Mở được nguồn tâm để phát huy sự vô tận vốn có

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1209 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1209 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
GNO - Năm nay kỷ niệm 60 năm ngày Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Trước khi ngài tự thiêu, Việt Nam chưa được thế giới biết đến là một quốc gia có chủ quyền, độc lập hoàn toàn.

Người ta cứ nghĩ Việt Nam là bán đảo Đông Dương thuộc địa của người Pháp. Nhưng từ khi có cuộc vận động bình đẳng tôn giáo của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, cả thế giới mới biết đến đất nước Việt Nam, người Việt Nam và Phật giáo Việt Nam.

Lúc đó, thế giới chia thành ba khối là khối xã hội chủ nghĩa, khối tư bản và khối không liên kết. Nhưng cuộc vận động đòi tự do tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam đều được cả ba khối ủng hộ. Sở dĩ người ta biết tới Phật giáo Việt Nam vì có ngọn đuốc vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Quảng Đức bừng lên. Mọi người thấy đây là diều lạ, vì thiêu thân tự sát là chuyện bình thường, nhưng tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức là việc phi thường vì đã có ảnh hưởng vô cùng quan trọng khiến mọi người phải quan tâm, kính phục.

Thật vậy, khi tôi sang Nhật nghiên cứu, các học giả, các giáo sư, kể cả các nhà chính trị tìm tôi hỏi về vấn đề Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu làm tôi có suy nghĩ sâu xa về việc vị pháp thiêu thân của ngài và về kinh Pháp hoa.

Kinh Pháp hoa có điểm đặc biệt nói về Bồ-tát Dược Vương tự thiêu, điều này gắn liền với sự tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức. Tôi mới suy nghĩ, tìm hiểu, thực tập để nhận cho được ý nghĩa sâu xa của điều này. Vì phần nhiều người ta nghĩ tụng kinh Pháp hoa, trì kinh Pháp hoa là ôm bộ kinh này lên chánh điện tụng từ ngày này sang ngày khác, nhưng đó là tụng để tụng. Có những người tin kinh Pháp hoa sâu hơn, lạy từng chữ từng câu kinh.

Điều này tôi có cơ hội chia sẻ với vị đúc tượng Phật ở chùa Ấn Quang. Tượng này có điều đặc biệt là khi cố Hòa thượng Trí Hữu từ Ngũ Hành Sơn vào Sài Gòn, ngài chỉ cất thảo am và tụng kinh Pháp hoa. Tự nhiên có một cư sĩ tốt nghiệp trường mỹ thuật là ông Đốc Ý nhìn thấy Hòa thượng Trí Hữu tụng kinh Pháp hoa, ông mới phát tâm đúc tượng Phật Thích Ca. Điểm này chúng ta có suy nghĩ thêm là hai tâm hồn lớn gặp nhau. Hòa thượng Trí Hữu có niềm tin tuyệt đối kinh Pháp hoa tỏa ra sức thu hút người cũng có niềm tin và cũng có đầu óc mỹ thuật, nên hai người đã gặp nhau.

Hòa thượng Trí Hữu tụng một bộ kinh Pháp hoa thì đốt một liều hương trên đầu để cúng dường Phật. Đốt đến mức trên đầu không còn chỗ đốt, ngài đốt hương trên hai cánh tay. Cuối cùng, khi tượng Phật được hoàn thành, ngài đốt rụng một ngón tay để cúng dường Phật. Đối với chúng ta, đây là việc khó làm.

Tôi hỏi Hòa thượng đốt như vậy có thấy nóng hay không. Hòa thượng nói nếu thấy nóng thì đừng đốt, không thấy nóng thì đốt. Tôi gợi ý cho Tăng Ni hiểu rằng ở một mức độ nào mới đốt thân được, không phải ai muốn đốt cũng được. Vì đây là thước đo niềm tin và thước đo quả chứng của con người.

Người đốt không thấy nóng thì tối thiểu phải chứng Sơ thiền và nhập Ly sanh, bấy giờ thể xác và tinh thần tách rời được. Không chứng Ly sanh thì không làm được. Người tu chưa chứng Ly sanh là phàm tăng. Chứng Ly sanh là Hiền Tăng. Hòa thượng Trí Hữu là Hiền Tăng, tuy chưa phải là Thánh, nhưng ngài đã chứng Ly sanh, nên mới đốt thân cúng Phật được.

Khi Hòa thượng lớn tuổi, phát hiện mình bị ung thư, ngài trở về chùa Ấn Quang. Tôi thăm Hòa thượng, ngài nhìn tôi mỉm cười. Biết sắp chết, ngài cũng cười được, đó là điều Tăng Ni phải học.

Hòa thượng bắt đầu áp dụng ba pháp của Phật dạy trước khi từ giã cuộc đời. Đây cũng là điều quan trọng mà Tăng Ni phải cố gắng thực tập. Muốn chết thì làm sao để chết? Nếu đắc đạo rồi thì mình nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền và vào Niết-bàn. Đó là con đường Phật đã dạy, đã đi, là con đường an lành. Nhưng nếu mình chưa đắc Thánh quả, chưa vào Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền thì mình áp dụng pháp thấp trong đạo Phật là nhịn ăn, nhịn uống và nhịn thở để chết. Thật vậy, phải bớt ăn, rồi nhịn ăn, nhịn uống mới chết được. Còn bây giờ mình vẫn ăn uống bình thường, thậm chí không ăn được thì vô đạm, đau nhức nằm đó nhưng không chết.

Biết mình sắp chết, Hòa thượng Trí Hữu sắp xếp cái chết. Ngài không ăn, không uống thì hơi thở yếu dần, cuối cùng Hòa thượng tự ngắt hơi thở bằng cách nín thở. Với người khỏe thì nín thở một phút rồi thở lại được. Nhưng khi cơ thể đã yếu rồi, nín thở là đi luôn. Đây là pháp Hòa thượng Trí Hữu đã lựa chọn, ngài dạy tôi và tôi xin chia sẻ với quý huynh đệ.

Khi niềm tin chúng ta mạnh mẽ, công phu của chúng ta vững vàng thì nhập Sơ thiền dễ dàng, chứng Ly sanh nhẹ nhàng. Nhưng khi cơ thể chúng ta đã yếu, chúng ta không chủ động được thì không làm pháp này được. Vì vậy, phải nhịn ăn, nhịn uống, nhịn thở là pháp tu nhà thiền làm. Vào mùa tu, quý vị hãy thử thực tập bớt ăn, rồi mình tập nhịn ăn, ăn một ngày một bữa cho đến hai, ba ngày ăn một bữa và tập nhịn uống xem thể xác thế nào, tinh thần ra sao. Phương pháp nói trên là pháp tu của Hòa thượng Trí Hữu, một vị cao tăng mà tôi có điều kiện thân cận, học hỏi.

Ngoài ra, có vị khác tôi được tiếp xúc là Hòa thượng Bửu Huệ. Ngài tốt nghiệp khóa I ở Phật học đường Nam Việt, Ấn Quang. Hòa thượng chia sẻ với tôi rằng ngài tốt nghiệp rồi, không làm việc mà xin phép Ban Giám đốc cho ngài nhập thất 12 năm. Thời gian nhập thất rất quan trọng. Tăng Ni cũng cần suy nghĩ về vấn đề nhập thất. Hòa thượng nói 12 năm đó, ngài không tiếp xúc với mọi người, chỉ tiếp xúc với kinh điển, tiếp xúc với Bồ-tát, với Phật. Đó là điều quan trọng nhất trên bước đường tu, quý vị có thực tập pháp này không? Dành trọn thì giờ tiếp xúc với chư Phật, chư Bồ-tát cũng là cách tu của các bậc cao tăng, là bước tu từ ngoài đi vô mà tôi thấy rất rõ.

Đầu tiên mình ở trong thiền thất, ôn lại tất cả những gì đã học trong kinh điển, đã nghe các vị thân giáo sư giảng dạy. Nghe và suy nghĩ những gì Phật nói và các thân giáo sư triển khai thì theo ngài, nhờ đó mà tiếp xúc được với chư Phật và Bồ-tát. Nhưng tiếp xúc được thì sao? Mình đọc kinh văn, nhưng không chấp vào kinh văn, mà đi vào ý của kinh. Vì Phật nói rõ là những gì nói được bằng lời, Ta đã nói cho các ông suốt 49 năm rồi. Những gì không nói được bằng lời, người nào nhận được thì đó là ý của Ta.

Điển hình là Ca Diếp nhận được ý của Phật, lúc đó Phật không nói nhưng Ngài đưa hoa sen lên để chúng ta thấy hoa sen tiêu biểu cho sự tinh khiết. Vì vậy, phải biết tinh khiết con người mình là ý Phật dạy. Người nào biết tinh khiết hóa hành động của mình, lời nói của mình, suy nghĩ của mình sẽ nghe được, hiểu được những điều Phật biết, Phật thấy. Và tinh khiết hóa con người của mình là trở về chân linh của mình thì phải cắt đứt duyên vụ, cắt đứt tất cả việc thế gian. Vì phải tiếp xúc, giải quyết việc thế gian, bận rộn với nó làm ta kẹt thế gian, không tới với đạo được.

Vì vậy, Hòa thượng Bửu Huệ nói nhập thất 12 năm, nhờ sống với chư Phật, Bồ-tát, ngài mới có nội lực quản lý được Phật học viện Huệ Nghiêm. Thật vậy, năm 1963, việc này rất khó, vì bấy giờ, tất cả mọi người, kể cả Tăng Ni chỉ có ý thức tranh đấu, xuống đường. Hòa thượng Thanh Từ nói với tôi rằng ba tháng an cư, chư Tăng tương đối vừa ổn định, nhưng ra chùa Ấn Quang một tuần trở về thì hoàn toàn khác. Hòa thượng Thanh Từ cũng phải ra núi Lớn ẩn cư để khỏi bị cuộc đời lôi cuốn.

Ngài Bửu Huệ tốt nghiệp xong, phải ẩn cư 12 năm mới làm việc, chịu đựng được. Hòa thượng Thanh Từ tốt nghiệp xong, ngài giảng dạy suốt mười mấy năm thì bế tắc.

Có thể khẳng định rằng nguồn tâm là vô tận, còn kiến thức học được thì giới hạn cũng sẽ cạn dần. Trên bước đường tu, chúng ta làm sao khai được nguồn tâm để phát huy được cái vô tận vốn có. Nếu không khai được nguồn tâm, nhưng kẹt vào 12 bộ kinh, nó sẽ cạn dần, thì đến một lúc nào đó tự nhiên sẽ không còn gì để nói, cũng như không còn ai muốn nghe mình nữa. Quý vị cần cân nhắc điều này. Khi không còn gì để nói thì kiếm đủ thứ chuyện để nói, thậm chí chuyện vô ích cũng nói, như vậy không phải là giảng sư Phật giáo.

Hòa thượng Thanh Từ nhận ra ý này. Ngài ra núi Lớn ẩn cư ba năm, không tiếp xúc, mới phục hồi những gì ngài đã học, đã biết, đã làm, mới biết được cái đúng, cái sai, mới thấy được con đường mình đi.

Khi tôi ở Nhật về thăm Hòa thượng, ngài nói với tôi rằng trong suốt ba năm, ngài chỉ nghĩ duy nhất đến Trúc Lâm Tam Tổ và Phật hoàng Trần Nhân Tông để học những gì trong đó mà ngài ứng dụng được vào cuộc sống của ngài.

Có thể nói Hòa thượng Thanh Từ có ba năm kiết thất ở núi Lớn, ngài mới khai đạo và mới có Trúc Lâm ngày nay. Không có ba năm ẩn tu thì Trúc Lâm của ngài cũng chỉ là hình thức. Nhưng Trúc Lâm không phải là tổ chức hình thức, Trúc Lâm là lý tưởng sống mà người có lý tưởng như vậy tới đây mới sống được.

Và vị tôn đức thứ ba mà tôi có điều kiện tiếp xúc là Bồ-tát Quảng Đức trước khi ngài tự thiêu. Tôi có duyên sống với ngài ở chùa Ấn Quang, tôi theo dõi hành trạng của ngài để mình học được pháp gì, đó là điều quan trọng với tôi.

Hòa thượng Quảng Đức nói với tôi rằng khi ngài thọ giới Cụ túc xong, ba năm ngài cấm túc an cư ở trong thiền thất, không tiếp xúc với ai và ngài chuyên thọ trì kinh Pháp hoa. Bộ kinh Pháp hoa mà ngài tụng hiện để thờ trong tháp Đa Bảo ở Việt Nam Quốc Tự. Tụng kinh Pháp hoa ba năm thì điều quan trọng là hiểu nghĩa thú của kinh và đúng như pháp tu hành, không phải chỉ tụng kinh suông.

Nếu ba năm chuyên tụng kinh Pháp hoa thì từng chuyên mục của bộ kinh này phải soi rọi vào cuộc sống của mình. Còn kinh không rọi được vào lòng mình và tâm mình không sáng lên thì coi như không có gì. Tâm sáng lên nghĩa là mình phải thấy cho rõ, phải biết cho đúng. Thấy biết điều gì? Rằng thân trong sạch như hoa sen và tâm hồn sáng như viên ngọc quý gọi là Diệu Pháp Liên Hoa. Thấy biết như vậy là ngộ yếu chỉ kinh Pháp hoa rồi thì thiên biến vạn hóa trong cuộc sống. Nghĩa là người thấy biết đúng rồi mới theo sự thấy biết đó mà hành đạo. Chưa biết, chưa ngộ mà lo truyền đạo, phần nhiều đi lạc vào ngõ cụt, dễ chết. Tăng Ni nên cân nhắc việc này.

Bồ-tát Quảng Đức ba năm kiết thất, ngộ yếu chỉ kinh Pháp hoa là ngài biết rõ mình đang ở thời kỳ nào, ở quốc độ nào. Thời kỳ và quốc độ rất quan trọng. Không hiểu điều này mà chấp vào nghĩa kinh, cho rằng kinh Phật nói mấy ngàn năm trước, bây giờ vẫn đúng, là đúng ở chỗ nào? Đức Phật vẫn phủ nhận những gì mà Ngài đã nói như lá trong tay là lá khô chết, không còn sức sống nữa, vì pháp mà Phật nói thay đổi tùy theo đối tượng giáo hóa. Những gì Phật nói cho chú bé chăn trâu Kiết Tường không thể nói cho Xá Lợi Phất, hay cho vua Tần Bà Sa La.

Có thể khẳng định rằng nguồn tâm là vô tận, còn kiến thức học được thì giới hạn cũng sẽ cạn dần. Trên bước đường tu, chúng ta làm sao khai được nguồn tâm để phát huy được cái vô tận vốn có. Nếu không khai được nguồn tâm, nhưng kẹt vào 12 bộ kinh, nó sẽ cạn dần, thì đến một lúc nào đó tự nhiên sẽ không còn gì để nói, cũng như không còn ai muốn nghe mình nữa.

Trở lại kinh Pháp hoa, Phật nói kinh Vô lượng nghĩa rồi mới nói kinh Pháp hoa. Theo ngài Nhật Liên, kinh Vô lượng nghĩa là tất cả văn minh loài người từ cổ chí kim, các bậc minh triết biết và nói, nhưng hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các vị này đều là Thánh, Khổng Tử là Thánh, Lão Tử cũng là Thánh, triết gia Platon cũng là Thánh… Họ ở quốc độ khác, thời kỳ khác, nên họ có những hiểu biết khác nhau, nhưng tất cả đều giúp ích cho xã hội ở thời kỳ đó.

Chúng ta không rập khuôn theo họ được, vì Vô lượng nghĩa thì phải tùy chỗ, tùy người, tùy thời mà đáp ứng lợi ích. Ngài Nhật Liên sau khi nhập định 49 ngày đã ngộ ra điều này, nên ngài chủ trương giáo pháp Phật phải thích hợp với căn cơ, trình độ, thời kỳ, quốc độ mà có pháp khác nhau, không có pháp cố định. Gọi là Vô lượng nghĩa vì bao trùm được tất cả các nghĩa.

Nói xong kinh Vô lượng nghĩa, Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ định, tức phải vào định để thấy được bề trái của cuộc đời. Vì mình còn sống, mở mắt thấy vạn vật ở đây là mới thấy bề mặt thôi. Nhưng chưa nhập định được thì thấy trong chiêm bao. Ngủ thiếp, xuất thần đi vào thế giới bên kia, mình sẽ được thần linh mách bảo. Nhiều người trao đổi với tôi, họ nói sự thật rằng thực tế thấy vậy, nhưng trong chiêm bao có thần linh đến bảo con hãy đi, ở lại sẽ chết. Ông này thức dậy, lật đật chạy, vừa ra khỏi nhà thì có mật thám ập vô bắt. Thần linh chỉ có hồn, không có xác, mình ngủ cũng chỉ có cái hồn hoạt động thôi, nên hai cái hồn mới tiếp xúc với nhau được.

Trong thế giới vô hình có muôn hình vạn trạng. Phật dạy phải nhập định, nhưng muốn biết mọi việc phải nhập Vô lượng nghĩa xứ định. Nhập Diệt tận định, hay nhập Thủ lăng nghiêm tam muội thì khác. Kinh Pháp hoa nói có vô số tam muội và đà-la-ni, nay mình nhập định này, mai nhập định khác thì thấy được nhiều mặt của cuộc đời.

Bồ-tát Quảng Đức kiết thất ba năm, không tiếp xúc với cuộc đời, không bị cuộc đời làm ô nhiễm có thân trong sạch và trì kinh Pháp hoa, tâm ngài sáng lên gọi là ngộ đạo, thấy biết chính xác nên không phạm sai lầm nữa. Thấy chỗ có duyên, mình mới tới tu được, thấy người có duyên, mình mới độ được. Không phải người nào cũng độ được, không phải chỗ nào cũng tu được.

Tu hành, điều này rất quan trọng. Tôi ra Bắc mở đạo tràng Pháp hoa. Một số thầy nói ở miền Bắc làm sao mở được đạo tràng. Nhớ lại khi Đại hội Phật giáo kỳ III, Ban Tổ chức sắp xếp tôi ở khách sạn Kim Liên với Thượng tọa Thiện Duyên, có nhiều Phật tử tới phòng xin quy y. Thượng tọa Thiện Duyên hỏi ở khách sạn làm sao quy y được. Tôi nói quy y theo kinh Pháp hoa là người có duyên với mình, thấy mình, họ phát tâm thì tùy theo tâm của họ, mình giáo hóa.

Nếu quy y theo hình thức, bảo ghi tên, phải chờ một tháng hay đến ngày rằm mới quy y, thì thời gian họ phát tâm qua rồi. Vì vậy, phát tâm lúc nào, chỗ nào, với ai thì làm đúng như vậy, họ đắc pháp và chỗ đó giáo hóa được. Làm lễ quy y, tôi chắp tay, chỉ đọc ba câu quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Họ phát tâm, lòng họ nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng thì có Phật, Pháp, Tăng. Phật, Pháp, Tăng này là thanh tịnh Tam bảo vì được phát khởi từ niềm tin dũng mãnh của Phật tử nối kết với tâm thanh tịnh của thầy truyền pháp. Về sau, đạo tràng Pháp hoa miền Bắc phát triển mạnh, có trên 60 đạo tràng và cả vạn Phật tử, tôi giao cho Hòa thượng Bảo Nghiêm quản lý.

Trở lại việc Bồ-tát Quảng Đức ngộ yếu chỉ kinh Pháp hoa, ngài đốt thất để tự do, không bị ràng buộc trong thất này nữa. Từ đó, ngài đi sang Lào vì thấy một số người Việt ở Lào phát tâm. Có người ta nói ngài qua Lào cất chùa, nhưng ngài cất chùa không phải để ở, mà để giáo hóa chúng sanh. Người kiếm đất, mượn tiền cất chùa để ở là sai pháp, phiền não phát sinh. Nhưng ngài xây dựng chùa xong và giáo hóa người có duyên, được họ thương kính rồi ngài rời nước Lào, sang Campuchia. Ngài dạy tôi điều này rằng người ta đang kính trọng thì nên đi. Đừng để người ta chán mình, đuổi đi, thậm chí còn tìm cách ở lại.

Làm việc tốt cho người, để lại trong lòng họ thiện cảm thì nên đi. Đó là ngộ Bồ-tát đạo trong kinh Pháp hoa. Giống như Bồ-tát Diệu Âm xuất hiện ở hội Pháp hoa bằng 84.000 hoa sen, liền trở về bổn độ. Điều này Bồ-tát Diệu Âm và Bồ-tát Quảng Đức đã thể hiện mà Tăng Ni cần phải làm theo. Người xưa cũng nói “Cửu trụ linh nhân tiện” nghĩa là ở lâu, người ta xem thường. Người cần thì ta tới, xong việc, ta đi, như vậy được người thương nhiều hơn.

Riêng tôi, Phật tử miền Bắc thương, có lẽ vì một năm tôi chỉ ra Bắc một lần vào lễ Phật thành đạo để truyền pháp, ở một hôm rồi về. Trong kinh Pháp hoa, Phật cũng dạy rằng nếu Phật ở lâu trên đời thì người căn lành ít ỏi chỉ muốn nương tựa Phật, sanh tâm lười biếng, không chịu tu. Phật nhập Niết-bàn để người thấy côi cút, không chỗ cậy nhờ, phải tự tu, để đắc đạo, để giữ đạo. Phật nói người đáng độ thì Ngài đã độ, việc cần làm, Ngài đã làm cũng là lý do mà Phật vào Niết-bàn.

Bồ-tát Quảng Đức cũng làm đúng theo lộ trình Phật đã làm. Ngài quán nhân duyên giáo hóa ở Lào và Campuchia đã hoàn mãn, ngài trở về Việt Nam, trụ trì chùa Long Vĩnh, quận 3, TP.HCM. Nhưng ngài ít ở chùa. Có điểm đặc biệt là ngài vân du hóa độ ít hôm thì trở về chùa, không quên mang theo bánh trái cho chúng Tăng, thể hiện tình thương ngài luôn dành cho đại chúng. Ngài hành đạo giống như Bố Đại Hòa thượng vậy, ai mà không thương.

Làm tất cả Phật sự với tâm thanh tịnh là trì kinh Pháp hoa, là hành giả Pháp hoa. Không phải tụng kinh cho Phật nghe, nhưng ta xem quá trình mà ngài Quảng Đức làm việc theo các Bồ-tát trong kinh Pháp hoa, đó là ngài trì kinh Pháp hoa. Học theo ngài, ta kiểm xem việc của chúng ta có giống kinh dạy không, có giống Phật và Bồ-tát làm hay không. Nếu giống là hành giả Pháp hoa.

Bồ-tát Quảng Đức làm theo Phổ Hiền Bồ-tát có thế lực vô song. Ngài Phổ Hiền làm đạo có vô số Bồ-tát thị tùng, có Thiên long bát bộ đi theo ủng hộ, tới chỗ nào thì có ngọc vàng châu báu rải xuống cho dân nhờ. Cũng như các vị ngày nay đi cứu trợ cũng thể hiện tinh thần Pháp hoa, được quần chúng quý trọng, chính quyền mến phục, vì Tăng Ni đã dấn thân, làm việc vì hạnh phúc cho số đông.

Năm 1963, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đặt văn phòng tại chùa Ấn Quang. Lúc đó, tôi được phân công trực văn phòng. Bồ-tát Quảng Đức đem đơn đến xin tự thiêu. Đơn được trình cho các Thượng tọa xem, thực sự quý ngài cũng hoang mang, lo sợ vì chuyện lạ chưa từng có. Bồ-tát nói ngài đã phát nguyện trì kinh Pháp hoa 49 năm, đến năm nay là tròn đủ 49 năm. Hãy để cho ngài tự thiêu thì mọi việc sẽ hóa giải được, sẽ chấm dứt ách nạn của Phật giáo.

Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo chấp nhận đơn tự thiêu của ngài, nhưng chưa có quyết định. Và từ đó, Bồ-tát Quảng Đức ở luôn trong chùa Ấn Quang. Sắp đến ngày tự thiêu, mỗi ngày lên chánh điện tọa thiền, trì kinh Pháp hoa. Cuối cùng, ở thời điểm nguy khốn nhất, chưa có cách gì để chấm dứt việc đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, đại nguyện của ngài mới được thực hiện.

Ngày 20 tháng 4 âm lịch năm Quý Mão (1963), từ lễ cầu nguyện ở chùa Phật Bửu, Tăng Ni mới diễn hành ra chùa Xá Lợi. Trước khi đến chỗ tự thiêu, ngài đã tẩm xăng vào y hậu rồi. Nhưng từ chùa Phật Bửu dến ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, thì xăng trong y bị khô, thầy Chơn Ngữ có mặt tại đó và phụ thêm xăng lên thân Bồ-tát. Chính tay Bồ-tát quẹt lửa, nhưng vì hộp quẹt bị ướt nên không cháy. Ngài nhìn lên và thầy Đức Nghiệp hiểu ý, chuyển hộp quẹt cho ngài. Ngài lại tự tay châm lửa một cách thanh thản.

Điều quan trọng mà chúng ta nhận thấy là ngọn lửa bao phủ toàn thân Bồ-tát, ngài vẫn an nhiên tĩnh tọa cho đến khi thân ngài cháy thành than, thể hiện rõ nét ngài đã nhập Pháp hoa tam muội, đạt Ly sanh tới Định sanh thì Bồ-tát đã an trụ trong hỷ lạc của định, nên thế giới bên ngoài, kể cả thân xác không thể tác động đến ngài.

Hình ảnh ngài an nhiên trong lửa đã tỏa sáng đạo lực sống động, thiêng liêng nhờ quá trình tu Bồ-tát đạo của ngài và tạo nên lực tác động mãnh liệt đến mọi người có được niềm tin vững vàng ở Phật giáo và giúp cho Phật giáo Việt Nam vượt qua pháp nạn, tồn tại đến ngày nay.

Chính Bồ-tát Quảng Đức đã làm cho thế giới biết đến Phật giáo Việt Nam và thắp sáng ngọn đuốc giới định tuệ, tạo cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và cả thế giới vững niềm tin hơn nữa trên lộ trình thể nghiệm tinh ba của pháp Phật và tiếp nối đức hạnh ngời sáng của ngài.

Thân hữu hình của ngài thành tro bụi, nhưng thánh thân của ngài vẫn lưu lại cho chúng ta một trái tim bất diệt, vì không thể thiêu rụi trải qua hai lần đốt đến 4.000 độ. Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đã gửi vào ngân hàng Pháp giữ trái tim của Bồ-tát. Sau ngày thống nhất đất nước (1975), ngân hàng Pháp đã chuyển giao trái tim Bồ-tát cho ngân hàng trung ương và ngân hàng trung ương đã giao lại cho chi nhánh TP.HCM. Mỗi năm, đến ngày 20 tháng 4 âm lịch, Giáo hội chúng ta đều vào ngân hàng để dâng hương tưởng niệm Bồ-tát. Trước kia, tôi đã đến ngân hàng lưu giữ trái tim Bồ-tát. Chính phủ đã dành một gian phòng có bàn thờ trái tim của Bồ-tát Quảng Đức rất trang nghiêm. Trên bàn thờ có câu đối của Bác Hồ như sau:

Vị pháp thiêu thân, vạn cổ hùng uy thiên nhật nguyệt

Lưu danh bất tử, bách niên chính khí địa sơn hà.

Chính Bồ-tát Quảng Đức đã làm cho thế giới biết đến Phật giáo Việt Nam và thắp sáng ngọn đuốc giới định tuệ, tạo cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và cả thế giới vững niềm tin hơn nữa trên lộ trình thể nghiệm tinh ba của pháp Phật và tiếp nối đức hạnh ngời sáng của ngài.

Tiếp theo, trong mười ngày huân tu của Hội đồng Điều hành và Ban Giảng huấn Học viện Phật giáo TP.HCM, chúng ta cùng suy nghĩ để tìm được hướng đi thích hợp cho Tăng Ni thế hệ kế tiếp và đóng góp nhiều hơn cho Phật giáo Việt Nam, cho cộng đồng thế giới. Cầu nguyện chư Phật gia hộ cho tất cả hành giả an cư trên mọi miền đất nước được an lành trong ánh hào quang của chư Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày