Lá vàng ắt phải rụng rơi...

Vô thường
Vô thường
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sớm nay, tôi ghé chùa lễ Đức Quán Âm. Tôi thấy ba vị Tăng cử hành một nghi thức trước đài Quán Âm. Một cỗ quan tài nhỏ, thật gọn, có lẽ bằng ván ép được bốn người khiêng nhẹ nhàng, cúi đầu lễ tôn tượng rồi di chuyển ra khỏi cổng chùa. Ra là một vị cao tuổi ở nhà dưỡng lão của chùa vừa qua đời tối qua.

Nghe một cô công quả ở chùa nói rằng bệnh viện trả cụ về hôm trước. Tối qua chắc là cụ được đưa vào trong nhà ở thuộc khuôn viên chùa để hộ niệm cho cụ.

Người ở nhà dưỡng lão bên đó thường không có người thân. Nên đoàn người theo chân chư Tăng và quan tài cũng chỉ có vài cụ - "cư dân" của ngôi nhà ấy. Thật nhẹ nhàng, sự ra đi cũng thật thầm lặng, trong lành!

Không quyến thuộc thế gian, không tiếng khóc than, không u buồn nước mắt. Và được chư Tăng hộ niệm lúc ra đi. Phải chăng cụ đây thật có phước?

Vạn vật có sinh thì sẽ có diệt. Sinh, trụ, dị, diệt - sinh diệt là biểu hiện của vô thường. Vô thường là một sự thật. Vô thường vốn không hề đau khổ, khổ đau hay không, ít nhiều thế nào là ở thái độ phản ứng của mình trước vô thường mà thôi.

Tôi có nhóm bạn gồm ba người. Ba chị em thi thoảng ngồi chơi với nhau, uống ly cà phê, nói vui rằng: ba chị em chọn sống độc thân thì phải tính tới chuyện ngày nằm xuống. Cả ba thống nhất rằng sẽ để dành một khoản tiền, để khi ra đi, không phiền người ở lại. Tôi hay đùa rằng, nếu mình không dành ra một số tiền để người sống giúp thu xếp hậu sự của mình thì vệ sinh khu phố địa phương cũng sẽ khẩn trương xử lý phần tứ đại đang hoại rã của mình, không thì ô nhiễm không ai chịu nổi,... nên đừng quá lo lắng chuyện này.

Thực ra, sự chuẩn bị này là ý nguyện về một sự thu xếp gọn gàng, tiết giản nhất có thể, càng ít chi phí, càng thanh gọn càng tốt. Một chiếc quan tài ván ép hay gì đó được chấp nhận theo quy cách nhà thiêu. Tro tàn còn lại rải xuống một dòng sông nào đó, không cần di ảnh, không cần lễ tang, không cần giỗ kỵ. Người thương quý mình có thể tưởng nhớ mình trong tâm niệm, với những điều tốt đẹp dành cho nhau, còn với những lỗi lầm thì hoan hỷ chân thành hỷ xả cho nhau, nguyện mọi oan trái được cởi bỏ, xem nhau như pháp quyến, có gặp lại trên đường sinh tử cũng là bạn trong tình đạo, nâng đỡ, nhắc nhở nhau cùng thiện lành...

Vạn vật có sinh thì sẽ có diệt. Sinh, trụ, dị, diệt - sinh diệt là biểu hiện của vô thường. Vô thường là một sự thật. Vô thường vốn không hề đau khổ, khổ đau hay không, ít nhiều thế nào là ở thái độ phản ứng của mình trước vô thường mà thôi. Người thế gian, dính cột mình vào các giềng mối thế gian, vật chất, danh vị; đồng nhất mình với người mình thương nên mất mát, đổi dời sao tránh được khổ đau. Trong vòng nhân duyên quả ấy, sự gặp gỡ hôm nay, là những đoạn quả nghiệp xưa cũ, tốt đẹp hay khổ đau... không phải mình muốn là được. Nên càng ít đối kháng với hiện thực của mình, mình càng nhẹ lòng giữa cuộc thế này.

Sự sống, cái chết chỉ trong cái chớp mắt, trong hơi thở vào - ra. Một vị thầy khả kính từng dạy, sống trên đời không phải để được hạnh phúc, hưởng hạnh phúc mà để thấy ra những điều bất toàn của cuộc đời, xem phản ứng của tâm mình như thế nào. Nếu bản thân chấp nhận, thấy như thật bản chất của cuộc đời, tâm không bị dập vùi trước những dâu bể thì đời sống sẽ bình an, nhẹ nhàng.

Như trong bài kinh Hạnh phúc, Phật dạy:

"Khi xúc chạm việc đời,

Tâm không động không sầu,

Tự tại và vô nhiễm,

Là phúc lành cao thượng..."

Sống bình an, chết bình an là một phúc lành cao thượng của đời người!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày