Không thu nhiếp oai nghi

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1280 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1280 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cuộc sống của người tu cũng đi, đứng, uống, ăn, ngồi, nằm… giống như bao người. Chỉ khác là, người tu thường phát huy chánh niệm, biết rõ những việc đang làm.

Nhờ chánh niệm từng phút giây trong hiện tại nên thu nhiếp được oai nghi; đi đứng vững chãi, uống ăn từ tốn, cười nói nhẹ nhàng. Tuy vậy, có người chưa thiết lập được chánh niệm thường xuyên nên đôi lúc rơi vào buông lung, phóng dật.

Mỗi lần Đức Phật được quần chúng phản ánh về những hành vi thiếu chuẩn mực của một số Tỳ-kheo, Ngài liền chế giới, những giới luật thuộc nhóm này gọi là oai nghi. Chánh niệm và tỉnh giác để thực sự vững chãi và thảnh thơi. Nhờ đó mọi hành vi, lời nói hoặc ứng xử đều chuẩn mực, thân tâm không bị ngoại cảnh chi phối, được gọi là thu nhiếp oai nghi.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các Tỳ-kheo ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng, nói năng cười giỡn suốt ngày, tâm tán loạn không định được, buông thả các căn, chạy theo sáu cảnh. Lúc ấy thiên thần ở trong rừng này thấy những Tỳ-kheo này không thu nhiếp oai nghi, tâm không vui nói kệ:

Trước đây chúng đệ tử

Chánh mạng của Cù-đàm

Tâm vô thường, khất thực

Vô thường, dùng giường chõng

Quán thế gian thường

Nên cứu cánh thoát khổ.

Nay có chúng khó nuôi

Sống ở chỗ Sa-môn

Xin ăn uống mọi nơi

Dạo khắp hết mọi nhà

Mong của mà xuất gia

Không phải nguyện Sa-môn

Tăng-già-lê lết phết

Như trâu già kéo đuôi.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nói với thiên thần:

- Ông chán ghét chúng tôi chăng?

Lúc ấy, thiên thần kia lại nói kệ:

Không chỉ tên dòng họ

Không nêu đích danh ai

Mà nói chung chúng này

Nêu rõ điều bất thiện.

Tướng lậu hoặc mới bày

Phương tiện chỉ lỗi lầm

Ai siêng năng tu tập

Tôi quy y kính lễ.

Sau khi được thiên thần nhắc nhở rồi, các Tỳ-kheo kia đều chuyên tinh tư duy, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán”.

(Kinh Tạp A-hàm, quyển 50, kinh 1343. Phóng túng)

Người xuất gia mà “nói năng cười giỡn suốt ngày, tâm tán loạn không định được, buông thả các căn, chạy theo sáu cảnh” thì thiếu chuẩn mực, không xứng đáng, vụng tu, bị người chê cười. Mấu chốt của vấn đề là do thiếu chánh niệm, tỉnh giác nên bên trong thì loạn động, bên ngoài thì bị cuốn theo trần. Khi sống phóng túng theo trần thì không chỉ người đời mà thiên thần cũng chê cười, không hoan hỷ.

Một bậc chân tu, giới hạnh tròn đầy, dù chưa đắc đạo vẫn được mọi người tôn kính, thiên thần nể trọng. Có điều, thiên thần họ có thiên và thần nhãn nên biết rõ mọi hành vi của con người. Cho nên, người tu luôn cẩn trọng với ba nghiệp thân, miệng, ý. Khi thân, miệng thiện lành mà ý còn dấy khởi tư niệm xấu ác thì thiên thần cũng biết rõ.

Pháp thoại này cho thấy sự góp ý của mọi người cũng rất quan trọng cho việc thúc liễm thân tâm, chỉnh đốn oai nghi của vị Tỳ-kheo. Bên ngoài phải đoan chính thì mới mong bên trong ngay thẳng. Thu nhiếp oai nghi trước nhằm thanh tịnh bản tâm, sau làm mô phạm cho người đời. Khi có những biểu hiện thiếu chuẩn mực, người tu cần nhanh chóng nhận ra để điều chỉnh cho đúng oai nghi, phạm hạnh.

Người tu nhờ bá tánh thập phương hộ trì mà đầy đủ bốn vật dụng, duy trì thân mạng để tu hành nhằm thành tựu giác ngộ và giải thoát. Đánh mất sự ủng hộ là tổn thất to lớn của người tu, nhất là không cảm hóa được người. Cho nên người tu chỉ cần thu nhiếp oai nghi, đi đứng vững chãi, nói năng từ hòa, ứng xử chuẩn mực rồi nhiệt tâm tu tập giới-định-tuệ thì dù ở bất cứ đâu cũng được mọi người tôn trọng, kính lễ và tận lực hộ trì.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày