Mừng thượng thọ 100 tuổi cư sĩ Tống Hồ Cầm

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đến thăm cư sĩ Tống Hồ Cầm
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đến thăm cư sĩ Tống Hồ Cầm
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chiều 4-3-2018, báo Giác Ngộ cùng với gia đình đã tổ chức buổi gặp mặt mừng thượng thọ 100 tuổi cư sĩ Tâm Bửu Tống Hồ Cầm tại nhà hàng chay Thiện Duyên (Q.2, TP.HCM), trong không khí ấm tình đạo vị những ngày đầu năm...

Buổi gặp mặt có sự thân lâm chứng minh của Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Tổng Biên tập báo Giác Ngộ; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Tổng Biên tập Thường trực báo Giác Ngộ; Hòa thượng Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Tổng Biên tập tạp chí Văn Hóa Phật Giáo cùng chư tôn đức Tăng Ni Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, các tự viện, nhân sĩ, trí thức Phật giáo… trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận đồng tham dự.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng phát biểu chúc thọ cư sĩ Tống Hồ Cầm

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng phát biểu chúc thọ cư sĩ Tống Hồ Cầm

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM và các vị trong Ban Thường vụ đã đến tham dự, chúc mừng.

“Cư sĩ Tống Hồ Cầm, pháp danh Tâm Bửu, là người tiên phong đi đầu trong việc xây dựng tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam (GĐPT). Anh là người sáng lập nên GĐPT Xá Lợi và là Huynh trưởng cấp Dũng hiện tiền cao niên nhất GĐPT.

Đối với cá nhân tôi, cư sĩ Tống Hồ Cầm có thể nói là một người anh lớn, một người bạn đồng hành, một người thân thiết nhất của tôi cả trên con đường đạo pháp lẫn dân tộc. Sở dĩ tôi nói như vậy, vì không chỉ gắn bó với các sinh hoạt Phật giáo, trở thành tấm gương sáng, mẫu mực cho các thế hệ đàn em của GĐPT, mà anh còn đồng cam cộng khổ cùng tôi suốt quảng đường điều hành báo Giác Ngộ cho đến nay.

Không gì khác hơn là sự tri ân sâu sắc trước những cống hiến của anh với đạo pháp, mà bản thân tôi nói riêng và tập thể báo Giác Ngộ cùng GĐPT nói chung, xin gửi gắm đến anh nhân ngày lễ đặc biệt hôm nay”, Hòa thượng Thích Trí Quảng chia sẻ mở đầu buổi gặp mặt trong đạo tình với vị cư sĩ lão thành nhân dịp đặc biệt này.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM chúc mừng

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM chúc mừng

Hòa thượng cũng đã trao khánh vàng của Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, nơi cư sĩ từng đảm nhiệm Phó Viện trưởng.

Bên cạnh đó, Hòa thượng Thích Giác Toàn cũng dành cho cư sĩ Tống Hồ Cầm những lời chúc sức khỏe nhân dịp mừng thọ 100 tuổi, thông qua những vần thơ do chính Hòa thượng sáng tác.

Hòa thượng Thích Giác Toàn phát biểu chúc mừng

Hòa thượng Thích Giác Toàn phát biểu chúc mừng

Trước sự quan tâm, chia sẻ từ quý Hòa thượng cùng quan khách, cư sĩ lão thành - Huynh trưởng Tâm Bửu Tống Hồ Cầm đầy xúc động, phát biểu lời cảm tạ, đặc biệt đối với nhị vị Hòa thượng và tập thể báo Giác Ngộ, đã đứng ra chủ trì buổi mừng thọ chiều qua.

Qua đó, cư sĩ chia sẻ về niềm vui của mình những ngày còn làm báo và gửi gắm lời nhắn nhủ, động viên đến toàn thể tổ chức GĐPT...

Trong niềm hoan hỷ đó, Hòa thượng Thích Giác Toàn đã trao khánh vàng của Báo Giác Ngộ với dòng chữ "Căn lành trổ hoa", đại diện GĐPT có khánh vàng dâng lên người anh cả của mình, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, cùng phái đoàn, các đơn vị, cá nhân, thân hữu cũng tặng hoa, khánh vàng đến cư sĩ Tống Hồ Cầm vì những đóng góp cho đất nước và đạo pháp.

Cư sĩ cắt chiếc bánh nhân sinh nhật lần thứ 100

Cư sĩ cắt chiếc bánh nhân sinh nhật lần thứ 100

Cư sĩ xúc động phát biểu tri ân chư tôn đức và quan khách, thân hữu

Cư sĩ xúc động phát biểu tri ân chư tôn đức và quan khách, thân hữu

Các người con của cư sĩ Tống Hồ Cầm

Các người con của cư sĩ Tống Hồ Cầm

Chư tôn đức tham dự

Chư tôn đức tham dự

Thân hữu tham dự

Thân hữu tham dự

Cư sĩ Tống Hồ Cầm sinh tháng 2-1918 tại Huế, trong một gia đình thuần Phật giáo và ở mảnh đất là chiếc nôi của Phật giáo với nhiều vị danh tăng. Ngay từ nhỏ, ông đã quy y Tam bảo, được Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nguyên ở tổ đình Sắc tứ Tây Thiên (Huế) quy y và cho pháp danh Tâm Bửu.

Từ năm 1940, mới ngoài 20 tuổi ông đã viết báo, làm thơ… phản ánh thực tại cuộc sống lúc bấy giờ và được đăng trên các báo như Viên Âm, Phật giáo văn tập, Phương tiện, Phật giáo VN… Từ những bài báo cộng tác đến khi trực tiếp tham gia làm báo tại tờ Từ Quang - tiếng nói của Hội Phật học Nam Việt, ông được giao trọng trách Thư ký tòa soạn và làm việc liên tục trên 20 năm cho tới khi tờ báo đình bản sau ngày 30-4-1975.

Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia sáng lập tổ chức Gia đình Phật tử, huynh trưởng cấp Dũng Tâm Bửu Tống Hồ Cầm từ những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước đã có mặt ở Sài Gòn cùng với cư sĩ Võ Đình Cường gầy dựng tổ chức, làm báo và trở thành cánh chim đầu đàn - một trong những người anh cả của tổ chức Thanh - Thiếu - Đồng niên Phật tử Nam Việt thuở ấy.

Với vị thế của mình, cư sĩ - nhà báo Tống Hồ Cầm đã viết nhiều bài báo, đã tham gia ở nhiều cấp độ các phong trào đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ, bình đẳng tôn giáo…, có lúc đã bị chính quyền bắt giam trong những chiến dịch đàn áp, bị theo dõi... Tuy nhiên, ông bảo, trong ông có tinh thần Phật giáo thấm đẫm, được trui rèn trong thực tế cùng khí chất của người làm báo, bản lĩnh của một huynh trưởng nên “mình không có gì phải sợ hết”.

Sau pháp nạn và sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, lúc đó, tờ Từ Quang đình bản, nhưng cư sĩ - nhà báo Tống Hồ Cầm đã cùng các nhân sĩ Phật giáo tên tuổi khác như Võ Đình Cường, Nguyễn Văn Hàm được giao việc thành lập Báo Giác Ngộ vào cuối năm 1975, là tiếng nói của Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố. Báo Giác Ngộ đã ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1976 (lúc bấy giờ do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ nhiệm) và ông đảm trách Tổng Trị sự, sau đó Phó Tổng Biên tập phụ trách trị sự cho đến khi về hưu.

Nhắc tới ông, người ta không chỉ nhớ một nhà báo Tống Hồ Cầm, huynh trưởng Tâm Bửu mà còn nhớ đến vai trò nhà thơ với bút hiệu quen thuộc Tống Anh Nghị. Riêng ông thì tâm đắc chữ “thật” trong chính bản thân mình và trong ứng xử với mọi người, với công việc ở tất cả các cương vị, từ nhà báo, là Phó Tổng Biên tập tới người làm giáo dục với vai trò là Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM trong một thời kỳ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày