Hy Lạp và cổ đại Phật giáo

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1205 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1205 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Các khía cạnh dường như riêng biệt giữa Hy Lạp cổ đại và Phật giáo lại có một mối liên hệ đáng ngạc nhiên. Tư tưởng và thẩm mỹ của quốc gia phương Tây cổ đại này đã tác động đáng kể đến Phật giáo ở phương Đông.

Sự trao đổi văn hóa đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của Phật giáo Hy Lạp, nơi có sự hòa quyện giữa các yếu tố rất đặc trưng của Hy Lạp cổ đại và Phật giáo. Mối liên hệ độc đáo này bắt nguồn từ việc tìm hiểu bối cảnh lịch sử và tác động sâu sắc của Hy Lạp cổ đại đối với Phật giáo, khiến cho sự kết nối về văn hóa cũng như triết học giữa hai thế giới đa dạng này càng thêm nổi bật.

Hy Lạp cổ đại và Phật giáo - các mối liên hệ lịch sử

Dựa trên những dữ liệu về giáo lý và cuộc đời của Đức Phật Gautama, Phật giáo xuất hiện ở Ấn Độ cổ đại vào khoảng thế kỷ thứ IV-V trước Tây lịch. Trong khi Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi ở châu Á trong thời cổ đại, thì các mối quan hệ chính trị giữa Hy Lạp và Ấn Độ, đặc biệt là sau khi Đại đế Alexander xâm lược thung lũng Indus vào năm 357 trước Tây lịch, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa tư tưởng Hy Lạp và Phật giáo.

Mối quan hệ lịch sử giữa Hy Lạp cổ đại và châu Á, trước đó, có thể bắt nguồn từ Đại đế Darius và Achaemenid, hay còn gọi là Đế chế Ba Tư, đã mở rộng lãnh thổ từ Anatolia đến Ấn Độ trong thế kỷ thứ V trước Tây lịch. Những đường biên giới mở rộng này đã đưa người Hy Lạp tiếp xúc với những người dân và tư tưởng Tây Á. Đại đế Darius đã cử người Hy Lạp từ Anatolia vào lãnh thổ mới của mình, bao gồm cả Afghanistan và Ấn Độ. Điều này lại lần nữa càng siết chặt mối liên hệ giữa hai khu vực.

Đại đế Alexander và vua Ashoka

Sau đế chế của Darius hơn một thế kỷ, các cuộc chinh phạt của Đại đế Alexander ở châu Á đã tiếp xúc với nhiều người Hy Lạp sống ở những vùng đất xa xôi đó. Với việc thành lập nhiều thành phố Hy Lạp ở Trung và Tây Á, ông đã thiết lập mối liên kết lâu dài giữa người Hy Lạp và người dân bản địa.

Sau khi Alexander băng hà, đế chế của ông bị chia cắt, và Seleukos I Nicator, một trong những vị tướng của ông, nắm quyền kiểm soát vùng Lưỡng Hà. Đế chế Seleucid đã mở rộng khắp Anatolia, Ba Tư, Levant, Lưỡng Hà và một phần của Kuwait, Afghanistan và Turkmenistan.

Bất chấp xung đột với vua Chandragupta, người cai trị Đế chế Maurya, các lãnh thổ dưới ảnh hưởng của Alexander và Seleukos vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với tư tưởng và mỹ học của Hy Lạp.

Vua Ashoka, cháu trai của vua Chandragupta và cũng là người cai trị của Đế chế Maurya, đã chuyển sang ủng hộ Phật giáo. Ông tích cực truyền bá tôn giáo cả trong và ngoài lãnh thổ của mình, cũng chính điều này đã dẫn đến sự kết hợp độc đáo giữa tư tưởng Hy Lạp và Phật giáo. Đáng chú ý, dưới triều đại của Ashoka, những bức tượng Phật đầu tiên đã thực sự xuất hiện; đây có khả năng bị ảnh hưởng bởi tầm quan trọng của tượng trong văn hóa của người Hy Lạp cổ đại. Bởi trước đó, trong cộng đồng Phật giáo, hình tượng Đức Phật chỉ được biểu trưng bằng những hình ảnh gắn liền với cuộc đời của Ngài như cây bồ-đề, tòa kim cang, bàn chân,…

Sự hưng thịnh của Phật giáo Hy Lạp

Ngay cả sau khi Đế chế Mauryan suy tàn vào năm 185 TCN, Phật giáo Hy Lạp vẫn phát triển mạnh. Hai quốc gia quan trọng là Vương quốc Hy Lạp-Bactria và Vương quốc Ấn-Hy Lạp đã xuất hiện vào thời điểm này.

Cách khắc họa tượng theo phong cách Gandhara thể hiện rõ sự dung hòa Ấn Độ - Hy Lạp

Cách khắc họa tượng theo phong cách Gandhara thể hiện rõ sự dung hòa Ấn Độ - Hy Lạp

Vương quốc Hy Lạp-Bactria bao gồm các vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Tây Á, bao gồm Afghanistan, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan, Iran và Pakistan. Trong bộ kinh nổi tiếng của Milindapañha (Kinh Mi Tiên vấn đáp - một văn bản Phật giáo có từ khoảng năm 100 trước Tây lịch đến năm 200 sau Tây lịch), cuộc đối thoại giữa nhà sư Phật giáo Ấn Độ Nāgasena và vị vua Ấn Độ-Hy Lạp thế kỷ thứ II TCN Menander I xứ Bactria, ở Sāgalā, Sialkot ngày nay đã được ghi lại một cách chi tiết với nhiều nội dung cốt lõi của Phật giáo.

Sau đó, Vương quốc Ấn-Hy Lạp, nổi tiếng với ngôn ngữ, văn hóa, tiền xu và thẩm mỹ Hy Lạp, đã hưng thịnh và phát triển từ năm 200 TCN đến năm thứ 10 SCN. Chính trong thời đại này, tư tưởng và phong cách Phật giáo Hy Lạp cũng đã phát triển mạnh mẽ.

Mối liên hệ chặt chẽ giữa phương Đông và Hy Lạp cổ đại đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi ý tưởng triết học và hội họa một cách dễ dàng. Các nhà triết học Hy Lạp, chẳng hạn như Pyrrho, Anaxarchus và Onesicritus, đã cùng Đại đế Alexander đi đến các vùng phía Đông, gặp gỡ những nhà tu khổ hạnh Ấn Độ sống theo lối sống khắc khổ của các đạo sĩ ẩn dật.

Chịu ảnh hưởng của các nhà tu khổ hạnh Ấn Độ, Pyrrho đã phát triển trường phái triết học Pyrrho, nhấn mạnh đến sự nghi ngờ và chủ nghĩa hoài nghi. Các tài liệu tham khảo về Phật giáo có thể được tìm thấy trong các tác phẩm của Pyrrho, bao gồm cả cách giải thích của ông về tam pháp ấn - các nguyên lý cơ bản của Phật giáo. Được học hỏi từ các nhà truyền giáo Phật giáo do Ashoka cử đi, Hegesias của Cyrene lại tập trung vào con đường chấm dứt khổ đau.

Sự ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc

Tác động của Hy Lạp cổ đại đối với Phật giáo rõ ràng nhất là lĩnh vực tạc tượng và điêu khắc Phật giáo. Cộng đồng Phật giáo ở các vùng bị Hy Lạp hóa bị thu hút bởi các tác phẩm điêu khắc đặc trưng của Hy Lạp, và có thể vì vậy mà họ đã tạo ra những bức tượng Phật đầu tiên.

Trước đó, Đức Phật chỉ được mô tả một cách tượng trưng. Các tác phẩm nghệ thuật của trường phái Gandhara đã được tạc theo phong cách Hy Lạp hóa ở vùng Tây Bắc Ấn Độ như Pakistan và Afghanistan, với sự kết hợp các yếu tố Phật giáo phương Đông và phong cách phương Tây của Hy Lạp.

Các cách thể hiện Đức Phật trên bức tượng điêu khắc theo phong cách Gandhara giống như các vị thần Hy Lạp khoác lên mình trang phục hoặc áo choàng giống như các vị thần trong văn hóa và nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Kiểu tóc xoăn thường thấy cũng được lấy cảm hứng từ các bức tượng của quốc gia phương Tây này. Theo trường phái Gandhara, các vị Bồ-tát được khắc họa là những hoàng tử Ấn Độ ngực trần và đeo đầy trang sức. Đây cũng là khoảng thời gian mà các tòa nhà được xây dựng theo phong cách của Hy Lạp.

Tóm lại, sự tương tác giữa Hy Lạp cổ đại và Phật giáo đã đem lại sự trao đổi văn hóa sâu sắc, dẫn đến sự ra đời của Phật giáo Hy Lạp và sự hợp nhất tư tưởng cũng như mỹ học giữa Hy Lạp và triết học Phật giáo.

Sự trao đổi này đã ảnh hưởng đến nghệ thuật, triết học và sự truyền bá của Phật giáo. Mặc dù Phật giáo Hy Lạp cuối cùng đã suy tàn với sự hồi sinh của Ấn Độ giáo ở Ấn Độ và cuộc chinh phục của người Hồi giáo ở Trung Á, thế nhưng tác động của nó là điều không thể phủ nhận với khả năng biến đổi của các mối liên hệ văn hóa trong khoảng thời gian này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đức Thế Tôn, bậc Thầy của trời, người

Điều phục tâm là chiến thắng tối thượng

GNO - Người đệ tử Phật xuất gia hay tại gia đều biết, giáo lý đạo Phật không phải là những lý thuyết trừu tượng siêu hình mà là những lời dạy thiết thực hướng đến đời sống an lạc, hạnh phúc nội tại.
Trao thực phẩm đến tận tay bà con vùng lũ

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên khẩn trương cứu trợ bà con vùng lũ

GNO - Chiều nay, 10-9, trao đổi với Báo Giác Ngộ, Đại đức Thích Thánh Trí, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN tỉnh Thái Nguyên cho biết Ban Trị sự kết hợp với Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh, các nhà hảo tâm đang khẩn trương cứu trợ cho bà con vùng lũ trên địa bàn.

Thông tin hàng ngày