Không kết oán - được an ổn, lợi ích lâu dài

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1282 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1282 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hãy tha thứ cho kẻ thù, để được an ổn và lợi ích lâu dài là quan điểm nhân văn, từ bi và trí tuệ của Thế Tôn. Chỉ có những bậc nhìn xa, trông rộng, vì lợi ích lâu dài cho số đông mới có thể đưa ra những lời khuyên dạy minh triết như vậy.

Và những bậc minh quân, với tầm nhìn rộng lớn, mang trái tim nhân hậu mới có thể tiếp nhận được tư tưởng này. Vua Ba-tư-nặc (nước Câu-tát-la) đã đồng cảm và đồng thuận với Thế Tôn trong quan điểm đức trị, đem sự bao dung, tha thứ, hỷ xả để cảm hóa kẻ thù.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc và vua Ma-kiệt-đề A-xà-thế con bà Vi-đề-hy chống đối nhau. Vua Ma-kiệt-đề A-xà-thế con bà Vi-đề-hy khởi bốn thứ quân kéo đến nước Câu-tát-la. Vua Ba-tư-nặc khởi bốn thứ quân gấp đôi ra nghinh chiến. Bốn thứ quân của vua Ba-tư-nặc đắc thắng, bốn thứ quân của vua A-xà-thế thua, khiếp phục tán loạn. Vua Ba-tư-nặc bắt sống vua A-xà-thế và thu được tiền tài, bảo vật xe cộ ngựa voi. Bắt sống vua A-xà-thế, chở cùng xe đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, đây là vua A-xà-thế, con bà Vi-đề-hy, mà con không bao giờ oán hận. Nhưng người lại gây oán kết; đối với người tốt mà tạo điều không tốt. Song người này là con của bạn con. Con sẽ thả ra cho trở về nước.

Phật bảo vua Ba-tư-nặc:

- Lành thay, Đại vương, thả cho người đi, bệ hạ sẽ được an ổn, lợi ích lâu dài.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Cho dù sức tự tại,

Thường hay xâm lược người

Sức tăng thì càng oán

Bội thu lợi mình người.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc và vua A-xà-thế, con bà Vi-đề-hy, nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ ra về”.

(Kinh Tạp A-hàm, quyển 46, kinh 1237. Chiến đấu)

Thế Tôn đã chỉ ra sự thật, nếu chỉ dùng sức mạnh để đè bẹp đối phương thì oán thù càng tăng thêm. Sức mạnh cốt để phòng thủ và thị uy, lòng nhân từ, bao dung, mang đến lợi ích mới có thể khuất phục đối thủ lâu dài. Vua A-xà-thế trẻ người, non dạ đã bất hiếu lại còn hung hăng, mới lên ngôi liền dấy binh xâm lược. Nếu y nhận về cái chết cũng xứng đáng nhưng Đại vương Ba-tư-nặc lại không nỡ giết. Một mặt, vì vốn không có oán thù, mặt khác A-xà-thế là con của bạn (vua Tần-bà-sa-la). Vua Ba-tư-nặc muốn tha nhưng chọn cách khôn ngoan, giải A-xà-thế đến trước Phật để thỉnh ý. Phật dạy vua Ba-tư-nặc nên tha thứ cho A-xà-thế để được an ổn lâu dài.

Nhờ sự bao dung của bên chiến thắng, A-xà-thế đã học được bài học xương máu đầu tiên về vương quyền. Từ đó ông hồi tâm, chuyển ý, noi gương tiền nhân mà dùng đức trị nước. Bản thân A-xà-thế đã quy hướng Tam bảo, trở thành Phật tử, hộ pháp nhiệt thành. Nhờ đó mà hai nước Ma-kiệt-đề (Magadha) và Câu-tát-la (Kosala) được sống trong hòa bình, thịnh vượng.

Thế giới ngày nay, ai cũng biết triết lý “hai bên cùng thắng” nhưng thực tiễn thì xung đột vẫn tràn lan và chiến sự thì ngày càng khốc liệt. Phải chăng nhân loại đã mất lòng tin vào con người. Bao dung cho kẻ thù là tự sát? Có sức mạnh là có tất cả? Những quan điểm này tuy chẳng sai nhưng chỉ đúng trong phạm vi nhỏ hẹp thắng thua của hạng tâm và trí bình thường. Để “hai bên cùng thắng” thì cần có tâm và trí rộng lớn hơn, lấy từ bi để hóa giải hận thù, đem sự thịnh vượng chung mà làm nên ổn định cho khu vực.

Cho nên, định luật ngàn thu vẫn là lấy từ bi để diệt hận thù. Dù khó có thể thấu hiểu và ứng dụng thực hành triệt để nhưng mỗi cá nhân cần suy ngẫm để tha thứ và bao dung, mỗi dân tộc cần vượt lên quá khứ để hội nhập và phát triển.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày