tôi suốt ngày - thì bạn sẽ đẩy lùi bất cứ điều gì có thể đe dọa cái tôi của bạn, đe dọa sự thoải mái của bạn. Chính điều này khiến cuộc sống trở nên khốn đốn. Bạn liên tục trong tình trạng bị đe dọa, bởi vì thế giới đơn giản không phải là một danh mục đặt hàng để đáp ứng mọi mong muốn và yêu cầu của bạn”.

Theo thầy Matthieu, lòng từ bi không đòi hỏi chúng ta phải hy sinh hạnh phúc của chính mình. Trên thực tế, lòng nhân từ, dựa trên sự hiểu biết đúng đắn về nguyên lý duyên sinh, sẽ dẫn đến lợi ích của cả đôi bên. Bản thân chúng ta phát triển nhưng đồng thời chúng ta cũng mang lại lợi ích cho tất cả những người xung quanh.

Thầy Matthieu Ricard là thông dịch viên tiếng Pháp cho Đức Dalai Lama từ năm 1989, và thầy nhớ lại cách đây vài năm, khi đang chuẩn bị đi nhập thất ở vùng núi Nepal thì Đức Dalai Lama đã cho thầy lời khuyên như thế này: “Lúc đầu, hãy thiền định về lòng từ bi. Lúc giữa, hãy thiền định về lòng từ bi. Cuối cùng, hãy thiền định về lòng từ bi”.

Để thiền định về lòng từ, thầy đã đưa ra những hướng dẫn đơn giản như sau: “Đầu tiên bạn nghĩ về một người thân thiết với bạn. Bạn hãy khơi dậy lòng từ và tình yêu thương vô điều kiện đối với họ. Sau đó, bạn dần dần mở rộng tình yêu thương này đến tất cả chúng sinh và tiếp tục theo cách đó cho đến khi toàn bộ tâm trí bạn tràn ngập tình yêu thương. Nếu nhận thấy lòng từ này đang vơi dần, bạn sẽ phải khuấy động lại nó. Nếu bị phân tâm, bạn phải hướng sự chú ý của mình trở lại với lòng từ”.

Thầy tiếp tục với lòng bi mẫn: “Vì để khơi dậy lòng bi mẫn, bạn hãy bắt đầu nghĩ đến một người thân thiết nào đó đang chịu khổ đau, và bạn thành tâm mong muốn người đó thoát khỏi đau khổ. Sau đó, bạn hãy thực hiện giống như quá trình phát triển tâm từ”.

Thầy Matthieu Ricard và thân phụ, nhà triết học Jean-François Revel

Thầy Matthieu Ricard và thân phụ, nhà triết học Jean-François Revel

Thầy nhấn mạnh rằng quan tâm đến người khác là một phần tự nhiên của con người, nhưng đó cũng là một kỹ năng chúng ta có thể trau dồi và phát triển xa hơn thế nữa. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu điều này về lòng từ bi: Nếu chúng ta không thể từ bi với một số người, thì chúng ta cũng có nguy cơ không thể từ bi với tất cả mọi người. Nếu bạn từ bi với tất cả mọi người, nhưng ngoại trừ một nhóm dân tộc hay một số loài động vật nhất định, thì bạn đang giết chết một phần cộng hưởng và đồng cảm của mình đối với những người khác.

Với sự quan tâm nhiều hơn đến người khác, thầy đã viết trong quyển Altruism: “Tất cả chúng ta sẽ hành động với quan điểm khắc phục những sự bất công, phân biệt đối xử và nghèo đói. Hơn nữa, nếu chúng ta quan tâm đến số phận của các thế hệ tương lai, chúng ta sẽ không mù quáng hy sinh hạnh phúc của họ cho những lợi ích phù du của mình, hay chỉ để lại một hành tinh ô nhiễm, nghèo khó cho những thế hệ sau chúng ta. Ngược lại, chúng ta sẽ cố gắng thúc đẩy một nền kinh tế quan tâm giúp nâng cao niềm tin lẫn nhau và tôn trọng lợi ích của người khác”.

Trong khi chủ trương tu tập lòng từ bi, thầy cũng mong muốn mọi người hãy trau giồi trí tuệ cho tự thân. Thầy nhấn mạnh: “Nếu lòng từ bi không có trí tuệ thì sẽ trở nên mù quáng, và nếu lòng từ bi đó không kết hợp với hành động thì chỉ là đạo đức giả”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày