Kỳ vọng vào tuổi 40

GN - Đối với những bạn đọc, chư tôn đức Tăng Ni, cộng tác viên (CTV) xa gần, khi nghĩ về báo Giác Ngộ, đều chung một nhận định, báo đã gieo duyên lành cho chính mình. Người đọc lẫn người viết đều tìm thấy nơi báo những hạt giống thiện lành, cảm được nguồn năng lượng an vui mỗi khi tiếp xúc.

Trong chữ “duyên” ấy, suốt 40 năm, với sứ mệnh làm người gieo hạt cho vườn Phật pháp lẫn báo chí, nhiều bạn đọc, CTV đã đến với Giác Ngộ, gửi nhiều kỳ vọng về một tờ báo Phật giáo bản lĩnh, trở thành chỗ dựa tinh thần, phát triển niềm tin của người học Phật, có ước muốn sống thiện lành, xây dựng hòa bình cho tự thân và thế giới...
trangonline.jpg
Trang Sự kiện với 2 trang con - 40 năm Giác NgộGiác Ngộ & tôi

Nơi bắc nhịp cầu học Phật

Một trong những tôn chỉ hoạt động của báo Giác Ngộ - được Ban Biên tập chú trọng, đặt lên hàng đầu, đó là luôn mong đón nhận bài vở, tin tức của bạn đọc, CTV ở khắp mọi nơi để trang báo mỗi ngày đều phong phú, đáng đọc, đáng quan tâm. Đồng thời, luôn mong ước sẽ được đón nhận những góp ý chân thành của nhiều người - cùng xây dựng, song hành với đội ngũ làm báo Giác Ngộ tạo ra những trang báo hay, đẹp.

40 năm - nhiều người đã gắn bó, chung tay làm nên Giác Ngộ với bản sắc riêng trong làng báo VN, gắn bó đạo - đời trong thông tin cũng như các hoạt động bên lề. Nói như CTV Văn Mến (Quảng Nam): “Giác Ngộ không chỉ là mỗi trang viết bình thường mà ẩn chứa đằng sau là những “trang đời” với những triết lý Phật giáo đầy tinh tế và nhân văn”. Với CTV này, “viết cho Giác Ngộ không chỉ là viết để đăng báo mà còn là viết về sự bao dung, tình yêu thương và những điều thật giản dị nhưng đầy chất nhân văn trong cuộc đời”.

Văn Mến bảo: “Thực sự, viết cho Giác Ngộ làm tâm hồn thanh thản và nhẹ nhàng đến lạ thường. Mỗi khi mỏi mệt tôi lại tìm đến những tờ báo biếu Giác Ngộ trao tặng - được tôi nâng niu cất giữ cẩn thận ở một góc trang trọng trên kệ sách để nghiền ngẫm”.

Một CTV khác, anh Trần Trọng Hiếu, người chuyên có những bài dịch cho trang Y học & Sức khỏe của Giác Ngộ online thì bày tỏ: “Tôi thường viết ra những suy nghĩ, cảm xúc, những điều tôi trải nghiệm, những gì tôi muốn chia sẻ và hướng đến. Và khi đó, Giác Ngộ là người lắng nghe tôi một cách chân thành, giúp tôi chia sẻ một cách nhẹ nhàng những suy nghiệm và băn khoăn của mình đến với những người bạn, những độc giả đồng cảm. Và như thế, trước những vấn đề của bản thân, những trải nghiệm từ cuộc sống trong mỗi ngày đi qua, Giác Ngộ thật sự trở thành chiếc cầu nối, là “khung cửa mở” và là “người bạn tâm tình” quý giá gắn kết tôi và những tâm tình khác, những độc giả hữu duyên với Giác Ngộ”.

Cũng như Văn Mến, anh Hiếu cho biết: “Hơn thế, Giác Ngộ từ rất lâu đã có một vị trí trang trọng trên kệ sách, bên bàn làm việc của tôi và gia đình”.

Còn CTV Hữu Tình (Nghệ An) thì chia sẻ: “Kể từ năm 2010 đến nay, tôi thường xuyên đọc báo Giác Ngộ để biết thêm về các hoạt động Phật sự trong nước và trên thế giới. Mặc dù thường xuyên đọc báo, song mãi đến năm 2013 tôi mới có dịp tham gia cộng tác với báo... Những người Phật tử như chúng tôi theo dõi thông tin hoạt động Phật sự cũng chủ yếu thông qua “kênh” Báo Giác Ngộ. Báo đã luôn đồng hành để Phật tử phát huy truyền thống tốt đẹp của đạo Phật là từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha”.

Mong Giác Ngộ phát triển

Không chỉ có... khen những việc đã làm được của Giác Ngộ, có những bạn đọc là chư tôn đức đại diện các BTS GHPGVN quận, huyện tại TP.HCM cũng như các ban, ngành của các tỉnh thành, TƯGH cũng bày tỏ nhiều kỳ vọng ở Giác Ngộ. Tất cả đều góp ý như “người nhà”, vì “yêu quý báo Giác Ngộ nên muốn nói thật lòng”. Như HT.Thích Thanh Sơn, Trưởng BTS GHPGVN Q.1 (TP.HCM) - tôi mong muốn tờ tuần báo Giác Ngộ cũng cần tập trung chuyên sâu hơn về các mảng văn hóa, Phật học có những bài viết thu hút được độc giả nhiều hơn.

Không chỉ thế, Hòa thượng còn mong Giác Ngộ tới với độc giả nhiều hơn - trước tiên nên tập trung vào các trường sơ cấp, trung cấp, cao cấp Phật học để khuyến khích các Tăng Ni đọc báo. Rồi Hòa thượng bày tỏ “báo phải luôn luôn gắn kết với địa phương để qua đó truyền tải những thông tin, phản ánh đầy đủ, nhanh nhạy những hoạt động, sự kiện, tấm gương tiêu biểu để cho độc giả quan tâm được biết và làm theo”.

Cùng quan điểm đó, ĐĐ.Thích Viên Hải, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam “đòi hỏi” ở báo: “Giác Ngộ nên kết nối thông tin các tỉnh thành qua kênh truyền thông chính thức của Giáo hội tỉnh thành đó, cụ thể là Ban Thông tin - Truyền thông PG tỉnh, thành”. Sở dĩ có đòi hỏi đó, bởi theo Đại đức, có những bản tin trên Giác Ngộ online đăng tải nhanh chóng nhưng độ chính xác chưa cao, hình ảnh không đạt yêu cầu; nhiều tin rất sơ sài, chưa chuyển tải hết nội dung theo đúng nghĩa mà mục đích sự kiện đó diễn ra.

Không chỉ có nhận xét về nội dung báo, mà ĐĐ.Viên Hải còn mổ xẻ nguyên nhân của tin tức chưa đạt là do “nguồn tin còn dựa quá nhiều vào các CTV nên có rất nhiều hạn chế đối với việc kiểm duyệt thông tin”.

Cũng trong chiều nhận xét ấy, HT.Thích Tịnh Thành, Phó ban Thường trực BTS PG Q.Gò Vấp (TP.HCM) lưu ý, “vì đây là một tờ báo Phật giáo, nên khi thông tin vấn đề về Phật giáo cũng hết sức cẩn thận, xem các cơ sở đã hợp pháp chưa, chứ không phải thấy cơ sở Phật giáo là mình thông tin vì có những cơ sở đưa thông tin thì có lợi cho cơ sở đó nhưng gây khó khăn cho đơn vị quản lý tại cơ sở. Khi phóng viên đến địa bàn đó lấy tin thì nên xác minh thông tin với BTS tại địa phương, để thông tin được chính xác”.

Và HT.Tịnh Thành cũng đề nghị: “Tất cả các phóng viên trên tinh thần của Đức Phật là Từ bi - Trí tuệ và dõng mãnh, tiếp tục phát huy về kỹ thuật, đổi mới phương pháp thông tin... để có thể nói được cái tốt và cần thiết cũng nêu được những cái chưa tốt. Tăng Ni, cơ sở tự viện vẫn có những điểm làm chưa tốt, để đấu tranh đưa họ về con đường tốt thì chỉ có cơ quan báo chí mới phản ánh được điều đó. Nhưng khi nói, nên nói một cách nhẹ nhàng, khéo léo, để họ nhận ra và quay đầu lại”.

TT.Thích Giác Trí, Thư ký BTS PG Q.Phú Nhuận, trụ trì tổ đình Quán Thế Âm (TP.HCM) thì nghĩ: “Nên có một diễn đàn dành cho Tăng Ni thảo luận về việc tu và học, mang tính chất học hỏi, trao đổi để phản ánh cũng như chấn chỉnh kịp thời những mặt khuyết trong nội bộ Tăng Ni, đặc biệt là Tăng Ni trẻ”.

Đồng thời, Thượng tọa cũng lưu ý - một số tin bài khi CTV gởi về mà báo không đăng, thì cũng cần có sự phúc đáp để những người cộng tác cảm thấy mình được tôn trọng. Ngoài ra, cũng cần xác minh về các tin tức được đăng để tránh những những sai sót về địa danh, chức danh...

BTN_0041.JPG


Báo Giác Ngộ số 4 - ra ngày 1-3-1976, còn lưu giữ tại phòng tư liệu báo - Ảnh: Bảo Toàn

Trong góp ý của mình, HT.Thích Thiện Minh, Trưởng BTS GHPGVN huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho rằng, độc giả yêu thích một tờ báo là ở chỗ trình bày đẹp, lạ cũng như có những tin bài mới, hay và nhiều người viết bài uy tín”. Chính vì vậy, Hòa thượng gửi gắm niềm tin, Giác Ngộ có được những yếu tố như vậy thì tờ báo sẽ phát triển và đứng vững trong làng nghề...

Còn nhiều nữa những chia sẻ, đòi hỏi, kỳ vọng và tin tưởng như thế đã được bạn đọc, chư tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử, CTV gửi về, trực tiếp chia sẻ với báo Giác Ngộ, những mong tờ báo mà mình yêu quý có những bước phát triển mới, xứng tầm và giữ tâm bi, thể hiện trí tuệ và chất dũng của nhà Phật.

“Báo Giác Ngộ số mới ra tôi cũng quý mà báo đã đọc rồi tôi cũng trân quý. Mình xem qua rồi còn để dành nữa chứ không phải đọc xong rồi thôi. Báo đã đọc rồi, tôi trao lại cho đệ tử, Phật tử mượn đọc. Mỗi lần cho mượn, tôi đều nhờ lưu trữ tờ báo, để khi cần đọc lại thì có mà đọc. Với tôi, báo Giác Ngộ không đơn thuần chỉ là tờ báo mà còn là tư liệu nghiên cứu Phật học” - NS.Thích nữ Như Hiền, Phó Phân ban Ni giới GHPGVN TP.HCM Q.6, UV Phân ban Ni giới TP.HCM bày tỏ.

Có câu nói “còn hờn trách nghĩa là còn yêu thương” nên những lời nhắc nhở, động viên hay thậm chí là phê bình chính xác, kịp thời của bạn đọc, CTV, của chư tôn đức chính là những “quà tặng” giá trị để Giác Ngộ tiếp tục sứ mệnh của mình, làm cầu nối cho những người học Phật hiểu đạo, cho những ai muốn học Phật có nơi để tìm hiểu giáo pháp một cách gần gũi, từ đó khai mở nội tâm, sống an lành hơn, có ích hơn, đóng góp cho hòa bình thế giới...

Tổ CTBĐ tổng hợp
(từ trang báo online
40 năm Giác Ngộ Giác Ngộ & tôi)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 350 tình nguyện viên tham gia hiến máu nhân đạo tại chùa Ân Thọ

Chùa Ân Thọ tổ chức hiến máu nhân đạo lần thứ 16

GNO - Chùa Ân Thọ (P.5, TP.Tân An, Long An) đã phối hơp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tổ chức hiến máu nhân đạo lần thứ 16 với chủ đề “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, với sự tham gia của hơn 350 tình nguyện viên, vào ngày 5-5.

Thông tin hàng ngày