Lâm-tỳ-ni trong lòng người con Phật

Gia đình Phật tử Sỹ Hoàng (TP.Thủ Đức) niệm Phật cúng dường Phật đản
Gia đình Phật tử Sỹ Hoàng (TP.Thủ Đức) niệm Phật cúng dường Phật đản
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Với lòng thành vô biên hướng về Đức Thế Tôn, những người con Phật bằng nhiều cách thức khác nhau, đã thể hiện sự tôn kính của mình đối với đấng Cha lành của nhân loại.

Phật đản là lễ hội truyền thống của Phật giáo, mang đậm giá trị văn hóa tâm linh từ ngàn đời xưa. Hàng năm, khi tháng Tư về, dù ở bất cứ đâu, những người con Phật đều hân hoan, nô nức tập trung về các trú xứ tự viện tham gia các hoạt động Kính mừng Phật đản. Năm nay, năm thứ 2 thế giới đối mặt với sự hoành hành của đại dịch Covid-19; trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, các hoạt động Phật sự, lễ hội đều phải tổ chức trong phạm vi an toàn, không tập trung đông người. Trên tinh thần hướng đến Tuần lễ kỷ niệm Phật đản, Hòa thượng Thích Hoằng Tri, trụ trì chùa Vạn Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã phát động quý nam nữ Phật tử gần xa thiết trí mô hình vườn Lâm-tỳ-ni tại tư gia để hưởng ứng và lan tỏa thông điệp ngày Đại lễ thiêng liêng của Phật giáo đến cộng đồng.

Hòa thượng Thích Hoằng Tri bên mô hình vườn Lâm-tỳ-ni trợ duyên cho Phật tử thiết trí cúng dường Phật đản tại tư gia

Hòa thượng Thích Hoằng Tri bên mô hình vườn Lâm-tỳ-ni trợ duyên cho Phật tử thiết trí cúng dường Phật đản tại tư gia

Mang Phật đản đến từng nhà

Ngay sau khi định hình ý tưởng, Hòa thượng Thích Hoằng Tri đã chỉ đạo Ban Văn hóa-Thông tin chùa Vạn Đức thiết kế mô hình 3D vườn Lâm-tỳ-ni để trợ duyên cho quý nam nữ Phật tử dễ dàng thiết trí tại nhà. Trải qua 2 tuần chuẩn bị, lấy ý tưởng từ lễ đài Phật đản hàng năm của chùa, quý thầy và các bạn trẻ phụng sự viên đã tư duy, sáng tạo, hình thành nên một mô hình vườn Lâm-tỳ-ni chân thực, sống động nhưng vẫn phù hợp với không gian của tư gia. Sau hơn một tuần phát động, đã có gần trăm Phật tử đăng ký trợ duyên từ chương trình, để rồi khi Phật đản gần kề, các mô hình vườn Lâm-tỳ-ni đã được thiết trí trên khắp mọi nẻo đường, trước mỗi ngôi nhà, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

“Là người Phật tử, chúng ta phải ý thức được bổn phận của mình đối với ngày lễ trọng đại của Phật giáo. Nếu vị nào không làm được mô hình vườn Lâm-tỳ-ni, ít nhất cũng phải treo lá cờ Phật giáo tại tư gia, góp phần tôn vinh ngày Đại lễ. Chúng tôi mong muốn rằng, hàng năm người Phật tử sẽ luôn tự hào và chủ động thiết kế những mô hình vườn Lâm-tỳ-ni tại ngay trước mặt tiền nhà mình, lấy đó làm lễ phẩm dâng lên cúng dường Đức Phật, cũng như tạo duyên lành cho mọi người chiêm ngưỡng và biết đến ngày lễ Phật đản”, Hòa thượng Thích Hoằng Tri chia sẻ.

Thiết trí mừng Phật đản trước tư gia Phật tử Thanh Nhập

Thiết trí mừng Phật đản trước tư gia Phật tử Thanh Nhập

Triệu niềm vui ngày Khánh đản

Năm nay, riêng với các gia đình Phật tử được quý thầy chùa Vạn Đức trợ duyên thiết kế vườn Lâm-tỳ-ni, ai cũng thấy trong lòng hân hoan, xúc động. Nằm trong số những người được trợ duyên từ chương trình, Phật tử Quảng Thiện cho biết để tỏ lòng thành kính tri ân Đức Phật trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, không thể về chùa, đây là năm đầu tiên gia đình thiết trí được vườn Lâm-tỳ-ni tại nhà. “Hàng năm, tôi tham dự lễ Phật đản ở rất nhiều nơi, nhưng riêng mùa Phật đản năm nay, thiết trí được vườn Lâm-tỳ-ni ngay tại nhà, tôi cảm thấy ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Mỗi sáng thức dậy, chuẩn bị đi làm, đối trước tôn dung bảo tướng sơ sanh, lòng tôi tràn đầy niềm xúc động”, Phật tử Quảng Thiện chia sẻ.

Phật tử Huệ Ngọc thiết trí mừng Phật đản nơi điểm kinh doanh của mình

Phật tử Huệ Ngọc thiết trí mừng Phật đản nơi điểm kinh doanh của mình

Là một trong những gia đình buôn bán tại chợ Thủ Đức, khi Phật tử Chúc Hiền thiết trí lễ đài trước nhà mình, rất nhiều khách đi qua đã không khỏi bỡ ngỡ. Những ai tò mò đến hỏi thăm, cô đều giải thích cặn kẽ ý nghĩa ngày lễ Phật đản và chia sẻ niềm tự hào của một người con Phật. Thấy khách sinh tâm hoan hỷ, cung kính xá lễ Phật và cầu nguyện, cô Chúc Hiền cảm thấy rất hạnh phúc.

Hòa cùng nhịp vui Khánh đản, Phật tử Diệu Hiền (TP.Thủ Đức) cho biết chị thật sự rất vui mừng, không thể nói hết bằng lời. Mỗi năm cứ đến tháng 4, chị lại suy nghĩ làm thế nào để trang trí được lễ đài mừng Phật đản một cách trang nghiêm nhất tại nhà. Năm nay, nhờ sự hỗ trợ từ chùa Vạn Đức, ước nguyện thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia của chị đã thành hiện thực. Lễ đài tuy không quá lớn nhưng đã phần nào lan tỏa không khí Phật đản đến với mọi người, mọi nhà trong hẻm nhỏ.

Rước Phật đản sinh về nhà

Rước Phật đản sinh về nhà

Cũng với niềm vui thiết trí lễ đài tại nhà, giữa hoàn cảnh các khóa lễ tập trung không thể thực hiện được trong mùa Phật đản năm nay, Phật tử Kim Hạnh cho biết kể từ năm nay gia đình chị sẽ duy trì việc làm vườn Lâm-tỳ-ni hàng năm để tưởng nhớ và tri ân đấng Cha lành. “Tôi rất hoan hỷ và hạnh phúc, khi chính mình, gia đình mình và những người đủ duyên đi ngang qua được thấy, được chiêm ngưỡng vườn Lâm-tỳ-ni với tâm thành tôn kính. Gia đình chúng tôi sẽ duy trì và truyền đạt cho con cháu mai sau tiếp nối truyền thống văn hóa tốt đẹp này”, chị Kim Hạnh chia sẻ.

Có thể nói, việc tổ chức thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni tại tư gia với mục đích tưởng nhớ ngày Phật đản sanh là một trong số những cách thức đặc biệt thiết thực và thuận lợi trong hoàn cảnh hiện tại. Mỗi nhà một màu sắc, mỗi nơi một hình thức, tất cả đã góp thêm sức sống, lan tỏa tinh thần Phật đản. Mong rằng, với ý nghĩa thiêng liêng đó, mỗi năm tháng Tư về, muôn triệu trái tim sẽ hòa chung một nhịp đập. Khi đó, không cần phải ai bảo ai, tất cả những người con Phật sẽ tự giác thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni, treo cờ hoa, đèn Phật đản, tu tập các công đức lành dâng lên cúng dường tưởng nhớ Đức Thế Tôn, góp phần sẻ chia thông điệp ý nghĩa ngày Đại lễ thiêng liêng của Phật giáo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày