GN - Có những người phát hành báo, lặn lội đường sá xa xôi đến tòa soạn lấy báo về bán cho độc giả mà không chú trọng đến phần lời, mà chỉ cần nhìn thấy người đọc báo tiếp xúc với giáo lý nhà Phật để sống tốt là hoan hỷ lắm.
Họ - có người gắn bó với báo từ số đầu tiên, có người mười mấy năm, có người chỉ vài năm gần đây yêu Giác Ngộ từ những điều như thế. Ở đây, trong giới hạn của trang báo kỷ niệm năm nay, xin giới thiệu 3 gương mặt “đại lý” thân thiết với Giác Ngộ bao năm qua…
Đã 4 tuần nay bác không đi lấy báo…
Những tháng ngày cuối năm này, ngày cuối tuần Sài Gòn vắng đi bóng dáng của bác. Điện cho bác hỏi thăm sức khỏe, bác trả lời một cách nhọc nhằn: “Buồn lắm, bệnh cả tháng nay rồi, không còn đạp nổi xe đạp, bắt xe đò để lên Sài Gòn lấy báo về. Nhớ lắm!”, nói đến đây, bác dừng lại vì những cơn ho kéo dài. Đó chính là bác Mây Hồng (Trần Văn Hồng), một phát hành viên tận tụy với báo.
Bác Mây Hồng - người gắn bó với Giác Ngộ từ những ngày đầu - Ảnh: H.Ý
Chúng tôi tìm đến tận nhà bác ở 57 Lý Thường Kiệt, P.4, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, nếu không tiếp xúc với bác nhiều, thật khó mà nhận ra bác. Năm nay bác Mây Hồng đã 81 tuổi, bị viêm phổi giai đoạn 2, nhịp tim không ổn định, thường có cảm giác hụt hơi nên ngày nào cũng phải đến bệnh viện chích thuốc và điều trị. Lao lực nhiều, chỉ trong 1 tháng, bác tụt mất 4 cân, giờ chỉ còn 43 ký. Gặp bác, thấy bác mừng, tôi hiểu bác muốn chia sẻ nhiều chuyện lắm, nhưng rồi bác không trò chuyện được bao lâu.
Tiếp xúc với những “đại lý phát hành” trong bài này, mỗi người là một câu chuyện tôi không bao giờ quên. Dẫu lý do gắn bó với Báo Giác Ngộ khác nhau nhưng họ đều có sở nguyện là góp nhặt yêu thương, cống hiến cho đời để xoa dịu đau thương thông qua cầu nối với tờ báo đạo. Họ là những con người tiêu biểu, yêu công việc phát hành. Đồng thời, các “đại lý” này có một điểm chung là đều khó khăn, người thì tuổi già sức yếu, người thì bệnh tật nhưng phải cáng đáng cả một gia đình với những người cùng khổ… |
Nếu như lúc trước buổi trò chuyện luôn bị gián đoạn vì bác phải gói báo giao cho khách hàng thì giờ lại bị gián đoạn bởi những cơn đau hành hạ. Nghe chị của bác kể mà thương bác vô cùng: “Mây Hồng ham việc lắm, cứ đòi làm chứ không chịu nghỉ. Đang ngồi ăn cơm mà nghe kêu báo Giác Ngộ về tới là bỏ cơm, chạy lại sắp xếp để đi giao cho người ta. Trời mưa, trời lạnh gì cũng đòi đi bỏ báo cho khách. Không cho đi thì cứ bước ra bước vô hoài. Bữa rồi còn lén tui đi giao báo, giữa đường gần xỉu, người ta đưa về nhà, tôi vừa thấy thương, vừa thấy giận. Từ đó, tôi và con của Mây Hồng đi bỏ báo giúp…”.
Vậy nhưng bác vẫn chưa yên tâm, khi con đi giao vừa về tới nhà là bác điện cho người ta hỏi có nhận được báo chưa, người ta trả lời nhận được rồi, bác mới yên tâm. Một tờ báo lời có nhiêu đâu, nội tiền điện thoại cho người ta cũng hết rồi, vậy mà bác bảo bác vui, cái vui vì trách nhiệm với nghề, với bạn đọc.
Gắn bó với báo Giác Ngộ từ số báo đầu tiên, 38 năm phát hành báo nên với bác, Giác Ngộ là niềm vui không thể thiếu trong cuộc sống. Bệnh là vậy nhưng bác vẫn rất tâm huyết với công việc của người phát hành.
Khi cơn ho ngắt ngang, trước phóng viên trẻ như chúng tôi, bác liền bộc bạch: “Bệnh, ngồi chỗ thế này khó chịu lắm. Bác là bác thích trực tiếp lên Sài Gòn lấy báo về bán. Lấy báo nóng về bán thích lắm, còn tòa soạn gửi về trễ mất 2 ngày, bà con ở đây trông ngóng, mình cũng sốt ruột. Có những đêm báo về trễ, lúc nửa đêm tôi cũng ráng chờ chứ không dám ngủ, sợ nhà xe xách đi, ngày mai lại không có báo bỏ cho khách, trễ một ngày là nôn một ngày. Cả tháng nay không đi lấy báo được, nhớ không chịu nổi. Chừng nào bác còn thở là bác còn làm cộng tác viên cho báo Giác Ngộ chứ hổng có ý định nghỉ”. Nghe bác nói mà rưng rưng.
Đại lý chỉ phát hành duy nhất báo Giác Ngộ!
Tìm đến nhà trọ của bác Nguyễn Văn Phương ở Bến Vân Đồn cũ, P.8, Q.4 (TP.HCM) - không có hẹn trước vì nghĩ rằng, bác sẽ chẳng đi đâu, vì bác vừa xuất viện do không có tiền đóng viện phí. Nhưng khi đến nhà bác thì không phải vậy, bác đã xách gậy đi bán vé số.
Vợ bác trí nhớ không tốt lắm nhưng vẫn đủ tỉnh táo để nói với tôi: “Chờ ổng tí đi cô, đừng bỏ về, tội nghiệp”. Và rồi khi bác Phương trở về nhà, nghe bác kể thì tôi mới hiểu được vì sao vợ bác lại bảo tôi ngồi chờ.
Bác Phương chỉ phát hành duy nhất Giác Ngộ vì nghĩa tình với tờ báo - Ảnh: Yên Hà
Tuổi 64, hai mắt đã mù lòa, tay khuyết tật, đủ thứ bệnh oái ăm nhưng bác là trụ cột của gia đình, vừa lo cho vợ, 2 đứa con, vừa lo cho 3 đứa cháu. Thở không lên hơi, bước đi đầy khó khăn nhưng bác vẫn liều mình đi kiếm tiền là vì: “Bữa tôi bệnh, vợ sợ tôi chết, chạy khắp xóm vay 5 triệu để lo cho tôi. Giờ mỗi ngày phải đóng tiền lời là 50.000 đồng. Tôi ráng cắn răng chịu đựng, đi bán… đại đó chứ đi không có nổi. Bữa bệnh viện kêu tôi đặt ống thông tim để kéo dài mạng sống nhưng 50 triệu đồng, nằm mơ tôi cũng không có”.
Lấy khăn che mặt mà nước mắt bác cứ tràn, chảy dài trên gương mặt nhiều khối u nổi lên dày cộm.
Rồi bác tiếp: “Tôi làm cộng tác viên cho Báo Giác Ngộ từ năm 2009, đó là lúc báo Giác Ngộ đăng tin từ thiện hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, con tôi bị liệt, vợ tôi đau ốm mà không có thuốc uống. Nhờ đó mà con tôi có chút tiền xoay xở trước khi mất. Từ ngày đó, tôi đi bán báo Giác Ngộ như trả cái ơn và cũng để kiếm thêm chút tiền sinh sống. Với gia đình tôi, tôi mang ơn, mang nghĩa của Báo Giác Ngộ là vậy”.
Sáng thứ 6 hàng tuần, khi báo vừa ra là bác thuê xe ôm lên tòa soạn lấy báo, rồi về nhà cất một số, còn lại mang đi bán. Nhưng những ngày này, bác chỉ cầm nổi 5 tờ báo, chứ không thể xách một lúc 50 tờ báo như trước, sức khỏe bác đã giảm nhiều, yếu hơn và nỗi lo cũng nhiều hơn, lo sợ rồi đây chặng đường đến với báo Giác Ngộ ngày càng rút ngắn dần.
Mặc dù chuyển đến đây ở mới vài tháng nhưng nói đến bác, rất nhiều người biết, vì: “Thứ Sáu, thứ Bảy nào cũng nghe ông Phương mù rao bán báo khắp con hẻm, khu phố lân cận hết”, một cụ gần nơi bác trọ chia sẻ.
Có lẽ, trong số cộng tác viên phát hành, bác là trường hợp đặc biệt nhất vì bác chỉ bán duy nhất một loại báo Giác Ngộ. Hai ngày cuối tuần bác bán báo, những ngày còn lại thì bán vé số mưu sinh. Gắn bó với báo Giác Ngộ một thời gian, bác ngẫm nghĩ: “Vui buồn với tôi có đủ. Có những người thấy thương mình, mình mù không thấy đường, cứ sáng thứ Sáu khoảng 10 giờ là ra trước cổng đứng, nghe tiếng mình rao là họ chạy lại lấy báo giùm mình, không để mình khó nhọc. Có nhiều người họ thương, họ cho tôi thêm 2.000 đồng, không lấy tiền thối lại”.
Nếu không bán báo Giác Ngộ, trái tim tôi sẽ đau hơn
Đó là câu nói đầu tiên chị Lê Thị Thanh Nga chia sẻ với người viết. Chị bảo: “13 năm về trước, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tui phải rời quê ở Lâm Đồng về Sài Gòn bươn chải lo cho gia đình. Tui mở cái sạp báo nhỏ để bán, trong đó luôn có báo Giác Ngộ vì trước khi lên Sài Gòn, dưới quê tui có sinh hoạt Gia đình Phật tử. Nếu như không có báo Giác Ngộ, không có những tờ báo đạo chắc là tui không đủ kiên cường để bước tiếp, trái tim đau của tui chắc sẽ không có cơ hội được chữa lành bằng những yêu thương...”.
Nói đến đây, khóe mắt chị đỏ hoe, thế thôi cũng đã biết cuộc sống của chị trải qua không ít thăng trầm, khó nhọc.
Với chị Thanh Nga, việc bán báo Giác Ngộ là "liệu pháp" mang đến nguồn an vui - Ảnh: Yên Hà
Sạp báo của chị bé tí ti, ở đối diện tòa soạn báo Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) nhưng tuần nào chị cũng phát hành, “bỏ mối” được 8 nơi. “Tui biết phía đối diện - bên phòng phát hành báo Giác Ngộ có bán, đi qua chỉ vài bước chân nhưng tôi luôn mua báo của cô Nga. Vì thấy cô nghèo, ở trọ mà phải nuôi người anh bị cụt chân, nuôi cháu đi học, vất vả nhưng thật thà nên tôi thương”, một khách hàng của chị bộc bạch.
Khi hỏi chị, bán báo 13 năm, chị đã mua được những gì cho mình rồi, chị chia sẻ: “13 năm sinh sống ở Sài Gòn, ngoài chiếc xe đạp thì tài sản duy nhất tui có được… là những tờ báo. Chuyển chỗ trọ không biết bao nhiêu lần nhưng mấy thùng báo, những số báo Giác Ngộ hay tui đều bảo quản cẩn thận, để ai có cần thì mình có cho họ”.
Ngồi coi chị bán báo, gói tờ báo cho khách hàng, người ta cho chị thêm tiền, chị không nhận vì “bán báo đạo không dám nhận tiền thêm, lấy đúng giá đề ra thôi”. Rồi người ta ép, chị cũng nhận rồi gom lại đó, được vài chục ngàn, chị lại đem đi ủng hộ từ thiện. Có một gia đình đặt báo cách xa chỗ chị đến 20 phút đi xe đạp, chị vẫn tranh thủ giờ trưa vắng khách đạp xe đạp đi giao báo. Chị bảo: “Báo nào không giao, không nhận chứ báo Giác Ngộ thì cỡ nào cũng phải giao cho khách. Trời nắng nóng vậy chứ đi giao sớm một giờ thì vui thêm được một giờ. Giao báo đạo là cách để tôi vơi nỗi buồn và tìm chút phước đức hồi hướng cho anh, em nên lúc nào cũng làm bằng cả cái tâm, với tất cả tấm lòng”.
Hạnh Ý
_____________
* Đọc thêm:
>> Với tôi, Giác Ngộ là ban, là thầy...
>> "Phần đông độc giả hài lòng về Báo Giác Ngộ"
>> Báo Giác Ngộ "dắt" tôi vào nghề
>> Tôi yêu mến Giác Ngộ dùng không là Phật tử
>> Gửi gắm với Giác Ngộ tuổi 38