Hòa thượng Thích Quảng Xả: "Cần thay đổi phương thức hoằng pháp với đồng bào dân tộc"

Hòa thượng Thích Quảng Xả, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - đặc trách Phật giáo 5 tỉnh Tây Nguyên, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum
Hòa thượng Thích Quảng Xả, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - đặc trách Phật giáo 5 tỉnh Tây Nguyên, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là ý kiến đóng góp của Hòa thượng Thích Quảng Xả, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - đặc trách Phật giáo 5 tỉnh Tây Nguyên, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum.

Phật giáo có mặt khá sớm và là 1 trong 3 tôn giáo chính ở Tây Nguyên với số lượng tín đồ Phật tử đông đảo. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế các con số thống kê thì đa phần các tín đồ ở đây đều là dân tộc Kinh, số lượng Phật tử đồng bào dân tộc vẫn còn quá ít và chưa thực sự nổi bật.

Các Ban Trị sự ở 5 tỉnh Tây Nguyên trong nhiệm kỳ vừa qua mặc dù đã tích cực trong các hoạt động Phật sự nhằm mang ánh sáng Phật pháp đến đồng bào dân tộc, tổ chức nhiều pháp hội quy y Tam bảo nhưng hiệu quả vẫn còn rất khiêm tốn. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân: khác biệt văn hóa, khoảng cách địa lý, giao thông, bất đồng ngôn ngữ hay sự thiếu năng động, tích cực của các tu sĩ Phật giáo.

Hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc vào tháng 11 tới đây, tôi mong muốn Giáo hội cần quan tâm hơn đến vấn đề hoằng pháp đối với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên hơn nữa, góp phần khẳng định hình ảnh của Giáo hội trong lòng người dân nơi đây.

Tôi cũng mong muốn Ban Từ thiện - Xã hội Trung ương tổ chức nhiều hoạt động hỗ đồng bào dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của họ thông qua các chương trình dạy nghề, xây dựng phòng khám từ thiện, lớp học tình thương… Cần có phương thức hoạt động để công tác hoằng pháp và từ thiện kết hợp chặt chẽ, tương hỗ nhau nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong công tác Phật sự hướng đến đồng bào dân tộc.

Đối với các Ban Trị sự ở Tây Nguyên, chư tôn đức hãy tích cực kết hợp với chính quyền trong việc mở rộng thêm các điểm sinh hoạt tôn giáo nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của bà con; đào tạo kỹ lưỡng kiến thức Phật pháp cho Phật tử đồng bào dân tộc, tạo điều kiện để họ tham gia vào các công tác Phật sự, làm cầu nối trực tiếp với cộng đồng người dân nơi đây. Bên cạnh đó, các tỉnh thành cũng cần nhân rộng và duy trì các khóa tu định kỳ dành riêng cho đồng bào dân tộc, thông qua đó để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, rồi điều chỉnh phương thức hoằng pháp sao cho có hiệu quả.

Bên cạnh việc tạo ấn tượng tốt đẹp của Phật giáo trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo thì các vị tu sĩ hiện đang hoằng pháp ở các tỉnh Tây Nguyên cũng cần nghiên cứu văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc, như ngôn ngữ, tâm lý, nghi lễ, quan điểm sống để dễ dàng thân cận, tạo sự gần gũi trong việc truyền bá Chánh pháp đến họ.

Thiết nghĩ, công việc này đòi hỏi sự lâu dài nên rất mong bản thân mỗi tu sĩ cố gắng trau dồi đạo hạnh của mình, trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo; nên kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tổ chức cũng như đại diện cộng đồng người dân tộc để thuận lợi hơn khi hoạt động; đồng thời hướng dẫn đồng bào thực hành đạo đức tôn giáo trong xây dựng cuộc sống, góp phần bảo vệ, giữ gìn văn hóa truyền thống của họ trong dòng chảy của thời cuộc.

Hướng đến Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, từ 27 đến 29-11-2022 tại Hà Nội, mỗi ngày Giác Ngộ Online sẽ giới thiệu các ý kiến, đóng góp xây dựng của chư Tăng Ni, Phật tử, các nhà nghiên cứu đối với các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội.

Tổng hợp các ý kiến, phát biểu thiết thực sẽ được đăng trong ấn phẩm Báo Giác Ngộ số đặc biệt chào mừng Đại hội, dự kiến phát hành ngày 18-11-2022.

Mọi ý kiến, bài cộng tác xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, chủ đề thư điện tử xin viết: “Hướng về Đại hội IX GHPGVN”. Bài viết xin ghi thông tin địa chỉ, số điện thoại liên lạc và ảnh chân dung tác giả để tiện cho liên lạc khi cần trao đổi và minh họa theo quy định.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày