Nguyên nhân của khổ đau và tội lỗi

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bài pháp đầu tiên Phật giảng cho năm anh em Kiều Trần Như ở Lộc Uyển rằng vì vô minh, vọng kiến khiến con người khởi lòng tham lam, bực tức mà dẫn họ đi vào con đường tội lỗi và khổ đau.

Muốn phá vô minh, vọng kiến phải nương vào trí tuệ của chính mình và muốn có trí tuệ phải có Chánh niệm Chánh định. Nhưng nếu chưa có Chánh niệm, Chánh định, cần nương theo Chánh niệm, Chánh định của Phật, Bồ-tát mới phá được vô minh, thấy được sự thật của cuộc đời, tức thấy điều nên làm và điều không nên làm. Phật tử cần nhớ đừng để vọng kiến khởi lên là thấy sai, không thấy luật nhân quả và cũng không thấy đúng về chính mình.

Vì vậy, Phật dạy quy y Phật là nương theo bậc có trí tuệ sáng suốt để dẫn đường cho chúng ta. Thật vậy, điều quan trọng cần phải sáng suốt, thấy rõ, thấy đúng, chúng ta không phạm những sai lầm, đương nhiên chúng ta không có tội lỗi thì nhất định không có khổ đau. Đó là điều căn bản Phật dạy mà Ngài đã nhận chân được khi thành đạo.

Chưa thành đạo, người ta thường nghĩ rằng điều xấu xảy đến là tại thiên hạ ăn hiếp mình thì mình phải chống lại họ, đánh họ. Nhưng đánh nhau, nếu họ mạnh hơn thì mình chết, hoặc cả hai mạnh ngang nhau thì cả hai đều chết. Nếu mình mạnh hơn, diệt được họ thì họ oán hận, trả thù và oan gia tương báo từ đây sẽ đến với mình không có điểm dừng. Điều này quan trọng mà Phật dạy chúng ta phải thấy.

Chúng ta hãy nghe Phật kể về mối thù tiền kiếp giữa hai cha con Tần Bà Sa La và A Xà Thế. Vua Tần Bà Sa La đời trước ỷ mạnh đã giết chết A Xà Thế và A Xà Thế mang mối hận thù ông vua này mới tái sanh làm con ông. Do vọng kiến, vô minh nên vua Tần Bà Sa La không biết mối thù tiền kiếp giữa ông và A Xà Thế. Nhờ Phật chỉ dạy, ông thấy được việc này, giúp ông giải được oan nghiệp đã tạo. Đó cũng là bài học quan trọng cho chúng ta tu hành ngày nay.

Phật nói với Tần Bà Sa La rằng A Xà Thế sanh làm con ông để báo thù. Mối thù này sâu đậm đến mức khi hoàng hậu mang thai A Xà Thế, Tần Bà Sa La ngồi bên cạnh gọt xoài, lỡ đứt tay chảy máu, hoàng hậu liền chụp lấy tay vua để hút máu. Triệu chứng này cho thấy A Xà Thế còn trong bào thai mà đã biết chộp lấy cơ hội để uống máu kẻ thù là cha mình. Thật đáng sợ!

Tu hành, Phật tử bình tĩnh, sáng suốt để nhận ra ai là người thù nghịch với mình. Thí dụ tự nhiên họ đánh mắng mình, nói xấu mình dù mình không làm gì đụng chạm đến họ. Có trí tuệ, thấy đời trước mình từng đánh họ, nói xấu họ, nên đời này họ mới xử sự tệ ác như vậy với mình là chuyện bình thường.

Nghe lời Phật dạy, gặp người thù nghịch, tôi tự nghĩ món nợ này ta đã trả ngươi rồi nhe! Trên bước đường tu, tôi từng trải qua 20 năm chịu đựng oan trái đổ lên mình. Hoan hỷ chịu đựng, cuối cùng nghiệp hết thì người ta không nói xấu nữa, hay đúng hơn, muốn nói cũng không được. Vì vậy, mình coi người thù đông hay ít, còn hay hết. Đừng để người ghét mình đông thêm là tu sai.

Làm sao người ghét, nói xấu ít lần, người bênh vực mình đông hơn. Như vậy là mình có tu nhẫn nhục, chịu đựng những gì họ đổ lên, nhưng mình không bao giờ trả thù thì nghiệp hết, người nói xấu mình cũng hối hận chứ, vì mình vẫn tốt với họ, kính trọng họ. Chính người chống mình thay đổi là biết mình hết nghiệp. Tu đúng là như vậy, gọi là hóa giải nghiệp.

Còn không biết thì nghiệp cũ lại tạo nghiệp mới. Nghiệp cũ là mình mang nợ họ rồi thì họ mới đánh mắng. Nhưng mình nhiếc mắng lại họ, thậm chí mình có quyền thế, hại họ. Như vậy là nghiệp tăng thêm mà nghiệp cũ cũng không hết. Người ta thường nói tu hành bị nghiệp khảo. Nhưng đó là nghiệp cũ của chính mình khảo mình, không có ai khác khảo mình cả. Kinh Hoa nghiêm diễn tả ý này là trùng trùng duyên khởi, tức nghiệp cứ theo nghiệp mà chồng chất vô tận.

Tu đúng đương nhiên cũng có nghiệp cũ, nhưng nhẫn nhịn được, thì trước nhất, người thấy mình hiền, nhưng bị ăn hiếp, nên họ có thiện cảm với mình. Bị xỉ vả đủ cách, nhưng mình vẫn nhiếp tâm được, không để lòng giận dữ hiện thành tướng giận, ráng kiềm chế là không cho nghiệp bộc phát.

Nhưng nếu không biết, không chịu đựng được nữa thì phản ứng nhẹ là mặt đỏ, phản ứng mạnh là động tay động chân, người ngoài cuộc thích chí coi hai đứa đánh nhau, đứa bể đầu, đứa gẫy chân, thiệt là tội nghiệp, chỉ vì vô minh, vọng kiến ngăn che nên không nhẫn nhịn được. Đối với người có trí tuệ, nhẫn nhịn việc ác thì còn đường sống, hay lùi một bước, trời cao biển rộng chào đón mình.

Đức Phật là bậc chân tu thanh tịnh yên lặng trước đám người gây sự với Ngài, vì Phật quán thấy quyền lợi bất chánh của họ bị mất bởi việc làm cao quý của Ngài, dù Ngài không cố ý gây thiệt hại cho họ. Ví như người mặt đen đứng cạnh người mặt trắng thì mặt đen càng nổi rõ hơn. Người bàng quan thấy Phật hiền lành, tu thiệt, nên họ kính trọng Ngài. Đám Bà-la-môn kiếm chuyện không được ai ủng hộ, tự xấu hổ, rút lui. Đức Phật đã đối xử việc ác một cách nhẹ nhàng như vậy.

Thiết nghĩ chúng ta học Phật mà không theo cách hành xử của Ngài thì thật là uổng. Nghiệp đổ và hết thì không ai nói được mình. Phật dạy rằng người nói xấu người tốt thì miệng liền câm bít. Nghĩa là không ai ủng hộ, không ai nghe, không ai góp ý, họ tự mắc cỡ, tự chấm dứt thôi.

Quy y Phật, học với người có trí tuệ, ban đầu nghe lời Phật dạy và mình làm theo, nhưng về sau, lòng mình sáng lên, bấy giờ mình có trí tuệ chỉ đạo, gọi là tự quy y Phật. Và có trí tuệ rồi, mình thấy biết tất cả người thương, người ghét, người không thương không ghét thì tùy theo đó mà xử lý. Muốn yên thì tới người thương mình, họ quý mình là chỗ nên tới. Người thù mình cũng biết, mình nói mà họ không nghe thì nói làm gì.

Cuộc đời này nghĩ cũng lạ, không ai nghe ai, nhưng ai cũng thích nói, người này nói thì người kia cướp lời, rồi cãi nhau, mắng nhau, đánh nhau là vô minh rồi. Biết họ là người thù thì gặp làm chi, nói làm chi. Mình chỉ nói cho người muốn nghe. Không muốn nghe, cạy miệng cũng không nói, đó là người có trí. Áp đặt cái mà người không muốn nghe, vô ích, còn nguy hiểm. Có Phật tử đến thưa với tôi rằng con không chịu nghe lời họ. Như vậy, thì càng nói mình càng khó chịu và con của mình càng khổ.

Phật đã dạy điều này rồi. Mình nhận lầm nó là con, nhưng nó đâu phải thiệt là con. Phật nói không có cha con, mẹ con gì hết, nhưng làm quyến thuộc của nhau đều do nghiệp cả. Nhìn kỹ thấy rõ con mà giết cha như A Xà Thế giết Tần Bà Sa La, là người thù sanh lại để đòi nợ. Người có trí tuệ thấy nó là kẻ thù, không phải là con. Còn người hết lòng thương kính mình là họ có quan hệ tốt từ kiếp trước với mình. Vì vậy, muốn an vui, chỉ nên làm việc tốt, dứt bỏ việc xấu.

Phật cho biết Tần Bà Sa La hết lòng với Phật vì từ nhiều kiếp trước, Phật đã từng thi ân, chỉ dạy giúp ông thành công. Đến kiếp hiện tại, bên ngoài thay đổi hình dạng, nhưng bên trong thâm tâm ông vẫn cảm thấy thương quý, kính trọng Phật. Phải thấy con người thật bên trong của ông vua này là như vậy. Ông hết lòng với Phật, cúng dường Phật khu thượng uyển để Ngài thuyết pháp. Tần Bà Sa La tốt với Phật bao nhiêu thì A Xà Thế càng bực tức khó chịu với Tần Bà Sa La và Phật. Phải nhận ra oan gia trái chủ, nó là chủ nợ theo đòi thì phải trả thôi, không có cách gì khác.

Tần Bà Sa La càng tốt, A Xà Thế càng tệ hại với ông bấy nhiêu, đến mức giết cha. Nhưng Tần Bà Sa La lúc đó theo Phật tu, nên ông rất tốt và tin lời Phật chỉ dạy cai trị đất nước theo Chánh pháp. Các Tỳ-kheo bấy giờ đến đâu cứ giảng Tam quy, Ngũ giới, nếu giữ đúng như vậy thì đất nước hòa bình. Nhưng điều này có hai mặt, nếu không biết mà chấp vào đó, thì trở thành quá hiền lành đến mức nhu nhược, dễ bị sát hại là điều không nên.

Thật vậy, hiền như vua Tần Bà Sa La, nên khi biết A Xà Thế ám sát mình, bị người ta bắt và phải đưa ra xét xử. Ông nói A Xà Thế là con của trẫm, để thể hiện lòng từ bi, trẫm cho con tự hối hận, tự sửa chữa lỗi lầm. Hỏi tại sao con muốn giết cha? A Xà Thế trả lời con muốn làm vua. Ông nói thì ta sẵn sàng nhường ngôi cho con lên làm vua. Ông liền sai đại thần xuống chiếu truyền ngôi cho A Xà Thế. Nhưng lên ngôi rồi, A Xà Thế ra lệnh nhốt cha vào lao ngục, bỏ đói cho chết.

Nhìn kỹ nhân quả rồi, nhịn để kẻ ác phát tâm tu thì nhịn, nhưng nhịn để nó làm ác, gây tội lỗi thêm thì không nhịn. Điển hình như Phật rất hiền, nhưng luôn có hai vị thần Kim Cang và Thiên long bát bộ túc trực bảo vệ. Không phải hiền, ngồi yên để thí mạng, như vậy là không có trí tuệ.

Khi Phật tại thế, Phật ngồi lặng yên, không phản ứng, nhưng chung quanh Phật, bấy giờ Ấn Độ có 16 nước thì có tám ông vua của tám nước lớn theo Phật, sẵn sàng bảo vệ Phật. Tám ông vua nhỏ không thích cũng không dám động đến Phật. Sau này, người ta hình thành ra bát bộ chúng bảo vệ Phật, không ai dám hại Phật. Có Thiên long bát bộ mới làm được việc bảo vệ Phật. Nếu không có Thiên long bát bộ bảo vệ, thì các vị La-hán ẩn tu, không truyền đạo.

Có trí tuệ thấy nhân duyên chưa tới, không làm được, tức khi đến kiếp hoại thì phải chịu thua. Thật vậy, một vị A-La-hán Ấn Độ thấy có chùa Nam Hoa, nhưng cũng thấy phải đợi 500 năm sau, mới có một vị đến đây kiến tạo ngôi chùa này. Phải đợi đúng lúc đó mới làm được. Người đắc La-hán có trí tuệ thấy chỗ thành thì đến. Không có trí tuệ, đút đầu vô chỗ hoại là công dã tràng.

Phật dạy rõ có Chánh niệm cắt được lòng tham lam, bực tức, không bị cám dỗ, không bị trần duyên quấy rầy. Người tu có Chánh niệm, ngồi yên, nhưng dụ không được, dọa không sợ. Người mất Chánh niệm khởi lòng tham mới bị dụ dỗ. Còn lòng tham, như tham tiền, tham sắc thì sẽ bị họ dùng tiền, dùng sắc dụ, tham cái gì thì chết vì cái đó, tức lòng tham tự kéo mình ra khỏi vòng đai an toàn.

Còn bực tức thì người tìm cách chọc phá cho mình nổi giận, mới gây chuyện, mới thọ quả báo. Ngoài ra, ngã mạn là xem thường người khác cũng là một loại phiền não. Mình dở hơn người mà còn xem thường họ thì càng mau chết. Nếu mình bằng người mà xem thường họ thì một ăn một thua, dù ăn cũng bị sứt đầu mẻ trán. Nếu mình hơn người, chẳng hạn đang có quyền thế, mình khi dể, ăn hiếp họ. Nhưng đến khi mất thế mất thời, việc ác đã tạo trải qua trăm kiếp cũng không mất, là nhân duyên hội ngộ gặp lại, họ trả thù.

Tuy nhiên, Phật dạy ở cuộc đời này mới tu được, quán sát trong một kiếp, mình trả một số nghiệp xấu đã phạm và tinh tấn tạo một số nghiệp lành. Vì vậy, Phật nói chỉ có hai việc là không làm tất cả việc ác và làm tất cả việc thiện. Để tái sanh được nhiều người thương, vì đã cưu mang giúp đỡ họ và không làm việc ác, thì nghiệp cũ trả hết, việc ác mới không làm. Như vậy, thế lực chống phá giảm lần, người ủng hộ tăng cao. Thể hiện điều này, Phật dạy tu hành có ba pháp hồi hướng: hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, hồi hướng Pháp giới chúng sanh và hồi hướng Chân như thật tướng.

Hồi hướng Vô thượng Bồ-đề là tất cả những gì mình có được trên cuộc đời này đều dồn hết cho trí tuệ, đầu tư cho trí tuệ, tu cho trí tuệ tăng trưởng. Tôi thường nói mình sẵn sàng nhường tất cả cho thiên hạ, nhưng việc học và tu thì không nhường, gọi là hồi hướng Vô thượng Bồ-đề. Thực tế là những gì mà người hiểu biết thì ta hiểu biết, những gì người không biết thì ta cũng biết. Phật là bậc Vô thượng giác, tức Ngài biết rõ tất cả mọi việc trong trời đất, không có gì nằm ngoài tầm hiểu biết của Phật. Học theo Phật, ta cũng phát triển tuệ giác như vậy.

Chưa có trí tuệ, nghe theo dễ mắc lầm, nghĩ người tốt, việc tốt, nhưng lại trở thành xấu. Ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh, thường mắc lầm yêu ma. Đời này yêu ma nhiều vô số, nó tìm cách dụ dỗ, chọc tức, phá hoại đủ cách làm mình tu không được. Phải nhờ Tề Thiên tiêu biểu cho trí tuệ, thấy rõ ma, yêu tinh dù nó biến hiện, ngụy trang đủ thứ thân hình tốt đẹp, nên ông mới diệt được nó.

Vì vậy, Phật khuyên các thầy tu đắc Thánh quả A-la-hán nhìn đời thấy rõ không sai lầm mới phát tâm Bồ-đề đi giáo hóa chúng sanh. Chưa đắc quả là chưa đạt đỉnh cao trí tuệ mà lo cưu mang cứu giúp người sẽ chết mất mạng, bị đọa không lên được. Ví như người không biết bơi mà cứu người chết đuối thì cũng chết chìm theo. Hiểu như vậy, phải tu đạt cho được Vô thượng Bồ-đề.

Thứ hai là biết đúng rồi, mới hồi hướng Pháp giới chúng sanh. Biết người nào độ được, giúp được mới đến để cứu giúp. Nhưng gặp ai cũng giúp là tự chuốc họa vào thân. Phải tìm người chia sẻ được mới cho lời khuyên. Tôi thường nhìn kỹ người muốn nghe, tôi mới nói. Hòa thượng Trí Tịnh nói rằng Phật pháp là trí tuệ, đem cả sinh mạng cầu còn chưa được, đâu phải cá ươn mà nài ép người mua. Người cầu đạo, vì đạo không tiếc thân mạng mới được ngài chỉ dạy. Hòa thượng thường ở trong tịnh thất, ít tiếp xúc, nhưng tôi tới, ngài đọc được tâm chí thành của tôi, nên ngài thường chia sẻ giúp tôi tiến tu. Người không đáng nói thì ngài tránh.

Dù lòng thương muốn cứu tất cả chúng sanh, nhưng Phật nói rằng với chúng sanh không có duyên, Ngài cũng không độ được. Người thương, quý trọng mình, thì nói họ mới nghe. Còn nói mà họ cãi tay đôi thì nên yên lặng, vì Phật pháp không phải chỗ tranh cãi. Mình phải có sở đắc và người nghe cũng phải có cùng tần số mới nói được. Pháp giới chúng sanh rộng vô cùng, nhưng mình tìm người có duyên đến giáo hóa.

Điển hình như Phật độ người ngoại cấp là Sunita, nhưng Phật cũng chỉ độ được một Sunita đắc La-hán. Những người hốt phân khác, Phật không cứu vì không có duyên, vì nghiệp của họ phải hốt phân, trả quả báo. Sunita có duyên với Phật, đời trước ông là Pháp sư nổi tiếng nhưng phạm một lỗi lầm nhỏ. Vì có một vị Bồ-tát nguyện theo hầu Pháp sư, ông nghĩ họ là người giúp việc, nên đi vệ sinh, ông sai họ đổ bô. Phạm lỗi này mà tái sanh, ông làm người hốt phân.

Hoặc Ca Nặc Ca hiện làm nhà sư bị hủi để thử lòng Ngộ Đạt quốc sư. Một hôm, nhà sư xấu xí, dơ bẩn, bệnh hoạn như vậy làm rớt dép xuống sông. Ngộ Đạt mới 12 tuổi đã nhảy xuống sông lượm dép cho ngài. Nhà sư nói rằng chú bé này quá thông minh, sẽ làm quốc sư, nhưng còn có nghiệp phải trả. Và dặn khi nào chú bị thọ nạn, hãy tới núi Cửu Lũng có hai cây tùng để gặp ông, rồi ông biến mất. Ít lâu sau, Ngộ Đạt bị mụn ghẻ nổi lên ở đầu gối có hình mặt người, mỗi ngày phải đắp một ký thịt và đổ một chai rượu lên cái mụn ghẻ. Nếu không cho cái mụn ghẻ ăn uống như vậy thì sẽ bị nó hành rất đau nhức.

Nhà sư là hiện thân của một vị Tổ cho biết chín kiếp trước, Ngộ Đạt làm quan đã xử, giết oan Triệu Thố, nên oan hồn của ông này cứ luôn theo đòi mạng, nhưng vì đời nào Ngộ Đạt cũng tu hành trang nghiêm, nên ông khó có cơ hội báo thù. Oan hồn Triệu Thố theo báo thù đến kiếp thứ chín, Ngộ Đạt làm quốc sư được vua Đường hết lòng kính trọng, đã đóng pháp tòa cho ông giảng kinh bằng gỗ trầm hương. Ông bèn nghĩ mình giỏi nhất thiên hạ, oan hồn mới thừa dịp Ngộ Đạt khởi niệm không lành mà nhập vào làm cái mụn ghẻ ở đầu gối để hành hạ Ngộ Đạt đau nhức.

Nhớ lời Tổ dặn khi nào gặp nạn, Ngộ Đạt đã đến núi gặp Tổ và được ngài chỉ dạy ông xuống suối rửa cái mụn ghẻ thì oan trái với Triệu Thố liền được giải trừ, cái mụn ghẻ tự tiêu tan. Và Ngộ Đạt sám hối tội lỗi đời trước đã tạo, mới viết sách Từ bi thủy sám.

Tất cả Bồ-tát hiện thân vào cuộc đời để cứu khổ độ sanh, không nói họ là Bồ-tát. Ông nào tự xưng Bồ-tát là giả. Bồ-tát hiện thân lại, làm được việc quan trọng và khi từ giã cuộc đời, để lại dấu vết thì mình biết đó là Bồ-tát.

Tóm lại, tu Bồ-tát đạo, hồi hướng Pháp giới chúng sanh là nguyện cứu vớt chúng sanh, nhưng có trí tuệ thấy chúng sanh nào có duyên cứu được mới cứu. Chưa cứu được thì tu Pháp hoa, nhớ thệ nguyện an lạc là giữ ý niệm cứu độ trong lòng, khi nào giúp được thì mình sẵn lòng đến giúp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.
Lễ cầu siêu chơn linh gần 400 bộ hài cốt được tìm thấy tại phố Tây Sơn

Hà Nội: Lễ cầu siêu tại nơi phát hiện gần 400 hài cốt ở phố Tây Sơn

GNO - Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội, sự đồng thuận của chính quyền các cấp, ngày 30-11, tại chùa Bộc (P.Quang Trung), Ban Trị sự TP.Hà Nội cùng Ban Trị sự Q.Đống Đa tổ chức Lễ cầu siêu cho các hương linh tại ngõ 167 phố Tây Sơn - nơi phát hiện hàng trăm bộ hài cốt.
Ảnh minh họa

Cái lõi

GNO - Mục đích và tôn chỉ của đạo Phật là giác ngộ giải thoát, cứu độ chúng sanh. Tâm nguyện của người tu Phật cũng vậy. Đây là chỗ rốt ráo của Phật đạo, cũng là cốt lõi mà Phật Tổ muốn chỉ bày cho tất cả chúng ta. Vậy thì giác ngộ điều gì? Diệu lực nào cho chúng ta giải thoát?

Thông tin hàng ngày