Chân lý là sự sống có ý nghĩa

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1191 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1191 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Phật giáo có hai phần là giáo và thiền mang tính cách thực tập. Quan trọng của Phật giáo là thực tập và tu chứng, không phải lý thuyết, nên người kẹt lý thuyết hay cãi nhau.

Đức Phật nói giáo lý ví như ngón tay chỉ mặt trăng, tức gợi ý về chân lý, không phải chân lý, nên chấp vào đó sẽ bị đọa.

Thật vậy, chấp vào giáo lý, vào sự hiểu biết của mình chỉ tranh cãi, phiền não sanh ra, vì mỗi người có kiến chấp riêng, không ai giống ai. Mình có kiến chấp của mình, người có kiến chấp của họ, hai người bàn luận thì cãi nhau suốt đời cũng không hết.

Thực tế cho thấy Xá Lợi Phất thông minh, trước khi theo Phật, Ngài là người hùng biện mà không có luận sư nào cãi qua Ngài. Đó là truyền thống của triết học Ấn Độ, tranh cãi để người thắng cuộc làm thầy. Vì vậy, các vị Tổ Phật giáo nói rằng Bà-la-môn tụ hội vô thù, tức gặp nhau là cãi hết chuyện này đến chuyện kia, chẳng được lợi ích gì.

Xá Lợi Phất cãi giỏi, không ai cãi lại, nhưng Xá Lợi Phất gặp Mã Thắng đắc đạo, không cãi, mà đạo lực tỏa ra khiến ngài kính trọng và theo Mã Thắng về gặp Phật, ngài lại sanh kính trọng hơn. Mã Thắng không nói gì, Phật cũng chưa nói gì, nhưng ý thức tranh cãi của Xá Lợi Phất tự biến mất.

Có thể khẳng định đạo Phật không phải là đạo tranh cãi, lý luận, nhưng chúng ta nghe, suy nghĩ và thực tập có kết quả. Đức Phật cũng dạy chúng ta phải nỗ lực thể nghiệm giáo pháp trong cuộc sống cho đạt kết quả tốt đẹp.

Riêng tôi lúc còn trẻ cũng ưa tranh cãi cho ra lẽ đúng sai, nhưng gặp Hòa thượng Trí Tịnh, ngài nói một câu khiến tôi suy nghĩ: “Mai mốt lớn lên, thầy sẽ biết”. Quả thật, tuổi đời, tuổi đạo lớn lên và có thực tập giáo pháp của Phật thì hiểu biết của tôi theo từng giai đoạn khác nhau, tôi chợt nhận ra sự thay đổi tốt đẹp là chân lý.

Thật vậy, chân lý là sự sống luôn phát triển. Cho nên, chúng ta học Phật, phải phát triển trí tuệ của chúng ta mà Phật khuyên rằng phải thấy đúng, biết đúng về sự phát triển của cuộc sống. Chúng ta chưa thấy thì còn là người mù về chân lý, mù về sự sống của chúng ta. Vì chúng ta sống mà không biết được định luật chi phối của thiên nhiên, sống ngược lại quy luật tự nhiên của trời đất, chắc chắn chúng ta sanh bệnh và phiền não. Cơ thể phải hòa hợp với thiên nhiên, trời đất, chúng ta mới khỏe mạnh. Phải thấy phải biết như vậy, nhưng phần nhiều người ta rơi vô mê tín, tức ai nói gì cũng làm theo. Người theo tà đạo suốt đời không được gì là ý này.

Phật khuyên phải làm cặp mắt chúng ta sáng, chữa cặp mắt mù trước chân lý, mù trước cuộc sống. Chúng ta không biết mình, không biết người xung quanh, không biết thời tiết nhân duyên bên ngoài thay đổi, nhưng Phật dạy phải hiểu điều này, biết điều này.

Vì vậy, thực hiện ý Phật dạy phải tu cho đôi mắt sáng mới thấy được chân lý. Mà chân lý luôn biến chuyển, thay đổi, không bao giờ cố định. Chính vì lý này, Phật thuyết pháp 49 năm, nhưng Ngài nói đó là phương tiện, sự việc qua rồi, đừng chấp vô giáo pháp.

Chân lý thay đổi theo lý nhân duyên. Thí dụ hôm nay, những người này là bạn thân với nhau, nhưng có thể ngày mai, họ sẽ trở thành bạn xấu, hại nhau. Hay ngược lại, hôm nay chống phá nhau, mai lại thành bạn. Điều này gọi là nhân duyên, hoàn cảnh thay đổi nên tâm lý con người cũng thay đổi.

Phật dạy khởi đầu tu quán Tứ niệm xứ cũng là quán nhân duyên, đó là phương pháp chữa bệnh mù của con người. Nhìn kỹ, chúng ta thấy người nhiều tham dục, tức nhiều ham muốn quá, ham danh lợi, tiền bạc, sắc đẹp, ăn ngủ khiến mờ mắt làm họ mù trước thực tế cuộc sống. Phật dạy quán tưởng, thấy rõ điều này rồi thì cắt lòng ham muốn sẽ nhìn cuộc đời sáng hơn, thực hơn, cuối cùng, thấy được cái thực của ta, tức ta là gì, ta nên làm gì, nên nói gì, đó là việc quan trọng phải thấy.

Hết lòng tham, chúng ta thấy tương đối chính xác hơn. Còn lòng tham thì thấy theo lòng tham là đeo cặp kính màu, hay mắt mù rất nguy hiểm, nhưng tham không thấy nguy hiểm. Người xưa nói: “Nhân tham tài tắc tử. Điểu tham thực tắc vong”. Nghĩa là con chim tham ăn, không để ý cái lưới người ta giăng bắt nó, thấy thức ăn là nó nhào xuống bị lưới chụp. Con người tham nhiều hơn. Tham sắc thì bị sắc cám dỗ, tham tiền thì đút đầu vô chỗ chết vì tiền.

Con người kẹt tham muốn mọi thứ, không thể thấy chân lý là sự sống của tất cả muôn loài từ nghìn xưa cho đến ngày nay và mãi đến nghìn sau.

Cắt lòng tham, chúng ta thấy sự vật tương đối chính xác, bực tức cũng theo đó mất luôn. Tham mà không được mới bực tức, buồn phiền, khổ đau. Không tham thì chẳng có vấn đề gì.

Phật tử nên biết điều này, nếu tham thì không sống đúng với thực tế được. Vì vậy, đệ tử Phật chứng Sơ quả trở lên, nhìn thấy được cuộc sống một cách đúng như thật, cho đến thăng hoa trí tuệ. Như vậy, 1.250 vị A-la-hán thường tùy với Phật, không vị nào giống vị nào, nhưng tất cả đều giống nhau là giải thoát. Còn mỗi vị có cuộc sống khác nhau, mỗi vị có hoàn cảnh riêng, có sở đắc riêng. Do đó, các ngài sống trong giải thoát, tức sống không tham, vì các ngài thấy đúng rồi, thấy mình phải sống thế nào là đúng, không phải lấy mình so với người khác.

Thật vậy, mỗi người có sức khỏe, hiểu biết không giống nhau thì làm sao cuộc sống giống hệt nhau được. Ta sống với cái của ta thôi, sẽ được giải thoát. Riêng tôi khi còn là nghiên cứu sinh ở Nhật, một tháng chỉ có 50 USD là sống dưới mức nghèo khó rồi. Một sinh viên lúc đó được chuyển ngân chính thức 100 USD một tháng, nhưng tôi không có tiền chuyển ngân, nên giao cho người có tiền để họ chuyển 100 USD, mà họ chỉ giao lại cho tôi 50 USD thôi, còn 50 USD thì đưa cho anh sinh viên giàu. Tôi phải sắp xếp vừa tiền học phí, tiền ăn ở, tiền sinh hoạt…, nên tôi sống rất tằn tiện nhưng vẫn được an lạc, giải thoát.

Trong khi anh sinh viên nhà giàu được 150 USD, nhưng không sống thực với số tiền này, tức sống trên thực tế. Anh gặp bạn rủ lên thiên đường là ở khách sạn một đêm 100 USD và từ thiên đường đi ra, trắng tay, đến mượn tiền tôi và nói ông tu không biết xài tiền! Dĩ nhiên tôi không cho anh ta mượn tiền. Anh này không sống với thực tế của mình, nên cuộc đời anh cứ chồng chất khổ, nợ chồng nợ, học không được, trở thành thân tàn ma dại. Nếu anh này thực tế một chút vẫn có đời sống cao hơn, học tốt hơn và tương lai xán lạn hơn. Phật tử thường nghĩ chân lý là cái gì xa xôi, nhưng Phật nói chân lý là cuộc sống. Ông chủ trại bò bị mất bò, vừa đi tìm bò vừa khóc, không phải có của là sướng. Chưa có của thì ham muốn là khổ, có rồi phải giữ cũng khổ và bị mất thì khổ hơn nữa.

Các thầy tu hành không có ham muốn. Nếu là Phật tử, đầu tiên học pháp này là không ham muốn gì, phải sống với thực tế, vì ham muốn bất cứ cái gì cũng có cái khổ theo sau. Cắt ham muốn tự nhiên được an lạc, giải thoát. Tu hành dù học nhiều bao nhiêu, nhưng không cắt được phiền não này chỉ đọa thôi, đi xuống lần đến địa ngục.

Ham muốn là một trong sáu phiền não căn bản, là khổ che mù mắt. Cắt ham muốn, chúng ta nhìn đời sáng và sống có ý nghĩa. Ý thức sớm điều này để không phạm sai lầm. Không phải sai lầm từ tuổi nhỏ, hay sai lầm ở tuổi trung niên, hoặc sai lầm ở tuổi già. Sống ở tuổi nào biết cần làm gì thì làm việc đó. Còn trẻ, sức khỏe tốt, có nhiệt huyết nên làm những việc dành cho tuổi trẻ, không phạm sai lầm của tuổi trẻ và có uy tín thì dễ tạo địa vị xã hội ở tuổi trung niên. Nếu phạm sai lầm thì lớn lên, không ai dám giao việc cho mình.

Vì vậy, con đường đi lên của con người từ khi sanh ra đến khi chết, nếu ngộ đạo, chứng đạo, tức sống với chân lý, sống có ý nghĩa, thì đó là Niết bàn, ở tuổi nào cũng ở trong Niết-bàn. Không biết, làm sai là địa ngục, khổ đau.

Phật dạy chính yếu của việc tu hành phải đoạn sáu căn bản phiền não là tham, giận, si mê, ngã mạn, nghi ngờ và ác kiến. Si mê là không biết, không thấy đúng sự thật. Chúng ta cần học và thực tập pháp Phật dạy, đến khi chúng ta nhìn việc, biết mình làm được việc đó hay không và làm việc đó để làm gì. Trả lời được là hết si mê. Ngoài ra, nhìn người, chúng ta biết có nên tiếp xúc không, hợp tác với họ được không.

Có người Bà-la-môn hỏi Phật tin thượng đế không. Phật thấy ông này tin thượng đế đến mức cuồng tín, Phật nói không. Đó là việc quan trọng của xử sự trong cuộc đời. Và ông thứ hai cũng hỏi như vậy, Phật nhìn vào mắt ông, nhìn vào tâm ông, thấy ông không tin. Phật nói có tin thượng đế.

Chúng ta có bạn đồng học, đồng tu, hiểu nhau mới chia sẻ được, nhưng tranh việc thì không được. Nhìn người phải biết rõ họ tới với chúng ta để làm gì. Chúng ta biết họ muốn thuyết phục chúng ta đi theo con đường của họ và chúng ta cũng biết luôn rằng theo con đường của họ là chết.

Chân lý không phải cái gì xa xăm. Chân lý là sự sống có ý nghĩa. Phật sống có ý nghĩa vô cùng vì Phật có trí tuệ, Phật thấy chân lý là Ngài thấy biết rất đúng về mọi việc, rất đúng về người và Ngài cũng biết giúp họ được hay không. Phật tử tu theo Nguyên thủy chỉ áp dụng phương thức hành trì này theo Phật mà họ đạt được kết quả, có đời sống tốt đẹp. Còn chúng ta tu nhiều pháp mà chê nhau là sai.

Tôi quan hệ với các thầy Nguyên thủy rất hiền. Tôi cũng tu như vậy, phải thực tập thiền quán để biết người, biết việc nên làm, không nên làm mà làm là thọ nạn. Vị A-la-hán cũng thương người, nhưng không làm, vì làm sẽ không lợi cho mình và không lợi cho người, nên họ chỉ giữ tâm thanh tịnh.

Tu hành, lần cắt hết sáu căn bản phiền não, chúng ta nhìn đời tương đối chính xác và làm được việc, không bị ai dụ dỗ. Không thấy tướng của người, mắt của người và tâm của người mà ta theo sẽ bị họ lừa đảo.

Thực tế khi tôi mới làm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, nói cách nào đó, là mới bắt đầu làm báo, đương nhiên không biết. Có một người tới nói rằng thầy đang gặp khó khăn phải không? Lúc đó tòa báo không có tiền, vì từ bao cấp chuyển qua tự túc nên rất khó khăn. Họ biết mình đang khó khăn nên họ muốn lợi dụng. Nếu mình không biết, không thấy ý đồ xấu xa của họ, mình sẽ đi vào con đường cùng, không có lối thoát.

Tôi nhìn mắt, nhìn tâm, thấy anh này không thật lòng và thấy tướng của họ thì càng phải cẩn thận hơn. Anh nói: “Tôi sẽ giúp thầy, cung cấp giấy cho thầy in báo và thầy bán báo, có tiền trả lương cho nhân viên”. Khó khăn mà có người đến bao như vậy, mình sướng không?

Người thứ hai tới, cũng nói: “Tôi sẽ giúp thầy, phát hành bao nhiêu báo, tôi sẽ bao tiêu hết”. Một anh bao tiêu giấy, mình khỏi tốn tiền mua giấy, một anh bao tiêu hết số lượng báo in ra, không sợ báo ế! Được như vậy, đương nhiên mọi người đều nghĩ là sướng quá rồi.

Nhưng tôi nhìn vào mắt hai anh này, nhìn tướng hai anh và nhìn tâm của hai anh, tự nhiên tôi phát hiện đây không phải là sự thật, mà là cái bẫy giương lên, rớt vô là chết. Bấy giờ, bác Cầm là nhà báo lão thành nói có người cung cấp giấy, không lấy tiền, lại có người bao tiêu báo, không phải lo bán báo, như vậy sướng quá, tại sao thầy không nhận. Vì hoàn cảnh khó khăn quá, nên bác Cầm cũng lo sợ, lúng túng, nên mừng rỡ khi có người giúp đỡ.

Người xưa nói: “Họa vô đơn chí”, mình đang gặp khó khăn mà có người ác tới giúp, vội vàng nhận liền là vô bẫy của họ, chết chắc. Quả thật, sau này hiểu ra thì đây là hai anh lừa đảo đã bị ở tù. Lúc đó, bác Cầm lại nói may quá há thầy, nếu nghe là chết.

Có thể khẳng định rằng tu hành cần bình tĩnh, sáng suốt và không tham mới không vướng bẫy, vì khó khăn mà được giúp đỡ, vội mừng, tin theo thì dễ chết. Điều quan trọng là không tham, tìm cách gỡ rối khó khăn mới nhìn thấy được sự thật là họ lừa đảo, mình không nghe theo, không bị mắc bẫy. Với người bạn tốt, mình hợp tác.

Làm việc cho Báo Giác Ngộ, tôi và Hòa thượng Giác Toàn tu hành, ăn cơm Phật, không cần lương. Những nhân viên khác cần lương tối thiểu để sống và phục vụ. Một số Phật tử khác có tiền hùn lại để mua ủng hộ báo, người tiêu thụ 10 số, đạo hữu kia lấy 100 số, cho đến nhiều hơn. Và cứ như vậy mà nuôi tờ báo Giác Ngộ đến nay tồn tại trên 30 năm. Sống với thực tế này, từng bước tờ báo đi lên, có tiền mua giấy, trả nhà in, trả lương nhân viên, v.v…, đó là sự thật. Còn anh lừa đảo bao hết, đem báo đi đâu bán?

Chân lý là thực tế cuộc sống, không sáng suốt sẽ vỡ nợ, ở tù như không. Trong việc hợp tác với người, mình bình tĩnh, sáng suốt, thấy được người không có nhiều tiền, không nói hay, nhưng họ thật lòng với mình thì đáng tin cậy. Còn hợp tác với người mà mình không hề biết rõ về họ thì phải cẩn thận để khỏi sa bẫy.

Tu chứng chân lý là thấy cuộc sống do sáng mắt, nên không tham, không bực tức, không si mê. Sáu căn bản phiền não, ngoài tham, sân, si, còn có mạn là xem thường người, nhiều khi mình chưa bằng ai, nhưng coi ai không ra gì là nguy hiểm. Phật dạy phải luôn khiêm tốn, luôn thấy mình dưới người khác, có tâm ví như đất, ai đem đổ oan bất cứ việc gì, mình chịu được hết.

Kinh nghiệm tôi thấy điều này trong cuộc sống, người giận tức gặp khó khăn, họ làm chuyện xằng bậy cũng đổ cho mình luôn. Bị như vậy, dễ có phản ứng lại là bực tức, vì mình tu hành nghiêm chỉnh. Thuở nhỏ tôi bị đổ oan, cố Hòa thượng Trí Quang khuyên rằng nhịn được mới tu được, không nhịn được thì tiêu cuộc đời tu luôn.

Từ chỗ bị đổ oan, quán nhân duyên thấy thực tế cuộc sống, thấy mình thấp cổ bé miệng, nên người ta dễ dập mình. Nếu đổ oan cho người khác thì họ sẽ bị người ta đánh chết luôn, chứ không nhịn. Và thấy được cái lý này là tu.

Tu có công đức và đắc quả như Đại Thiền sư Huệ Tư, ngài dạy rằng họ đánh phá cái nghiệp của mình, mình phải cám ơn, vì mình không phải là nghiệp. Họ đánh tróc cái nghiệp, con người thực của mình hiện ra.

Người sái quấy đổ lỗi cho mình, mình nhận và hóa giải được nghiệp, sau này họ sợ mình, mình không sợ. Tỳ-kheo tu hơn nhau điểm này. Thật vậy, người khinh chê, nói xấu tôi, nhưng sau khi tôi tốt nghiệp, về nước làm việc, họ sợ tôi, vì họ thân tàn ma dại.

Nếu mình không tu, tay đôi với họ, họ dập mình chết rồi, mình đâu còn sống để tu. Mình coi đây là phước của mình, gọi là chuyển nghiệp, là cơ hội để mình tu tạo phước. Nghĩa là mình nhận lỗi của người khác thì họ nợ mình, mình không nợ, mình là chủ nợ sướng hơn.

Phật nói Ngài là chủ nợ của muôn người, nên họ hết lòng chết sống với Phật. Trong một kiếp, mình cứu một người, độ một người, họ trưởng thành, trở thành bạn tốt của mình.

Vì vậy, Phật tử tu, làm sao mỗi ngày thêm được một bạn tốt là tu đúng pháp. Vì biết mình tu được một tánh tốt mới chiêu cảm được một người tốt tới. Ai cũng muốn có bạn tốt, nhưng sao chỉ có người lừa đảo tới?

Phật không cần, nhưng người tốt tìm Phật, vì trí tuệ Phật cao tột, thấy biết được cách sống thánh thiện gọi là chân lý. Nên họ nương Phật để biết cách sống giống Phật là sống với chân lý, được an lạc giải thoát.

Phật chỉ dạy từng việc, mình phải làm theo. Phật gặp người tốt, có tâm ưa bố thí, nhưng anh này nghe người dụ dỗ, bố thí đến mức tiêu hết tài sản. Phật mới khai ngộ rằng bố thí là việc tốt, nhưng có ba trường hợp bố thí mang lại kết quả khác nhau: bố thí ít mà được phước nhiều, bố thí nhiều được phước ít và bố thí nhiều mà tội nhiều, bố thí ít, tội ít. Phật tử phải suy nghĩ pháp bố thí.

Phật nói cậu bé chăn trâu nghèo ở mướn chỉ cúng Phật một bó cỏ, nhưng anh này được hưởng phước rất nhiều. Vì Phật ngồi trên bó cỏ này tu thành Phật, suốt cuộc đời Phật giáo hóa, tạo vô lượng công đức đều chia phần cho anh này. Và giáo pháp Phật được lan truyền cho đến nay thì anh vẫn tiếp tục được chia công đức. Nhờ vậy, anh được sanh lên trời, đời đời hưởng phước không hết, vì giáo pháp Phật vẫn còn truyền bá, nên anh có tên là Kiết Tường thiên.

Người tu khó khăn, mình hỗ trợ một chút mà họ thành tài, mình được phước. Nhưng có người gặp hoàn cảnh khó lại tu được, mình lo cho họ đầy đủ, họ lại hưởng thụ, không tu là mình đã hại họ, làm sao có phước.

Tu hành, điều quan trọng phải có trí tuệ, thấy chân lý, nói thực tế là thấy người đáng giúp và chỉ cần giúp một lời nói, họ thành công, mang ơn. Còn mình giúp cả tài sản, nhưng họ phá sản là mình thiếu trí tuệ, giúp không đúng người.

Trên bước đường tu, chúng ta phải sắp xếp cuộc sống được ổn thỏa, tốt đẹp, tức thể hiện chân lý trong cuộc sống hiện tại. Và hiện tại này lần diễn biến trong tương lai, vì mình thấy chân lý, sống với chân lý, nên diễn biến đến tương lai cũng tốt.

Từ tuổi trẻ đến tuổi trung niên và tuổi già, ở mỗi giai đoạn, làm đúng, sống đúng với lứa tuổi đó và được mọi người chấp nhận, thương quý. Còn trẻ sống bê tha, tuổi trung niên không được tin dùng, đến tuổi già chẳng làm được gì nữa, rồi oán trách cuộc đời và bị đọa.

Nhiều người cứ nghĩ chân lý sau khi chết mới có. Phật nói chân lý ngay trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta phải biết sống thế nào được an lành, hạnh phúc. Và hạnh phúc, theo Phật dạy, do đoạn nghiệp không tham sân si, không cống cao ngã mạn, không nghi ngờ vì đã thấy rõ.

Người hay nghi thường phạm sai lầm, khi tin là tin mù quáng, nhưng bị lừa rồi thì thấy ai cũng nghi, ví như con chim sợ cành cây, tưởng là cái ná. Lúc đó, dưới mắt mình, trong lòng mình, mọi người xung quanh đều không tốt, thì làm sao họ tốt được với mình. Ban đầu mình nghĩ xấu về họ, sau họ xấu thiệt với mình. Cuối cùng cuộc đời mình cô độc, vào địa ngục, vì không thấy chân lý.

Sống với chân lý, tức đoạn trừ được sáu căn bản phiền não, bạn tốt sẽ nhiều hơn, công việc sẽ thành tựu tốt đẹp hơn, đến khi nhắm mắt lìa đời, cuộc sống kiếp sau cũng tốt hơn.

Tóm lại, thực hiện lời Phật dạy, với cuộc sống có ý nghĩa và trí tuệ sáng suốt đã thể hiện chân lý, mai kia mình vào thế giới nào cũng theo đà này đi lên cho đến thành Phật. Tu hành, đừng nghĩ xa vời, phải trở lại thực tế, thể nghiệm tinh ba của Phật dạy cho có kết quả tốt đẹp trong cuộc sống này. Đó là hướng Phật giáo căn bản thực hành như vậy, Phật tử luôn được an lạc và xây dựng xã hội an vui.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày