Lớp học trong ngôi chùa nhỏ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1174 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1174 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chùa Thiên Khánh nằm trong con hẻm nhỏ số 551/24 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6, diện tích chưa đến 79m 2 nhưng lớp học vào sáng Chủ nhật lúc nào cũng rôm rả tiếng cười nói, thảo luận của cô và trò.

Đó là nơi mà các em học sinh cấp một, cấp hai vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần đều có thể trở về để học kỹ năng sống, học giáo lý và ôn, phổ cập lại kiến thức không theo kịp khi học ở trường.

Lớp học 0 đồng

Tháng 4-2022, nhà báo Phật tử Hoàng Kim (pháp danh Diệu Kim) đang công tác tại Báo Thanh Niên bắt đầu bén duyên với lớp học tại “nhà chùa” Thiên Khánh. Chị trở thành cô giáo và cũng là “thần tượng” của các em học trò hiếu học nơi đây qua mỗi tiết học sinh động, hấp dẫn và quan trọng hơn hết là sau đó, các em tiếp thu được kiến thức “3 in 1” không phải nơi nào cũng có.

Dưới mái chùa, trong không gian khiêm tốn, hình ảnh các em xúm xít, quây quần bên cô giáo để rèn luyện, học từng kiến thức và từ vựng mới khiến ai thấy cũng hoan hỷ. Em Hoàng Tuấn Long, lớp 6, Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, bộc bạch: “Trong trường con ít được thầy cô luyện đọc, con học với cô Kim con được cô sửa, ôn lại kiến thức Anh văn nên con rất thích”.

Lớp học không chỉ có các em học sinh trong hẻm chùa đến để cô Kim dạy, mà còn có nhiều em nhà xa tít, ở quận 8, quận 5 cũng được bố mẹ, ông bà đưa đến chùa học. Mỗi buổi có ít nhất 15 em đến học, dao động trong sĩ số khoảng 30 em. Những lúc đông học trò, ĐĐ.Thích Minh Thạnh, trụ trì chùa Thiên Khánh tận dụng cả bàn ăn để cho các em học.

Em Hoàng Chính Thiện, học lớp 6, kể: “Nhà con ở phường 12, quận 5. Con rất thích học cô. Sáng bà ngoại chở con qua, khi con học xong ba qua chở con về. Cô dạy dễ hiểu, học ở đây con được giao tiếp qua lại với các bạn, sai là cô sửa liền nên con tiếp thu rất nhanh, con tự tin hơn khi đến trường”.

Với cô Kim, việc các em tiến bộ là điều khiến cô vui nhất. Cô nhớ học lực và sự nỗ lực của từng em: “Có em học trò Yến Nhi, em học lớp 5 nhưng bị mất căn bản không thể đọc được những câu, cấu trúc căn bản tiếng Anh. Em nói với tôi, ‘cô ơi con dốt lắm, con kiểm tra có 2 điểm thôi’. Thế là tôi kèm cho em, động viên em và chỉ sau một thời gian ngắn, em tiến bộ rất tốt, và không còn mặc cảm, tự ti về học lực của mình”.

Cô Kim quan niệm giáo dục là nền tảng của tất cả, không học thì lớn lên các em sẽ nhiều thiệt thòi. Phần nữa ở trường các em được dạy quá nhiều về chữ, giáo trình quá nặng nhưng lại thiếu hụt kỹ năng, đạo đức, ứng xử. Đó cũng là lý do cô gắn bó, mỗi tuần chạy xe từ quận 8 sang quận 6 để dạy, chia sẻ kỹ năng sống cho các em.

Lớp học “3 in 1”

Buổi học tại chùa diễn ra từ 8g30 đến 10g30. Trong thời gian đầu, cô dành khoảng 30 phút để dạy giáo lý căn bản Phật pháp, ôn bài lại cho các em và chia sẻ những câu chuyện cuộc sống. Điều đặc biệt, qua mỗi tuần, gặp lại vào ngày Chủ nhật, các em được cập nhật thêm một bài học gắn liền với 5 giới, rất thời sự.

Giáo lý cô truyền đạt xoay quanh 5 điều giới luật cần giữ để nuôi dưỡng đạo đức bản thân, những chủ đề ứng xử công cộng, ái ngữ, chuyển hóa cơn giận sát thực cuộc sống. Từng giới cấm được cô chuyển tải mềm mại, các em hiểu được vì sao không được trộm cắp, không được cờ bạc, không hút thuốc phiện...

Cô đưa ra tình huống và các bạn nhỏ đưa ra ý kiến “xử lý”, ứng xử phù hợp. Hoặc các em đưa ra sự việc cụ thể xảy ra ở trường lớp, ở nhà để cô cho lời khuyên và các bạn cùng thảo luận. Những thông tin thời sự được cập nhật, các em thích thú khi thuyết trình về việc không dùng nước ngọt có chứa chất kích thích, hiểu hơn về bóng cười, những đồ chơi không lành mạnh; những tệ nạn cờ bạc, đánh bài cũng cần tránh xa, vì chúng vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, mất tiền, mất tương lai.

Không rập khuôn và giáo điều, sáo rỗng - đó là những gì người viết cảm nhận tại lớp học này. Cô Kim dạy cho các bạn nhỏ của mình từ những điều tự nhiên nhất. Câu chuyện sống động, khi một bạn vào lớp trễ và “than” với cô, “con tập chạy xe đạp, bị té, đau chân. Con không muốn tập chạy xe đạp nữa”. Cô liền chấn chỉnh, giảng cho em và các bạn bài học về sự bình thường của cuộc sống, động viên các em khi gặp thách thức và trở ngại, không nên bỏ cuộc. Sau khi nghe lời cô giải thích: “Muốn được điều gì ai cũng có giá phải trả, cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng, có những khó khăn, cuộc đời dạy cho mình những bài học thì mình mới lớn được”, ánh mắt phấn khởi hiện rõ trên gương mặt các em học sinh.

Với phương châm “Không có bạn dở, chỉ có bạn chưa khá”, tại lớp học này, mỗi bạn nhỏ đều được cô Kim và thầy Minh Thạnh tôn trọng, lắng nghe và được yêu thương như nhau, nên các em dù có hoản cảnh, lứa tuổi và học lực khác nhau đều thích thú với lớp học.

Ở lớp học, cô không ép các bạn học nhưng bạn nào trả lời tốt, thuộc bài sẽ được cô Kim và thầy Thích Minh Thạnh thưởng. Bạn nào tiến bộ, cầu tiến và cầu thị nhiều sẽ được tặng quà to, bạn nào tiến bộ ít hơn sẽ được quà nhỏ hơn. Bài học cô dạy cho các em qua đó là luật nhân quả - bỏ ra công bao nhiêu thì nhận xứng đáng bao nhiêu. Vì sự công bằng và tôn trọng đó mà các em đều rất hào hứng với lớp học.

Ngoài dạy kỹ năng sống, đạo đức ứng xử, cô Kim cần mẫn dạy các em cắm hoa, nấu ăn, trang trí, làm thiệp chúc mừng cho người khác. Cô trải lòng: “Dạy nấu ăn rất cực, nhưng mình dạy để các em biết cắt gọt, cho tay chân lao động, rèn cho các em sự khéo léo”. Có em 17 tuổi chưa biết cầm dao, chưa biết gọt rau, củ, cũng không biết nhặt rau. Qua lớp học của cô, các em hiểu hơn về lý do phải biết nấu ăn, hiểu sự nỗ lực của bố mẹ khi đảm đương được một gia đình. Để có bữa cơm thì ba mẹ và tương lai các em sẽ lao động như thế nào. Qua đó giúp các bạn nhỏ trân trọng, biết ơn hơn công sức lao động, tạo ra của cải, thức ăn.

Trong buổi học, cô đem theo truyện cổ tích, sách kỹ năng sống, những thông điệp dễ thương về cuộc sống để tặng cho các em. Các loại sách khác nhau, các em khi đọc xong sách của mình sẽ đổi sách luân phiên với bạn khác, để cùng nhau vừa học, vừa vui. Đó là lý do vì sao, các em đều mong đến ngày cuối tuần để đến với lớp học của nhà chùa và phụ huynh rất an tâm khi đưa con đến với lớp học.

Mỗi buổi học, Đại đức Thích Minh Thạnh đều phát quà cho các em

Mỗi buổi học, Đại đức Thích Minh Thạnh đều phát quà cho các em

“Với mong muốn chùa là nơi tu học còn là môi trường sinh hoạt giáo dục, tôi đã tận dụng diện tích hơn 70 mét vuông của chùa Thiên Khánh để tổ chức cho Phật tử về tu học.

Trong nhiều khóa tu học cho người trẻ, lớp kỹ năng sống thì lớp học cho các em học sinh, diễn ra vào sáng Chủ nhật hàng tuần, do nhà báo Hoàng Kim chủ nhiệm, thu hút các em tại địa phương, không phân biệt thành phần tôn giáo. Ngoài được truyền cảm hứng về lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, nói lời ái ngữ, các em còn được học thêm kiến thức thiếu hụt ở trường, do không theo kịp chương trình. Không chỉ ở lớp học này, mà vào các ngày lễ như: Phật đản, Vu lan, Tết Trung Thu, Tết Thiếu nhi, các em đều đến chùa sinh hoạt, vui chơi trong khuôn viên khiêm tốn của nhà chùa”, Đại đức Thích Minh Thạnh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là khẳng định của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tại buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày