Khao khát báo Giác Ngộ hiện diện ở Trường Sa

GNO - Yêu quý và muốn đọc báo Giác Ngộ hàng tuần nhưng vì điều kiện khách quan nên không phải nơi nào tuần báo Giác Ngộ cũng có mặt. Như lời một anh Phật tử trẻ đang công tác trên đảo Trường Sa Lớn nói vui: “Báo Giác Ngộ rẻ, chưa tới mười nghìn đồng một quyển mà không phải ở đâu cũng mua được. Ngoài biển đảo Trường Sa, dù có tám triệu rưỡi cũng không mua được tờ báo Giác Ngộ”.

Làm sao để báo Giác Ngộ có thể đến được nơi đầu sóng ngọn gió? Làm sao để Giác Ngộ online (GNO) có thể cập nhật tin bài nhanh hơn? - Đó là những điều mà TT.Thích Giác Nghĩa, nguyên trụ trì chùa Trường Sa Lớn và ĐĐ.Thích Nguyên Ngọc, hiện đang trụ trì chùa Nam Huyên ở đảo Nam Yết, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa mong mỏi.

truongsa.1.jpg
ĐĐ.Thích Nguyên Ngọc: “Rất mong muốn tờ báo Giác Ngộ đến được nơi đầu sóng ngọn gió”

Giờ mà nhận được báo Giác Ngộ là “nhất” rồi

ĐĐ.Thích Nguyên Ngọc nói, “Rất mong tờ báo Giác Ngộ đến được nơi đầu sóng ngọn gió” với phóng viên báo Giác Ngộ. Thầy Nguyên Ngọc chia sẻ thêm: “Nơi tôi trụ trì, sóng điện thoại rất yếu, không kết nối được 3G, không thể lên mạng được nên “mù tịt” thông tin về Phật giáo. Tin tức gì quan trọng, truyền hình đưa, tôi đều xem được; riêng tin tức đặc thù Phật giáo, hoạt động của Giáo hội, đài truyền hình ít khi phát sóng nên tôi không nắm bắt được. Thế nên, tôi rất khát khao, muốn nhìn thấy tờ báo Giác Ngộ có mặt trên biển đảo”.

Hỏi thầy biết đến báo Giác Ngộ từ khi nào? Đại đức Nguyên Ngọc bảo “Từ lúc đi tu. Đi tu mà không biết báo Giác Ngộ, không đọc báo Giác Ngộ thì đọc báo gì (cười)”. Rồi thầy nhấn mạnh, “tôi rất thích đọc báo Giác Ngộ. Lúc được bổ nhiệm ra đảo Nam Yết trụ trì chùa Nam Huyên, tôi ôm theo một mớ báo Giác Ngộ để đọc. Có nhiêu, tôi đọc qua đọc lại, hết quyển này đến quyển kia; tháng này qua tháng nọ, đọc riết muốn thuộc làu từng chữ luôn.

Những lúc mà rảnh - khi công phu, chấp tác đã xong, ngồi thong thả tôi thường nghĩ, phải chi có tờ báo Giác Ngộ số mới tinh đọc cho đỡ buồn. Nói vậy thôi chứ làm gì có. Có mấy lần các anh lãnh đạo ngoài đảo vào đất liền công tác, các anh đi rồi quay ra đảo liền, nhà còn không có thời gian ghé thăm thì lấy đâu ra thời gian mua báo Giác Ngộ dùm mình. Tính ra, hơn 1 năm rồi, tôi chưa đọc được báo Giác Ngộ số mới”.

Với những ai công tác tại quần đảo Trường Sa, ai đã từng ra thăm Trường Sa đều biết, ngoài đảo cái gì cũng eo hẹp. “Đảo Nam Yết eo hẹp từ nước uống, rau xanh cho đến sách báo để nghiên cứu Phật học. Vì điều kiện hạn hẹp, thiếu thốn nhiều thứ nên ai ra thăm đảo cho rau, cho hạt giống, cho sách báo, mình rất là quý. Những thứ trên, trong đất liền, có tiền là mua được ngay nhưng ngoài đây, có tiền cũng không có chỗ mà mua...”, ĐĐ.Nguyên Ngọc trải lòng.

Ngày Tết đang cận kề, cuối năm có nhiều đoàn ra Trường Sa thăm chiến sĩ, khi phóng viên báo Giác Ngộ ngỏ lời tặng báo Giác Ngộ cho thầy, thầy bảo: “Nếu được gửi cho mình một ít, báo Giác Ngộ thì cho nhiêu mình cũng lấy (cười), mình không dám đòi hỏi. Mình đọc để nghiên cứu chứ ngoài 4 thời công phu khuya, trưa, chiều, tối ra thì thời gian còn lại mình rảnh. Tranh thủ lúc này, mình nghiên cứu thêm tài liệu Phật học. Giờ mà nhận được báo Giác Ngộ để đọc thì thôi, mừng khỏi phải nói rồi”.

Ở đảo, xem tin Phật giáo từ GNO

Còn TT.Thích Giác Nghĩa thì góp ý: “Giác Ngộ online làm sao để cập nhật tin bài nhanh hơn nữa”. Thượng tọa giữ vai trò trụ trì chùa Trường Sa Lớn, đảo Trường Sa Lớn, tỉnh Khánh Hòa từ năm 2012 đến năm 2014, trong khoảng thời gian đó, mọi tin tức Phật sự, thầy đều xem trên GNO.

TT.Giác Nghĩa khẳng định: “Cùng với sự phát triển của truyền thông, báo chí, Ban Biên tập báo Giác Ngộ cho ra đời kịp thời trang GNO là nắm bắt, đáp ứng được nhu cầu đọc của độc giả. Sự tiện ích của GNO là dù đi bất kỳ đâu, chỉ cần chiếc điện thoại có sóng, kết nối được với wifi là đều có thể đọc được tin tức đăng trên GNO. Mọi chỉ đạo điều hành của Giáo hội, các hoạt động Phật sự diễn ra trong đất liền... tôi đều có thể cập nhật nhanh chóng, ngay khi GNO đăng tải”.

truongsa.2.JPG


TT.Thích Giác Nghĩa góp ý, “Nếu Ban Biên tập GNO cho đăng bài
của tuần báo lên sớm chút thì bạn đọc sẽ thích hơn nhiều”

Thầy cho biết, rất thích đọc GNO - thích là vì: “Về hình thức, báo Giác Ngộ không có gì phải chê, logo, màu sắc thiết kế trang báo đẹp. Mặc dù, màu nền là màu đỏ nhưng không chói mắt, ngược lại rất bắt mắt.

Về nội dung, không có gì phải phàn nàn. Vì không đâu có thể đưa tin tức về Phật giáo chính xác, bài bản, chỉnh chu như báo Giác Ngộ. Lỗi chính tả rất hiếm khi có, câu từ chấm phẩy rõ ràng, đọc rất dễ chịu. Báo Giác Ngộ không đưa tin giật gân, tin tức được chắt lọc kỹ lưỡng chứ không phải tin gì cũng đưa lên nên ít khi người đọc phải đọc tin đính chính. Những điều này tạo món ăn tinh thần thanh sạch cho người đọc”.

Sau khi hoàn thành công tác Phật sự ba năm tại chùa Trường Sa Lớn, quay về đất liền, TT.Giác Nghĩa trụ trì chùa Vạn Đức và Phước Trí (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Thượng tọa cho biết, báo Giác Ngộ vẫn được mua hàng tuần để quý thầy và Phật tử đến chùa - ai có đọc thì đọc. Riêng Thượng tọa, vẫn thích đọc GNO, bởi vì: “Trên báo giấy, in chữ hơi nhỏ, có khi in nghiêng chữ khó đọc. Coi trên GNO thì dễ đọc hơn vì mình có thể co giãn chữ lớn hơn được”.

“GNO cái gì cũng thích, mỗi cái hạn chế duy nhất là đăng bài lên quá trễ, báo giấy bán xong rồi mới đăng bài. Có những bài, báo giấy đã đăng một tuần rồi thì GNO mới lên. Chiều thứ 4 mà GNO giới thiệu, báo giấy tuần này phát hành có nội dung gì, đọc qua, thấy các tiêu đề tôi thích là tôi ngóng. Mà mãi đến tuần sau, GNO mới đăng lên.

Tôi nghĩ, đây cũng làm cách làm hay của BBT báo Giác Ngộ (cười), vì làm như vậy, ngày nào tôi cũng lên mạng xem GNO đã đăng bài chưa, canh để mà đọc. Có khi sáng vào GNO xem, rồi tối trước khi chỉ tịnh thì xem thêm lần nữa. Vậy nên, nếu Ban Biên tập GNO cho đăng bài lên sớm chút thì bạn đọc sẽ thích hơn nhiều”, thầy gửi gắm.

Hạnh Ý
- Ảnh NVCC

* Giác Ngộ mong nhận được nhiều bài viết, hình ảnh nhân kỷ niệm 40 năm báo. Bài viết gửi về: toasoan@giacngo.vn hoặc bandocgiacngo@gmail.com. Bài sẽ được chọn đăng trên hai trang báo online mừng 40 năm báo Giác Ngộ và trên tuần báo Giác Ngộ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 350 tình nguyện viên tham gia hiến máu nhân đạo tại chùa Ân Thọ

Chùa Ân Thọ tổ chức hiến máu nhân đạo lần thứ 16

GNO - Chùa Ân Thọ (P.5, TP.Tân An, Long An) đã phối hơp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tổ chức hiến máu nhân đạo lần thứ 16 với chủ đề “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, với sự tham gia của hơn 350 tình nguyện viên, vào ngày 5-5.

Thông tin hàng ngày