Mùa an cư đầu tiên

GN - Người mới xuất gia - vào chùa làm một chú tiểu, rồi khi được thọ Sa-di, Sa-di-ni hay Thức-xoa-ma-na, thường được thầy bổn sư cho theo tu học tại các hạ trường với vai trò “hầu an cư” hay “tập sự an cư”, chưa được tham dự vào các sinh hoạt mang tính đặc thù của Tăng đoàn. Cho đến khi vị ấy thọ Đại giới, bước vào mùa an cư đầu tiên, một bước ngoặt đáng nhớ trên bước đường tu được mở ra...

Anh thay QH.jpg


Vị Ni trẻ với mùa an cư đầu tiên - Ảnh: PGQN

Chia sẻ của một vài vị tân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni có mùa an cư đầu tiên dưới đây với PV Giác Ngộ - hẳn cũng là kỷ niệm của những vị đã nhiều tuổi hạ…

Ý thức vai trò của mình trong Tăng đoàn

Người xuất gia sống trong giáo đoàn của Đức Phật được tính tuổi đạo vào mùa an cư kiết hạ đầu tiên - khi chính thức thọ Cụ túc giới (Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni). Vì vậy, an cư kiết hạ không đơn thuần nghĩa là ở yên, thể hiện lòng từ bi của người tu mà an cư còn có ý nghĩa quan trọng hơn, chính là củng cố tinh thần hòa hợp và lắng nghe những chia sẻ quý báu về pháp hành từ các bậc trưởng thượng, để mỗi người tự tăng trưởng đạo nghiệp trên đường tu của mình.

ĐĐ.Thánh Quang hiện là vị có mùa an cư đầu tiên trong năm 2019 - PL.2563; thầy xuất gia tu học tại chùa Bảo Minh (TP.Tam Kỳ), đang an cư tại đạo tràng chùa Hòa An (Quảng Nam). Với thầy, mọi thứ vẫn còn khá mới mẻ, dù trước đây cũng đi tập sự an cư. Thầy Thánh Quang chia sẻ: “Lúc đó tuổi trẻ, mới xuất gia, còn nhiều tập quán thế gian nên vẫn chưa ý thức trọn vẹn ý nghĩa an cư kiết hạ. Còn mùa hạ năm nay, tôi được học kinh, luật từ chư tôn đức giảng dạy, đã dần ý thức được trọng trách của một vị trưởng tử Như Lai”.

Bên cạnh đó, “tôi nghĩ rằng nếu như tinh thần hòa hợp trong Tăng đoàn luôn được duy trì như thế này thì đạo pháp sẽ ngày một phát triển. Khi được cùng chúng tu học, ngoài học hỏi những oai nghi tế hạnh, còn học được thân giáo, khẩu giáo và cả ý giáo của các bậc giáo thọ nơi hạ trường để có thể áp dụng và tịnh hóa thân tâm của mình”, thầy Thánh Quang trải lòng.

Đồng quan điểm đó, SC.Thích nữ Đức Trang, xuất gia tu học tại chùa Chánh Lộc (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) - đang an cư tại chùa Châu Phong (TX.Điện Bàn) bày tỏ - thật sự ấn tượng nơi con đường mà mình đang đi, cuộc sống của những vị xuất gia đó chính là không đua chen, ganh ghét, hơn thua... luôn lấy pháp lục hòa làm nền tảng.

“Tôi rất hạnh phúc khi tôi không còn là một Sa-di-ni hay Thức-xoa-ma-na tập sự an cư nữa. Từ nay, tôi đã chính thức là Thích tử của Như Lai, được đứng vào Tăng đoàn và được an cư theo đúng pháp của một Tỳ-kheo-ni mà Đức Phật đã chế. Tôi thấy bổn phận và trách nhiệm của mình lớn hơn và nặng hơn nữa. Do đó, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải tinh tấn để trau dồi giới - định - tuệ, luôn luôn giữ oai nghi, tế hạnh cho đúng với tư cách của một Tỳ-kheo-ni”, SC.Đức Trang khẳng định. 

 Giữ giới - tự lợi và lợi tha

Ngày nay, các hạ trường tuy không quá khắt khe với các thời khóa tu và học, nhưng cá nhân mỗi hành giả luôn chọn cho mình một pháp hành phù hợp, để có thể sống an lạc và hoan hỷ với công việc đại chúng giao phó. Thầy Thánh Quang cho biết, khi đi an cư kiết hạ, bản thân đã phát nguyện luôn tuân thủ nội quy nơi hạ trường và hoan hỷ nhận tất cả công việc mà đại chúng giao phó - từ quét sân, bửa củi cho đến dọn nhà vệ sinh...

“Tôi thường nghe quý thầy giảng, người tu cần phải ‘bòn phước’ và tích lũy công đức để không gặp chướng duyên trên con đường tìm về nẻo giác. Ngoài thời khóa sinh hoạt chung cùng đại chúng, tôi luôn tìm cho mình những không gian riêng để đọc sách, xem kinh hay nghe giảng. Qua đó, tôi nhận ra nhiều phương pháp tu tập và áp dụng cho bản thân để tìm một hướng đi phù hợp cho việc tu học của mình trong tương lai”, thầy Thánh Quang cho biết.

Thầy nói thêm, người tu ai cũng ý thức về giới vì giới chính là tuệ mạng của mình. Vì thế, thầy luôn tự nhắc mình về việc hành trì giới luật, nhưng cũng tìm hiểu thêm các khía cạnh “khai, giá, trì, phạm” thích hợp để có thể áp dụng việc giữ giới trong thời hiện đại.

“Thời nay, việc sử dụng mạng xã hội thịnh hành trong đời sống người tu, tôi thấy trên đó có nhiều cạm bẫy đối với tu sĩ trẻ như chúng tôi nên rất thận trọng”, ĐĐ.Thánh Quang bày tỏ.

SC.Đức Trang thì khẳng định, là một Tỳ-kheo-ni, tôi luôn lấy giới luật làm nền tảng; lấy pháp tự lợi, lợi tha làm phương châm trong tu tập và hành đạo; bản thân phải nương vào Tăng đoàn để có đời sống tu tập tốt hơn.

Cô Đức Trang còn chia sẻ việc trân quý những gì đàn na tín thí dâng cúng và luôn tự hỏi mình có xứng đáng nhận lãnh những điều đó hay chưa?

Theo Sư cô trẻ này, ngoài nỗ lực của bản thân, tình pháp lữ sẽ vô cùng quý báu - như lời chư Tổ dạy: “Tăng ly chúng Tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại”. Vì thế, “tôi luôn nhìn gương đức hạnh người đi trước để soi sáng tâm thức mình. Tôi luôn ý thức nếu như không có giới luật, thầy tổ và huynh đệ thì bản thân tôi cũng sẽ không tìm được hướng đi đầy tịnh lạc và an vui như hiện nay. Tôi luôn trân quý và nguyện sống trọn vẹn với phút giây này, để lợi lạc cho bản thân và phụng sự tha nhân”, SC.Đức Trang trải lòng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày