Một thoáng Myanmar

Giác Ngộ - Chính trường không bình yên, nhưng cuộc sống người dân Myanmar lại trầm lặng, êm ả lạ thường. Không tất bật, bon chen. Có lẽ đất nước này thấm nhuần những lời dạy của Đức Phật về một đời sống giản đơn, “thiểu dục tri túc”.

Người ta không cần kiếm tiền bằng mọi giá để phải lao tâm khổ xác, có khi còn tạo nghiệp ác. “Thà đi ăn xin còn hơn ăn cắp”, vì ăn cắp với bất cứ hình thức nào thô thiển hay tinh vi đều là phạm giới, tạo ra nghiệp xấu… 

_MG_5873.jpg

Myanmar bình yên  - Ảnh: Nguyên Hải


Gọi một thoáng có lẽ chính xác vì chuyến đi lần đầu đến Myanmar (Miến Điện), chúng tôi chỉ có 5 ngày ở Yangon thủ đô cũ của Miến Điện, và Bago một thành phố có nhiều di tích thắng cảnh Phật giáo cách Yangon khoảng 80km.


Một thoáng có nghĩa là chỉ lướt qua, thường rất ít điều lướt qua mà còn lưu lại lâu dài trong ký ức, nhưng ở Myanmar thì khác, đến nay tôi vẫn chưa tiêu hóa hết những cảm xúc ngạc nhiên, thú vị của lần gặp gỡ ban đầu này.


Yangon chỉ cách Sài Gòn có 2 giờ bay, hai nước Myanmar và Việt Nam đều có chung dòng Mekong. Sông chảy có khi cuồn cuộn, có khi êm ả như dòng thời gian vẫn cứ trôi, trôi trên số phận của mỗi dân tộc và trôi trên số phận của từng con người. Trong tôi, Myanmar là láng giềng gần, rất gần.


Tôi đến với Myanmar, trước hết có lẽ là sự tò mò muốn khám phá về một đất nước có truyền thống đạo Phật, chiếm đến hơn 85% dân số, nơi phát triển đặc sắc của Phật giáo Nguyên thủy (Therevada).


Myanmar với những thánh tích Phật giáo, chùa tháp nguy nga, tráng lệ, quê hương của nhiều vị thiền sư lỗi lạc đã hoằng pháp ở nhiều trường dạy thiền nổi tiếng trên thế giới, người dân mộ đạo, hiền lành. Nhiều năm qua Myanmar đã đóng cửa, cô lập với thế giới bên ngoài.


Trước khi khởi hành, chúng tôi có rất nhiều “cảnh báo” về Myanmar. Nào là đất nước không có an ninh, chính quyền quân đội và các lực lượng chống đối vẫn còn đụng độ, mới đây thôi vào tháng 11 - 2010 ở vùng Đông bắc Myanmar có đến gần 20.000 người Miến vượt biên sang Thái Lan. Rồi còn cái sự ăn ở, đi lại thiếu tiện nghi, thành phố cái gì cũng cũ và nghèo, xe hơi tay lái nghịch model khoảng 2, 3 chục năm về trước, internet chập chờn, điện thoại thì mắc khủng khiếp, 4 usd cho 1 phút gọi về VN, chưa kể 15% phụ phí.


Tôi thầm nghĩ: thôi thì thử sống 5, 7 ngày ở một nơi xa lạ không điện thoại, không internet, tóm lại cuộc sống “không điều kiện”, biết đâu cũng là một trải nghiệm đáng nhớ, tạm xa những tất bật, ồn ào của một Sài Gòn phố thị, tạm xa ngôi nhà mà tôi dường như quen thuộc đến mọi ngóc ngách.

_MG_4701.JPG

Các vị Tăng trẻ tuần tự khất thực  - Ảnh: Nguyên Hải

Chuyến bay VN Airlines TP.HCM - Yangon buổi trưa hôm ấy, phi cơ cũ kỹ, tiếp viên toàn nam, chỉ có một cô áo dài đỏ, môi son đỏ nhưng vắng tanh nụ cười, thức ăn thì dở ơi là dở, thua cả cơm trưa văn phòng. Cả đoàn đoán già đoán non thôi rồi, viễn cảnh này là phi trường Myanmar hẳn tệ lắm đây, không chừng là phiên bản 2:0 của “Tân Sơn Nhất International Airport” thập niên 80, thế kỷ trước.


Nhưng không, phi trường Yangon đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng: sạnh sẽ, hiện đại đến bất ngờ. Chỉ có thủ tục nhập cảnh là rườm rà bởi du khách nào cũng “được” chụp ảnh kiểu “webcam” để lưu hồ sơ, nhân viên thì cứ nhẩn nha, chậm rãi đến sốt cả ruột. Máy móc hiện đại nhưng thao tác thì chẳng chuyên nghiệp nên mất hơn giờ đồng hồ đoàn mới ra khỏi phi trường.


Chiếc xe du lịch 40 chỗ, “made in Japan”, có máy lạnh, ghế ngồi tươm tất cùng với cô hướng dẫn viên mặc váy Miến truyền thống, cười thật tươi với hai bàn tay chắp lại như búp sen cúi đầu chào:“Mingalaba”, chúng tôi cảm thấy trong lòng yên ổn, mọi lo lắng dường như đã tan biến.


Yangon có những biệt thự sang trọng nằm ẩn mình trong tàng cây xanh mát mắt, và tương phản là những chung cư cũ kỹ, những ngôi nhà nhỏ bé, ọp ẹp. Từ phi trường về đến trung tâm thành phố, giao thông là những con đường cao tốc 4, 6 làn xe, không biết xây từ đời nào nhưng thông thoáng hơn đường ở TP.HCM rất nhiều.


Không thấy có xe gắn máy 2 bánh mà chỉ có những chiếc xe lôi (loại xe đạp chở khách), xe lam, xe du lịch, xe tải, xe buýt cũ kỹ bụi bặm, tưởng như có thể bung cánh cửa hay rơi bánh xe trên mặt đường bất cứ lúc nào, thế mà chúng vẫn bon bon trên đường, nghiêm chỉnh ngừng lại khi đèn đỏ và lái xe  thì không nhấn còi loạn xạ như ở Việt Nam, đặc biệt là không thấy bóng dáng một cảnh sát nào.


Myanmar là một quốc gia có diện tích tự nhiên lớn nhất vùng Đông Nam Á, khoảng 670 triệu km2 và dân số chưa đến 50 triệu, chia thành 7 bang và 7 vùng hành chánh, quốc hiệu mới nhất từ tháng 2 năm 2011 là Cộng hòa Liên bang Myanmar.


Người dân sinh sống phần lớn là nông lâm nghiệp, Myanmar có tài nguyên khoáng sản dồi dào như mỏ nhôm, thiếc, đồng, đặc biệt là vàng nên còn có tên là “Đất Vàng” (The Golden Land).


Ngoài ra Myanmar nổi tiếng với những mỏ đá thiên nhiên quý hiếm như  hồng ngọc (ruby), lam ngọc (sapphire) và đặc biệt là ngọc xanh, còn gọi là cẩm thạch (jade). Myanmar chính là nơi cung cấp nguyên liệu thô có chất lượng cao cho những nhà chế tác nữ trang hàng đầu thế giới. Những pho tượng Phật được tôn tạo rất mỹ thuật được triển lãm khắp nơi.


Tốc độ phát triển kinh tế chậm góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của nước này. Rừng chiếm gần 50% diện tích, có số lượng gỗ tech lớn nhất thế giới và còn bảo tồn được nhiều động vật hoang dã quý hiếm.


Chúng tôi có đi thăm nơi chăm sóc những con voi trắng, gọi là “bạch tượng”. Nói là “trắng” vì da voi màu vàng nhạt, chứ không phải màu đen như loài voi thường thấy. Đuôi bạch tượng được cho là rất quý, trong và dai như sợi cước. Người ta dùng sợi lông đuôi bạch tượng quấn lại thành những chiếc nhẫn đeo vào ngón tay, người ta cho đây là linh vật, mang lại may mắn và tài lộc đối với người đeo nó. Du khách VN, nhất là quý ông mua ào ào, giá khoảng 10 đô la/chiếc.


Như một cô gái xinh đẹp, quần áo lụa là gấm vóc đầy rương đầy tủ, nhưng cô gái ấy bị cấm cung, bị cô lập, phải che thân bằng những mảnh vải cũ kỹ sơ sài. Myanmar chính là cô gái xinh đẹp ấy, cô đang bị lãng quên.


Dường như người ta đã quên Myanmar hay Burma từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, từng có một công ty dầu khí hoạt động cách đây gần một thế kỷ, và từng xuất hiện trên chính trường một công dân đảm nhiệm cương vị cao nhất của một tổ chức quốc tế gọi là Liên Hiệp Quốc: Tổng Thư ký U Thant. Ông là người đầu tiên không phải là người phương Tây giữ chức vụ này trong 10 năm.

little-novice-bagon-division-myanmar-burma-canon-d60-sigma-55-250mm-aung-pyae-soe-2.jpg


Myanmar có những di sản văn hóa, tôn giáo đồ sộ, đặc sắc

lại được bảo tồn, tôn tạo cẩn trọng,

người dân thì hiền lành, tín mộ Tam bảo...


Thời ông làm việc tại New York, có những người Miến Điện giúp việc bên ông, trong số đó có một cô gái trẻ tên là Aung San Suu Kyi, con gái của một chính khách. Sau này cô trở thành nhà hoạt động dân chủ được trao tặng giải Nobel Hòa bình.


Chính trường không bình yên, nhưng cuộc sống người dân Miến lại trầm lặng, êm ả lạ thường. Không tất bật, bon chen. Có lẽ đất nước này thấm nhuần những lời dạy của Đức Phật về một đời sống giản đơn, “thiểu dục tri túc”. Người ta không cần kiếm tiền bằng mọi giá để phải lao tâm khổ xác, có khi còn tạo nghiệp ác. “Thà đi ăn xin còn hơn ăn cắp”, vì ăn cắp với bất cứ hình thức nào thô thiển hay tinh vi đều là phạm giới, tạo ra nghiệp xấu. 


Các nhà sư đi khất thực ở Miến Điện là hình ảnh cao quý và cảm động, hạnh tu này có từ thời Đức Phật còn tại thế. Đức Phật và Thánh đệ tử của Ngài đi khất thực với tâm từ bi để tạo điều kiện cho bất cứ ai, kẻ giàu người nghèo cũng đều có cơ hội mở lòng chia sẻ vì cho đi chính là bớt đi sự bám víu, lòng tham lam.


Sáng sớm, trên đường phố ở xứ này thường có những nhà sư áo màu đỏ thẫm tay ôm bình bát, người trước người sau, đi hàng một, bước chậm rãi, thảnh thơi, nhận vật phẩm cúng dường từ các thí chủ, người cho khiêm cung, người nhận trân trọng. Chúng tôi quan sát, khi thì gói xôi, nắm cơm, củ khoai, quả chuối... Thông thường, ai cúng gì quý vị thọ dụng nấy, không phân biệt chay mặn và chỉ ăn hai buổi (độ ngọ), sau ngọ là nhịn đến sáng hôm sau.


Tôi có tham dự một buổi “độ ngọ” của gần ngàn vị Tăng ở Thiền viện Kyar Khat Wine. Các nhà sư sắp hàng một đi vào trai đường, thí chủ hoặc khách tham quan đứng hai bên bỏ vào bát các vật phẩm cúng dường, hoặc “sớt bát” từ những thùng cơm to nấu sẵn vào bát các vị sư. Trong trai đường có chuẩn bị thức ăn cũng do các thí chủ nấu. Trước khi ăn đều có tụng kinh cầu nguyện và hồi hướng phước báu cho các thí chủ và tất cả mọi người, mọi loài trên trái đất này được bình an, lợi lạc.

Myanmar là đất nước của chùa chiền, mỗi khu phố, ngôi làng đều có chùa, ở đó người ta đến cầu nguyện, học giáo lý như một ngôi nhà tâm linh chung. Ở nhiều nơi, chùa còn là trường học cho trẻ em học văn hóa. Đàn ông Miến ai cũng có thời gian cạo tóc đi tu ở chùa, gọi là tu “gieo duyên”.


Gia đình người Miến thường tổ chức lễ quy y dành cho các bé trai, gọi là lễ Shin-pyu. Đây là nghi lễ quan trọng dành cho các bé trai khi đến 7 tuổi, các bé được cha mẹ mặc quần áo và hóa trang thật đẹp giống như các hoàng tử, ngồi trên những chiếc xe tải mui trần trang hoàng rực rỡ y như những chiếc kiệu hoàng gia. Các “kiệu” này sẽ đưa các bé đến chùa quy y Tam bảo, gợi lại hình ảnh thái tử Tất Đạt Đa con vua Tịnh Phạn trong ngày rời ngôi báu xuất gia. 


Du lịch Myanmar là du lịch tâm linh, đến để thực tập sống chậm trong những khoảnh khắc bình an, thanh tịnh. Tham quan các chùa hay thiền viện, du khách bắt buộc cởi bỏ giày dép, kể cả vớ, để đi chân trần vào. Xe thì thường đỗ khá xa cổng chùa, lúc chúng tôi đến, Myanmar đang mùa nắng, nền đường thì nắng nóng như lửa, các “thiện nam” trong đoàn chỉ dám than nhỏ “nóng quá, nóng quá”, nhưng cũng bị các “tín nữ” chọc quê: “Ôi, thế mà mấy ông đòi đi bộ cùng Đức Phật, như Đức Phật, vô lượng a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật nhé!”.


Tuy nhiên vào đến chùa không gian rộng rãi, thông thoáng, nền đá gạch mát lạnh, thật dễ chịu. Người Miến có một thái độ hết sức cẩn trọng, trang nghiêm khi vào chùa, không nói chuyện ồn ào, không thắp nhang khói mù mịt, họ yên lặng thiền định, cầu nguyện. Nơi nào có tiếng người lao xao, rộn ràng chắc chắn là du khách nước ngoài, họ chụp ảnh, trầm trồ phấn khích trước những ngôi chùa lộng lẫy nguy nga như cung vàng điện ngọc. Chùa ở Myanmar đúng là như thế thật.


Đến Yangon không thể bỏ qua ngôi chùa có tên Shwedagon Zeli-Daw, toạ lạc uy nghi trên ngọn đồi Shinguttara, phía Tây hồ Kandawgyi. Ngôi chùa này còn được gọi là Chùa Vàng (Golden Pagoda), nơi có ngôi tháp trung tâm dát vàng, chung quanh là quần thể gồm hàng trăm ngôi chùa mái cong, lộng lẫy với những tượng Phật bằng vàng ròng, ngọc quý, đồng đen mạ vàng được điêu khắc và chạm trổ cực kỳ tinh xảo… Tất cả làm nên một không gian tâm linh diễm lệ, cõi Phật trang nghiêm.


Chùa Vàng là một trong những ngôi chùa cổ nhất trên thế giới, lịch sử ghi rằng ngôi cổ tự này đã 2.500 năm tuổi, trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, tôn tạo và hoàn tất vào thế kỷ thứ VI, đời vua Okkalaba, nơi bảo tháp chính thờ 8 sợi tóc của Đức Phật. Mấy trăm năm qua, chưa ai được thấy xá lợi linh thiêng này.


Ngôi tháp trung tâm cao 99m, lượng vàng được dát lên tháp ước tính khoảng 5 tấn, đỉnh tháp như một vương miện được trang trí 5.448 viên kim cương, 2.317 viên đá quý, nổi bật nhất là viên kim cương nặng 76 karat. Bạn có thể chiêm ngưỡng bằng mắt thường hoặc qua một cái kính viễn vọng.


Tôi không thể tưởng tượng mình đã bị “mê hoặc” đến mức nào. Trong thời gian ngắn ngủi ở đây, tôi đã đến Shwedagon đến 3 lần. Lần đầu như một khách du lịch nước ngoài mua vé vào cửa 5USD/người, đi bằng thang máy lên đến ngôi tháp cao nhất. Lần thứ hai, đêm cuối cùng trước khi rời Myanmar, chúng tôi lại ngắm Shwedagon vào ban đêm. Quần thể ngôi tháp sáng rực bởi ánh đèn laser chiếu vào, như một quả cầu vàng, rất to nổi bật trong màn đêm, trên cao và xa hơn là ánh trăng rằm lung linh, thật là một bức tranh huyền ảo, siêu thực.


Và lần thứ ba, tôi quyết định vào 4 giờ sáng ngày hôm sau, mấy chị em chúng tôi sẽ đi bộ - thiền hành - đến Shwedagon đón bình minh trên đỉnh tháp. Sau khi được cô tiếp tân chỉ đường đi đến chùa, cách khách sạn khoảng 2km, chúng tôi im lặng đi, không ai nói chuyện với ai, tận hưởng bầu không khí mát lạnh, trong lành, thiêng liêng hiếm có như ở phố thị Sài Gòn nơi quê nhà.


Chúng tôi đi qua một cái chợ nhỏ nằm trong khu lao động, những người đàn ông Miến lục đục dọn hàng, chở hàng, và món hàng họ trưng bày sớm nhất, nhiều nhất là hoa tươi.


Giống như ở Ấn Độ, đàn ông Miến buôn bán tháo vát, đảm đang, họ mặc váy (longin) gần như phụ nữ. Chúng tôi đã được cô hướng dẫn chỉ cách quấn longin rất điêu nghệ.


Đàn ông, phụ nữ vùng Nam Miến có nước da ngăm đen, trông khắc khổ, nhưng họ thật hiền, ít nói như người Lào. Phụ nữ hay trẻ con thường trang điểm bằng một loại bột kem màu vàng nhạt được hòa từ cây thanakha mài với nước, bôi lên má và trán, có tác dụng chống nắng và dưỡng da, trông thật độc đáo và ngộ nghĩnh.


Đây là mỹ phẩm có thương hiệu của Miến Điện, giống như hơn nửa thế kỷ trước, người Việt Nam biết đến một loại dầu xoa chống ho, cảm lạnh, thường gọi là dầu cù là “Mác Su” xuất phát từ Miến Điện.


Loay hoay trong khu phố xa lạ, trời còn tối, chung quanh là những người cũng xa lạ, vậy mà tôi không có một chút cảm giác sợ hãi, lo lắng gì cả. Hỏi một người đàn ông bán hàng đường đi đến chùa, tôi chỉ nói tên Shwedagon và ra dấu bằng cái chắp tay lạy, vậy mà ông ta hiểu và ra dấu chúng tôi hãy đi theo ông.


“An lạc, chậm rãi từng bước chân”, không được rồi, ông ta đi nhanh quá, chúng tôi chạy lúp xúp sau, cuối cùng đến cổng phía Tây của chùa, không có thang máy, chúng tôi hì hục leo 175 bậc cầu thang mới đến ngôi tháp.


Đến nơi, trời vẫn chưa sáng hẳn, đèn vẫn chiếu sáng rực, gió thổi mát lạnh. Có nhiều người Miến, những du khách Phật tử và Tăng Ni đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chúng tôi nhận biết qua pháp phục quý vị đang mặc, đến rất sớm, sớm hơn cả chúng tôi.


Họ tĩnh lặng ngồi thiền hay thiền hành chung quanh tháp, chung quanh cây bồ đề, và trong các ngôi bảo tháp, nơi điện Phật, râm ran tiếng tụng niệm của thời kinh sáng.


Không khí trang nghiêm, thanh tịnh, năng lượng an lành, mát mẻ lan tỏa trong không gian. Chứng kiến phút giao thời của đêm và ngày khi mặt trăng từ từ biến mất trong mây và tia nắng đầu tiên của một ngày mới xuất hiện, tôi cảm nhận từng sát na hạnh phúc, bình yên và tôi nhận thức cảm thọ này có lẽ sẽ không đến lần thứ hai trong đời, như một triết gia đã từng nói “Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng nước”.


Đúng như thế, chùa Shwedagon và buổi sáng hôm ấy, bây giờ đã là quá khứ, là kỷ niệm.


Đến Myanmar, tôi cũng được ăn cơm Miến hai lần trong một khung cảnh thơ mộng của ngôi biệt thự vườn, dưới ánh nến, và người phục vụ mặc lễ phục của một người hầu cung đình. Thức ăn Miến quả thật là khó ăn với tôi, nhiều hương liệu, hỗn hợp mùi vị kiểu Ấn Độ, Thái và cả... Tàu.


Người Miến ít ăn thịt, họ ăn nhiều tôm cá, gà, và hầu như không ăn thịt trâu bò. Chợ cũng đầy đủ trái cây rau củ vùng nhiệt đới, thức ăn đóng gói sẵn, đồ hộp, đa số nhập từ Thái Lan.


Myanmar là nước bị cấm vận bởi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên trong khối ASEAN, hai nước Thái Lan và Singapore lại là cửa ngõ của Myanmar, buôn bán với Myanmar nhiều nhất, không kể Ấn Độ và Trung Hoa - cường quốc láng giềng có đường biên giới chung dài nhất với Myanmar và có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống chính trị, quân sự và kinh tế của nước này.


Đồng tiền lưu hành ở Myanmar gọi là kyat, ngoại tệ duy nhất được chấp nhận trong giao dịch là đồng đô la Mỹ. Khách du lịch đến đây thích nhất là các mặt hàng lưu niệm bằng đá quý, tranh, tượng, nữ trang…


Myanmar nhìn chung là nước có nền kinh tế thấp, đời sống dân chúng còn nghèo. Ngành công nghiệp không khói chỉ mới bắt đầu. Tôi có cảm nhận đất nước này như cô gái xinh đẹp đang dần dần bước ra khỏi vùng tối của sự cô lập, bao vây và những rào cản của tự do, trong đó có quyền tự do đi lại, tự do sinh sống, một cuộc sống bình yên, tốt đẹp và có ý nghĩa.


Cô gái Miến Điện, hướng dẫn viên của đoàn, là người có tất cả phẩm chất ưu tú của một “sứ giả” quảng bá ngành du lịch Myanmar, yêu nghề và giỏi nghề vậy mà cô chưa hề được đặt chân đến nước láng giềng thân cận như Thái Lan và cả Việt Nam, đất nước mà cô dành nhiều lời khen tặng làm tôi có phần xấu hổ vì thấy… chưa xứng đáng.


So với Việt Nam, Myanmar có nhiều phong cảnh đẹp, thiên nhiên còn hoang sơ, chưa bị khai thác cạn kiệt, có những di sản văn hóa, tôn giáo đồ sộ, đặc sắc lại được bảo tồn, tôn tạo cẩn trọng, người dân thì hiền lành, thật thà, những con người thường đi chân đất, vẫn còn giữ tập quán ăn bằng tay (như người Ấn Độ), nhưng họ biết sống nương tựa hài hòa với thiên nhiên và với con người.


Trong suy nghĩ của tôi, không phải Việt Nam mà chính Myanmar mới là đất nước có vẻ đẹp và duyên dáng tiềm ẩn (the hidden charm), người dân của họ xứng đáng có một đời sống tự do, phong phú và tốt đẹp nhiều hơn nữa.


Chia tay Myanmar, chia tay Chang, cô hướng dẫn viên dễ thương và các bác lái xe lặng lẽ phục vụ cho đoàn thật an toàn, chu đáo. Chang ôm tôi nói “see you next time”, tôi cười “if not, see you next life”.


Chúng tôi - hai Phật tử ở hai quốc gia khác nhau, hiểu thật sâu ý nghĩa này và cùng cười, bởi lẽ next time, hay next life không phải là thời gian quá dài.


Có duyên rồi sẽ gặp lại, không kiếp này sẽ kiếp sau, nhiều kiếp sau nữa.


Phải thế không, Chang và Myanmar của cô?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày