Mê tín dị đoan, do đâu?

GN - Có thể nói, chưa có lúc nào trong diễn đàn Quốc hội, đặc biệt là ở các phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp, vấn đề liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo lại được đặt ra nhiều như tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Điều đặc biệt là những nội dung này được truyền hình trực tiếp, sau đó nhiều kênh truyền thông dẫn lại, tạo nên làn sóng dư luận quan tâm, cả trong và ngoài nước. Những vấn đề này từng làm xôn xao dư luận từ đầu Tết Nguyên đán, trên báo chí chính thống và mạng xã hội.

30313CNT_5234.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam,
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Ảnh: Trần Huấn

Nội dung chất vấn có thể thấy ảnh hưởng bởi thông tin mạng xã hội, qua các cụm từ gán ghép, chẳng hạn “BOT tâm linh”, “lợi dụng mê tín dị đoan” cũng như việc xác định tội danh trong khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết đang lúng túng vì hiện chưa có văn bản pháp lý nào “thống nhất xử lý chuyên về mê tín dị đoan”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc nhở đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) chiều 5-6, cần trách nhiệm với chất vấn của mình về vấn đề được cho là thương mại hóa lĩnh vực tâm linh.

Chùa chiền là thực thể văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt hàng ngàn năm qua. Do đó, khi nói tới các hiện tượng được cho là mê tín dị đoan trong tín ngưỡng, người ta thường gán cho là chùa, trong khi có thể hiện tượng đó diễn ra ở các cơ sở tín ngưỡng dân gian là đền/ phủ, hoặc điểm tín ngưỡng dân gian trong quần thể chùa chiền.

Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “xét trên giác độ văn hóa khi một tôn giáo vào Việt Nam cũng có sự ảnh hưởng qua lại với những nét truyền thống của cộng đồng dân cư, của dân tộc đó, cụ thể là dân tộc Việt Nam. Ví dụ, Phật giáo khi vào Việt Nam thì Phật giáo bây giờ chúng ta hay nói là tam giáo đồng nguyên và có rất nhiều tín ngưỡng của Việt Nam dần dần có sự dung hòa”.

Trong thực thể tín ngưỡng sinh động như thế, việc xác nhận các sinh hoạt, lễ nghi, cả tín lý không phù hợp với tinh thần cứu khổ của tôn giáo cũng như thời đại là rất cần thiết, để từ đó có những vận động, hướng dẫn, giáo dục nhằm điều chỉnh.

Vấn đề này, chúng ta đã có bài học lịch sử từ cuộc chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX, diễn ra đồng loạt trên cả ba miền của đất nước.

Các nhà chấn hưng với sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, chư Tăng - người thực hành tôn giáo, nỗ lực thực hiện các phương diện: thành lập tổ chức hỗ trợ cho việc đào tạo nâng cao dân trí đối với người xuất gia cũng như tín đồ, tuyển dịch kinh điển ra chữ Quốc ngữ, xuất bản báo chí để tuyên truyền, vận động tín đồ.

Xin thận trọng đừng để vì một lý do nào đó, vội kết luận và nhận định trong khi chưa có cơ sở rõ ràng mà chỉ nói theo dư luận, vì lời đồn đại, bàn tán.

“Mê tín dị đoan suy cho cùng là sự thiếu hiểu biết”, nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, và biện pháp không phải là chống, là phá bỏ, chỉ trích, lên án, mà “cần chú ý hơn tới giáo dục văn hóa, nâng cao dân trí để mọi người dân hiểu rằng hành vi này đúng với tín ngưỡng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hành vi kia không đúng, hành vi này trước đây đúng nhưng giờ không phù hợp với thế giới văn minh”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày