Hoang mang về tác hại của ngũ vị tân

Trong tinh thần Trạch pháp và Trung đạo, ai kiêng được ngũ vị tân thì tốt - Ảnh minh họa
Trong tinh thần Trạch pháp và Trung đạo, ai kiêng được ngũ vị tân thì tốt - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

HỎI: Vừa rồi, tôi đọc được một bài viết về ngũ vị tân có trích nhiều kinh điển nói đến tác hại của việc ăn ngũ vị tân như Kinh Lăng nghiêm: “Ngũ tân ngoài việc phát khởi dâm dục và sân hận, những người ăn ngũ tân vì mùi hôi nên khiến chư thiên chán ghét mà lánh xa. Ngạ quỷ thường liếm môi mép, thường ở chung với ngạ quỷ nên phước đức ngày càng tiêu mòn, bị ma vương thừa cơ nhiễu loạn v.v...”.

Khảo Tín lục nói: “Tội nhân trong địa ngục này, lúc làm người ăn ngũ tân, làm nhơ uế ngôi Tam bảo. Khi thoát khỏi địa ngục bị đọa vào súc sanh….”. Kinh Ngũ tân báo ứng chép: “Ăn các thứ cay nồng mà đọc tụng kinh luận thì sẽ mắc tội”.

Đọc những đoạn kinh này tôi rất hoang mang, dù biết dùng ngũ vị tân là không tốt nhưng tôi không nghĩ sẽ nghiêm trọng đến vậy. Lại có người còn bình luận là ăn ngũ vị tân thì đọc kinh không linh nghiệm, trì chú cũng vô ích và không tạo ra công đức.

Tôi băn khoăn vì gia đình tôi nấu ăn luôn có gia vị tỏi, hành, đi ăn quán xá tiệc tùng bên ngoài cũng khó tránh khỏi. Xin hỏi, vậy thì trước giờ tôi tụng kinh, trì chú, niệm Phật hồi hướng vãng sinh cõi Tịnh lưu ly đều là vô ích sao?

Tôi phải làm sao đây?

(ĐƯỜNG LÂM, lam…duong@yahoo.com.vn)

Bạn Đường Lâm thân mến!

Ngũ vị tân là năm loại gia vị cay nồng rất phổ biến, gồm hành, kiệu, tỏi, nén, hẹ (thay cho hưng cừ, loại gia vị có mùi như tỏi, mọc chủ yếu ở Ấn Độ, Trung-Bắc Á, Tây Tạng, Tứ Xuyên thuộc Trung Quốc; không có ở xứ ta).

Kiêng cữ ngũ vị tân là một trong những điều mà hàng đệ tử Phật quan tâm, chú trọng trong ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên kiêng thế nào, nếu không kiêng thì tác hại đối với việc tu tập ra sao, lại có nhiều quan điểm khác nhau.

“Lúc Đức Phật ngự tại thành Rājagaha (Vương-xá), Veluvana. Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngồi giảng Pháp có hội chúng đông đảo vây quanh. Có vị Tỳ-kheo nọ vừa mới nhai tỏi. Và vị ấy đã ngồi ở một chỗ riêng biệt (nghĩ rằng): “Chớ để các Tỳ-kheo bị quấy rối”. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị Tỳ-kheo ấy ngồi ở một chỗ riêng biệt; sau khi nhìn thấy, Ngài đã hỏi các Tỳ-kheo rằng:

- Này các Tỳ-kheo, vì sao Tỳ-kheo ấy ngồi ở một chỗ riêng biệt vậy?

- Bạch Ngài, vị Tỳ-kheo ấy vừa mới nhai tỏi. Và vị ấy (nghĩ rằng): “Chớ để các Tỳ-kheo bị quấy rối” nên đã ngồi ở một chỗ riêng biệt.

- Này các Tỳ-kheo, sau khi ăn một vật lại bị loại ra khỏi bài giảng pháp như thế này thì vị Tỳ-kheo có nên nhai vật ấy không?

- Bạch Ngài, điều ấy không nên.

- Này các Tỳ-kheo, không nên nhai tỏi; vị nào nhai thì phạm tội Tác ác”.

“Vào lúc bấy giờ, Đại đức Sāriputta (Xá-lợi-phất) bị bệnh đau bụng gió. Khi ấy, Đại đức Mahāmoggallāna (Mục-kiền-liên) đã đi đến gặp Đại đức Sāriputta, sau khi đến đã nói với Đại đức Sāriputta điều này:

- Này Đại đức Sāriputta, trước đây khi bị bệnh đau bụng gió, Đại đức được dễ chịu nhờ vật gì?

- Này Đại đức, đối với tôi nhờ tỏi.

Các vị đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn.

- Này các Tỳ-kheo, Ta cho phép nhai tỏi do duyên cớ bệnh”.

(Tiểu phẩm [Cullavagga], tập 2, chương 5 Các tiểu sự)

Như vậy, vào thời Đức Phật, người xuất gia ăn tỏi (ngũ vị tân nói chung; tạo ra mùi cay hôi nồng nặc) bị Phật trách cấm, phạm tội Tác ác (thành tâm sám hối sẽ hết tội). Nhưng khi bị bệnh, cần ăn tỏi (ngũ vị tân nói chung) thì Đức Phật cho phép dùng. Các bộ luật như Tăng-kì, Thập tụng, Ngũ phần đều nói: “Nếu không có cách nào khác để trị bệnh thì cho phép được dùng ngũ tân, nhưng không được đến giảng đường, cũng không được nhận lời thỉnh cùng Tăng đi thọ trai... Sau khi mãn bảy ngày thì tắm rửa sạch sẽ, mới được vào trong chúng”. Có thể xem đây là quan điểm của Đức Phật về kiêng ngũ vị tân cho hàng đệ tử xuất gia.

Tuy vậy, một số kinh điển Hán tạng lại có quan điểm khác, xem ăn ngũ vị tân là vấn đề rất nghiêm trọng, nhiều tác hại như: Chư thiên xa lánh, ma quỷ thân gần, tụng đọc kinh luận sẽ mắc tội, không tạo ra công đức thậm chí là bị đọa địa ngục v.v… Vậy, người tu học hậu thế chúng ta phải vâng theo quan điểm nào? Thiển nghĩ, nếu cùng một vấn đề mà kinh điển các thời kỳ nói khác nhau, nên y theo các kinh văn gần với thời đại của Đức Phật nhất.

Vì thế, trong tinh thần Trạch pháp và Trung đạo, ai kiêng được ngũ vị tân thì tốt, riêng bạn là Phật tử chỉ ăn chay kỳ (ít nhất 2 ngày một tháng), do điều kiện chủ quan và khách quan mà chưa kiêng được thì vẫn “tụng kinh, trì chú, niệm Phật hồi hướng vãng sinh” bình thường, chắc chắn những thiện pháp ấy sẽ mang lại công đức phước báo, không có gì phải hoang mang cả.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày