Hình như ai đi xa Sài Gòn cũng có những nỗi nhớ như bạn. Thế mới biết, mảnh đất này ai đã từng qua, khi rời xa thường nhớ, chứng tỏ một điều rất giản dị: Sài Gòn rất đỗi dễ thương mà có khi sống trong lòng thành phố ta không cảm nhận hết, thậm chí còn… trách hờn!
Ảnh minh họa
Chợt nghĩ, với chính bản thân mình cũng có lúc mình không nhận ra những giá trị của những cái mình đang có, bỏ quên hiện tại để đến khi nó đi xa rồi mới nhớ, bâng khuâng. Mình bỏ quên hơi thở dù vẫn thở đều, thở nhưng không có ý thức nên chẳng chế tác được chút năng lượng bình an, tĩnh lặng nào.
Mình bỏ quên tuổi trẻ, lứa tuổi đôi mươi sung sức, cứ dồn vào những cuộc chạy đua bằng cấp mà quên nuôi lớn chất liệu của tình thương, sự hiểu biết, chuyển hóa những nỗi khổ đau; đồng thời, vắt kiệt sức cho những cuộc chơi miệt mài, hoang phí… Ngộ ra điều đó, để thương mình, và cũng là để gửi cho bạn một thông điệp khác từ nỗi nhớ mà bạn vừa chia sẻ.
Gọi những ngày cuối năm là mùa thương bởi những khoảnh khắc cuối năm dẫu bộn bề nhưng những vòng tay ấm áp tình người vẫn được mở ra, để san sẻ, để yêu thương. Tết ấm, mùa đông ấm, hay góp nắng cho mùa xuân, mùa xuân yêu thương… là những cụm từ quen thuộc để chuyên chở những câu chuyện cuộc sống về sự chia sẻ yêu thương của những bạn trẻ từ những chương trình tình nguyện mùa cuối năm.
Nghĩ và thương cho những tấm lòng không ngại khó, ngại khổ đã góp công, góp sức, mang hơi ấm đến những con người còn khó khổ quanh mình. Và thương là thương cho đồng bào mình, cho chúng sinh ở thời nào, ở cõi nào vẫn có những nỗi khổ niềm đau, thiếu thốn, túng quẫn. Biết là nghiệp, là nhân quả nhưng vẫn thương nên cứ thế mà cúi lạy trước đấng Tam giới tôn và nguyện cầu: “Xin mười phương chư Bụt, cho ai cũng biết tu hành, nhận diện đường giải thoát để tịnh hóa ý-khẩu-thân, gội sạch tham-sân-si, tưới tẩm hạt giống Bồ đề nơi tâm mình…”.
Lạy xuống. Tĩnh tâm. Ôi, mùa thương, xin gửi cho người một chút nắng, một chút ấm áp nơi miền
và xin một chút rét để biết lòng mình không phải đã đóng băng trước cuộc sống quanh mình!