Lễ hội khai bút ở chùa Văn Hội

GNO - Hôm nay, 13-2 (mồng 9 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại sân chùa cổ Văn Hội  ở xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội), diễn ra lễ hội khai bút và tôn vinh các làng nghề cổ truyền của vùng đất trăm nghề.                                                    

Lễ hội được mở đầu bằng nghi lễ dâng hương tại Di tích Văn Chỉ. Sau đó, các hoạt động chính được tổ chức tại sân chùa Văn Hội với chương trình múa trống hội, múa rồng, biểu diễn nghệ thuật và nghi lễ khai bút.

F981266A-9D4B-436A-B568-7305501F384D.jpeg
Biểu diễn chào mừng lễ hội

Trong diễn văn khai mạc, ông Kiều Xuân Huy - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, Thường Tín xưa là huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín. Nơi đây, ngay từ rất sớm đã có sự cư trú của con người gắn với câu chuyện huyền sử về Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Với vị trí địa lý là cửa ngõ của Kinh thành Thăng Long, án ngữ con đường thượng kinh phía Nam bằng cả đường bộ và đường thủy, Thường Tín là nơi bồi lắng, hội tụ và lan tỏa của vùng văn hóa Sơn Nam, văn hóa Đồng bằng sông Hồng đậm đà bản sắc dân tộc.

 Người xưa gọi Thường Tín là “Đất danh hương”. Căn cứ vào những tài liệu còn lưu giữ trên hệ thống văn bia tại Văn Chỉ Thượng Phúc và Viện Hán Nôm, toàn huyện thời phong kiến đã có 128 người đỗ đại khoa (từ Tiến Sĩ đến Trạng Nguyên), trong đó 68 nhà khoa bảng được khắc tên trên Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 11 làng khoa bảng, đã đưa huyện Thường Tín thành huyện có nhiều nhà khoa bảng nhất trên toàn thành phố Hà Nội.

Thường Tín có 2 Trạng Nguyên, 3 bảng Nhãn, 2 thám hoa… Trong những nhà khoa bảng ấy, có những người tên tuổi đã được gắn liền với lịch sử non sông đất nước như Nguyễn Trãi - anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Thường Tín cũng là một trong những vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa với 145 chùa, 125 đình cùng các loại hình đền, miếu, lăng tẩm... Trong đó, 111 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố. Trong đó, những di tích quan trọng như: Khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê), đền - bến Chương Dương ở xã Chương Dương, chùa Văn Hội ở xã Văn Bình; chùa Đậu (Pháp Vũ) ở xã Nguyễn Trãi... Đặc biệt, 2 pho tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu được công  nhận là bảo vật quốc gia năm 2016.

E0A88046-22C0-4DF2-B874-112DDA28326F.jpeg


Nghi thức khai bút

 Ông Kiều Xuân Huy cho hay, Thường Tín còn được biết đến là đất trăm nghề với 126 làng có nghề, trong đó có 47 làng nghề được Nhà nước công nhận là Làng nghề cổ truyền. Với vị trí địa lý là cửa ngõ phía nam của kinh thành Thăng Long xưa, những sản phẩm thủ công của Thường Tín làm ra đều được bày bán ở 36 phố phường Hà Nội. Ngày nay, nơi đây nổi tiếng với nhiều làng nghề: làng nghề bánh dày Quán Gánh (xã Nhị Khê); làng nghề tiện gỗ Nhị Khê; làng nghề thêu truyền thống xã Thắng Lợi; làng nghề thêu Cổ Chất (xã Dũng Tiến); làng nghề điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang); làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái); làng nghề mây tre đan xã Ninh Sở; làng nghề xương sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình)…

03FC8509-5C85-4A7D-87E5-E10FF0607BBA.jpeg


Đông đảo người dân tham dự lễ hội

Được biết, đây là lễ hội truyền thống có từ hàng trăm năm nay, nhưng đã bị thất truyền gần 80 năm. Vào ngày 9 tháng Giêng Mậu Tuất (2018), huyện Thường Tín đã lần đầu tiên khôi phục lại lễ khai bút.

Năm nay, lễ hội mở rộng thêm, ngoài nghi thức khai bút, còn là lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống, cùng với giá trị tôn vinh và tri ân những bậc hiền tài khoa bảng, cũng là dịp tôn vinh và tri ân các bậc tiền nhân đã có công truyền nghề, khẳng định vai trò, vị thế của Làng nghề đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Chùa Văn Hội có tên chữ là “Hội Phúc tự” tọa lạc ở thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Đến đây, cảm nhận chùa có cảnh quan đẹp, hệ thống kiến trúc quy mô theo kiểu chữ Đinh, bao gồm tòa Bái đường và tòa Thượng điện được chia làm 5 gian. Bên ngoài tòa Bái đường ở hai đầu hồi người xưa xây 2 cột trụ vuông vức, đắp vẽ công phu.

5B36AF82-4085-4AD6-9970-336DDD837AEC.jpeg
Ngôi chùa nhìn từ xa

Cũng như các ngôi chùa khác của Việt Nam, chùa Văn Hội được bài trí tượng theo nhiều lớp. Trên cùng là tượng Pháp Lôi và Pháp Vân trong hệ thống Tứ Pháp, phía dưới tòa Tam bảo còn bày 4 lớp tượng Phật nữa.

Điều đáng chú ý là các pho tượng ở đây phần lớn đều được người xưa tạc bằng gỗ, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, tài hoa, sơn son thếp vàng với một trình độ kỹ nghệ cao vì nơi đây xa xưa có nghề sơn mài. Cách chùa Văn Hội chừng 200 m, có Di tích Văn Chỉ Thượng Phúc - nơi thờ các vị tiên hiền khoa bẳng của phủ Thường Tín xưa.

Chu Minh Khôi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tại buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày