Người khai mở “Con đường học” của Ni giới Khất sĩ

Triễn lãm ảnh nhân dịp tưởng niệm 35 năm ngày mất và 100 năm ngày sinh của cố Ni trưởng Huỳnh Liên
Triễn lãm ảnh nhân dịp tưởng niệm 35 năm ngày mất và 100 năm ngày sinh của cố Ni trưởng Huỳnh Liên
0:00 / 0:00
0:00
GN - Ni trưởng Thích nữ Tố Liên, Giáo phẩm chứng minh Ni giới Hệ phái Khất sĩ, đệ tử và cũng là thị giả gắn bó nhiều năm lúc sinh tiền của cố Ni trưởng Huỳnh Liên.

Câu chuyện về Thầy, chốn Tổ - Ngọc Phương, hành trình hoằng hóa gian nan khai lập tịnh xá của ân sư bắt đầu mở ra qua “lăng kính” của một học trò - thị giả năm xưa theo cách chân tình, gần gũi nhất chưa bao giờ nguội lạnh. Bên lối hiên nhỏ của liêu phòng Ni xá trong tiết tháng Ba vàng rộm, vị Ni trưởng ở độ tuổi bát tuần đang ngồi trên chiếc ghế giả mây hong nắng, trong ký ức đong đầy hình ảnh về người Thầy của mình...

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1147 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1147 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Hạnh nguyện “Làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ”

Ni trưởng Thích nữ Tố Liên hồi tưởng thuở sơ tâm xuất gia với Thầy, cố Ni trưởng Huỳnh Liên (sinh năm 1923), người trí huệ, đạo hạnh viên dung, một người đặc biệt luôn đôn hậu và vô cùng gần gũi. Lúc ấy Ni trưởng ở vào độ tuổi đôi mươi, “duyên lành bắt đầu từ chuyến về tịnh xá Ngọc Vinh (Trà Vinh) thuyết pháp, biết tôi còn nhỏ mà làm được thơ nên Thầy để ý, rồi xin bà thân cho tôi làm đệ tử”, Ni trưởng nhớ lại.

Được Sư cô Huỳnh Liên (giáo phẩm lúc bấy giờ của cố Ni trưởng Huỳnh Liên) xuống tóc cho xuất gia học đạo vào năm 1960. Từ đó, quá trình tu tập của cô học trò tập sự nhận được sự chỉ dạy ân cần thấm đẫm tình thầy trò. Về sau, những chuyến đi xa hóa duyên, khai mở đạo tràng “nên tập sống chung tu học” ở khắp miền Nam, Trung, cô Tố được theo Thầy để giúp việc, làm thị giả.

Trong câu chuyện, Ni trưởng Thích nữ Tố Liên luôn nói về mối duyên đạo, đó là gốc rễ, là cội nguồn. Thầy, cố Ni trưởng Huỳnh Liên xuất thân trong gia đình nho giáo, là một Phật tử ở làng Phú Mỹ, Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (Tiền Giang ngày nay). Ngày 1-4-Đinh Hợi (1947), tại Linh Bửu, ngôi chùa ở làng Phú Mỹ, Phật tử Nguyễn Thị Trừ được Tổ sư Minh Đăng Quang thọ ký với pháp danh Huỳnh Liên, làm trưởng tử Ni đầu tiên của Tổ sư, với hạnh nguyện “Làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ”.

Bốn vị đồng tu Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Bửu Liên được Tổ sư truyền thọ giới pháp, y bát Khất sĩ, chính thức làm Tỳ-kheo-ni và tiếp bước Tổ sư hành đạo với tôn chỉ Nối truyền Thích Ca Chánh pháp. Những bài Chơn lý sống động được Tổ sư truyền dạy về hạnh Khất sĩ tìm đạo giải thoát đã thôi thúc Sư cô Huỳnh Liên không ngừng nỗ lực dấn thân về phía trước.

Những câu chuyện sống động của Thầy kể về các chuyến du phương hoằng hóa, gầy dựng đạo tràng, tịnh xá đặc biệt ấn tượng đối với cô học trò thị giả. Đó là thời gian tám năm Sư cô Huỳnh Liên cùng Tổ sư du phương thuyết pháp, vừa học đạo, vừa nhận sự ủy thác của Tổ sư tiếp Ni độ chúng. Sau khi Tổ sư Minh Đăng Quang thọ nạn và vắng bóng (1954), Sư cô Huỳnh Liên đã lãnh trách nhiệm lớn lao kế tục sự nghiệp của Tổ sư trực tiếp lãnh đạo Ni đoàn Khất sĩ, cùng với Tăng đoàn làm lan tỏa hình ảnh Đạo Phật Khất sĩ VN (nay là Hệ phái Phật giáo Khất sĩ VN) với chiếc huỳnh y, bình bát du phương giản dị, vô cùng gần gũi đến với đông đảo quần chúng từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Sư cô đã vượt qua hành trình hoằng dương Phật pháp đầy thử thách cam go đến những vùng đất mới khai lập hơn một trăm ngôi Tam bảo, khuyến tấn chư Ni tu tập, học văn hóa, cùng sống chung tu học, đưa Giáo hội Ni giới Khất sĩ VN phát triển song song với Giáo hội Tăng-già Khất sĩ.

Mơ ước tương lai có “một trăm cô đại học”

Bên hiên liêu đầy nắng, Ni trưởng Thích nữ Tố Liên hồi tưởng về ngôi chánh điện Ngọc Phương thuở xưa với mái tole đơn sơ. Đó là dấu ấn đậm nét về ngôi tịnh xá được thầy khai sơn từ năm 1958 gắn bó với nhiều nỗ lực của Thầy và trò. Cố Ni trưởng đã lao nhọc trùng tu ngôi Tam bảo vào năm 1972, rồi đến năm 1986 trùng tu thêm lần nữa, tịnh xá Ngọc Phương mới được khang trang, nơi đặt trụ sở Giáo hội Ni giới Khất sĩ. Nơi này, cố Ni trưởng đặt nhiều tâm huyết bồi dưỡng Ni giới tinh chuyên, phát triển Ni đoàn ngày càng lớn mạnh.

“Cố Ni trưởng Huỳnh Liên là người khá đặc biệt, Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ. Sinh tiền, Ni trưởng đã chu toàn trọng trách được Tổ Sư Minh Đăng Quang giao phó lãnh đạo Ni đoàn, kiến lập tịnh xá. Tính từ năm 1954 đến 1975, cố Ni trưởng đã khai mở khoảng 200 tịnh xá. Đặc biệt, Ni trưởng có tư tưởng tiến bộ, khuyến tấn Ni giới tu - học song hành. Cố Ni trưởng cũng chủ trương Việt hóa, biên soạn, dịch thuật kinh điển chữ Hán, Pali thành những bài diễn dịch, kệ tụng Việt ngữ để chư Ni các tịnh xá đọc tụng cho đến ngày nay.

Nhân lễ tưởng niệm 35 năm ngày Ni trưởng Huỳnh Liên viên tịch (1987 - 2022), tròn 100 năm ngày sinh của Ni trưởng (1923 – 2022), nhằm đánh giá hành trạng và đóng góp của cố Ni trưởng Huỳnh Liên, Hệ phái Khất sĩ phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học VN, Học viện PGVN tại TP.HCM, Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM đồng tổ chức hội thảo quốc gia về chủ đề: “Ni trưởng Huỳnh Liên: Những đóng góp cho Đạo pháp - Dân tộc và các giá trị kế thừa”, tại Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), vào ngày 17-4-2022”, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho biết.

Người lãnh đạo đầu tiên của Ni giới Hệ phái, vị Ni đầu tiên được suy cử vào Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khóa I (1981-1987) đã chủ trương biên soạn, dịch thuật kinh điển chữ Hán, Pali chuyển sang bài diễn giảng, kệ tụng Việt ngữ dễ hiểu để cho Ni chúng hệ phái, Phật tử đọc tụng hàng ngày. Ở đó cũng ghi dấu ấn về vị Ni đau đáu bởi thời cuộc, dấn thân tham gia hoạt động đấu tranh “đòi quyền sống”, vì hòa bình, bình đẳng cho phụ nữ và những người yếu thế. Những ngày tháng thầy, trò làm kinh tế tự túc để có phương tiện trang trải cho việc trau dồi Phật pháp, nỗ lực học văn hóa trong những ngày khó khăn sau ngày thống nhất đất nước.

Ký ức về Thầy sâu đậm đối với Ni trưởng Tố Liên bởi Thầy là một người nữ tu sĩ đặc biệt, với bi nguyện độ sanh, đức độ từ hòa, sức tinh tấn kiên trì ở mọi hoàn cảnh. Vị Ni trưởng Đệ nhất Trưởng Ni giới Khất sĩ có tư tưởng tiến bộ, dám thay đổi hướng tu, là người đầu tiên chủ trương đào tạo Ni giới trẻ tu và học song hành. Vị Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ nhận thức được sứ mạng, trọng trách của mình, kiên định giữ vững lập trường, muốn phát triển Ni đoàn phải “tu có học mới rạng ngời Chánh pháp, học có tu mới lợi đạo ích đời”, dõng mãnh vượt qua định kiến từ xưa của hạnh Khất sĩ du phương là chỉ chuyên tu giải thoát.

Vì thế, Ni chúng Hệ phái nói chung, tịnh xá Ngọc Phương nói riêng được cố Ni trưởng khuyến tấn, tạo mọi điều kiện học thêm văn hóa, cổ ngữ, trau dồi nội điển, ngoại ngữ để tiếp thu tinh hoa mới của thời đại.

Nhờ Thầy khuyến tấn, Sư cô Tố Liên bấy giờ là người đầu tiên ở tịnh xá Ngọc Phương tốt nghiệp Đại học Vạn Hạnh, được thầy cho học lên cao học Triết, cao học Ngữ văn, tham gia nghiên cứu, dịch thuật kinh tạng Pali… Sinh tiền, Ni trưởng đã từng kỳ vọng, ao ước “Tương lai tôi sẽ có một trăm cô đại học” để tiếp nối, phát triển hoằng truyền Chánh pháp, kế thừa đạo nghiệp của Tổ sư, phát triển Ni giới Hệ phái.

Sau 35 năm ngày Ni trưởng Huỳnh Liên viên tịch (19-3-Đinh Mão), không chỉ ước nguyện lúc sinh thời về một trăm cô đổ đạt sự học đã thành hiện thực mà ngày nay thế hệ Ni giới Hệ phái bên cạnh tinh tấn tu tập, phát huy sở học, hàng trăm vị đã đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân Phật học lẫn thế học. Chư Ni phần nào đáp đền ân Đức Phật, Tổ sư và Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ. Các vị Ni trưởng giáo phẩm đã lần lượt kế thừa vai trò lãnh đạo Ni giới, kế tục sự nghiệp hoằng pháp, xây dựng đạo tràng, thừa hành Phật sự, cùng với chư Tăng Hệ phái Khất sĩ đóng góp vào sự phát triển của ngôi nhà chung GHPGVN.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn có lời chào mừng đến các vị đại biểu, chư vị khách quý; đồng thời nêu ý nghĩa của Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024. Trưởng lão Hòa thượng cho biết năm 2024 là năm thứ hai thực hiện Chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX...
Chư Tăng Ni chỉ chuyên tâm tu học và làm các Phật sự mà thôi - Ảnh minh họa

Chư Tăng có thể đi làm việc ngoài xã hội không?

GNO - Tôi thấy ở nước ngoài, các tu sĩ Phật giáo vẫn đi ra ngoài làm việc để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cuộc sống và học hành. Vậy ở nước ta, các thầy có được phép ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp để làm việc không?

Thông tin hàng ngày