Hương Sơn mùa lễ hội: "Như hoa mơ lại đến với mùa mơ"

(GNO): Số lượng người hành hương về Hương Tích luôn không ngừng tăng lên qua từng năm. Người chưa đi thì mong mỏi sẽ đi, người đi rồi vẫn tiếp tục đến nữa.

Chẳng thế mà thi nhân Yến Lan đã từng nâng việc trẩy hội chùa Hương thành quy luật của mỗi con người: “Hương Tích ơi, tôi sẽ còn đến mãi, như hoa mơ lại đến với mùa mơ”. Và chúng tôi cũng không thể thoái thác quy luật ấy, lại trở về Hương Sơn với Lễ khai hội ngày 19/2/2010 (tức mồng 6 Tết Canh Dần).

chuahoi _01.jpg

Những chiếc đò ngược xuôi đưa đón khách vể trẩy hội chùa Hương  

Chiều mồng 5 Tết, chúng tôi về Hương Tích như tìm về nơi “cố tri ”, đã 5 năm rồi tôi luôn có mặt ở nơi đây vào đúng ngày này, để kịp dự lễ khai hội vào sáng mồng 6 Tết. Nếu như những lần đầu tiên trẩy hội chùa Hương, lòng còn phảng phất chút ưu tư vì bị lái đò chèo kéo, vòi thêm tiền khách đi đò, rồi tình trạng “chặt chém” của các quầy hàng dịch vụ. Nhưng đi riết mãi thành quen, gặp cảnh cũ, người quen, con đò cũng quen, chị lái đò chỉ lấy có 10 nghìn/người, rẻ hơn cả giá vé đò theo quy định.

chuahoi _02.jpg
chuahoi _03.jpg
chuahoi _04.jpg

Xuôi dòng Yến về với lễ hội

“Hương tích ơi, tôi sẽ còn đến mãi”

 Con đò xuôi chèo đưa chúng tôi nhẹ lướt giữa dòng suối rộng mênh mang nước xanh văn vắt, giữa cảnh trời nước bao la, núi rừng ruộng suối. Cầu Hội năm nay mang dáng hình mới mẻ, cứng cáp và dài rộng thênh thênh gấp đôi mùa cũ, có lẽ nỗi “ám ảnh” ách tắc giao thông ngày khai hội sẽ chấm dứt từ đây chăng? Từng đoàn thuyền đò chở khách du xuân qua cầu Hội, mây núi in bóng quyện vào nhau lung linh đáy nước. Tiếng cầu kinh râm ran khắp mặt suối như hoà âm vào nhau, khiến những con cá dưới đáy nước không dám bơi nhanh mà cũng lặng phắc cơ hồ như đang lắng nghe những lời kinh huyền diệu. Giữa cảnh thiên nhiên như vậy, lòng mình không vứt bỏ những nỗi lo cơm áo thường ngày mà trở nên thoát tục sao được?

chuahoi _05.jpg

Người đi trẩy hội tấp nập như niềm vui của mùa Xuân

chuahoi _06.jpg
chuahoi _07.jpg
 

 Dọc hai bên suối Yến, những hình khe thế núi do tạo hoá thêu dệt muôn hình vạn dạng, nào núi mâm xôi, núi con gà, núi Trâu, núi Dẹo, núi Đổi chèo... Xa xa trên sườn núi ngút mắt màu xanh của cây cối, cheo leo điểm xuyết kiến trúc chùa cổ khi ẩn khi hiện. Có phải ngôi chùa kia là nơi ngày trước, nhà thơ Nguyễn Khuyến trẩy hội Hương Sơn đã say mê cảnh đẹp mà cảm tác: “Chùa xưa ở lẫn trong cây đá, sư cụ nằm chung với khói mây”. Chùa nằm khuất trong núi, Thiên Trù là bếp của Trời. Bước qua cổng chùa là chạm ngay vào ngày xuân, tháng xuân, dòng người đông đúc với đủ mọi sắc màu của áo quần, của vàng lá, hương oản nối nhau trôi mãi lên những bậc thềm Toà Tam Bảo. Những làn khói hương gặp không khí lạnh không tan ra mà quấn quýt trên mái Thượng điện chùa, vương vít trên những sắc đỏ hoa đào, màu trắng hoá mơ, vẽ ra trong không gian những bức tranh vô hình, vô ảnh. Tràn ngập trong lòng chúng tôi, trong lòng du khách là sự bình an từ những bước chân đầu tiên đặt chân trên thềm đá, chạm vào cánh cổng rêu phong như ngàn năm vẫn vậy, để rồi khi được ngồi xuống lặng lẽ trước Bàn thờ Phật  mà nghe những tiếng vọng trần gian như lùi xa mãi ngoài kia.

chuahoi _09.jpg
chuahoi _10.jpg

Cảnh đẹp thiên nhiên thì ngàn năm vẫn vậy, nhưng điều cuốn hút du khách đã đến rồi vẫn còn đến nữa, đến mãi với Hương Sơn, chính là niềm tin vào sự linh ứng kỳ diệu, vào sự từ bi cứu độ của Đức Quan Âm Hương Tích. Cũng từ đây, những bề dày văn hoá phi vật thể, những nghi thức lễ hội luôn được vun dầy, bồi đắp mà thu hút du khách về với lễ hội chùa Hương. Theo truyền thuyết thì vùng “linh sơn” phúc địa này vào thế kỷ đầu công nguyên có công chúa Diệu Thiện, là ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã vào đây tu hành và đắc đạo. Thuở xưa, làng Yến Vĩ nay thuộc xã Hương Sơn, hàng năm vào mồng 6 Tết thường làm lễ mở cửa rừng, còn gọi lá tế khai sơn để rồi ngày nay đã trở thành ngày lễ khai hội chùa Hương, để khách hành hương du ngoạn thắng cảnh suốt 3 tháng mùa xuân.

Tưng bừng lễ khai hội chùa Hương

 Nửa đêm về sáng 19/2/2010 (tức mồng 6 Tết Canh Dần), núi rừng Hương Sơn đổ mưa khá nặng hạt, khiến đất trời lạnh lẽo. Thế nhưng ngay từ 4 giờ sáng, dòng người đông đúc đã đổ về con đường Triều Sơn Lộ dẫn lên chùa Thiên Trù. Theo ban tổ chức, đã có khoảng 5 vạn người hành hương về Hương Tích trong ngày khai hội, nhưng không còn xảy ra ách tắc giao thông như những năm trước. Mưa đã kịp tạnh trước giờ khai hội, để chùa Thiên Trù ngập tràn sắc maù của hoa, của du khách và lời ca tiếng hát, những bài hát văn sóng sánh cùng những làn điệu dân ca cổ truyền ngợi ca vẻ đẹp của thắng cảnh Hương Tích. Và cũng thật kỳ lạ, đất trời đang giá rét là vậy, ngay sau lễ khai hội vừa dứt thì nắng đã ngập tràn trên khắp cành cây ngọn cỏ, khắp dòng suối Yến nơi đâu cũng tràn trề nắng ấm.  

 Phát biểu trong Lễ khai hội chùa Hương xuân Canh Dần, ông Đào Văn Bình-Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định: Hương Sơn là nơi Đạo tràng Quán Thế Âm có bề dày thời gian lớn nhất Việt Nam . Di tích Hương Sơn tụ hợp tới 18 địa điểm du lịch quan trọng cho du khách dừng chân, với 4 tuyến du lịch chính: tuyến Hương Thiên, tuyến Thanh Hương, tuyến Long Vân, tuyến Tuyết Sơn. Riêng tuyến Thiên Hương đã bao gồm 8 điểm đến: đền Trình Ngũ Nhạc, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, động Hương Tích, động Hinh Bồng, động Đại Binh. Du khách hành hương về Hương Tích không ngừng tăng lên qua từng năm, bởi vì người chưa đến thì nóng lòng tìm đến thưởng ngoạn, người đã đến rồi vẫn tiếp tục đến nữa. Với sự quan tâm của Bộ VH-TT&DL, sự đầu tư của TP Hà Nội, cơ sở hạ tầng trong khu thắng tích liên tục được đầu tư nâng cấp, hàng quán dịch vụ và công tác tổ chức lễ hội ngày càng gọn gàng, văn minh lịch sự. Thượng toạ Thích Minh Hiền-trụ trì chùa Hương cho biết, lễ hội chùa Hương năm nay nằm trong dòng chảy văn hoá lễ hội hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, nên được mở ra đa dạng với rất nhiều chương trình mới, phong phú và đặc sắc. Tuần lễ văn hoá Phật giáo cũng được bắt đầu tại chùa Hương từ ngày khai hội, cùng với thả đèn hoa đăng suốt tuần trên suối Yến. Ngay trước giờ khai hội năm nay, tại chùa Thiên Trù cũng đã tổ chức cắt băng khai mạc triển lãm mỹ thuật Phật giáo và triển lãm cổ vật Phật giáo, trưng bày tác phẩm của các hoạ sĩ Phật tử thuộc nhóm Mặc Hương.

chuahoi _12.jpg

Chương trình văn nghệ chào mừng lễ hội

chuahoi _13.jpg
chuahoi _14.jpg
chuahoi _16.jpg
chuahoi _17.jpg

Những trăn trở trong bảo tồn văn hóa vật thể

Quần thể chùa Hương luôn được các đời trụ trì nối tiếp nhau mở mang, xây dựng ngày một khang trang hơn. Lễ hội là cách thức hữu hiệu nhất để bảo tồn văn hóa phi vật thể truyền thống, nhưng không thể tách rời với bảo tồn văn hóa vật thể, đặc biệt là giữ gìn những giá trị kiến trúc, di vật, cổ vật. Thêm lần nữa được chạm tay vào những kiến trúc cổ xưa ở Hương Tích, tôi lại miên suy nghĩ. Cả nước đang hướng tới đại lễ một nghìn năm Thăng Long-Hà Nội. Bên cạnh những chương trình lễ hội đang được xây dựng và phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể, thì trong những năm qua, rất nhiều di tích, di sản văn hoá vật thể đã và đang gấp rút được trùng tu tôn tạo. Tuy nhiên thời gian gần đây, dư luận cũng trăn trở vì nhiều di tích hàng trăm năm tuổi sau khi được trùng tu đã trở thành “một tuổi”. Đem những thắc mắc này hỏi TT Thích Minh Hiền: TT vừa là người tu hành Đạo Phật, vừa là nhà kế tục thiết kế xây dựng, trùng tu và mở mang kiến trúc chùa Hương, quan điểm của Thầy trong vấn đề này như thế nào? TT chia sẻ, muốn biết cách thức trùng tu nào đúng hay sai, ta phải đứng trên từng quan điểm bảo tồn thì mới phán xét được. Trên thế giới hiện có 3 quan điểm rất khác nhau về bảo tồn di tích. Quan điểm một, theo cách thức bảo tồn của Ấn Độ: để nguyên trạng kiến trúc, di chỉ, di vật. Người thời nay không được phép tiến gần đến di tích, không được động chạm đến, mà chỉ được phép ngắm nhìn, dù cho di tích có bị sập, có băng hoại theo thời gian, mặc cho mưa gió làm mất dần kiến trúc ấy. Khi chúng ta đến Ấn Độ, nơi Đức Phật sống cách đây 2.500 năm, vẫn thấy những viên gạch từ thời đó, ai cũng mừng. Nhưng nhìn ở góc độ kiến trúc, thì lại thấy người ta cứ bỏ hoang suốt hơn 2.000 năm. Những công trình kiến trúc của các thời đại nối tiếp nhau sau đó được xây dựng bên cạnh, kiến trúc thời sau không chồng lên kiến trúc thời trước. Dù toàn bộ tháp hay công trình kiến trúc thời Đức Phật cứ lụn dần đi, nhưng khi chúng tôi đến chiêm ngưỡng lại vô cùng xúc dộng, vì bàn tay mình được chạm vào 2.500 năm trước.

chuahoi _20.jpg
chuahoi _21.jpg
chuahoi _22.jpg
chuahoi _23.jpg

Quan điểm thứ hai là, xóa toàn bộ những kiến trúc cũ đã hư hỏng, xây dựng lại kiến trúc mới với vật liệu và hình dạng, kết cấu tương tự cho có vẻ giống với di tích cũ. Đây là cách thức bảo tồn của Nhật Bản, với cách thức này vừa có được kiến trúc kiên cố, đồng thời người thời nay vẫn được chiêm ngưỡng hình ảnh của ngôi chùa cổ xưa.

Quan điểm thứ 3 là theo cách thức bảo tồn di tích ở Việt Nam, khác hẳn Ấn Độ, cũng không nghiêng về Nhật Bản. Cách bảo tồn thường thấy ở nước ta từ xưa đến nay là: “vá” cho di tích, di vật một lớp áo để che giấu những thứ đã băng hoại, và ngăn chặn những gì chuẩn bị băng hoại. Do trình độ “vá” của chúng ta quá kém, khiến di tích chẳng khác nào chiếc áo vá chằng vá đụp, với nham nhở những mụn vá. Theo tư tưởng Phật giáo, nhà chùa không được phép sát sinh, nên không được sử dụng hóa chất để diệt mối mọt. Nếu thanh gỗ nào bị hỏng thì rút ra thay, mối mọt ở những thanh gỗ khác chưa hỏng sẽ lan sang thanh gỗ mới thay và phá hủy nhanh chóng, nên hiệu quả của việc trùng tu khó bền lâu. Mặt khác, ngày nay nhà nước và thế giới đã cấm khai thác và sử dụng gỗ rừng nguyên sinh. Những di tích thuộc Bộ Văn hóa quản lý, chỉ có công tình loại A đỏ là dám mua gỗ thôi, mà làm sao dám sử dụng loại gỗ rừng nguyên sinh tuổi nghìn năm, chủ yếu dùng gỗ rừng trồng hoặc gỗ có tuổi vài chục năm. Những vật liệu này, thì chỉ sau vào chục năm là các công trình sẽ lại hư hỏng. Bởi vậy chúng ta phải tìm giải pháp, thay thế bằng những nguyên liệu khác vừa rẻ vừa bền, như bê tông chẳng hạn.

Thượng tọa nhấn mạnh: “Quan điểm xây dựng và trùng tu di tích cuả tôi là: Duy trì truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam bằng ngôn ngữ kiến trúc đương đại”. Tuy nhiên, chúng ta không còn kiến trúc cổ nào thuần nhất của 500 năm trở lên, 1000 năm lại càng không có, vì hầu hết các di tích đều bị tàn phá trong các cuộc ngoại xâm, nên việc bảo tồn nguyên trạng như của Ấn Độ là không mấy ý nghĩa. Nếu nơi nào có đủ điều kiện kinh tế, nên dựng mới lại hoàn toàn, nhưng tuân thủ theo đúng kiến trúc cũ, sử dụng vật liệu gỗ như thuở xưa, đây là phương pháp tuân thủ triệt để nhất. Nếu không đủ tiền để mua gỗ, ta có thể thay thế nhiều cấu kiện bằng đá hoặc bê tông cho bền. Như vậy, chúng ta vừa giữ được mô típ truyền thống, đồng thời di tích có cả “tiếng nói” của đương đại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Điều xấu của một tu sĩ: Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày