Ký ức mùi hoa bưởi

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1144 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1144 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

Tháng 3…

Chỉ cần một cây bưởi nơi góc vườn, hay trong một khoảng sân nhỏ nào đó trong lòng phố, cũng đủ để nở hoa, phả hương vào không gian làm ngây ngất lòng người. Với mùi hương và sắc hoa mộc mạc, khiêm nhường mà đầy lôi cuốn, hoa bưởi được coi là biểu tượng của sự thật thà, của những tình cảm chân thành, trong sáng, tinh khôi.

Hoa bưởi cánh ngà trắng, nhụy vàng. Hương thơm của hoa đằm và dễ chịu đến lạ kỳ, thơm mát, như những góc vườn quê bình yên, như những mái tóc dài của bà, của mẹ, như những bát chè hoa bưởi hoa cau, như những nong bột sắn dây ướp hoa bưởi trong ký ức ngày thơ....

Tôi nhớ ngày nhỏ, vườn nhà bà nội rất rộng, và chỉ trồng toàn là bưởi. Có những cây bưởi tuổi đời dễ đến cả trăm năm, thân gốc to bằng cả bắp đùi của một người trưởng thành, cành vươn ra chia làm nhiều nhánh khẳng khiu, loang lổ những mảng màu khi sạm đen, lúc thẫm xanh những mảng rêu bám lại.

Đây là cây bưởi được nội tôi yêu nhất. Có chuyện vui, chuyện buồn gì, nội lại chống gậy lập cập ra ngồi dưới gốc bưởi mà thủ thỉ, tâm tình. Cây bưởi gắn với niềm tin, tình yêu của bà dành cho ông.

Năm nào cũng vậy, cứ qua Tết Nguyên đán là nội tôi thường háo hức mong đợi được trông thấy và thưởng thức mùi hương của những bông hoa bưởi đầu mùa. Hương bưởi thơm sẽ đánh thức những kỷ niệm thời xa vắng ngủ yên suốt cả một năm qua, đưa nội tìm về những ngày tuổi mười tám đôi mươi đẹp đẽ.

Tôi từng được bố tôi kể cho nghe câu chuyện tình lãng mạn hệt như trong phim của ông bà nội.

- Vặn ngược thời gian trở lại hơn 80 năm về trước, ngày ông nội con là một chàng trai 16 tuổi nhiều mơ ước. Những chiều tháng 3 nhìn ra đầu ngõ, thường bắt gặp một cô gái nhỏ nhắn đội nón lá, có mái tóc dài đạp xe qua. Cô dừng lại hồi lâu, dõi mắt qua hàng rào bô-rô nhìn vào bên trong. Ông nội con biết con gái “phải lòng” những bông hoa bưởi trắng từ cây bưởi cổ thụ trong vườn, bèn cầm kéo ra cắt đầy nguyên cả một rổ hoa bưởi, đổ đầy vào chiếc nón tặng cho cô. Cụ nội con nhìn thấy, la ầm lên khi thấy cây bưởi bị vặt trụi quá nửa số hoa, lo cây không đậu quả, nên cầm đòn gánh ra đuổi đánh. Cả ông nội con và cô gái cùng ôm nón hoa bưởi, bỏ chạy. Kỷ niệm đáng nhớ ấy thành sợi dây nuôi dưỡng tình cảm đôi lứa, để hai năm sau đó, cũng đúng vào một ngày tháng 3 hoa bưởi nở trắng vườn, ông nội con và cô gái ấy hạnh phúc về chung một nhà.

Từ lúc nghe xong câu chuyện ấy, mỗi mùa hoa bưởi về, tôi thường trêu bà nội:

- Con hỏi bà nhé. Có phải bà lấy ông vì mê cây bưởi cổ thụ, đúng không ạ?

- Tiên sư nhà anh. Định bảo bà yêu cây hơn yêu người chứ gì? Ờ thì hoa để ngửi, để cài tóc, nấu chè, ướp bột sắn dây. Quả dùng để ăn, lá và vỏ có thể dùng để gội đầu. Một loài cây đặc biệt như thế, đáng yêu hơn ông nội anh là cái chắc – Bà cũng hòa nhịp tếu táo theo tôi.

Dưới gốc bưởi già cuối tháng 3, những cánh hoa đang dần rụng trắng để dần tạo quả. Cánh hoa lẫn vào đất, rối vào cỏ, vẫn thoảng dịu mùi hương. Tôi thấy bà ngừng nhai trầu, bỏ bã trầu ra, rờ rờ đưa tay cầm lên một bông bưởi rụng. Ngắm nhìn hồi lâu, bà bảo:

- Cuộc đời này, bất kỳ một mối quan hệ nào – dù đi cùng nhau một đoạn đường dài hay chỉ đôi ba phút – cũng đều cần một cái duyên. Duyên cũng như một hạt mầm nhỏ, có người thì bỏ qua, để nó mãi nằm yên, rồi khô héo, có người lại chọn tưới tắm, vun vén cho nó lên xanh. Trong quá trình cùng chung tay tưới tắm ấy, sẽ nảy nở nhiều cảm xúc, thêm gần, thêm hiểu. Và khi có hiểu rồi, thì sẽ có thương. Đấy cũng là điều bà muốn gửi lại cho con để sau này lựa chọn một người bạn đời.

Hoa bưởi là duyên để đưa ông và bà đến với nhau. Tình yêu nảy nở từ hạt mầm nhân duyên ấy. Nhưng con xem, giữa cuộc đời này, có cái cây nào rút ngắn được giai đoạn, từ mầm lên xanh là kết quả được ngay không? Điều đó là không thể. Phải ngấm mưa, gió, nắng, kiên trì chiu chắt để vươn lên, thì mới đến ngày hoa thơm quả ngọt.

- Vậy những năm tháng sống cùng nhau, tình cảm của bà và ông có nhiều mưa gió không ạ? – Tôi tò mò, háo hức hỏi tiếp.

Bà tôi đặt bông bưởi trên tay xuống đất. Một cơn gió thoáng tới, cuốn bông hoa lăn ra xa. Bà mỉm cười:

- Bà và ông cũng vậy. Khi lấy nhau về rồi, mới thấy có nhiều thứ không hợp nhau. Khi yêu, con người ta như đang say, nhìn cái gì cũng đẹp. Khi về ở cùng nhau là lúc tỉnh lại, thực tế hơn. Đây chính là giai đoạn thử thách để hai người phải lựa chọn, xem có cố gắng vì nhau không hay bỏ cuộc. Con thấy bây giờ nhiều cặp vợ chồng trẻ ly hôn, chính bởi không vượt qua được giai đoạn này. Nhưng nếu cùng quyết tâm và cố gắng, vượt qua được rồi, họ sẽ bước vào giai đoạn mới bình yên. Lúc này sẽ không còn bị dính mắc vào những cái tôi của cá nhân mỗi người, hợp hay không hợp nhau nữa, mà sẵn sàng chấp nhận và sửa chữa cùng nhau, xác định thực sự muốn cùng nhau đi chung một con đường.

- Vâng. Con thấy cũng hệt như hoa bưởi, có đi qua mùa đông rét buốt mới bước được vào xuân ấm để nở hoa vậy.

- Đúng rồi con ạ. Vợ chồng, về ở với nhau bởi tình yêu. Nhưng tình yêu cũng như một bông hoa bưởi, khi tháng 3 qua đi, hương sẽ phai nhạt dần, không còn nữa, để cho cái nghĩa nồng đượm lên: nghĩa vợ chồng. Đây mới chính là thứ để giúp cho hai người có thể đi cùng nhau, và đi xa được với thời gian.

Cuộc trò chuyện này tôi nhớ mãi, vì hiểu từ chuyện hoa bưởi, chuyện tình của ông và bà, bà đang muốn dặn dò, dạy tôi về những hành trang cần thiết cho việc xây dựng một mái ấm sau này.

Đó cũng là lần cuối cùng bà còn đủ sức khỏe, trí nhớ để cùng hoa bưởi tìm về với kỷ niệm xưa. Mùa đông năm ấy, bà đổ bệnh, và gói trọn đất trời tháng 3 làm quà đi tìm gặp ông, giữa mùa hoa bưởi đang nồng hương nhất.

Tháng 3 Hà Nội, hoa bưởi lặng lẽ, khiêm nhường theo những quang gánh của các bà, các chị thôn quê rong trên các phố... Với người dân thủ đô, đây là tín hiệu báo giao mùa, xuân sắp đi qua và hạ đang gần bước tới. Người người chọn mua hoa bưởi để về bày ban thờ cúng gia tiên, đi lễ chùa, hoặc làm nước uống.

Nhìn theo những chiếc làn, những giỏ xe của các bà, các mẹ đi chợ thường mang theo về ít nhiều những cành hoa bưởi, tôi thấy những ồn ào nơi phố như được đóng băng, khóa lại, lòng chỉ còn tràn đầy một cảm giác thư thái, bình yên.

Và văng vẳng đâu đó trong tiềm thức tôi những lời của bà nội:

- Rồi sẽ đến một ngày bà phải đi tìm ông, con ạ. Con hứa với bà sẽ không buồn nhé. Vì bà cũng không đi đâu xa đâu, vẫn luôn ở thật gần bên con. Trong những mùa hoa bưởi, trong câu chuyện tình yêu và những thông điệp bà đã gửi lại cho con. Bố con, rồi đến con - chính là một sự tiếp nối đẹp đẽ của cả ông và bà. Hãy luôn sống thật tốt, chân thành, khiêm nhường và dành tặng những điều dịu ngọt nhất cho mọi người, cho cuộc đời như những chùm hoa bưởi tháng 3 nhé con!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày