Đồi hoàng hôn sương phủ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1265- Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1265- Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
GNO - Có lần tôi hỏi mẹ thích sống ở biển hay ở núi, tôi sẽ đưa mẹ đến đó mà sống những tháng ngày sau tiếp. Hoặc mẹ muốn sống ở bất kỳ nơi nào trên đất nước Việt Nam xinh đẹp này cũng được. Đời mẹ long đong vất vả. Đã đến lúc mẹ tôi sống cho mình, tận hưởng cuộc sống trong những không gian mà mẹ thích.

Khoảnh khắc đợi chờ câu trả lời từ mẹ, tôi thấy mẹ tôi cười hiền:

- Sống ở đâu cũng được. Trên đất nước này, nơi nào cũng là nhà! Chỉ cần bình an thôi là đủ!

Tôi nhìn sâu vào mắt mẹ. Nhưng tôi biết mẹ thích sống ở núi đồi hơn biển cả. Mẹ thích cái không khí trong mát của cao nguyên thênh thang, của đại ngàn trùng điệp từng sáng từng chiều nghe tiếng thông reo, ngửi thấy mùi gỗ thông trong lò sưởi mỗi đêm mưa rơi rả rích. Trong không gian đó, mẹ được sống lại thuở thanh xuân tươi trẻ của mình. Khi đó, mẹ tôi mới ngoài hai mươi tuổi, tóc mẹ còn dài, mắt mẹ còn trong biếc và tim mẹ vẫn đang cháy rực trong tình yêu mà mẹ có niềm tin rằng sẽ cùng người ta đi đến đoạn cuối con đường, sẽ sống bên nhau nơi thành phố sương giăng này cho đến khi hơi tàn lực kiệt...

- Về núi, mẹ nhé! - Tôi đề nghị.

Mẹ nhìn tôi thật lâu. Có cái gì rưng rưng trong mắt mẹ.

- Ừ! Tùy con vậy!

Tôi mỉm cười, ngả đầu vào vai mẹ âu yếm. Những nhịp đập trái tim mẹ bất giác khiến tôi rùng mình. Trong giai điệu êm ái vang ra từ chiếc radio cũ đặt trên bàn, tôi mơ màng nghĩ về đồi núi, về thảo nguyên xanh ngút ngàn, về thành phố nhỏ êm đềm bốn mùa chìm trong sương giăng se lạnh.

*

Tôi đưa mẹ về với núi. Bầu trời cuối hạ, đầu thu dịu dàng, không khí mát mẻ khác hẳn những bụi khói và tiếng còi xe inh ỏi chẳng lúc nào ngơi ở cái đô thị miền xuôi sôi động nhất nhì phương Nam. Tây Nguyên đón chúng tôi bằng những cơn mưa rây bất chợt. Khi chiếc xe tải chở chúng tôi cùng những thứ đồ đạc lỉnh kỉnh chất sau thùng xe đến đầu con đèo dẫn vào thành phố thì trời đã rả rích mưa. Ngồi bên mẹ, tôi thấy hai tay mẹ xoa xoa vào nhau, áp lên má. Má mẹ tôi đỏ ửng.

Lạ thật! Cái xứ sở này giá lạnh quanh năm, có những đợt lạnh khiến da dẻ đỏ ửng, không thể để chiếc áo len với khăn choàng cổ rời khỏi mình một phút một giây nào. Vậy mà có biết bao người cày cục suốt hàng tháng trời để gom góp về phố một chuyến đắm mình trong cái lạnh se sắt thịt da! Vậy mà có những người lại muốn gắn bó với phố, sống trong lòng phố đến cuối đời. Như mẹ tôi! Tôi tự hỏi cớ gì khiến họ lại ước ao như thế? Phải chăng vì thành phố này đẹp? Đẹp, thực ra chưa bao giờ là đủ! Nghĩ mãi, tôi mới tìm cho mình câu trả lời rằng: có lẽ vì thành phố này đã cất giữ giúp thế nhân những kỷ niệm quý giá.

Và thành phố này đã lưu giữ những kỷ niệm thời xuân trẻ của mẹ tôi!

Lần đó, vào một ngày thành phố mưa rơi, trong lúc dọn dẹp căn phòng của mẹ, bất chợt quyển nhật ký từ trong hộc tủ rơi ra. Quyển nhật ký cũ kỹ với những trang úa nhàu, bìa bong ra một mảng, có đề mấy chữ nguệch ngoạc bằng bút mực đã hoen ra. Tôi bồi hồi nhìn quyển nhật ký, nửa định giở ra, nửa lại thôi. Bởi đó là những điều riêng tư của mẹ tôi mà tôi chẳng bao giờ có quyền xâm phạm vào.

Ai cũng có một khoảng trời của riêng mình, và mẹ tôi cũng thế! Nhưng rồi, một cảm giác tò mò bất chợt dâng lên trong tôi, nó thôi thúc tôi lần giở từng trang nhật ký và va vào những dòng viết nghiêng nghiêng của mẹ tôi. Mỗi trang nhật ký đều làm tim tôi se thắt lại. Rồi không biết tự khi nào mà nước mắt tôi cứ chảy ra thành dòng, rơi rơi trên trang giấy ố vàng chất chứa một câu chuyện tình thật đẹp đẽ nhưng đượm buồn - một cuộc tình dở dang của mẹ.

Ngày xưa, mẹ tôi có yêu một người da diết!

Đó là chàng trai của đại ngàn, tính tình hiền lương, chất phác. Mối tình của mẹ và người trai ấy bắt đầu từ những ngày mẹ tôi còn là nữ sinh cho đến khi mẹ tôi ra trường và trở thành cô giáo ở một trường tiểu học nhỏ ở ngoại ô thành phố. Sống ở miền sương giăng bảng lảng, giá lạnh quanh năm, mẹ tôi được người trai ấy yêu thương chở che.

Những đêm lạnh, trong căn nhà gỗ nhỏ nằm chênh vênh bên triền đồi có lối vào phủ rợp bóng thông xanh, mẹ tôi và người trai phố núi cùng đốt lửa trong lò sưởi, cùng đọc sách, chơi đàn, nghe nhạc trong không gian sực nức mùi gỗ thông khói ấm tỏa ra từ bếp hồng. Những yêu thương, quấn quýt, bao dung và chở che khiến mẹ tôi tin rằng chuyện tình này sẽ có cái kết thật đẹp!

Sau này, khi mẹ ngồi viết những trang nhật ký mà tôi đang đọc, đã ố vàng, mẹ vẫn buồn vì người trai phố núi đã nợ mẹ tôi một lần được mặc áo cô dâu, hạnh phúc bước đi trong sự chứng kiến của họ hàng, bè bạn. Mẹ sinh tôi ra trong căn nhà gỗ nhỏ bên triền đồi trong đêm giông về. Từng cơn gió buốt xé từ hẻm núi bên kia thổi lồng qua cửa sổ vào trong nhà, cùng mưa réo rắt mái hiên, làm rụng rã những cánh hoa thạch thảo tím ngát vừa bung nở hôm qua, hôm kia.

Ba tôi ra trạm xá bằng con xe cũ rước cô y tá về hộ sinh cho mẹ. Tôi cất tiếng khóc chào đời khi trời gần sáng, mưa vẫn giăng khắp lối, trong căn nhà gỗ nhỏ ánh đèn vẫn leo lét tỏa ra một quầng sáng ảo mờ nhưng vẫn đủ để soi chỗ hai mẹ con tôi nằm thiếp đi trong giấc ngủ phiêu bồng ấm áp.

Những tưởng ba, mẹ và tôi - ba người sẽ sống bên nhau hạnh phúc trong căn nhà gỗ nhỏ ở thành phố đầy mù sương ấy, nhưng rồi một ngày - tôi giở sang một trang nhật ký khác mẹ viết, nét chữ có phần nguệch ngoạc hơn và đôi chỗ lem màu - ba tôi biến mất khỏi phố núi. Mẹ hốt hoảng bế tôi đi tìm. Xuống thung lũng rồi lên đồi thông, nơi ba tôi thường ra lấy củi thông về đốt trong lò sưởi. Bóng ba tôi mù khơi.

Chiều xuống sương giăng khắp lối, mẹ quệt nước mắt bế tôi về. Khi đó da tôi đã bắt đầu đỏ ửng... Mấy hôm sau, ba tôi vẫn chưa về. Mẹ bế tôi ngồi ở cửa ra vào, vừa hát ru, vừa ngóng đợi, những mong thấy bóng dáng ba thập thững bước về trên con đường đất đỏ bazan sụt sùi sau mưa, giữa hai hàng thông xanh biếc tỏa bóng. Bóng ba vẫn mù khơi. Ba như chim bay về bên kia núi. Mẹ xót như mất đi cả bầu trời của mình - bầu trời hạnh phúc tan vỡ...

Đến tận bây giờ, mẹ vẫn không tìm được ba tôi! Và tôi cũng chưa được nhìn ba, chưa được ôm choàng lấy ba mà nói rằng: “Con yêu ba vô vàn”... Chưa bao giờ!

*

- Kiều Oanh! Con!...

Một tiếng thét vang lên, sau đó là nghẹn ngào và rồi im lặng. Tiếng mẹ tôi.

- Mẹ ơi! Con xin lỗi! Con...

Tôi bối rối trong thoáng chốc. Rồi tôi lấy hết sự bình tĩnh để nói với mẹ rằng:

- Con cần phải biết điều này. Mẹ ơi! Kiều Oanh của mẹ đâu còn là cô gái bé bỏng của ngày xưa nữa... Mẹ ơi! Con thương mẹ... thương lắm, mẹ ơi!

Tôi chạy đến cửa phòng ôm choàng lấy mẹ. Mẹ đưa tay lau từng giọt nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt của tôi nhưng không thể nào lau khô được, bởi hết dòng nước mắt này lại tới dòng nước mắt khác tuôn ra ướt đẫm... Bao nhiêu năm qua, mẹ nói dối tôi rằng ba đã qua đời. Để làm gì hả mẹ? Tôi tự hỏi. Để tôi không thắc mắc về cuộc rời đi kỳ lạ của ba? Hay mẹ sợ tôi nghĩ ba bỏ mẹ con tôi mà đi theo một ai đó, vì một điều gì đó, rồi hình ảnh đẹp về ba mất hẳn trong tôi? Tôi không thể trả lời rốt ráo. Nhưng tự trong thâm tâm tôi biết rằng ba là người tốt, tôi chưa gặp ba lần nào, nhưng ba và mẹ là tất cả của tôi!

- Mẹ con mình cùng tìm ba, mẹ nhé! Bây giờ không gặp, mình tìm đến mãi sau này! Bao giờ gặp ba thì thôi...

Mẹ tôi gật đầu, rồi nấc nghẹn trên vai tôi... Tôi biết mẹ tôi yêu ba nhiều lắm!

*

Thành phố ấy đã giữ giúp mẹ tôi những ký ức thật đẹp, ký ức vui và cả ký ức buồn. Những ký ức được xếp ngăn nắp trong góc nhỏ thành phố, như quyển nhật ký nằm gọn gàng, yên vị suốt mấy mươi năm trời trong ngăn tủ của mẹ tôi.

Tôi đưa mẹ về phố núi. Tôi chọn một căn nhà gỗ nhỏ nằm ở rìa thành phố, bên triền đồi dẫn xuống thung lũng hồng xanh thắm lúc lỉu quả mỗi đợt thu về, bên kia là đồi thông. Giờ thì tôi đã đủ sức để lắng lo, che chở cho mẹ, dù có bất kỳ giông tố nào vây lấy, thì bên mẹ vẫn còn có tôi. Tôi tự hứa với lòng, tôi sẽ thay ba, sẽ luôn là bờ vai vững chắc để mẹ tựa vào.

Hoàng hôn buông xuống phố núi. Tôi đưa mẹ lên đồi ngắm hoàng hôn. Ngọn đồi ấy cũng có tên là Hoàng Hôn - cái tên rất buồn nhưng cũng rất thơ, kết thúc nhưng cũng là mở đầu cho một điều gì đó mới mẻ. Hoàng hôn đại ngàn luôn đẹp, xưa giờ vẫn vậy! Đẹp như câu chuyện tình của mẹ tôi.

Trong thanh âm của gió ngàn, của ánh chiều rực rỡ và sương mù giăng giăng trên những nóc nhà lồng giữ gìn cho hoa màu thêm xanh thêm tốt, tôi khe khẽ hỏi vào tai của mẹ tôi rằng:

- Mẹ, có phải mẹ đang nhớ ba hay không?

Rồi tôi mỉm cười. Mẹ nhìn tôi, không giấu được cảm xúc, mắt mẹ ánh lên lấp lánh:

- Ừ, thì nhớ! Con yêu đi rồi sẽ biết. Cứ ở bên mẹ, quấn quýt bên mẹ hoài, ế lại trách tôi! - Mẹ đùa.

Tôi cười giòn, rồi nhìn xuống thung lũng nhà lồng đang dần lên đèn khi mặt trời đang chìm sâu xuống núi. Tôi chỉ ước có ai đó yêu tôi như ba yêu mẹ, như mẹ yêu đại ngàn, yêu thành phố sương giăng. Vậy thôi cũng đủ! Còn chuyện hợp tan, âu cũng do duyên trời...

Chúng tôi mải ngắm hoàng hôn, cho đến khi bên tai chúng tôi vang lên tiếng người đàn ông nào trong trẻo và ấm áp lắm. Một lời mời mọc dễ thương:

- Cô ơi! Mua hoa quả không cô? Hoa quả xứ lạnh mùa này tươi ngon lắm!

Tôi ngoảnh mặt lại nhìn, và mẹ tôi cũng nhìn đăm đăm về phía người đàn ông xa lạ ấy. Rồi tôi thấy mắt mẹ rưng rưng. Rồi người đàn ông kia cũng đẫm nước mắt. Hai ánh nhìn va vào nhau, gần nhau trong tấc gang mà ngỡ như cách xa nghìn năm ánh sáng... Môi mẹ tôi mấp máy, giọng run run:

- Ôi! Anh ơi... Có phải anh đó không?

Người đàn ông định thần lại, vội kéo chiếc nón len sụp sâu xuống trán rồi ngoảnh mặt bước vội đi.

Tự dưng, tôi lại sợ người ấy đi xa...

Nhưng mẹ tôi đã vội giữ chân người ở lại:

- Mình ơi! Là em đây! Mình đừng đi, có được không, hả mình?

Người đàn ông lần khân rồi dừng lại hẳn. Khi đó, hoàng hôn đã nhuộm tím khung trời...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Giải tỏa oan ức

GNO - Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào.
Đức Thế Tôn, bậc Thầy của trời, người

Điều phục tâm là chiến thắng tối thượng

GNO - Người đệ tử Phật xuất gia hay tại gia đều biết, giáo lý đạo Phật không phải là những lý thuyết trừu tượng siêu hình mà là những lời dạy thiết thực hướng đến đời sống an lạc, hạnh phúc nội tại.

Thông tin hàng ngày