Hương trầm nhẹ tỏa

0:00 / 0:00
0:00
GN - Hăm ba Tết, tôi chạnh nhớ mùi hương ngày đưa ông Táo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong gian bếp nhỏ của ký ức, ngập tràn hương xôi nếp mới thơm thật thơm cùng với mùi củ cải, củ kiệu đã cong queo dưới nắng tháng Chạp, nằm ngoan trong mấy cái nia lớn để chờ thời khắc chuyển mình.

Trong cái lạnh cuối đông của Đà Lạt, ký ức ấu thời vụt ngang, ngoại của tôi đứng đó, dưới ánh đèn vàng vọt huyền ảo, miệng rì rầm khấn vái, tay cẩn trọng nâng ba nén nhang khói lờ đờ. Thực lạ, thứ mùi đại diện cho tâm linh đó hình như biết biến đổi theo chu kỳ, bắt đầu từ ngày tiễn ông Táo rồi nối theo mấy ngày cuối năm âm lịch, từ ấm áp đến hoài niệm, đến thức tỉnh, đến hy vọng. Hơn một lần tôi muốn lại thấy ngoại - một người phụ nữ xứ Bắc, vận áo nhung thâm, chân mang hài, cổ đeo chuỗi hạt óng ánh đứng chắp tay cầu an khang giữa hương đèn huyền diệu trong thời khắc chuyển mùa đêm trừ tịch, rồi chính ngoại sẽ nắm tay tôi rời cửa đi tìm hái một nhành lộc biếc.

Hăm sáu Tết, trong lúc dọn dẹp tôi thấy lại chiếc áo hậu của Thầy, ngoài di sản “chánh niệm” mà tôi được nhận và thực hành một cách trầy trật, thì tấm áo như một thứ của hồi môn, để tưởng nhớ bóng hình người lúc còn tại thế. Thầy đã về cõi an nhiên vài năm trước, bỏ tôi lại ngồi viết những dòng có lẽ “hờn trách”. Hơn một lần Thầy nói về di nguyện của Thầy lúc còn khỏe mạnh rằng “khi Thầy ra đi, đừng chôn, đừng xây tháp, hãy hỏa táng rồi đem tro cốt ấy chôn dưới những khóm hoa, như vậy cái chết của thầy sẽ chẳng vô ích, đó là một cái chết đẹp”. Năm nay, mấy nụ mai anh đào đã nở, dù di nguyện của Thầy không được thực hiện, nhưng nụ cười của Thầy trong nắng chiều hôm đó dường như được tiếp nối trong sắc thắm của mấy đóa hoa xuân.

Hăm bảy Tết, mệ Thợ bỏ làng Trại Hầm ra đi, người học trò cuối cùng của bà cố tôi đem theo cái nghề làm hồng khô, mứt mận, dưa môn... đi về cõi vô ảnh. Tôi chợt nhớ da diết cái khung cảnh một hôm tất niên năm nao, thấy mệ Thợ lưng còng, bà Hai Ngộ chân chậm chạp và bà Cháu Lo mắt đã nhòa theo tháng năm, nắm lấy tay nhau, hỏi han rồi mừng rỡ ngồi bên mâm cơm tất niên. Một khung cảnh đẹp hiếm thấy và làm cho người khác dễ mủi lòng. Hăm chín Tết, theo xe tang chầm chậm trên đường làng ngang qua mộ bà cố, tôi thầm nghĩ giờ này sau khi đi qua những “vô thường” của năm tháng biến đổi, có lẽ họ đã gặp lại nhau trong một kiếp sống nào khác chăng?

Đêm giao thừa, từ ngôi tổ đình chuông trống Bát-nhã đổ dồn, thúc giục, rộn rã. Thanh âm vi diệu đó báo hiệu phút giao mùa đã điểm, mẹ nhẹ nhàng dâng hương lễ Tam bảo, kính nhớ ông bà đầu năm. Ngôi nhà mang tên “Thường Lạc”, được xây dựng từ thời ôn cố bỗng sáng rỡ, ấm áp thêm bội phần. Cái không gian thân thuộc như trở mình toát lên niềm hy vọng bình an, hạnh phúc trong năm mới. Trong ngọn gió xuân, tôi hằng tin tưởng rằng các bậc tổ tiên tâm linh và huyết thống của tôi đương hiện diện cùng con cháu trong buổi tân niên.

Thật hoan hỷ khi lần nữa trong chính khoảnh khắc đó, tôi thấy ngoại được tiếp nối qua hình ảnh của mẹ, dù không điểm trang phục sức giống nhau nhưng tinh thần và tâm hồn thì rõ ràng chung một sự đồng điệu khó tả.

Đêm xuân - mùi hương trầm nhè nhẹ tỏa lan.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày