Khai giảng của bé

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Năm tôi chính thức nhận quyết định bổ nhiệm về ngôi trường tiểu học vùng sâu heo hút trên đồi cũng là năm Bé đủ tuổi vô lớp mẫu giáo lớn. Cô bé khuyết tật, con một người mẹ cũng khuyết tật, là cái nghịch cảnh nhân đôi lần đầu tiên tôi gặp.

Bé có mẹ không cha. Hai mẹ con tá túc trong ngôi nhà nhỏ đối diện trường. Gọi "nhà" cho oai chứ thực ra nó như cái ô gạch với bốn bức vách không tô. Mái chụp bằng mấy miếng tôn, thấp tè. Phía trước, một vuông đất nện xung quanh xẻ rãnh thoát nước làm sân. Cái sân sẽ giống hệt sân những nhà nghèo ở quê hồi đầu thế kỷ trước nếu có thêm hàng cau đứng choán mặt tiền và một chiếc vò đất nung đựng nước uống kèm thêm cái gáo dừa dưới gốc. Tiếc thay, đây hoàn toàn trơ trụi, loe hoe mấy chùm cỏ dại. Còn may, vẻ kệch cỡm thô thiển có bớt đi nhờ “bạn đồng hành”: một ngôi nhà thứ hai, xây cất giống hệt đứng song song. Nhìn hai ngôi nhà cứ như hai… anh em sinh đôi bá vai nhau quay mặt lại cổng trường, hai cánh cửa ra vào mở toang như hai cái mồm há hốc.

Hỏi lại, té ra nhà ấy của bác Chi, bảo vệ trường. Tự tay xây ở. “Tui một thân một mình, tạm vậy cho xong, nhà to cửa lớn chi cô?”. Còn nữa, ngôi nhà của mẹ con Bé cũng do tay bác xây giúp. “Thấy mẹ con nó vất vưởng, chui đụt hết lều chợ đến hiên trạm xá tội quá nên tui sẵn làm giùm luôn…”. À, ra vậy. Năng lực một người xây cất "tay ngang" không có chuyên môn xây dựng mà làm nổi căn nhà đầy đủ mái che, cửa nẻo là giỏi, không thể đòi hơn. Thêm nữa, không chỉ làm căn mình ở mà còn làm luôn căn thứ hai chỉ vì lòng trắc ẩn "đơn phương" thì phải nói… quá giỏi!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nội trú cho thầy cô giáo nằm luôn trong khuôn viên trường, có đường mòn tắt dẫn ra nhà bảo vệ. Chưa tới ngày khai giảng nên nội trú vắng ngắt, buồn xỉu. Chiều chiều, sau bữa cơm ăn vội tôi hay đóng cửa phòng xuôi theo đường mòn xuống chỗ bác Chi xem phim Hàn Quốc. Lần nào cũng thấy hai mẹ con chị Bé có mặt (sau này mới biết cả mẹ lẫn con đều được dân địa phương gọi bằng tên Bé). Lần đầu gặp tôi chủ động gật đầu xã giao trước: “Chào chị!”. Người mẹ nghe tiếng ngước nhìn, cười ngượng nghịu đáp lễ xong im lặng tiếp tục dán mắt vào màn hình đen trắng. Cô bé con ngước mặt tò mò quan sát tôi lâu hơn nhưng vẫn không mở miệng. Đưa mắt nhìn bác Chi dò hỏi, bác lật đật giải thích:

- Mẹ con nó bị câm, không nói được đâu. Cô giáo cứ ngồi chơi, đừng ngại!

Ra vậy. Tôi quay lại cô bé gật gật, nở nụ cười thân thiện. Ngây thơ bé cũng nhoẻn cười. Cái cười ấm áp, tin cậy hơn nơi người mẹ. Hình như tâm lý học có nói trẻ con nhận biết tính cách người đối diện qua hành vi phi ngôn ngữ giỏi hơn người lớn. Chắc đúng. Cảm giác ngỡ ngàng biến mất. Tự nhiên tôi thấy vui vui…

*

Năm đầu tiên dự khai giảng nơi ngôi trường mới, trong tôi cứ lướng vướng ý nghĩ về Bé. Từng tuổi ấy, bình thường như con người ta cũng phải vào lớp một rồi. Sáng đó, tôi, cô giáo mới, được vinh dự giao nhiệm vụ ra tận cổng trường làm nghi thức đón, dắt tay các em "tân binh" lần đầu đi học vào lớp một.

Trong số những em nhỏ đồng phục chỉnh tề quần xanh áo trắng ấy đương nhiên không có Bé. Liếc sang ngôi "nhà" tí hon đối diện cổng thấy cửa im ỉm đóng. Không hiểu sao tôi cứ chắc chắn từ trong khe hở sau cánh cửa nhà xộc xệch đang có một cặp mắt đen lay láy đang dòm ra. Dòm, và thèm thuồng cái cảnh bạn bè đồng lứa xúng xính áo quần được cô giáo dắt tay vào lớp. Trẻ con nào chẳng thế. Ngày xưa tôi cũng vậy, cho dù tôi không khuyết tật, chỉ phải cái tội sinh nhằm cửa nhà nghèo…

Chiều tối, xuống phòng bảo vệ coi ti-vi, lại như thường lệ, gặp mẹ con Bé ở đó. Tự nhiên tôi buột miệng hỏi bác Chi:

- Ủa, vậy Bé lâu nay có được cho đi mẫu giáo không bác?

Hỏi xong mới thấy mình ngớ ngẩn. Một cô bé câm thì sao vô lớp mẫu giáo dành cho trẻ bình thường được? Bác Chi như không nhận ra sự lỡ lời của tôi, hồn nhiên giải thích:

- Không có đâu cô ơi. Trường hợp như nó, nếu có tiền, phải cho xuống phố gửi vào trường Niềm Vui (trường dành cho trẻ khuyết tật) chứ vùng sâu đào đâu ra nơi? Khổ, con bé hoàn cảnh vậy, cô biết đó….

Tiếng thở dài đồng thời của cả hai bác cháu. Đúng rồi, khó quá. Một người mẹ tật nguyền, ngày ngày chỉ biết lên nương, ra ruộng lao động chân tay kiếm miếng cơm. Ai thuê gì làm nấy, thu nhập ba cọc ba đồng chưa đủ ăn lấy đâu tiền cho con xuống phố? Phòng Chính sách xã hội có trợ cấp thêm chút đỉnh cũng chỉ như muối bỏ bể, đỡ ngặt chứ đâu thể đỡ nghèo.

- Vậy… cha nó đâu hở bác? Có biết….

- Trời ạ! Cô mà hỏi tui tui biết hỏi ai? Mẹ nó khờ khạo tật nguyền, đi làm thuê bị đàn ông lạm dụng, về mang cái bụng chửa lùm lùm. Lối xóm, chính quyền biết chuyện gặng hỏi, tính lôi đầu thằng làm bậy ra ánh sáng, bắt chịu trách nhiệm cái thai. Vặn hỏi kiểu nào cô ta cũng cứ ú ớ, chỉ… lên trời, ra dấu tối tăm không nhớ! Đành thua thôi chứ biết sao được….

Lại thêm những tiếng thở dài cám cảnh. Tôi hỏi mua bác mấy gói bánh kẹo, oshi nhét vào tay Bé. Coi như chút quà an ủi nỗi thiệt thòi của em trong cái ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Bé ngây thơ nhoẻn cười, vòng tay cúi đầu ra dấu cám ơn. Lạ chưa, còn biết cư xử… có giáo dục. Một cô bé chưa một ngày đến lớp.

- Là tui dạy đó cô. Thấy nó vậy nhưng sáng, nói vài lần đã hiểu.

Bác Chi giọng tự hào pha âu yếm. Ti-vi chuyển chương trình, phát quang cảnh lễ khai giảng nhiều nơi trên cả nước. Biểu ngữ, cờ hoa phấp phới. Từng đoàn học sinh đồng phục nghiêm chỉnh, hàng lối thẳng băng lũ lượt diễu qua màn ảnh. Nhìn kia, mắt Bé vụt sáng. Đúng cái ánh sáng tôi đã hình dung ban sáng lấp ló đâu đằng sau khe cửa. Trong mắt ấy chứa đựng cả sự dồn nén, khát khao, mơ mộng, tất tật mọi nguồn năng lượng, cảm xúc của một con chim non vừa đủ lông cánh đang khao khát được bay lên bầu trời. Và khi ti-vi chuyển cảnh khác, đột nhiên, cái ánh sáng ấy cũng không còn. Nhìn vào đôi mắt tối sẫm đi của Bé, bộ óc giàu tưởng tượng của tôi lại hình dung trong đó đang long lanh những giọt nước mắt…

*

Năm sau.

Tôi giờ thành cô giáo cũ. Trường sở cơ bản vẫn vậy, có điều được dọn dẹp tu bổ khang trang hơn trước. Ngoài công việc dạy dỗ, tôi còn đèo bòng thêm nghề tay trái: nhà báo nghiệp dư, chuyên cộng tác với báo chí về mảng đề tài sở trường của tôi: giáo dục.

Trước khai giảng ít hôm, bác Chi tìm vào nội trú, nhỏ to vẻ bí mật:

- Cô giáo nè, tui muốn nhờ cô chút chuyện…

- Chuyện gì, bác nói cháu nghe thử?

- Tui muốn… nhờ cô thu xếp cho con Bé năm nay được dự lễ khai giảng với bạn cùng lứa. Cho nó "dự theo" một lần. Thấy cảnh nó thèm thuồng tui thương quá…

- Dạ, chắc được. Để cháu xin phép thầy hiệu trưởng. Nhưng… Bé đi dự rồi đồng phục đâu em mặc hở bác?

- Cô khỏi lo, tui tính rồi. Để tui may tặng nó một bộ!

Cảm động thật, tấm lòng người bảo vệ già sống cô đơn, lương ba cọc ba đồng. Bác đã nhiệt tâm đến vậy tôi còn gì để nói ngoài việc tận tình đi lo vụ bác nhờ vả. Thầy hiệu trưởng ban đầu không ưng, nhưng khi nghe tôi trình bày rõ hoàn cảnh đáng thương và khao khát của cô bé khuyết tật cũng động lòng. Không chỉ chấp thuận, thầy còn hào phóng "mở cửa":

- Năm nay cô vẫn dạy lớp một. Nếu con bé ngoan, không gây ảnh hưởng đến lớp học như cô nói, cô có thể tạm thu xếp cho nó "học theo" ngoài danh sách cho đến lúc tìm ra phương án khác tốt hơn. Nhưng tôi nói trước, có gì không hay xảy ra cô phải chịu trách nhiệm đó.

- Dạ, được vậy thì tốt quá; em thay mặt cháu cảm ơn thầy…

Tháng Chín. Trời thu trong veo, bồng bềnh mây, rải nắng nhạt vàng xuống cổ xuống vai cô trò, lấp loáng trên tà áo dài lụa tung bay, trên những bộ đồng phục trắng xanh còn thơm mùi hồ của các bé ngày đầu tiên bước chân theo cô vào lớp một. Bé cũng quần xanh áo trắng, đĩnh đạc bước đi trong đoàn quân nhỏ tiến vào sân, miệng cười tươi rói. Kỳ chưa, nhìn phong thái của Bé hôm nay giống như em vừa lột xác. Bộ mặt thông minh xinh đẹp, ánh mắt sáng ngời tự tin khiến trông qua không ai dám nghĩ em là người khuyết tật! “Con nhỏ thấy vậy mà ‘sáng’ lắm...”, lời bác Chi hôm nào còn văng vẳng. Thốt nhiên trong tôi trỗi dậy một niềm tin mãnh liệt rằng chuyện chúng tôi có thể làm cho em không phải chỉ dừng ở đó.

Bài viết "Mẹ khuyết tật nuôi con khuyết tật" tôi gửi in báo kêu gọi lòng trắc ẩn của cộng đồng nghe đâu có phản hồi tốt. Còn nữa, Bé tuy bị câm nhưng tai vẫn nghe được âm thanh không điếc. Khoa học gọi hiện tượng này phần nhiều là chứng “câm giả”, tức có thể trị liệu nếu đủ điều kiện. Được cơ duyên vậy thì quá tốt. Bằng không, cô giáo tôi cũng sẽ quyết tâm dạy cho Bé biết mặt chữ. Đọc được, viết được, đó chắc chắn là cái tiền đề tối thiểu để thoát đói nghèo mông muội. Đời em phải khác, không thể cứ tối tăm lỡ lầm như đời mẹ em Bé nhá.

Muốn vậy cần nỗ lực vượt qua số phận, bắt đầu từ khai giảng hôm nay…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày