Hương thu vườn Huế

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1166 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1166 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trái cây xứ Huế nhiều nhất và ngon nhất vẫn là ở những khu vườn xanh um cổ thụ thuộc hai phường Thủy Xuân, Thủy Biều phía Tây nam thành phố. 

Vườn ở đó là những khu vườn rộng trên đồi, nhũng khu vườn thoai thoải bên sông Hương. Đất đai màu mỡ, không khí trong lành, nắng mưa hòa điệu...

Những chiều mưa giông giao mùa hạ sang thu, ngang qua những khu vườn làng Dương Xuân Thượng hương thị thoang thoảng nhẹ nhàng và dễ chịu phả vào mặt dịu lành. Bước ra một khu vườn quen, thấy những trái thị chín vàng rụng xuống, dập ra, hương thơm tỏa bay vào không trung, hương thấm vào lớp đất ướt sau mưa. Hương thị làm tôi nhớ tuổi học trò...

Sau ba tháng hè chạy nhảy khắp đó đây, những buổi học đầu của năm học mới ở trường làng khi mô cũng vui. Bài vở chưa nhiều, những câu chuyện trong hè được kể thích thú. Thỉnh thoảng từ hộc bàn của ai đó thoảng lên hương thơm của trái thị chín… Chỉ cần một trái thôi giấu ở trong cặp để dưới hộc bàn thì hương thị cũng đã thoảng thơm khắp lớp học. Ở quê tôi ít nhà nào trồng thị, có lẽ do lời đồn là cây thị có nhiều tinh ma trú ngụ do lá cành rậm rạp và đặc biệt là do hương thơm quyến rũ khi trái thị chín tới. Vì thế nên thị chỉ được trồng trong sân đình chùa hay các nhà thờ họ tộc.

Theo trí nhớ của tôi, thì những cây thị sum suê nhất ở làng là ở họ Lê Ngọc và họ Trương. Hồi trước lũ con nít xóm tôi có tiếng là leo trèo giỏi nhất làng; không chừa cây cổ thụ mô nhưng đố đứa nào dám leo cây hái thị. Những trái thị chín được mang đến lớp là những trái chín rụng vào buổi sáng sớm hoặc buổi trưa và mấy đứa may mắn đi qua nhìn thấy mà chui hàng rào vô lượm.

Đúng như lời của bà tiên trong “Tấm Cám”, trái thị chỉ để ngửi chứ không nên ăn, bởi vị của nó nhạt nhạt, xải xải. Nhưng cầm ngửi lâu rồi cũng chán chê nên phải ăn và ăn xong còn lấy hột thị mài đi để đeo vào cổ chơi còn vỏ thị thì làm thành hình ngôi sao mà dán lên vách nhà… Có lẽ mùi thị là mùi quyến rũ nhất trong tất cả các loại trái cây. Tuổi thơ mình có được trái thị là chuyền tay nhau mà hít hà. Có đứa dọa hít nhiều quá sẽ bị sứt môi (?).

Lên lễ chùa Tây Thiên vào dịp rằm Vu lan gặp mùa thị đang chín, trái treo vàng cả cây và rụng khắp sân. Hương thị ngất ngây làm tôi nhớ mạ. Nhớ những buổi chiều tà ra ngồi ngã ba đầu xóm chờ mạ đi chợ Mỹ Chánh về, trên đôi triêng gióng có mấy trái thị, mấy chùm dâu hay một miếng mít vừa chín tới. Hương thị như thầm nhắc rằng mùa Vu lan đang về…

Thị chín rụng đầy nhưng không thể nào so với những cây dâu, trái dày như những bầy ong bám lấy cây. Chỉ nhìn thấy trái dâu hoặc chỉ nhắc đến loài trái này thôi là miệng đã tứa nước bọt vì nhớ chua. Nhưng dâu đâu chỉ chua mà cũng có những cây cho trái ngọt. Dâu cho nhiều trái nên đến mùa những rổ dâu về bán khắp chợ Huế. Giá dâu rẻ bởi loài trái này chỉ để ăn chơi. Dâu có nhiều loại, màu sắc khi trái dâu chín tới cũng khác nhau xanh, vàng, đỏ... người sành hoa trái thì nói rằng những trái dâu chua chua, ngọt ngọt chấm với muối ớt ăn mới ngon.

Vườn đồi Thủy Xuân cho nhiều dâu, thị, khế, đào, trần bì thì vườn bên sông Hương của Nguyệt Biều, Lương Quán chủ yếu trồng bưởi và nhiều nhất là bưởi thanh trà. Nếu được chọn một mùi hương cho mùa thu xứ Huế, tôi sẽ chọn hương bưởi. Không phải là hương hoa bưởi e ấp mà là mùi hương của trái bưởi khi bóc lớp vỏ cho đến khi nếm vị chua chua, ngọt ngọt, thanh thanh, the the của múi bưởi. Bưởi được trồng rất nhiều ở các làng vùng ngoại ô Huế, nhất là ở các làng đầu nguồn các con sông hoặc trên các ngọn đồi thấp ven núi. Bưởi cốm, bưởi tàu, bưởi đỏ, bưởi trắng và nhiều nhất là bưởi thanh trà.

Mùa bưởi về các chợ lớn nhỏ đầy ắp bưởi, có khi người bán tràn ra cả ngoài bìa chợ. Người không rành cũng khó phân biệt đâu là các loại bưởi thường, đâu là trái thanh trà. Tôi đã có lần đi chợ nghe một dì nói rành rẽ với người bán hàng rằng: “Đây mà cũng gọi là thanh trà à? Tui từ nhỏ đã chơi đồ đoàn ở dưới cội thanh trà tui rành lắm chớ!”.

Rồi có lần tôi được ăn một trái bưởi đỏ lai thanh trà rất ngon mà theo lời kể của người bán là: “Cây bưởi ni nó mọc lên trong vườn thanh trà nên nó lai vị thanh trà luôn!”… Bởi vậy đôi khi đi chợ không rành mua thanh trà nhưng bị bán thành bưởi cho nên chắc ăn là mua tại vườn, tại cội vừa được ngắm vườn lại được ăn thanh trà thứ thiệt… Trái thanh trà phải ngọt thanh, nhiều nước. Nếu cây nào trái bị chua thì nó là bưởi hoặc thanh trà bị lai rồi. Chợt nhớ có anh bạn là nhà sử học giải nghĩa Nguyệt Biều là bàu trăng. Hay quá! Ngôi làng này hồi trước là điền viên của các quan lại, chắc cái tên Nguyệt Biều đầy chất thơ đó là do một vị quan hay chữ nào đó đặt nên cho đến bây chừ...

Buổi chiều đầu thu mát lành, chạy loanh quanh vườn Huế hít thở hơi thu mà nghe hương thị bay về và nếm vị ngọt chua của dâu, thanh trà đang chín thật nhiều nơi những khu vườn. Huế đang sang thu bình yên quá đỗi!!!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.
Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày