Ra mắt bản dịch đầu tiên của bộ Tengyur Tây Tạng

Những bản sao của bộ Tengyur Tây Tạng
Những bản sao của bộ Tengyur Tây Tạng
0:00 / 0:00
0:00
GNO - 84000: Phiên dịch lời Phật dạy, một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu được thành lập bởi vị Lạt-ma, tác giả và nhà làm phim nổi tiếng người Bhutan Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche, mới đây đã công bố một bản dịch hoàn chỉnh thuộc một phần quan trọng của bộ Tengyur Tây Tạng.

Với số lượng khoảng 161.800 trang, Tengyur bao gồm các bài chú giải về những giáo lý của Đức Phật được viết bởi những bậc thầy và các học giả Phật giáo vĩ đại của Ấn Độ.

“Chúng tôi rất hoan hỷ đối với việc ra mắt bản dịch đầu tiên từ một văn bản của bộ Tengyur do chúng tôi thực hiện, đó chính là bản Đại chú giải kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa trong khuôn khổ 100 nghìn, 25 nghìn và 18 nghìn câu kệ. Ấn phẩm này không chỉ đại diện cho kết quả xuất sắc của quá trình làm việc tận tụy của rất nhiều thành viên trong nhóm dịch thuật của chúng tôi, mà còn là một cột mốc quan trọng của tổ chức và là một bước tiến rất lớn đối với tầm nhìn của chúng tôi về việc giúp cho kinh điển Phật giáo Tây Tạng có thể truy cập được bằng tiếng Anh vì lợi ích của tất cả mọi người”, 84000 cho biết.

84000 đang thực hiện một nhiệm vụ lâu dài nhằm dịch thuật và xuất bản tất cả các văn bản kinh văn còn sót lại được lưu giữ bằng cổ ngữ Tây Tạng, bao gồm phiên dịch 70 nghìn trang Đại tạng Kangyur (lời dịch kim khẩu của Đức Phật) trong 25 năm và 161.800 trang của Tengyur (các chú giải về lời dạy của Đức Phật đã được dịch) trong vòng 100 năm.

Theo tổ chức này, cho đến nay chỉ có chưa đến 5% kinh điển được dịch sang ngôn ngữ hiện đại. Do sự hiểu biết về Tây Tạng cổ xưa và số lượng các học giả có trình độ đang suy giảm với tốc độ chóng mặt nên những di sản văn hóa và trí tuệ tinh thần độc đáo có nguy cơ biến mất khỏi thế giới này.

“Các bản kinh văn Kangyur là tài liệu quan trọng về vô số quan điểm, niềm tin và các phương pháp tu tập trong Phật giáo. Nhưng trong nhiều thế kỷ qua, các văn bản này chủ yếu được khám phá và nghiên cứu thông qua các bài chú giải và chuyên luận với mục đích sắp xếp và hệ thống hóa chúng, ngay cả những văn bản do các học giả Ấn Độ viết về Tengyur và những tác phẩm do người Tây Tạng biên chép sau này”, 84000 chia sẻ thêm.

“Nhiều văn bản Kangyur vẫn chưa được dịch hoặc rất khó để hiểu một cách trọn vẹn. Vì vậy, chúng tôi phải tham khảo các bài chú giải trong bộ Tengyur. Dù sao đi nữa thì việc đọc, khảo sát và nghiên cứu những bài chú giải này cũng là một phần của công trình phiên dịch ‘văn bản gốc’ Kangyur; hơn thế nữa, cần có một bản dịch của bản chú giải Tengyur để chúng tôi có thể chia sẻ với những ai muốn tìm hiểu sâu hơn”, 84000 khẳng định.

Bản Đại chú giải Tengyur được dịch bởi học giả, Tiến sĩ Phật học Gareth Sparham dưới sự cố vấn của Kensur Geshe Lobsang Gyaltsen đến từ Ladakh, vị trụ trì đời thứ 80 của tu viện Drepung Gomang ở Mundgod, Ấn Độ và Geshe Kalsang Damdul từ Tây Tạng, ngài từng trợ lý giám đốc (1983–2014) và giám đốc (2014–2018) của Viện Biện chứng Phật giáo ở Dharamsala.

84000 đặc biệt tập trung vào các chú thích từng từ có thể trực tiếp hỗ trợ rất lớn cho bản dịch song song của các bản kinh văn Kangyur và sẽ giúp đỡ cho những người đọc hiểu chúng. Tập Tengyur đầu tiên của chúng tôi được xuất bản là 3 bản Đại chú giải của kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Không chỉ giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong việc phiên dịch kinh điển mà các văn bản này còn là sự hướng dẫn tuyệt vời cho những độc giả muốn nghiên cứu chi tiết về những bản kinh văn thâm thúy này. Ngoài ra, còn có các bản dịch Tengyur khác chú giải về Mật điển cũng đang được tiến hành phiên dịch”, tổ chức này cho biết.

84000 là tên được đặt theo số lượng pháp môn mà Đức Phật đã giảng dạy. Kể từ khi thành lập cách đây khoảng 12 năm, tổ chức này đã trao hơn 6 triệu đô-la Mỹ nhằm tài trợ cho các nhóm dịch giả trên khắp thế giới, bao gồm các học giả Tây Tạng và phương Tây - từ UCSB, Oxford, Đại học Vienna đến Viện Rangjung Yeshe ở Nepal. Chỉ trong vòng 10 năm, với sự ủng hộ của tất cả bốn trường phái lớn của Phật giáo Tây Tạng và được hỗ trợ bởi một số vị thầy uyên bác nhất của truyền thống Kim Cương thừa, Tổ chức 84000 đã phiên dịch hơn 30% kinh văn và hiện tại vẫn đang tiếp tục.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày