Ai sinh ra cũng đều có cha và mẹ, ai cũng mang nặng những ân tình ân nghĩa trong cuộc đời. Vu lan là dịp để bày tỏ lòng tri ân - báo ân, nối kết tình người, bắc nhịp cầu yêu thương. Với tinh thần nhân văn cao đẹp ấy, ngày Vu lan đã in sâu vào lòng người dân Việt từ thuở xa xưa cho đến bây giờ và ngày càng được nhân rộng khắp mọi giai tầng trong xã hội.
Dù có bôn ba ngược xuôi giữa dòng đời, mỗi độ Vu lan về lại nhắc nhở chúng ta hướng về nguồn cội gốc gác của chính mình. Do đâu mà mình có mặt trên đời, từ đâu mà có hình hài, vóc dáng này… Rõ ràng đó là nhờ cha mẹ, những người đã sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta từ lúc tấm bé thơ dại cho đến ngày nay với biết bao nhọc nhằn, gian khổ, hy sinh.
Khi người mẹ biết mình có mang, một sinh linh nhỏ bé, một mầm sống đang được bao bọc chở che, thiên chức làm mẹ bắt đầu. Tuy chưa biết mặt mũi con ra sao nhưng tình thương của mẹ đã dạt dào. Con nằm trong bụng, mẹ nâng niu bảo vệ bằng mọi giá, đi đứng nằm ngồi, ăn uống đều hết sức cẩn thận, đêm ngày giữ gìn, tránh mọi tác nhân ảnh hưởng đến con. Khi con chào đời, mẹ lo từng miếng ăn giấc ngủ, không ngại dơ bẩn mỗi khi con tè vãi, nôn trớ. Rồi có đêm mẹ thức trắng để cho con được yên giấc, dịu dàng vỗ về mỗi khi con khóc quấy. Cứ thế cha mẹ đem hết sức lực, tình thương nuôi con lớn khôn mỗi ngày, không chút nề hà, than vãn. Thậm chí, có khi quá túng quẫn, dầu biết việc sai trái cha mẹ vẫn nhúng tay làm, vì con mà dám hy sinh chính mình.
“Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai. Là mẹ và cha" - Đức Phật dạy |
Đến khi con khôn lớn trưởng thành, lập gia đình, nếu gặp khó khăn túng thiếu, cha mẹ cũng sẵn sàng cho đi tất cả mà không ngần ngại. Lúc con gặp nguy hiểm hoạn nạn, cha mẹ cũng chính là người chạy vạy ngược xuôi để lo cho con. Và dầu con lớn bao nhiêu tuổi, cha mẹ có già nua, tóc bạc, lưng còng, thì tình thương của cha mẹ đối với con vẫn không thay đổi, vẫn bao la. Cho nên đối với con, cha mẹ chính là Phật, Bồ-tát. Đức Phật từng dạy “gặp thời không có Phật, khéo phụng thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (kinh Tâm địa quán).
Công ơn sâu dày của cha mẹ không lời nào diễn tả hết, tình thương bao la không gì có thể cân đo đong đếm được. Dầu chúng ta có làm tất cả mọi việc để mong đền đáp, cũng không cân xứng.
Phật dạy: “Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai. Là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm vậy cho đến trăm tuổi, nếu đấm bóp, tắm rửa, thoa gội, và dầu tại đấy có vãi tiểu tiện, đại tiện như thế, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha… Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng con khôn lớn, giới thiệu con vào đời” (Kinh Tăng chi bộ I).
Công ơn cha mẹ là đề tài muôn thuở, mà nền văn học và thi ca Việt Nam từ xưa đến nay, dầu có bao nhiêu văn từ bút mực cũng không chuyên chở hết được. Bởi lẽ, tình cha nghĩa mẹ là suối nguồn đượm thắm, trôi chảy mãi mãi, không bao giờ vơi cạn. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi ta biết yêu thương. Nhưng tình yêu thương của chúng ta phải được khơi nguồn và xây đắp từ nền tảng căn bản, đó là tình thương đối với cha mẹ. Từ tình thương cha mẹ là căn bản đạo đức, nhân rộng ra anh em, bà con, bạn bè, những người trong thôn xóm, cho đến tình nghĩa đồng bào và tất cả chúng sanh. Nếu tình thương yêu đầu tiên căn bản mà chúng ta không biểu hiện được thì chúng ta sẽ không bao giờ có được tình thương thật sự đối với những người khác.
Để cho ta thân thể và tinh thần tràn đầy nhựa sống như hôm nay, cha mẹ đã phải đánh đổi một đời lao nhọc, tảo tần. Cha mẹ lúc về già hoặc lúc đau ốm, rất cần sự thương yêu quan tâm của con cái. Do vậy, dù có bận bịu xuôi ngược bôn ba, chúng ta cũng phải dành thời gian đặc biệt để chăm lo cho cha mẹ thật chu đáo, nhất là khi cha mẹ ốm đau, đi đứng không vững vàng, trí óc không còn minh mẫn nữa.
Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng với của cải, vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam bảo thì khuyến khích có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ gian tham thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là đền đáp xứng đáng cho mẹ và cha” (Tăng chi 1, 75).
Như vậy, một Phật tử theo chánh đạo, báo hiếu đầy đủ nhất phải gồm hai phần: vật chất và tinh thần. Về đời sống vật chất thì phải lo hầu hạ, phụng dưỡng cha mẹ những nhu cầu cần thiết, để cha mẹ được thảnh thơi an dưỡng trong tuổi xế chiều. Về đời sống tinh thần, phải thường xuyên khích lệ trợ duyên cho cha mẹ học hiểu Chánh pháp, biết tránh ác làm lành, giữ gìn ba nghiệp lành, tiến đến giải thoát an vui vĩnh viễn.
Hạnh phúc thay cho những ai được cài lên ngực một bông hồng tươi thắm, với ý nghĩa còn có mẹ trên đời. Nhưng dù mẹ còn hay đã mất, hãy nhớ rằng mẹ vẫn luôn hiện hữu trong từng tế bào, trong dòng máu nóng, trong nhịp đập trái tim của mỗi chúng ta. Sự hiện diện của chúng ta cũng chính là hiện thân của mẹ. Hình bóng thiêng liêng của mẹ sẽ còn mãi không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của mỗi chúng ta.
Mẹ quê chân chất thật thà
Ươm mầm non trẻ điệu hò ca dao
Mẹ là chất giọng ngọt ngào
Cho con cuộc sống muôn màu thiên thu
Dẫu đời ấm lạnh cho dù
Trong con nhớ mãi bóng hình mẹ quê.
(Mẹ quê - Thiên Chân)
Còn đối với các bậc cha mẹ, dịp Vu lan này là một cơ hội tốt khuyến khích con cháu mình quy hướng Tam bảo. Mỗi lần về chùa dự lễ, được cài lên ngực một đóa hồng tươi thắm, được nghe những vần thơ, những khúc hát về cha mẹ, cũng chính là tưới tẩm những hạt giống yêu thương. Rồi được chư tôn đức nhắc nhở về đạo hiếu và cách làm người, cũng như tiếp cận nền giáo dục tâm lý đạo đức của Phật giáo. Các cháu đến trường thì được học kiến thức văn hóa, về chùa thì được uốn nắn về tình thương, về đạo lý làm người, đó là những thềm thang vững chắc nâng đỡ bước chân trên con đường hướng đến tương lai.
“Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông”. Trong tinh thần hướng về nguồn cội, tất cả chúng ta, dầu cha mẹ đã quá vãng hay đang còn hiện tiền, thì cũng đều phải tỏ lòng tri ân báo ân. Theo truyền thống An cư kiết hạ, thời gian này là lúc chư Tăng hoàn mãn ba tháng an cư chuyên tu, chúng ta phát tâm cúng dường Tam bảo, thiết lập đàn tràng cúng dường trai tăng, làm từ thiện, phóng sanh,... rồi đem công đức lành đó hồi hướng cho cha mẹ và những người thân đã mất. Đó là những việc làm mang lại ý nghĩa thiết thực!
Không chỉ hướng đến ân nghĩa hai đấng sinh thành, tinh thần Vu lan đi sâu vào lòng người bởi vào ngày này, chúng ta còn tưởng nhớ đến công ơn của các bậc tiền hiền, hậu hiền, những người có công với đất nước, với xóm làng, các chiến sĩ anh linh đã hy sinh để bảo vệ hồn thiêng sông núi. Và rằm tháng Bảy cũng là ngày “xá tội vong nhân”, nghĩa là ngày chúng sanh ở cõi ngạ quỷ, địa ngục được đặc ân đặc xá, giảm bớt nỗi khổ. Ở các chùa hay lập đàn tràng cầu siêu cho những âm hồn, cô hồn không nơi nương tựa, cúng thí thực, tụng kinh cầu nguyện, giúp cho họ vơi bớt khổ đau. Như vậy, người sống được thấm nhuần niềm vui phúc lạc, cõi âm cũng được đặc ân đặc xá, cho thấy tình thương của đạo Phật phủ khắp tất cả muôn loài chúng sanh, đã thể hiện trọn vẹn trong ngày lễ hội truyền thống Vu lan Báo hiếu mỗi năm.