Hòa thượng Thích Giác Toàn: Cảm nghĩ về cố Ni trưởng Huỳnh Liên

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1146 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1146 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Ni trưởng Huỳnh Liên (1923-1987), một gương mặt đặc biệt của Ni giới Khất sĩ tại miền Nam. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ni trưởng, Giác Ngộ giới thiệu bài viết của Hòa thượng Thích Giác Toàn, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ, về vị Ni trưởng này.

Sự xuất hiện của một vì sao sáng

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, thế giới có nhiều biến động, kinh tế và chính trị thay đổi có lợi cho các nước tư bản đế quốc thực dân, các lực lượng quân sự được tăng cường để rồi đưa đến các cuộc xâm lược, chiến tranh tại nhiều quốc gia và lan rộng thành thế chiến.

Tại Việt Nam, chế độ phong kiến suy tàn dần, thực dân Pháp xâm lược, kéo dài gần 100 năm. Các cuộc khởi nghĩa của quần chúng nhân dân, các nhà trí thức yêu nước, của một số quan lại triều đình hoặc mang danh nghĩa đảng phái, hiệp hội… nổ ra liên tục. Tuy vậy, các cuộc khởi nghĩa này kéo dài không bao lâu rồi bị dập tắt, cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trường kỳ kháng chiến, giải phóng hoàn toàn đất nước. Trong hoàn cảnh rối ren của thế giới và của đất nước Việt Nam thời ấy, xuất hiện một vì sao càng ngày càng tỏa sáng trong giới Phật giáo và có ảnh hưởng rất đáng kể đối với quần chúng nhân dân, đó là cố Ni trưởng Huỳnh Liên của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.

Ni trưởng Huỳnh Liên (1923-1987) sinh ra trong một gia đình Nho học sùng mộ Phật giáo tại Phú Mỹ, TP.Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ni trưởng học xong bậc trung học, bậc học mà ở nước ta vào khoảng thập niên thứ 4 của thế kỷ XX, được xem là thuộc hàng trí thức. Ni trưởng còn được đào luyện thêm và tự học ở nhà.

Duyên may đúng như ước vọng, năm 1947, Ni trưởng được Tổ Minh Đăng Quang của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam chấp thuận cho xuất gia và được phong là Trưởng nữ trong việc tu học và phát triển Ni đoàn. Thế là Ni trưởng trở thành một trong những người Con gái thiện hảo của Đức Thích Ca (Skyadhita), tu hành theo chủ trương của Tổ Minh Đăng Quang là “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” trong Phật giáo Khất sĩ Việt Nam, nay là Hệ phái Khất sĩ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong suốt 40 năm tu hành và hoạt động theo Chánh pháp, theo nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, Ni trưởng đã trải qua những khó khăn, chứng kiến những đau thương của đất nước trong chiến tranh, bất công, khổ nhọc, mất tự do của chính quyền miền Nam từ trước năm 1975, đã dũng cảm đấu tranh, đóng góp rất quan trọng cho việc thống nhất và xây dựng đất nước. Suốt 40 năm, Ni trưởng đã thể hiện rõ từ bản chất cao đẹp của tinh thần Bi - Trí - Dũng của Phật giáo trong nếp áo cà-sa hoại sắc của một chức sắc trong Ni giới Khất sĩ.

Ni trưởng Huỳnh Liên, tấm gương sáng về Bi - Trí - Dũng

Bi được hiểu là từ bi (Karuna), đau buồn khi thấy chúng sinh đau buồn, vui mừng khi thấy chúng sinh an lạc. Trí (Prajna) là trí tuệ, khả năng nhìn thấy đúng đắn mọi sự việc. Dũng hay Vô úy (Abhaya) là sự dũng cảm, không sợ mọi khó khăn thử thách, tinh tấn, nhẫn nhục... Bi - Trí - Dũng có quan hệ mật thiết, hỗ tương. Bi chỉ được nhận rõ nhờ Trí, Trí mới nhật rõ thế nào là Bi, Dũng có được là nhờ Trí, Trí được sức mạnh nhờ Bi và Dũng. Khá nhiều kinh Phật nói về Bi - Trí - Dũng. Ví dụ: Kinh Từ bi nói về sự yêu thương mọi loại chúng sinh, Tâm kinh Bát-nhã ba-la-mật nói về trí Bát-nhã, về Dũng, tâm vô úy, vô quái ngại… Đại kinh Sư tử hống (Trung bộ) nói về 4 vô úy, kinh Giáo giới La-hầu-la (Trung bộ) ghi lời Phật dạy về Bi và Trí trong Tứ vô lượng tâm...

1- Từ bi rộng mở:

Ni trưởng xuất gia là nhằm thoát khổ cho mình và cho chúng sinh. Trước hết là thương yêu đùm bọc, chan hòa cùng đồng sự và chư Ni do Ni trưởng chỉ dạy, thuyết pháp cho Phật tử khắp Nam Bộ và nhiều tỉnh thành miền Trung. Ni trưởng đấu tranh đòi tự do, công bằng, chống chiến tranh, chống đàn áp nhân dân, đòi quyền phụ nữ, đòi trả tự do cho những tù nhân chính trị, thực hiện từ thiện giúp những người khốn khó, trẻ em bất hạnh…

Bài thơ Giới sát khá dài của Ni trưởng bày tỏ tình thương yêu đối với loài vật, tránh làm thương tổn, giết chóc loài vật lại còn mang ý nghĩa cần tôn trọng, thương yêu, không gây tổn hại, chết chóc trong xã hội con người. Bài thơ Tang tóc của Ni trưởng đã thể hiện lòng bi mẫn, nêu lên cảnh tượng khổ, tang tóc của nhân dân vì chiến tranh tàn khốc… Từ bi là tình yêu thương rộng lớn, yêu Đạo, yêu người, yêu quê hương, đất nước như Ni trưởng đã khẳng định bằng hai câu thơ nổi tiếng:

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp, cho tình quê hương.

Lòng từ bi rộng mở của Ni trưởng có thể tóm lược trong nhiều bài thơ của Ni trưởng:

Đem một tấm tình thân

Sống chung trong muôn loại

Rải rắc giống từ bi

Kết đơm hoa bác ái.

...

Còn một kẻ mê lầm

Còn tấm lòng thương hại

Còn lăn lộn phong trần,

Còn tới lui qua lại.

...

Còn tinh tấn luôn luôn

Độ nhân sanh mãi mãi. (Luyện chí)

Và:

Con nguyện đời đời độ chúng sanh

Bao nhiêu lao nhọc cũng cam đành. (Con nguyện)

Thật ra, việc xuất gia, tu tập, hoạt động xã hội của Ni trưởng đều phát xuất từ lòng từ bi rộng lớn của ngài.

2- Trí tuệ sáng suốt:

Nhận định rằng cố Ni trưởng Huỳnh Liên là người có trí tuệ sáng suốt không phải là nói đến Trí tuệ Ba-la-mật của hàng Thánh giả Bồ-tát, A-la-hán mà chỉ muốn nói rằng Ni trưởng rất thông tuệ dù sự thông tuệ này có hàm chứa hạt giống của Trí tuệ Ba-la-mật. Sự thông tuệ của Ni trưởng tỏa sáng suốt cuộc đời tu tập, hoạt động của ngài.

Trước hết là quyết định xuất gia, và Ni trưởng đã tu và hành đạt được những thành quả tốt đẹp đúng như ý nguyện. Đó là do sự sáng suốt, thông tuệ bẩm sinh tích trữ từ nhiều đời trước:

Quyết định xong rồi vội xuất gia

Cởi phăng thế phục, mặc cà-sa.

Bước đi vào cõi huyền vi lạ

Muôn dặm hồng trần khuất nẻo xa.

(Xuất gia)

Cũng do sự sáng suốt, trí tuệ, Ni trưởng tìm đến cầu đạo với Tổ sư Minh Đăng Quang, theo đúng chủ trương “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” của Tổ, tu tập Giới, Định, Tuệ để tìm về giác ngộ bằng cách hướng trí tuệ theo ý nghĩa nhằm lợi ích cho quần sinh:

Con nguyện phát sanh trí huệ quang

Nhơn duyên công đức trữ kho tàng.

Cùng gieo hạt giống thông minh nữa

Đủ sức hoằng dương ánh Đạo vàng.

(Con nguyện)

Ước nguyện của Ni trưởng là thành tựu Trí tuệ Tối thượng, Toàn hảo được thể hiện nhiều nơi trong thơ văn của ngài, nhất là bốn câu cuối trong bài Hạnh nguyện Bồ-đề:

Tôi Nguyện thành tựu Phật thân có đủ 32 tướng tốt.

Tôi Nguyện thành tựu Phật tâm rộng chứa hết chúng sanh.

Tôi Nguyện thành tựu Phật trí phóng quang phát huệ.

Tôi Nguyện thành tựu Phật tánh tỏ ngộ chơn như.

Rõ ràng đây cũng là Đại nguyện của một vị Bồ-tát, dù sẽ trải qua vô số kiếp sống vẫn tu tập, thực hành giới định, tuệ cho đến khi trở thành một vị Toàn Giác.

Ánh sáng trí tuệ không thể một lúc tỏa sáng được, phải tu tập, phải hành thiền như Ni trưởng đã thực hiện từ khi khởi đầu tu tập. Ý nghĩa này được Ni trưởng khuyên nhủ môn nhân trong bài Di huấn:

Định Huệ không thiếu không thừa

Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng.

Nhờ có trí tuệ, Ni trưởng mới có thể thực hiện nhiệm vụ Tổ giao mà hoằng dương Chánh pháp, lãnh đạo Ni đoàn Khất sĩ, phát triển tông môn từ khi Tổ sư vắng bóng. Nhờ trí tuệ ấy, Ni trưởng lập chương trình hành động, tham gia đấu tranh đòi tự do, bình đẳng, đòi quyền phụ nữ, thanh thiếu niên, chống độc tài, áp bức, chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình, chống thực dân đế quốc và chính phủ ngụy quyền. Nhờ có trí tuệ, Ni trưởng biết hành động kết hợp với các hội đoàn, giới trí thức, lực lượng yêu nước… để cùng đi đến thắng lợi, thống nhất đất nước, độc lập, tự do và hạnh phúc.

3- Dũng cảm kiên cường:

Trong nhiều kinh, Đức Phật dạy về kiên trì, tinh tấn, dũng cảm, gọi chung là cái tâm vô chướng ngại, không sợ hãi bất cứ thế lực nào. Tu Phật cũng là học về đức dũng cảm, vô úy. Dũng cảm cũng là đức tính của người Việt, của phụ nữ Việt Nam, nhất là trong những lúc đất nước lâm nguy vì độc tài, áp bức, xâm lược.

Đây là phẩm chất kiên cường trong sự dịu dàng, hiền thục của phụ nữ Việt Nam được Ni trưởng hết lòng ca ngợi:

Phụ nữ Việt Nam dịu dàng nhưng bất khuất

Sống hiền hòa nhưng kiên quyết chống xâm lăng.

Dẫu trăm năm ách thống trị ngoại bang

Vẫn đấu tranh can trường kiên nhẫn.

(Phụ nữ Việt Nam)

Và:

Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh

Gương Hai Bà lấp lánh sao giăng

Người nay phải chống xâm lăng

Phải giành độc lập cho bằng người xưa.

(Giặc đến nhà)

Ni trưởng là phụ nữ, lại là một nữ tu Khất sĩ, ngài vẫn là một công dân yêu nước, dũng cảm đấu tranh vì độc lập, hòa bình, vì hạnh phúc của nhân dân. Đây là sự thể hiện của từ bi và dũng cảm:

Dẫu tu sĩ cũng công dân yêu nước

Vì tình thương, vì đạo đức đấu tranh

Cho tự do, độc lập hòa bình

Cho hạnh phúc, cho phồn vinh vĩnh cửu.

(Khúc thanh bình)

Một lòng vì Đạo, vì Đời, Ni trưởng cùng chư Ni Khất sĩ xông pha tiến bước không nề gian khổ:

Đi, ta đi! Quyết dấn thân vào

Chốn khổ đau mà sớt khổ đau.

Người Việt lâm nàn, người Việt cứu

Tương thân tương trợ nghĩa đồng bào. (Lên đường cứu khổ)

Hãy nghĩ đến một đoàn vài ba, năm bảy chư Ni đi khất thực, đường xa vạn dặm, mưa dầm gió bấc, nắng cháy đổ lửa, gió lạnh cắt da, qua các tỉnh thành, qua vùng xa sâu hẻo lành, có thể bị kẻ xấu, kẻ ác mắng chửi, cướp bóc, hành hạ, thậm chí lấy đi sinh mạng. Đi và đi… không nao núng, không sợ hãi. Dũng cảm là đấy vậy!

Ni trưởng lãnh đạo Ni đoàn, qua 40 năm đã phát triển hơn 1.000 vị, thành lập 72 ngôi tịnh xá ở miền Trung và miền Nam. Đấu tranh dũng mãnh, mặc cho súng đạn, hơi cay, kẽm gai vây bọc, Ni trưởng đã nhiều phen dẫn đầu đoàn biểu tình, phá rào kẽm gai, không sợ thương vong, không ngại tù tội, tra tấn của ngụy quyền Sài Gòn. Dũng cảm, vô úy, tâm vô quái ngại là vậy!

Bi, Trí, Dũng và một tâm hồn thanh thản

Khả năng văn học của Ni trưởng hẳn có thể khiến ngài chiếm một địa vị quan trọng trong văn học Việt Nam. Dĩ nhiên Ni trưởng không màng đến danh phận. Trước hết ngài chỉ dùng thơ văn để chuyển đạo lý, “Văn dĩ tải đạo” qua những diễn âm nhiều kinh Phật, khoảng 2.000 bài thơ đủ thể loại và hàng ngàn bản văn xuôi:

Văn có đạo cội bền cây tốt

Đạo nương văn ý tột lý mầu

Lá cành sầm uất bền lâu

Văn chương đạo đức cùng nhau độ đời.

(Văn với Đạo)

Một ý nghĩa khác rất thú vị, đó là thơ của Ni trưởng rất tự nhiên, đẹp đẽ, tươi mát, thi vị của một tâm thái thong dong, không vướng bận việc đời, rung cảm vẻ đẹp của đất trời:

Lá rụng ven hồ nhăn mặt nước

Ác trầm góc núi ủ gương trời

Tiên ban lục tử xin hườn giới

Ngọc lộ kim bàn để dấu rơi.

(Lỗi bước)

Và:

Sương chiều xuống cỏ nhung xanh ngậm ngọc

Trăng vàng lên lấp ngọn tre cao

Ngọc kim cương phản chiếu ánh vàng sao

Ôi! Mặt đất dồi dào châu báu lạ.

(Đêm trăng ở Sài Ca Nã)

Những dòng thơ như vậy, một tâm hồn thanh thản như vậy có thể biểu ý nghĩa của Vô công dụng hạnh (Anabhoga carya) trong Phật giáo: Làm việc mà không thấy mình đang làm và điều mình đang làm. Đây cũng là một hạnh của Bồ-tát vậy!

Tưởng niệm đến ngày viên tịch của Ni trưởng Huỳnh Liên 19-3-Đinh Mão 1987, tôi xin dâng bài tán sau đây:

Ni trưởng Huỳnh Liên

Sáng danh Ni giới

Xuất gia cầu đạo, tâm ấn Tổ giao,

Tu tập chuyên cần, mọi điều đạt lý,

Bi Trí Dũng từ kiếp trước nay thể hiện trong chốn hồng trần

Lập nguyện lớn quyết tâm Bồ-tát nhất định tựu thành Toàn trí.

Vì Đạo vì Đời, trong đạo ngoài đời, nỗ lực một lòng,

Khó khăn quyết vượt, sinh mạng không tiếc, nguồn tâm hoan hỷ.

Ta-bà rộng lớn, trần thế mênh mông,

Đau khổ khắp nơi, cuộc đời mộng mị.

Tu đã khó, tu trọn, tu thành nào có dễ gì,

Giảng kinh nhiều, giảng rõ, giảng đúng đã thành ngôi vị.

Sự nghiệp trọn thành,

Tu hành hoàn bị.

Sáu mươi lăm năm đâu kể ngắn dài,

Về cõi Tổ sư an nhiên tự tại.

Nay nghi ngút trầm hương kính cẩn một lòng,

Tán thán công đức Ni trưởng nhân ngày kỵ húy.

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Hòa thượng Thích Giác Toàn

Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự,

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày