Mùng 1 Tết ở một ngôi chùa Hoa tông

GNO - Với Phật tử gốc Hoa thì ngày mùng một được xem là ngày Tết chùa. Đó là ngày mà Phật tử đều tề tựu về chùa lễ Phật, mừng tuổi thầy trụ trì và dùng cơm chay đầu năm.

7g sáng, cổng chùa Liên Hoa (quận 11, TP.HCM) rất đông Phật tử đến chùa. Người lớn, ai cũng chọn cho mình trang phục tươm tất nhất; trẻ nhỏ xúng xính áo tràng, đồ mới thật đẹp, thật xinh xắn. Tất cả đều cười thật tươi, niềm vui luôn hiện rõ trên gương mặt khi về chùa.

tet chua.1.JPG
Trẻ nhỏ xúng xính áo mới, cười thiệt tươi khi được TT.Duy Trấn,
trụ trì chùa Liên Hoa lì xì, phát bánh kẹo đầu năm - Ảnh: Hạnh Ý

Dễ thương - là điều mà rất nhiều người nhận xét từ khi vừa bước chân đến cổng chùa cho đến khi ra về. Đầu tiên, đó là hình ảnh anh giữ xe tận tình ghi phiếu, hoan hỷ dắt từng chiếc xe của Phật tử để ngay hàng thẳng lối nhưng không nhận bất cứ tiền “lì xì” nào của chủ xe. Các em nhỏ gặp người lớn tuổi đều chắp tay chào, chúc câu “năm mới phát tài” làm người nhận được lời chúc của các em, ai cũng hoan hỷ.

Phật tử dù không quen biết nhau nhưng chia sẻ hạnh phúc với nhau rất nhiệt tình; ai cũng muốn người đến chùa đều được lì xì, nhận được phước lành như nhau. Gặp một nhóm thanh thiếu niên trước cổng chùa, cô Phật tử gốc Hoa nói một hơi, nói xong cô mới biết, các bạn trẻ không biết tiếng Hoa; rồi cô hoan hỷ “thông dịch” thêm một lần bằng tiếng Việt: “Thầy đang phát lộc, lì xì trong phòng khách, nhanh chân chạy vào để được nhận lì xì lấy hên, kẻo thầy đi tụng kinh”. Nghe cô thông báo, các bạn ai cũng cuời thật tươi, cảm ơn rồi vội vào phòng khách để chúc Tết, mừng tuổi thầy trụ trì.

Đến chùa ngày đầu năm, Phật tử chia sẻ với nhau từ thứ một. Từ việc chỉ nơi thầy trụ trì… đang ở đâu cho đến việc thông báo giờ, rủ nhau ở lại chùa dùng cơm đầu năm, tất cả đều trở nên dễ thương đến lạ. Thấy một chị Phật tử vừa lễ Phật xong, định bước chân ra về, chị A Hà liền nhanh nhẩu gọi: “Chị gì đó ơi, đừng về sớm. Chờ thêm 45 phút nữa là đến giờ đãi cơm rồi, dùng rồi về cho quanh năm bản thân được mạnh khỏe”.

Nghe cô Phật tử bảo: “Em ngại, để về nhà dùng cơm cũng được”, chú A Sỉn liền tiếp lời: “Lị đừng có ngại. Tui với cả nhà tui nè, đâu có ngại đâu. Chúng tôi đến chùa trước là lễ Phật, mừng tuổi thầy, sau là dùng cơm. Cơm do thầy trụ trì đích thân chuẩn bị, ăn rất là ngon; ở ngoài đảm bảo không ngon bằng đâu”.

Phật tử đến chùa ngày đầu năm, niềm vui phơi phới, cười tươi không ngớt, thầy trụ trì cũng vậy - nhất là khi hỏi Phật tử về lý do mùng một về chùa lễ Phật, chúc Tết thầy. Mặc dù mỗi người đến chùa trong ngày đầu năm với nhiều lý do khác nhau nhưng điểm chung là tất cả đều đến để tìm niềm an vui, mong điều may mắn, hạnh phúc đến với người thân, gia đình trong năm mới.

Khi được thầy hỏi “con về chùa làm chi”, bé Tâm An, 8 tuổi hồn nhiên thỏ thẻ: “Con thích về chùa để được thầy khen mặc đồ đẹp nè. Được thầy cho kẹo nè, rồi lì xì nữa. Con cũng thích ăn cơm ở chùa, cơm chùa rất ngon mà không có tốn tiền…”. Nghe em nói, mọi người đứng xung quanh không ai nhịn được cười.

Có người đến chùa để lễ Phật, cầu an; có người đến chùa đầu năm chỉ cốt để gặp thầy trụ trì cúng dường, gieo phước lành. Dù tuổi đã cao nhưng cô Thiện Ngộ sẵn sàng đứng trước phòng khách đợi hơn 10 phút để đến lượt gặp thầy. Chúc sức khỏe, cúng dường thầy xong, được thầy lì xì tiền lấy hên, cô hoan hỷ bảo: “Đầu năm mà lên chùa gặp được thầy trụ trì, cúng dường được cho thầy thì còn niềm vui nào bằng. Có đứng đợi bao lâu, cô cũng thấy vui. Cô tin, ngày mùng một mà làm được việc vui vẻ thì cả năm đều sống an lạc, hạnh phúc”.

Còn thầy trụ trì, thấy niềm vui hiện rõ trên gương mặt Phật tử cũng hoan hỷ: “Thấy Phật tử vui, thầy cũng vui lây theo luôn. Ngày Tết mà thế này thì mới gọi là Tết, ai cũng hoan hỷ. Mình vui mà Phật tử cũng vui. Niềm vui trao đều cho nhau…”.

Hạnh Ý

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.
Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

GNO - Tôi thường viếng các chùa và nhận thấy rằng các chú tiểu nhỏ (khoảng độ tuổi mẫu giáo và cấp 1) thường để ba chỏm tóc, còn các chú tiểu lớn hơn (khoảng độ tuổi thiếu niên, cấp 2, 3) thì để một chỏm tóc dài rồi vén bên tai. Quý Báo cho tôi biết nhà chùa chừa các chỏm tóc này cho các chú tiểu có ý nghĩa gì?

Thông tin hàng ngày